Vì sao các đội Premier League ưa dùng cựu danh thủ?
Việc nhiều đội bóng Premier League trao ấn kiếm cho các cựu danh thủ từng khoác áo CLB là một xu hướng thú vị. Nhưng nguyên nhân là vì đâu?
Đầu tiên, có thể khẳng định việc 3 đại gia Premier League là Man United, Chelsea và Arsenal tin dùng các cựu danh thủ có phần nguyên nhân lớn từ hoàn cảnh. Sau khi chia tay các HLV huyền thoại Alex Ferguson và Arsene Wenger, cả Man United và Arsenal đều rơi vào giai đoạn thoái trào. Việc những tên tuổi lớn như Louis van Gaal, Jose Mourinho (Man United) hay Unai Emery cũng không thể lấp đầy khoảng trống mà hai huyền thoại lẫy lừng bỏ lại khiến nhiều chiến tướng lưỡng lự trước lời mời từ Quỷ đỏ và Pháo thủ. Họ cần thêm nhiều điều kiện cả về thu nhập lẫn ngân sách mua sắm để mạo hiểm danh tiếng, để đảm bảo có đủ nguồn lực cho thách thức vượt qua những cái bóng vĩ đại.
Nhưng Solskjaer và Arteta thì khác. Họ có tình yêu với đội bóng cũ, nhưng lại không có gì để mất vì mới trên đường khởi nghiệp cầm quân. Về lại Man United và Arsenal, vì thế, là canh bạc chưa đánh bộ đôi tướng trẻ kia đã được chấp rồi. Điều tương tự cũng diễn ra với Lampard. Chỉ mới gây dựng chút tiếng tăm khi đưa Derby tới trận play-off tranh vé lên Premier League, cựu tiền vệ Chelsea hiểu rằng, ông không phải xấu hổ nếu chẳng may không thành công khi về dẫn dắt đội bóng cũ. Ở chiều ngược lại, Chelsea do bị cấm mua sắm cầu thủ, cũng không còn sức hút với các HLV hàng đầu. Dùng Lampard là nước cờ hợp lý nhất.
Video đang HOT
Arteta hiểu rõ Arsenal sau nhiều năm khoác áo Pháo thủ dưới thời cựu HLV Wenger
Tuy nhiên, còn một khía cạnh rất đáng nói về việc những đại gia Premier League chuyển sang tin dùng cựu danh thủ, đấy là phẩm chất cá nhân của các HLV này. Chelsea sau một mùa bóng đầy rẫy nguy cơ nổi loạn khi HLV Maurizio Sarri không kiểm soát được phòng thay đồ, đã quyết định trao ghế lái cho Lampard với hy vọng, nhân vật từng là quyền lực tại Stamford Bridge thời còn thi đấu sẽ vãn hồi trật tự. Man United cũng kỳ vọng dòng máu Quỷ đỏ chảy trong huyết quản Solskjaer sẽ giúp ông đưa con tàu Man United trở lại đường ray. Trong khi đó, Arsenal tin rằng một Arteta vốn hiểu rõ văn hóa Pháo thủ lại có triết lý bóng đá khoa học sau những năm tháng làm phó tướng cho Pep Guardiola, có thể giúp đội bóng tìm lại sức quyến rũ dưới thời Wenger.
Với những lý do như thế, sự xuất hiện của 3 cựu danh thủ kể trên ở vị trí lái trưởng có thể xem như thời thế tạo anh hùng. Giờ chỉ còn chờ xem, những người hùng ấy có tận dụng được khúc cua của số phận để gây dựng sự nghiệp hay không mà thôi!
Đức Châu
Áp lực quái ác trong làng bóng đá Anh
Tài năng của Phil Foden là miễn bàn. Nhưng anh chỉ được đá chính 3 lần khi Man City trở thành đội đầu tiên trong khoảng chục năm bảo vệ thành công danh hiệu vô địch ở Premier League mùa trước.
HLV Pep Guardiola từng thừa nhận: "Phil Foden xứng đáng ra sân. Nhưng Man City luôn có áp lực phải tranh ngôi vô địch".
Cũng vậy, Maurizio Sarri chỉ vào áp lực để giải thích vì sao cầu thủ trẻ Callum Hudson-Odoi không có cơ hội ở Chelsea, dù chính ông thừa nhận tài năng của Hudson-Odoi. Mùa này, Chelsea thay HLV, và Odoi-Hudson được ra sân nhiều hơn gấp đôi. Trong khi đó, Foden ở Man City vẫn chưa cải thiện được cơ hội một cách đáng kể. Frank Lampard là nguyên nhân lớn? Chưa chắc. Nguyên nhân lớn hơn nữa, là Chelsea không được tăng cường cầu thủ trước mùa bóng này.
Lampard đành trông vào lực lượng trẻ do chính Chelsea đào tạo. Điều quan trọng hơn: ông mạnh dạn làm thế là vì trong hoàn cảnh như thế, Chelsea của Lampard gần như không chịu áp lực đáng kể nào ở Premier League mùa này, khác hẳn Chelsea của Sarri mùa trước. Cái "gã áp lực" mà các HLV như Sarri, Guardiola luôn phải dè chừng thật ra là ai?
Là giới hâm mộ, dĩ nhiên. Nhưng đấy còn là giới bình luận nữa. Năng lực chuyên môn mà các cầu thủ và HLV thể hiện không phải do chính họ đánh giá. Giới hâm mộ và các cây bút mới là thành phần quyết định. Mà đấy lại là thành phần ít thay đổi nhất trong môn bóng đá. Quan điểm hoặc cách thưởng thức bóng đá của họ là yếu tố quan trọng làm nên đặc điểm, thậm chí làm nên trường phái bóng đá Anh. Và, bóng đá Anh xưa nay hiếm khi xem trọng tuổi trẻ!
Lampard đang trọng dụng nhiều tài năng trẻ của Chelsea chẳng qua vì không được mua sắm?
Alan Hansen từng có câu nói nổi tiếng nhằm vào M.U của Alex Ferguson: "Không thể đoạt danh hiệu gì với bọn trẻ trong đội hình". Năm ấy (mùa bóng 1995/96), Ferguson cùng những David Beckham, Paul Scholes, anh em Neville... chứng tỏ Hansen sai lầm.
Gần 20 năm sau, Hansen khẳng định, khi được hỏi về câu nói "bất hủ" ngày xưa: "Tôi vẫn sẵn sàng nói lại như thế. Chẳng qua, khi ấy M.U vô địch, thành ra là tôi nói sai thời điểm. Thật ra, M.U vô địch nhờ Peter Schmeichel, Steve Bruce, Gary Pallister, Eric Cantona"! Cứ nhìn lại những Gianluca Vialli, Dennis Bergkamp, Ruud Gullit, George Weah, Gianfranco Zola (lưu ý độ tuổi khi họ sang Anh)..., xem bóng đá Anh trọng vọng các ngôi sao luống tuổi như thế nào.
Ở cột mốc 40 trận đầu tiên mùa này, trang web của Premier League thống kê rằng đây là mùa bóng mà tuổi trung bình của các đội hình chính là trẻ nhất trong 11 năm. Chelsea và M.U đều đã giới thiệu đội hình chính trẻ nhất trong lịch sử dự Premier League của họ. Nhưng Arsenal mới là đội trẻ nhất Premier League mùa này. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Premier League, cả 3 ông lớn Arsenal, M.U, Chelsea đều không có áp lực phải tranh ngôi vô địch?
Lộ diện sao cầm đầu "nổi loạn" chống giảm 30% lương Ngoại hạng Anh Một cuộc họp giữa giới cầu thủ với ban tổ chức Ngoại hạng Anh cùng đại diện các CLB tiếp tục được tổ chức. Một lần nữa yêu cầu giảm lương bị đại diện giới cầu thủ - đó là đội trưởng CLB Liverpool - tiền vệ Jordan Henderson từ chối. Tờ Daily Mail đưa tin, cuộc tranh luận về vấn đề giảm...