Vì sao các bệnh nhân nhiễm nCoV chỉ cần điều trị ở tuyến cơ sở?
Việc điều trị, khoanh vùng tốt ngay tại cơ sở là bước phòng chống dịch viêm đường hô hấp do virus corona (nCoV) lây lan ra cộng đồng.
Vĩnh Phúc đang là tâm điểm nóng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV), với trường hợp nhiễm bệnh mới nhất – ca thứ 15, là một bé gái 3 tháng tuổi đang được cách ly điều trị tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Hiện bệnh nhi được cách ly cùng mẹ tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Không chỉ bệnh nhi này, nhiều bệnh nhân cũng đang cách ly, điều trị sức khỏe ngay tại địa phương và đều đang có tiến triển tốt. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã khẳng định, điều trị tại chỗ là quan điểm ứng phó, điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của ngành y tế.
Theo đó, bệnh xảy ra tại địa phương nào, khu vực nào sẽ tiến hành cách ly, thu dung điều trị tại đó, trừ các trường hợp bệnh nhân vượt khả năng điều trị của tuyến dưới mới chuyển lên tuyến trên. Bởi vì, trong quá trình vận chuyển rất dễ có nguy cơ lây lan bệnh tật ra cộng đồng.
“Đối với một số trường hợp đã mắc corona virus tại Vĩnh Phúc, người bệnh đã được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên và phòng khám đa khoa khu vực theo phác đồ điều trị của Bộ y tế xây dựng và tập huấn cho các nhân viên y tế toàn quốc.
Bộ Y tế cũng đã cử một đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai xuống hỗ trợ trực tiếp điều trị bệnh nhân ngay tại tuyến cơ sở về chuyên môn, kỹ thuật và nhân lực, cụ thể ở đây là huyện Bình Xuyên. Làm tốt công tác điều trị ngay tại cơ sở, khoanh vùng chống dịch ngay tại cơ sở cũng là làm tốt bước phòng chống lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Video đang HOT
Nói về các trường hợp đang cách ly, theo dõi tại Vĩnh Phúc, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đánh giá việc phân tuyến điều trị bệnh nhân nCoV như hiện nay là hợp lý và đúng với đặc tính của căn bệnh, mặc dù thế giới vẫn còn rất ít thông tin về chủng virus corona mới này. Tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, hay BV chuyên khoa như BV Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa cũng đã điều trị khỏi bệnh và người bệnh xuất viện.
“Ngay tại huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) với sự chi viện của các đội cơ động phản ứng nhanh, các bác sĩ tuyến dưới cũng đang điều trị rất tốt cho bệnh nhân nCoV, nên chưa cần thiết phải chuyển lên BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc và các tuyến cao hơn”, ông Khuê cho biết.
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định, các bệnh nhân nCoV ở Vĩnh Phúc hiện nay đều không có triệu chứng rầm rộ của bệnh như ho, sốt cao, khó thở… Do đó, đều được đưa xuống quản lý, điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế ở tuyến huyện. Tình trạng của các bệnh nhân đều bình thường, ổn định.
Tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên hiện có đội ngũ bác sĩ BV Bạch Mai đồng hành để theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Khi sức khỏe các bệnh nhân ổn định, được xuất viện về nhà thì sẽ tiếp tục được giám sát tại gia đình, hướng dẫn chăm sóc động viên người bệnh bởi y tế tuyến xã cùng đoàn thể, chính quyền địa phương.
Để chủ động phòng bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cách ly bệnh nhân ở 3 khu vực riêng gồm: Khu cách ly cho những người chưa mắc bệnh; khu cách ly của bệnh nhân đã xác định dương tính với nCoV nhưng ở thể nhẹ và khu cách ly của bệnh nhân nCoV thể nặng hơn. Điều quan trọng là người dân cần hết sức bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng mà nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế./.
Theo infonet
Cơ sở y tế tuyến huyện có đủ khả năng thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc nCoV
Đây là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) với báo giới ngày 11/2 khi đánh giá về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV tại các bệnh viện thời gian qua.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho các ca bệnh đang được cách ly theo dõi nCoV tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (ảnh chụp chiều 7/2). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Theo Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê, đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 15 bệnh nhân dương tính với chủng mới của nCoV, với đủ lứa tuổi, đủ giới tính nam, nữ, từ người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền (người bố quốc tịch Trung Quốc ở Bệnh viện Chợ Rẫy), trung niên, thanh niên, vị thành niên, trẻ nhỏ...
Về ca bệnh thứ 15 vừa mắc nCoV tại Vĩnh Phúc là bé gái 3 tháng tuổi, Phó Giáo sư Lương Ngọc Khuê cho biết mô hình, đường lây, tính chất lây của loại virus này ở Việt Nam lại thêm những thông tin mới. Bé lây từ bà ngoại, bà ngoại lại lây từ cô gái 23 tuổi mắc nCoV từ Vũ Hán trở về. "Nghĩa là đã lan sang F3, đặc biệt là bé chỉ mới 3 tháng tuổi".
Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam đã có 6 bệnh nhân khỏi bệnh, được ra viện. Những bệnh nhân còn lại trong tình trạng ổn định, sức khỏe tiến triển tốt. Quá trình điều trị các bệnh nhân chủ yếu là điều trị nội khoa, điều trị triệu chứng. Với trường hợp có viêm phổi bội nhiễm, bệnh nhân được các bác sĩ kết hợp điều trị kháng sinh.
Kết quả này đã khẳng định những nỗ lực của ngành Y tế, của các bệnh viện trên toàn quốc nói chung và các bệnh viện được phân công thu dung, điều trị bệnh nhân nCoV nói riêng, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thông tin, ngay tối qua (10/2), nam bệnh nhân LiZing đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã có kết quả âm tính. Bệnh nhân này đã tự sinh hoạt, không cần trợ thở, các chỉ số trở về bình thường. "Chúng tôi cũng xem xét để bệnh nhân ra viện khi có đủ điều kiện", Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói.
Đánh giá về năng lực tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV tại tuyến huyện cũng như các bệnh viện trên toàn quốc, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá, hiện việc phân tuyến điều trị ở Việt Nam "hoàn toàn hợp lý", đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng virus Corona mới. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến về các bệnh viện cao hơn (tỉnh, trung ương) khi quá khả năng điều trị.
Điều này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh với người bệnh; giữa người bệnh với thầy thuốc; giữa người bệnh, thầy thuốc và cộng đồng).
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang điều trị cho các bệnh nhân dương tính với nCoV, sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển rất tốt.
Đối với cháu bé 3 tháng tuổi đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên. Trong hướng dẫn phác đồ điều trị, đã có đầy đủ hướng dẫn chăm sóc điều trị bệnh nhi nghi nhiễm, nhiễm. "Với bệnh nhi này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Vĩnh Phúc có thể điều trị cho bệnh nhân. Hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc với Vĩnh Phúc đã chỉ đạo thành lập ngay Tổ thường trực giúp Vĩnh Phúc bất cứ lúc nào điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi sẽ cử chuyên gia (từ Bệnh viện Nhi Trung ương) trực tiếp về đây cầm tay chỉ việc, hỗ trợ cho Vĩnh Phúc. Nếu có những diễn biến nặng, bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn sẽ chuyển tuyến lên, nhưng hiện nay mọi thứ vẫn bình thường", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê khẳng định.
Về điều trị, ông Khuê cho hay, theo chia sẻ của Trung Quốc và nhiều nước, có khoảng 10 - 20% ca nặng vì thế ngành y tế Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn sàng số giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị gồm có thở ôxy, thở máy...
Quan điểm của y tế Việt Nam là cách ly toàn bộ khu vực bệnh nhân ở Hà Nội và tuyến cuối về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) với công suất hiện nay là 500 giường bệnh. Các bệnh viện chuyên khoa khác cũng chuẩn bị 20 - 40 giường cấp cứu điều trị trị ban đầu.
"Chúng tôi cũng thống nhất quan điểm cách ly bệnh nhân với các khu đô thị lớn như Hà Nội, không giữ bệnh nhân ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, bởi hàng ngày nơi đây đã tiếp nhận, khám, điều trị cho tới 5.000 bệnh nhân, cùng với đó là số lượng người nhà thăm nom, chăm sóc", Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh từ Trung ương đến tuyến xã cùng vào cuộc với dịch bệnh do nCoV theo phương châm 4 tại chỗ. Theo đó, tuyến Trung ương đảm nhận những ca bệnh phức tạp, nặng; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện những ca phức tạp, vượt khả năng; tuyến huyện tập trung thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm nCov. Đối với y tế tuyến xã thực hiện chức năng giám sát, phát hiện ca bệnh. Sau khi bệnh nhân điều trị khỏi, trở về gia đình và cộng đồng, y tế tuyến xã phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, chăm sóc, động viên bệnh nhân...
"Người dân cần hết sức bình tĩnh cùng nhau phát hiện sớm ca bệnh, cách ly sớm, điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa tử vong", ông Khuê nhấn mạnh.
Bích Thủy
Theo TTXVN
Cách ly thêm 185 công dân Việt Nam Đến 11 giờ ngày 11-2, các cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã làm thủ tục nhập cảnh có 375 người, trong đó có 185 công dân Việt Nam và 190 lái xe chở hàng người Trung Quốc. 185 công dân Việt Nam đã được kiểm tra y tế và đưa vào các khu cách ly để theo...