Vì sao các đại học ở Hà Nội vẫn chưa định ngày mở cửa?
Hầu hết các trường chưa biết khi nào mới có thể đón sinh viên trở lại, chủ yếu do chưa yên tâm về độ phủ vaccine.
Hà Nội được xếp vào nhóm cấp độ 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới) về dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa các trường trên địa bàn được dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, các đại học vẫn chưa thể đón sinh viên, thậm chí chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc mở cửa trở lại.
Trả lời băn khoăn này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội, lý giải, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là độ phủ vaccine.
Ngày 26/10, quy định về biện pháp phòng dịch với người dân đến, về Hà Nội từ địa phương khác được công bố. Đây là thông tin được các trường đại học quan tâm, vì một tỷ lệ lớn sinh viên của họ hiện vẫn ở quê, tại các tỉnh ngoài. Hà Nội không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 (nguy cơ rất cao) hoặc vùng cách ly, các trường hợp nghi ngờ, chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch ở cấp 3.
Người đến, về Hà Nội từ các địa phương cấp 4 hoặc khu vực phong tỏa, cách ly chia thành ba nhóm: người tiêm đủ liều vaccine phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, xét PCR một lần; người tiêm một mũi phải tự cách ly 7 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo và xét nghiệp PCR 2 lần; người chưa tiêm phải cách ly tại nhà 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, xét nghiệm PCR 3 lần.
“Rõ ràng mọi biện pháp phòng dịch lúc này đều đặt tiêu chí về độ phủ vaccine lên hàng đầu bởi đây là cách hiệu quả để giảm lây nhiễm và tỷ lệ tử vong. Với khoảng 13.000 trong số 37.000 sinh viên toàn trường chưa được tiêm mũi vaccine nào, chúng tôi không thể định ngày mở cửa trường lúc này dù rất mong được đón sinh viên trở lại”, ông Điền chia sẻ.
Chưa kể, sinh viên chưa tiêm vaccine khi đến Hà Nội sẽ phải tự cách ly 14 ngày rồi tự theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày nữa. Việc này không dễ dàng trong bối cảnh sinh viên chủ yếu ở trọ, điều kiện tự cách ly không đảm bảo. Ngay cả khi trường có chuẩn bị được vaccine để tiêm cho các em thì cũng cần 4 tuần để tạo kháng thể.
Các tỉnh, thành đều đang ở cấp 1, 2 về mức độ dịch, chỉ số ít huyện và xã ở cấp độ 3, 4, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp với nhiều ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây ở nhiều tỉnh, thành. “Với các trường đại học, sinh viên đến từ nhiều địa phương, chúng tôi cần thận trọng và căn cứ tình hình thực tế”, ông Điền nói.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong ngày đầu quay trở lại trường sau đợt bùng dịch đầu tiên, hôm 2/3/2020. Ảnh: Ngọc Thành
Tương tự Bách khoa, dù rất muốn mở cửa trường do đào tạo các ngành thiên về kỹ thuật, Đại học Điện lực vẫn chưa thể lên lịch đón 14.000 sinh viên. Trưởng phòng Đào tạo Trịnh Văn Toàn cũng nhắc đến vaccine như là yếu tố quyết định.
Ngoài ra, theo ông Toàn, trường còn chờ đợi hai yếu tố khác, gồm hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường đại học và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đối với các trường do thành phố quản lý. “Hà Nội chưa thể mở cửa các trường phổ thông dù học sinh sinh sống trên địa bàn, chủ yếu đi học gần nhà thì các trường đại học có sinh viên đến từ khắp các tỉnh phía Bắc cũng khó có thể dạy trực tiếp”, ông Toàn nói.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng cơ sở vật chất, điều kiện phòng, chống dịch khi sinh viên đi học trở lại và cũng rất mong mỏi được dạy học trực tiếp vì có nhiều bài thực hành không thể dạy online. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ và chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, nhà trường không thể nóng vội mở cửa trường ngay vì có thể đối mặt nhiều nguy cơ”, ông Toàn nói.
Video đang HOT
Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lớn nhất, kéo dài tới hết tháng 4/2022 với mục tiêu bao phủ 70% dân số. Trong đó, giáo viên, học sinh, sinh viên nằm trong 16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Tuy nhiên một số tỉnh, thành kiểm soát dịch tốt, dân cư không quá đông, ít khu công nghiệp, chưa được phân bổ nhiều vaccine để tiêm cho toàn dân, dẫn đến còn nhiều sinh viên chưa được tiêm.
Trong khi chờ đợi vaccine, các trường chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thống kê số sinh viên chưa tiêm.
Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Điện lực cho hay, trường đang rà soát số lượng sinh viên chưa tiêm. Sau khi có thống kê, nhà trường sẽ có công văn gửi các cơ quan chức năng ở Hà Nội để sinh viên khi trở lại trường được tiêm theo phường hoặc trung tâm y tế sao cho đạt độ phủ vaccine cao nhất.
Với cùng mục tiêu đó, các trường như Đại học Mỏ – Địa chất, Kinh tế Quốc dân cũng đang tiến hành những công việc tương tự Đại học Điện lực. Theo PGS.TS Triệu Hùng Trường, Hiệu phó Đại học Mỏ – Địa chất, rất nhiều trong số hơn 8.000 sinh viên của trường đã được tiêm hai mũi vaccine tại địa phương. Nhiệm vụ của trường bây giờ là làm việc với các phường để có thể tiêm cho số còn lại.
“Sinh viên sốt ruột vì từ tháng 5 chưa được tới trường. Chúng tôi cũng vậy nhưng không thể vội vàng khi tỷ lệ tiêm chủng tại các địa phương không giống nhau. Nếu ồ ạt cho sinh viên trở lại lúc này, dịch bệnh có thể tiếp tục bùng phát”, ông Trường nói.
Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết hầu hết sinh viên tại Hà Nội của trường đã được tiêm đủ hai mũi vaccine, 70% ở tỉnh, thành khác đã tiêm mũi một. Những sinh viên chưa tiêm đủ hai mũi sẽ được trường đăng ký với phường và quận, dự kiến tiêm ngay cho các em trong khoảng 1-2 tuần sau khi học trực tiếp.
Hiệu trưởng Chương cho hay trường được trưng dụng là điểm tiêm vaccine trong suốt đợt dịch thứ tư nên luôn sẵn sàng về mặt tổ chức, cơ sở vật chất để hỗ trợ đội ngũ y tế.
Hà Nội chưa có dự kiến cụ thể về việc tiêm vaccine bổ sung đối với sinh viên khi trở lại Hà Nội học tập. Tuy nhiên, các tổ dân phố vẫn thường xuyên rà soát người chưa được tiêm như lao động ngoại tỉnh, sinh viên trở lại Hà Nội trong thời gian gần đây để lập danh sách tiêm bổ sung mỗi khi phường, xã được phân bổ thêm vaccine và có đợt tiêm.
3 chị em ruột là sinh viên Y, cùng đi chống dịch ở TP.HCM
Tú Linh, Huyền Trang, Thanh Tuyền (quê Quảng Trị) cảm thấy may mắn khi được góp sức trong cuộc chiến chống dịch của TP.HCM suốt hai tháng qua.
Cuối tháng 7, 3 chị em Trần Thị Tú Linh, Trần Thị Huyền Trang (đều tốt nghiệp ĐH Y Dược Huế) và Trần Thị Thanh Tuyền (sinh viên năm nhất Khoa Răng Hàm Mặt, trường Đại học Văn Lang) cùng lên tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.
Ban đầu, cả ba không đi chung đội, ở đâu thiếu tình nguyện viên hỗ trợ họ lại đăng ký đến giúp. Sau khi nhân lực ổn định hơn, mấy chị em được chuyển về cùng làm việc tại đội tiêm vaccine của quận Gò Vấp và tham gia thêm đội cấp cứu lưu động tại quận 5.
"Đều là những người theo học ngành Y, được đào tạo bài bản nên chị em mình cảm thấy có trách nhiệm hỗ trợ chống dịch khi thành phố bùng phát Covid-19 trở lại. Sức lực mỗi người có hạn nhưng khi cả tập thể, cộng đồng cùng đồng lòng, đồng sức, mình tin cả nước sẽ sớm vượt qua đại dịch", chị cả Tú Linh nói với Zing .
Thanh Tuyền, Tú Linh, Huyền Trang (từ trái sang phải) cùng tham gia chống dịch ở TP.HCM.
May mắn vì có chị, có em
Linh kể sau gần hai tháng tham gia chống dịch, cô và hai em đã quen với thời gian biểu mới.
Buổi sáng, không cần cài báo thức, cả ba vẫn thức dậy vào lúc 6h theo đồng hồ sinh học. Lau dọn phòng trọ, vệ sinh cá nhân xong xuôi, khoảng 7h, 3 chị em đèo nhau đến điểm tiêm chủng bằng hai chiếc xe máy.
Công việc không có thời gian kết thúc cụ thể mà phụ thuộc vào số lượng người dân đến tiêm vaccine hôm đó, ít thì xong sớm, nhiều thì có thể cấn sang cả giờ nghỉ.
"Những hôm đông chắc chắn sẽ mệt hơn. Thế nhưng, cuối ngày được nghe số lượng người dân đến tiêm nhiều hơn hôm trước thì mấy chị em lại thấy rất vui vì cảm thấy mọi người đã ý thức được việc tiêm vaccine có thể bảo vệ sức khỏe bản thân", Linh kể.
3 chị em làm việc tại đội tiêm vaccine của quận Gò Vấp và đội cấp cứu lưu động của quận 5.
Nhỏ tuổi nhất trong 3 chị em, Thanh Tuyền chia sẻ lúc đầu cô có hơi lo lắng vì ngày tham gia tình nguyện bản thân mới tiêm mũi một vaccine khoảng 4 ngày.
"Thế nhưng, may mắn là mình có người thân luôn ở bên cạnh hướng dẫn và động viên. Các chị đưa nhiều tài liệu vaccine cho mình đọc, hướng dẫn rất kỹ về việc mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, sát khuẩn. Mỗi ngày, mình cũng được hai chị đưa đón đến các điểm tiêm vaccine và khi có thắc mắc gì có thể hỏi ngay".
Những hôm nào điểm tiêm nghỉ hoặc đủ nhân lực, 3 chị em lại đánh xe sang quận 5 hỗ trợ đội cấp cứu lưu động tại nhà. Công việc thường kéo dài tới 22h.
Đối với Huyền Trang, một trong những điều vui nhất khi đi chống dịch là 3 chị em được gần gũi và thấu hiểu nhau nhiều hơn.
"Vài hôm cũng nản lắm, nhất là những lúc bận đồ bảo hộ kín mít mà phải ngồi giữa trưa nắng hoặc dầm mưa, nhưng nhờ có chị, có em bên cạnh mà mọi chuyện đều trở nên đơn giản, nhẹ nhàng", cô nói.
Nhiều kỷ niệm
Ban đầu, khi báo tin mình và hai em sẽ cùng tham gia chống dịch, Linh không được gia đình ở quê ủng hộ. Cả ba phải thuyết phục gần một tuần mới nhận được cái gật đầu đồng ý từ mẹ.
"Kể từ đó, tối nào 3 chị em cũng gọi điện về để cả nhà an tâm. Mẹ mình động viên cả ba cố gắng và đặc biệt phải giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng khi đi chống dịch", Linh kể.
Sau hai tháng tham gia tuyến đầu, trải qua cảm giác lo sợ, bỡ ngỡ lúc đầu, giờ đây, Linh - Trang - Tuyền đều cảm thấy so với những gì bản thân đóng góp và cho đi, họ thậm chí nhận được nhiều điều quý giá hơn.
Có lần nghe người dân đi tiêm vaccine kể mắc nhiều bệnh nền, mắt kém do lớn tuổi, Linh thấy sống mũi mình cay cay vì thương. "Nhiều người được tiêm xong thì cảm ơn liên tục. Các cô chú trạc tuổi mẹ mình đối lúc lại hỏi tình nguyện viên có mệt, có đói không. Cảm giác được quan tâm lúc đó thực sự rất tuyệt".
Thanh Tuyền thấy may mắn khi được hai chị gái đồng hành, tư vấn suốt thời gian chống dịch.
Trong khi đó, Huyền Trang nhớ mãi kỷ niệm vui khi bị nhiều người dân đến tiêm nhận nhầm là con trai, thậm chí còn ngỏ lời giới thiệu con gái của họ cho cô vì cảm thấy quý mến.
"Một phần do đồ bảo hộ kín mít, bọn mình cũng hạn chế nói chuyện, phần khác là vì thấy mình nhiệt tình, mạnh mẽ quá nên nhiều cô chú hiểu lầm. Giờ nhớ lại, mình vẫn thấy vui và buồn cười", Trang kể.
Còn với Thanh Tuyền, khoảng thời gian chống dịch đã đem đến cho cô nhiều người bạn mới, có cơ hội được học hỏi các anh chị dày dặn kinh nghiệm hơn.
"Mình đã trưởng thành, tự lập hơn trước nhiều. Bây giờ, giống như bao người khác, mình chỉ mong mau mau hết dịch để cuộc sống trở lại bình thường, người dân bớt khổ. Chị em mình được về quê gặp và ôm mẹ thật chặt", Tuyền chia sẻ.
Sau ngày 15/9, người dân mắc kẹt tại TP.HCM có được trở về quê không? Hiện nay, có rất nhiều sinh viên, lao động tự do tại TP.HCM đang bị "mắc kẹt" khi thành phố áp dụng lệnh giãn cách xã hội kéo dài. Nhưng sau ngày 15/9, khi thành phố triển khai nới lỏng một vài nơi, hoặc với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, thì họ có được trở về quê hay không? Để...