Vì sao các ngân hàng đồng loạt bán công ty tài chính cho đối tác ngoại?
Vốn được ví là “ con gà đẻ trứng vàng”, thế nhưng gần đây, các ngân hàng liên tiếp công bố các thương vụ bán vốn, thậm chí thoái vốn tại các công ty tài chính tiêu dùng cho các đối tác nước ngoài.
Phải chăng, các ngân hàng đang dần buông bỏ “mảnh đất” cho vay tiêu dùng được dự báo có nhiều tiềm năng?
Giao dịch tại Ngân hàng VPBank. Ảnh minh họa: Sao Mai
Những thương vụ đình đám
Ngày 25/8 mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Theo đó, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Kế hoạch bán SHB Finance được ban lãnh đạo SHB công bố trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, tổ chức ngày 22/4.
Đáng chú ý, SHB Finance chỉ mới được thành lập vào tháng 3/2017, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do Ngân hàng SHB sở hữu 100%. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, SHB Finance đã phủ rộng tại 46 tỉnh, thành phố; có gần 300.000 khách hàng vay và được Tổ chức xếp hạng Moody’s xếp hạng tín nhiệm B3 – triển vọng ổn định.
Theo Reuters, thương vụ bán SHB Finance được định giá ở mức 5,1 tỷ baht Thái, tương đương với 156 triệu USD. Đây được xem là thương vụ bán vốn công ty tài chính lớn thứ 2 ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Video đang HOT
Trước đó, vào cuối tháng 4/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) để bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit để thu về 1,4 tỷ USD. FE Credit cũng là công ty tài chính được định giá cao nhất ở thị trường Việt Nam hiện nay.
Ngoài 2 thương vụ trên, thị trường chuyển nhượng vốn tại các công ty tài chính đang thực sự sôi động khi một số ngân hàng khác cũng tiết lộ kế hoạch này.
Trong tháng 8/2021, tại buổi gặp gỡ giới đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, ngân hàng này sẽ thoái toàn bộ 100% vốn tại Công ty tài chính FCCOM, thay vì bán 50% vốn như kế hoạch trước đó. Hiện có 2-3 đối tác đang làm việc với ngân hàng. Dự kiến, thời gian hoàn tất bán vốn sẽ được thực hiện trong năm 2022, phụ thuộc vào việc cấp phép của Ngân hàng Nhà nước.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Guotai Junan Việt Nam nhận định, với P/B (giá trị sổ sách) trung bình của các thương vụ mua bán, sáp nhập công ty tài chính tiêu dùng gần đây, việc bán 100% vốn FCCOM sẽ mang về cho MSB ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận. Qua đó, bổ sung nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Đầu năm 2020, MSB đã đàm phán thành công chuyển nhượng 50% vốn của FCCOM cho Hyundai Card – Công ty phát hành thẻ tín dụng, thuộc Tập đoàn ô tô Hyundai, Hàn Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi chiến lược đối tác khiến thương vụ này bất thành.
Trước đó, một loạt ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã bán vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, MB và HDBank bán 49% vốn điều lệ, còn Techcombank bán 100%. Đối tác chủ yếu là định chế tài chính đến từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản với nhiều kinh nghiệm phát triển lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Hợp tác “win – win”?
Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.
Với nhiều dự báo tiềm năng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư ngoại. Việc mua lại SHB Finance với lịch sử hoạt động mới 3 năm hay mức định giá FE Credit cao hơn thị trường bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cho thấy rõ điều này.
Theo ông Seiichiro Akita, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri), thương vụ mua lại SHB Finance là sự kiện quan trọng nhấn mạnh cam kết của Krungsi đối với chiến lược mở rộng thị trường ASEAN theo kế hoạch kinh doanh trung hạn trong giai đoạn 2021-2023.
Về phía các ngân hàng nội, việc bán vốn tại các công ty tài chính cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho các ngân hàng. Bên cạnh kinh nghiệm quản lý, các thương vụ này còn giúp ngân hàng tăng sức mạnh về tài chính và mở rộng quy mô, khai thác tốt hơn mảnh đất “màu mỡ” cho vay tiêu dùng trong tương lai.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB cho biết, việc bán vốn ở SHB Finance cho đối tác Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, phát triển khách hàng, sản phẩm. Đồng thời, mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế, nâng cao uy tín, hình ảnh SHB trên khu vực và thế giới.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, bán 49% vốn điều lệ ở FE Credit không đồng nghĩa với việc VPBank từ bỏ thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, mà tiếp tục là một bên tham gia tích cực trên thị trường với nhiều tiềm năng phát triển. Khoản lợi nhuận gần 1,4 tỷ USD thu được từ bán vốn sẽ giúp VPBank tăng thêm sức mạnh tài chính cho ngân hàng mẹ và là cơ sở để ngân hàng tăng vốn điều lệ vào năm 2022 như lộ trình đã công bố.
Việc lựa chọn Tập đoàn SMBC, một đối tác Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở khu vực Châu Á cũng cho thấy tham vọng của VPBank trong việc muốn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường này.
“Nhu cầu đại chúng về tài chính tiêu dùng hiện là rất lớn. Các mô hình tài chính tiêu dùng thành công ở Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc… cũng minh chứng cho điều này. Do đó, việc VPBank liên kết với SMBC sẽ hỗ trợ ngân hàng củng cố chiến lược về tài chính tiêu dùng – một trong 3 trụ cột kinh doanh của ngân hàng. Đồng thời, giúp ngân hàng có nhiều hỗ trợ về mặt kinh nghiệm quản trị, nguồn vốn rẻ, mở rộng tầm hoạt động ra khu vực…”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.
Trong một báo cáo phân tích VPBank, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, FE Credit đã tận dụng thành công sự bùng nổ trong thị trường tài chính tiêu dùng khi vẫn còn trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi dư nợ cho vay của công ty luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lợi nhuận ròng lại có xu hướng giảm, do phải duy trì chi phí vốn cao và nợ xấu tăng nhanh.
Sự mở rộng nhanh chóng của dư nợ cho vay đã gây áp lực lên nguồn vốn của ngân hàng mẹ, đẩy chi phí vốn của VPBank lên mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết tại HOSE. Do vậy, việc VPBank thực hiện thoái vốn ở thời điểm này là hợp lý, cũng là giúp ngân hàng tiếp cận với kinh nghiệm quản lý của định chế tài chính có lịch sử hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở khu vực châu Á.
VPBank bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC Nhật Bản
Với việc bán 49% vốn điều lệ, FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng từ SMBC.
Ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc FE Credit phát biểu tại lễ ký kết. (Ảnh: CTV/Vietnam )
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) để bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với mức định giá 2,8 tỷ USD.
Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.
Thông qua giao dịch này, FE Credit kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và các kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ Tập đoàn SMBC, đặc biệt là từ SMBCCF - công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, giao dịch này sẽ bổ sung một nguồn vốn lớn cho VPBank, góp phần nâng cao tiềm lực tài chính của ngân hàng để nắm bắt các cơ hội đầu tư mới trên thị trường.
Đối với Tập đoàn SMBC, khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á. SMBC kỳ vọng khoản đầu tư này tạo ra sức mạnh cộng hưởng theo cả hai chiều: Chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình và tiếp thu bí quyết kinh doanh của đối tác.
Theo Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), việc bán 49% vốn tại FE Credit với mức định giá gấp khoảng 4 lần giá trị sổ sách, ngân hàng có thể ghi nhận một khoản lãi ròng là 21.000 tỷ đồng.
Với nguồn vốn này, VPBank sẽ giảm bớt sự phụ thuộc nguồn huy động từ khách hàng, qua đó giảm chi phí vốn bình quân. Sau khi thương vụ hoàn tất, lợi nhuận trước trước thuế hợp nhất của VPBank ước tính tăng 800 tỷ đồng so với kịch bản không có thương vụ bán vốn tại FE Credit. Trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm 1.130 tỷ đồng.
Hệ số an toàn (CAR) của ngân hàng cũng cải thiện lên khoảng 16% trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm về 18,6% do ảnh hưởng của nguồn vốn tăng thêm. Mặc dù ROE giảm 2,25%, quy mô vốn lớn hơn đáng kể của VPBank sẽ giúp ngân hàng đảm bảo mức tăng trưởng khả quan trong 2 đến 3 năm tới./.
Ngân hàng và nỗi lo rủi ro gia tăng nợ xấu sau đại dịch Dịch COVID-19 kéo dài và nhiều tỉnh thành phải áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đang khiến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài "cơn bão" này, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của ngành thường có độ trễ hơn...