Vì sao các nền văn minh đặc sắc biến mất? (kỳ 2)
Môn bóng đá của nền văn minh Olmecs ở Mexico cho phép người thắng chặt đầu kẻ thua, còn nét đặc trưng của nền văn minh Mississippian ở Mỹ là những ngọn đồi đất khổng lồ.
Vương quốc Tikal, Guatemala
Dấu vết còn sót lại của vương quốc Tikal là 5 kim tự tháp chót vót mà người xưa xây từ năm 250 tới năm 900 sau Công nguyên. Chúng nằm tương ứng với vị trí mặt trời nên giới nghiên cứu đưa ra nhiều giả thuyết về lý do người Tikal xây chúng.
Tàn tích của vương quốc Tikal. Ảnh: Wikipedia.
Trên thực tế, Tikal là một trong những quốc gia độc lập thuộc nền văn minh Maya, trải qua thời kỳ cực thịnh từ năm 200 đến năm 900 sau Công nguyên. Vương quốc từng thống trị phần lớn nền văn minh Maya về kinh tế, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy vương quốc Tikal bị chinh phục vào thế kỷ thứ 4, dẫn đến sự lụi tàn của nó vào cuối thế kỷ thứ 10. Toàn bộ tàn tích của nó nằm bên trong Vườn quốc gia Tikal, Guatemala.
Nền văn minh Monte Albán, Mexico
Các nhà khảo cổ nhận định nền văn minh Monte Albán, nằm trong thung lũng Oaxaca, đạt đến trình độ đáng ngạc nghiên về tư duy quy hoạch đô thị. Theo các tài liệu, nền văn minh này xuất hiện năm 500 trước Công nguyên. Họ từng xây kim tự tháp, sân vận động và những công trình lớn.
Nền văn minh Monte Albán ở thung lũng Oaxaca, Mexico. Ảnh: Wikipedia.
Khu vực tế lễ của Monte Albán nằm trên một ngọn đồi có chiều cao 1.940 m so với mực nước biển nhưng nó chỉ đạt chiều cao khoảng 400 m so với đáy thung lũng Oaxaca. Ngoài những công trình hoành tráng, người xưa còn xây dựng rất nhiều bậc thang nhân tạo xung quanh thung lũng.
Nền văn minh Monte Albán đạt những thành tựu lớn về kiến trúc, tổ chức chính trị – xã hội và kinh tế, giúp nó thống trị khu vực trong thời gian dài. Tuy nhiên, sau đó Monte Albán trải qua tình trạng suy thoái, khiến nó suy tàn trong khoảng thời gian từ năm 500 đến năm 750 sau Công nguyên.
Video đang HOT
Nền văn minh Olmecs, Mexico
Đây là một trong những nền văn minh man rợ nhất châu Mỹ. Họ thường xuyên tiến hành những nghi lễ man rợ, sử dụng con người làm vật tế thần. Tuy nhiên, nền văn minh này cũng tạo ra socola, một loại thực phẩm độc đáo mà con người sử dụng tới tận ngày nay.
Khối đá hình đầu người của nền văn minh Olmecs. Ảnh: Wikipedia.
Nền văn minh Olmecs khởi nguồn từ năm 1200 trước Công nguyên. Di sản mà họ để lại là những tác phẩm điêu khắc độc đáo và môn bóng đá man rợ, cho phép người thắng chặt đầu những kẻ thua cuộc. Các nhà khảo cổ học tìm thấy hàng chục đầu người bằng đá, bao gồm những cái đầu có khối lượng tới hơn 20 tấn. Rất có thể đây là cách người Olmecs tạo hình chiếc đầu của những kẻ thua cuộc khi họ chơi đá bóng.
Nền văn hóa Mississippian, Mỹ
Tàn tích của nền văn hóa Mississippian là những ngọn đồi đất khổng lồ, nằm rải rác ở Di tích lịch sử Cahokia Mounds, bang Illinois, Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu, những đồi đất này xuất hiện cách đây khoảng 1.000 năm. Đồi cao nhất có chiều cao 30,4 m.
Đồi đất của nền văn hóa Mississippian, Mỹ. Ảnh: CNN.
Những ngôi nhà gỗ và quảng trường lớn, nơi các nghi lễ tôn giáo diễn ra, nằm xung quanh chân đồi. Ngoài ra, người Mississippian cũng chơi những môn thể thao độc đáo. Các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều di vật bên trong các đồi đất, bao gồm cả răng cá mập trong vịnh Mexico. Trên thực tế, phần lớn nền văn hóa Mississippian vẫn là ẩn số. Thậm chí các nhà khoa học chưa thể xác định lý do khiến nền văn minh này phát triển hay biến mất vào đầu thế kỷ 14.
Theo Datviet
Vì sao các nền văn minh đặc sắc biến mất? (kỳ 1)
Nền văn minh Maya sụp đổ vì sự xâm lược của thực dân Tây Ban Nha, còn đế chế Inca diệt vong do bệnh dịch và cuộc chiến giành quyền lực.
Nền văn minh Maya
Maya là một trong những nền văn minh đặc sắc nhất thế giới do những người Maya ở châu Mỹ xây dựng từ 2.000 năm trước ở khu vực thuộc đông nam Mexico, bắc Guatemala và Honduras ngày nay.
Tàn tích còn sót lại của nền văn minh Maya. Ảnh: CNN.
Nền văn minh Maya đạt tới đỉnh cao trong lĩnh vực xây dựng bộ máy nhà nước, kiến trúc, toán học, thiên văn học hay tính toán thời gian, ngày tháng. Căn cứ vào những di vật còn sót lại, giới khảo cổ xác định rằng các quốc gia cổ đại của người Maya ra đời trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia của người Maya diệt vong trong thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 10. Quốc gia cuối cùng của nền văn minh trên bán đảo Yucatán, thuộc Mexico sụp đổ vào thế kỷ 16, sau khi Tây Ban Nha xâm chiếm khu vực.
Có lẽ nền văn minh Maya là một trong những nền văn minh gây ảnh hưởng lớn tới thế giới hiện đại. Lịch của người Maya từng khiến nhiều người lo ngại về khả năng tận thế của trái đất, bởi nó kết thúc đúng vào ngày 21/12/2012. Các nhà khảo cổ học từng đặt ra rất nhiều giả thuyết xung quanh cuốn lịch và những cuộc tranh cãi chỉ chấm dứt khi tận thế không xảy ra.
Nền văn minh của người Inca
Inca là một tộc người da đỏ sống ở Nam Mỹ. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, người Inca tạo ra một vương quốc rộng lớn có tổ chức cao. Trong thời kỳ hưng thịnh, đế chế Inca trải dài từ Ecuador đến Chile và Argentina ngày nay. Trung tâm văn hóa, kinh tế và tâm linh nằm ở Cuzco, thủ đô của Peru. Đế quốc Inca suy tàn do dịch bệnh và cuộc nội chiến tranh giành quyền lực.
Thành phố Machu Picchu của người Inca. Ảnh: CNN.
Khi nhắc tới nền văn minh của người Inca, người ta thường nhắc tới Machu Picchu - một khu phế tích nổi tiếng trên núi. Nó là thành phố gần như nguyên vẹn, ngự trị trên một quả núi hình chóp nhọn, nằm ở độ cao 2.430 m so với mực nước biển. Thành phố này từng rơi vào quên lãng trong suốt nhiều thập kỷ nhưng hiện tại nó là một trong 7 kỳ quan thế giới mới từ năm 2007.
Nền văn minh Tiwanaku
Tồn tại từ năm 500 đến 900 sau Công nguyên, nền văn minh Tiwanaku từng có dân số lên tới hàng trăm ngàn người ở giai đoạn hưng thịnh. Các nhà khảo cổ đánh giá Tiwanaku là một trong những nền văn minh quan trọng ở châu Mỹ. Tàn tích của nó nằm ở miền tây Bolivia, do người Tây Ban Nha phát hiện khi họ xâm lược ồ ạt Nam Mỹ trong thế kỷ 16.
Tàn tích của nền văn minh Tiwanaku. Ảnh: AFP.
Các tài liệu cho thấy, nền văn minh Tiwanaku từng coi họ là trung tâm thế giới. Cội nguồn của nó bắt đầu từ năm 1.500 trước công nguyên. Tuy nhiên, phải tới năm 500 sau Công nguyên, nền văn minh này mới thực sự hưng thịnh. Nó sụp đổ vào năm 1.200 sau công nguyên.
Trên thực tế, những bí mật của người Tiwanaku đã biến mất vĩnh viễn do họ chưa sáng tạo ra chữ viết để truyền lại thành tựu cho đời sau. Dựa vào những thứ còn sót lại, người ta khẳng định Tiwanaku là nền văn minh nông nghiệp. Người Tiwanaku xây dựng được hệ thống thủy lợi cao 4.000 m so với mực nước biển.
Nền văn minh Chan Chan
Theo các tài liệu nghiên cứu, nền văn minh Chan Chan khởi nguồn từ năm 850 trước Công nguyên và trải qua giai đoạn cực thịnh trong những năm đầu thế kỷ 15. Lúc cao điểm, dân số của nền văn minh Chan Chan lên tới 30.000 người. Những hình vẽ khổng lồ kỳ lạ trên cao nguyên Nazca, Peru là vết tích còn sót lại của nền văn minh Chan Chan.
Hình vẽ lạ trên cao nguyên Nazca. Ảnh: Wikipedia.
Tàn tích của nền văn minh Chan Chan cho thấy nghệ thuật xây dựng của họ đã đạt tới đỉnh cao. Họ xây dựng những công trình kiên cố và khắc hình lên những bức tường để phân chia khu vực làm việc, sinh sống hay thờ cúng. Tuy nhiên, nền văn minh Chan Chan lụi tàn khi đế chế Inca xâm lược.
Ngày nay nhân loại vẫn trầm trồ trước những tàn tích của nền văn minh Chan Chan. Những hình vẽ khổng lồ và hết sức kỳ dị trên cao nguyên Nazca khiến giới khoa học đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu. Người ta đưa ra rất nhiều giả thuyết xung quanh những hình vẽ. Nhiều người tin rằng những hình vẽ kỳ dị ấy là cách thức để người xưa liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh.
Theo Datviet