Vì sao bưởi da xanh khó sống “thọ” ở đất Bắc?
Cây bưởi da xanh khi mới trồng ở các tỉnh thành miền Bắc phát triển rất tốt. Năm thứ ba bưởi đã cho quả bói.
Nhưng cứ sau mỗi năm thu hoạch, cây bưởi có dấu hiệu lụi dần. Bà con nông dân đã và đang phải trả giá đắt khi phát triển ồ ạt theo phong trào.
Mấy năm gần đây, diện tích cây có múi, trong đó có bưởi da xanh ở các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái và đặc biệt ở tỉnh Sơn La tăng lên chóng mặt. Cây bưởi, cây cam trước đây bà con chỉ trồng ở vùng đất bằng phẳng và tươi tốt, nay nó đã được trồng trên đồi cao. Nhiều vùng san đồi, bạt núi để trồng cây có múi.
Chạy theo phong trào
Nếu như những năm trước, bà con ở mỗi vùng miền sẽ chỉ trồng những cây bản địa đã quen với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng. Mấy năm gần đây, cứ nơi nào có giống gì hay, tốt cho hiệu quả kinh tế là bà con lao vào trồng. Từ giống bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Tam Hồng (Trung Quốc) và có cả bưởi đỏ xuất xứ từ Thái Lan… Chưa biết hiệu quả đến đâu, cứ mang giống về trồng là bà con ngồi đợi hy vọng sẽ có mùa màng bội thu.
Cây bưởi da xanh được trồng rầm rộ ở miền Bắc trong những năm gần đây.
Trong ma trận giống bưởi “bủa vây” nông dân bởi những lời quảng cáo đầy hấp dẫn của cánh bán giống, bà con chưa cần khảo nghiệm mà lao vào trồng như thiêu thân. Sau 4-5 năm chăm sóc và vun trồng, bà con hy vọng sẽ thu được những vụ mùa bội thu lại nhận cái kết đắng. Cây có cho quả, nhưng chất lượng không đạt. Nhiều giống bưởi trở thành nỗi thất vọng của người trồng.
Anh Triệu Văn Quyền ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình thu hoạch bưởi da xanh. Tuy nhiên, theo anh Quyền, trong vườn bưởi của nhà, giờ nhiều cây bưởi da xanh đang chết dần.
Giống bưởi da xanh xuất xứ từ miền Nam được đưa vào trồng ồ ạt tại miền Bắc là một điển hình. Bưởi da xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng cây lại có tuổi thọ rất thấp. Anh Bùi Văn Biên ở xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình có vườn bưởi rộng 3ha. Trong đó anh trồng mấy trăm cây bưởi da xanh. Năm nay vườn bưởi đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhìn vườn bưởi đang tươi tốt, nhưng anh lại cảm thấy lo lắng, vì hiện tại nhiều cây bưởi da xanh đang tươi tốt, giờ lá đã ngả sang màu vàng.
“Tôi thấy bà con trồng được, tôi cũng trồng. Nhưng khi nghe bà con bảo, bưởi da xanh nhanh chết, giờ tôi đâm lo. Dấu hiệu cây lụi dần trong vườn đang trở thành hiện thực”, anh Biên chia sẻ.
Tại các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, đặc biệt là ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bà con trồng rất nhiều bưởi da xanh. Cùng với cây bưởi đỏ, diện tích trồng bưởi da xanh đã tăng lên nhanh chóng. Hầu hết các hộ trồng bưởi da xanh đều lo lo lắng vì cây bưởi này có tuổi thọ quá ngắn.
Ông Lê Dung ở xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc là người trồng bưởi da xanh nhiều nhất xã. Ông trồng cả nghìn cây. Đến giờ sau gần chục năm, vườn bưởi cứ lụi dần. Ông Dung đã làm đủ mọi cách mà không sao cứu được vườn bưởi. “Mấy năm đầu thu hoạch, bưởi rất sai quả, có quả nặng tới 3kg. Nhưng càng về sau, bưởi cứ chết dần”, ông Dung tiếc rẻ.
Video đang HOT
Cây bưởi da xanh đã không lại niềm vui trọn vẹn cho người trồng.
Vì sao bưởi da xanh nhanh tàn?
Do trồng bưởi da xanh không hiệu quả, hiện một số nhà vườn đã bắt đầu chặt cây hoặc trồng xen cây khác giữa hàng bưởi. Một điều dễ nhận thấy là bà con thường trồng theo phong trào. Do nóng vội hoặc thấy hiệu quả quá lớn từ giống bưởi này mà bỏ qua nhiều công đoạn. Một điều đáng tiếc là chỉ khi xảy ra hậu quả, người nông dân mới “sực tỉnh” khi chạy theo người khác mà quên mất một điều là trước khi trồng phải tìm hiểu kỹ về giống mới hy vọng thành công.
Bưởi da xanh trồng ở miền Bắc có chất lượng ngon, nhưng chỉ tiếc rằng tuổi thọ của cây rất ngắn.
Cây bưởi da xanh đang được ghép và chiết, bán giống tràn lan ở khắp các tỉnh thành của miền Bắc. Người bán giống thì quảng cáo thật tốt, bán được hàng là họ thu được lợi nhuận. Bà con nông dân mang cây về trồng phải mất 5-6 năm mới bắt đầu thu hoạch. Khi mua phải giống cây kém chất lượng, bao công lao của bà con thành công cốc.
Tuy nhiên, hiện nay không có một đơn vị nào quản lý về xuất xứ cũng như chất lượng giống. Bà con mua ở đại lý bán giống hoặc lấy mắt bưởi da xanh ở các vườn khác do họ tự thuê người ghép. Giống đó có chuẩn, có sạch bệnh không thì bà con không biết, chỉ biết cây bưởi giống đó xanh tốt là mua về.
Mua phải giống kém chất lượng chỉ là một nguyên nhân dẫn đến cây bưởi da xanh bị bệnh. Theo ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, trên cùng một diện tích, cùng một địa bàn, trong cùng một vườn, bà con trồng các giống bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, cây phát triển rất tốt. Riêng cây bưởi da xanh lại phát triển kém, đặc biệt là khi cây ở độ tuổi thứ 6, thứ 7.
Theo ông Biên, nguyên nhân cây bưởi da xanh trồng ở đất Hòa Bình nhanh lụi thì có nhiều. Nhưng qua những nhà vườn mà ông Biên tìm hiểu, ông chỉ ra một số bệnh mà cây bưởi da xanh hay mắc phải.
Trước hết là bệnh thối gốc, chảy mủ. Biểu hiện là trên cây bưởi có những vết nhũn nước, nhựa chảy ra ở phần gốc, lúc đầu có màu vàng, và khô cứng lại có màu nâu sau đó. Vết bệnh sau cùng khô và nứt, ngay vết bệnh vỏ trong bong ra. Vòng quanh thân hoặc rễ chính bệnh phát triển rất nhanh, làm lá bị vàng, nhất là gân lá, kế đó lá rụng, còn khi lá trên cành đã rụng gần hết, cành khô chết là lúc cây đã bị bệnh nặng.
Bệnh vàng lá thối rễ. Trong mùa mưa lũ hoặc sau khi tưới nước ra hoa (khi trái đã lớn), bệnh thường gây hại nặng nhất. Cây bị bệnh, gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngả màu vàng xanh và rụng đi. Cây ra nhiều chồi ngắn, lá nhỏ, nhiều hoa, trái chua và cuối cùng cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy phía cành rụng lá rễ bị thối, phần gỗ vỏ rễ bị tuột, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Tất cả rễ bị thối và cây chết khi bệnh nặng.
Ông Bùi Đức Biên kiểm tra vườn cam, vườn bưởi của gia đình.
Một loại bệnh nữa mà cây bưởi da xanh mắc phải là vàng lá gân xanh. Biểu hiện cụ thể là lá bưởi bị vàng lốm đốm nhưng gân vẫn còn xanh, gân bị sưng rồi trở nên cứng và uốn cong ra ngoài, Cây thường cho hoa và trái nghịch mùa nhưng dễ rụng, quả nhỏ, méo mó và có nhiều hạt lép đen. Hệ thống rễ cũng bị thối nhiều. Do vi khuẩn Liberobacter asiaticus, rầy chổng cánh (Diaphorina citri) làm môi giới truyền bệnh, mầm bệnh không lưu truyền qua trứng rầy và hạt giống.
Hầu hết các vườn bưởi bị chết và bị tàn lụi là do mắc phải những bệnh trên. Giống bưởi da xanh khi bị bệnh sẽ rất khó chữa. Các nhà vườn trồng bưởi da xanh khi phát hiện cây bị bệnh cũng tìm đủ mọi cách để chữa trị, nhưng đành “bất lực” nhìn vườn bưởi tàn dần.
Nói việc bưởi da xanh không hợp với thổ nhưỡng và khí hậu miền Bắc cũng chưa có cơ sở. Bởi thực tế có nhiều nhà vườn ở miền Bắc trồng bưởi da xanh vẫn thu hoạch đều. Cây bưởi phát triển tốt sau 20 năm trồng. Họ hoàn toàn sống khỏe nhờ trồng bưởi da xanh. Giống bưởi này vẫn là cơ hội để bà con làm giàu nếu như nó được quan tâm đúng mức.
Theo Danviet
Trồng cây chưa kịp hái quả đã tan cõi lòng vì bưởi da xanh
Mấy năm gần đây, bà con nông dân miền Bắc miệt mài trồng bưởi da xanh - giống bưởi xuất xứ từ miền Nam có chất lượng ngon hảo hạng.
Thời gian đầu cây phát triển tốt, nhưng những năm sau cây bưởi cứ lụi dần và chết, nhiều nông dân lâm cảnh trắng tay.
Phong trào trồng cây có múi ở miền Bắc vẫn đang phát triển rầm rộ, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng. Đi khắp các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang... đâu đâu cũng thấy bà con nói đến chuyện trồng cây có múi. Cây bưởi, cây cam được nhắc nhiều nhất.
Những năm đầu trồng, cây bưởi da xanh phát triển rất tốt ở miền Bắc.
Thời gian đầu, cây bưởi da xanh phát triển rất tốt. Quả to, mã đẹp, chất lượng ngon không kém bưởi da xanh trồng ở miền Nam. Một nhà trồng được, nhiều nông dân khác cũng nghe theo "cánh" bán giống tư vấn mà đổ xô trồng bưởi. Sau một vài năm, cây không cho quả đẹp như những năm đầu, lá ngả vàng, sau 5-7 năm trồng, cây bị thối rễ và chết.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Ông Trần Văn Minh ở xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong những hộ dân đầu tiên trồng thử nghiệm cây bưởi da xanh. Không những vậy, ông còn lấy mắt bưởi da xanh ghép vào mấy cây bưởi Diễn trong vườn nhà. Đến năm thứ 3 cây bưởi da xanh cho thu quả bói. Ông bổ ăn thử, thấy chất lượng rất ngon. Thương lái hỏi mua giá 60.000 đồng/kg. Với thời giá ngày đó, không cây trồng nào mang lại lợi nhuận cao bằng cây bưởi da xanh.
Sau thời gian phát triển, cây bưởi da xanh cứ lụi dần.
Năm thứ hai, thứ ba cho thu hoạch, mỗi cây bưởi da xanh mang lại cho ông Minh cả chục triệu đồng. "Bán cây bưởi mà vui anh à. Có bao giờ, tiền về với người nông dân nhiều đến vậy. Tôi nhẩm tính, cứ đà này, hơn chục cây bưởi da xanh của tôi, trồng cạnh vườn bưởi Tân Lạc, cho thu vài chục triệu đồng một năm" - ông Minh cho biết.
Niềm vui của ông Minh ngắn chẳng tày gang, cho thu đến vụ thứ 3, ông nhận thấy cây có nhiều dấu hiệu bất thường. Đầu tiên lá bưởi không xanh và to như những năm đầu. Lá co dần và không phát triển, ngả sang màu vàng, thân cây tàn úa. Ông đã dùng đủ các loại thuốc kích rễ, diệt khuẩn, hay dùng vôi bột chữa chạy, nhưng đành bất lực không cứu nổi cây.
Vốn là người làm vườn có tiếng, nên gia đình ông Minh thường đón nhiều chuyên gia nông nghiệp đến thăm. Ông cũng hỏi cách chữa bệnh vàng lá cho cây bưởi da xanh, nhưng các đoàn chuyên gia này đều bó tay. Nhìn cây bưởi tàn úa mà ông xót lòng, xót của.
Điệp khúc trồng rồi lại chặt khiến người nông dân bị thiệt hại nặng nề.
Không riêng gì ông Mình, nhiều gia đình khác trồng bưởi da xanh ở vựa bưởi Thanh Hối cũng đang mất đi một nguồn thu đáng kể từ bưởi da xanh. Trong khi các giống bưởi khác như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường, bưởi Diễn... phát triển rất tốt thì giống bưởi da xanh cứ lụi dần. Bà con nông dân tìm đủ mọi cách, nhưng không tài nào phục hồi được.
Hết hy vọng
Ông Chu Văn Linh, thôn Lai Cách, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội là người đầu tiên đưa bưởi da xanh về trồng ở địa phương. Bưởi của ông Linh có chất lượng ngon không kém so với giống bưởi da xanh được trồng ở các tỉnh phía Nam. Vườn bưởi của ông Linh hiện trồng 200 cây bưởi da xanh, được mua giống từ tỉnh Bến Tre. Trong 4 năm qua, ông Linh đã thuần thục kỹ thuật trồng, chăm sóc loại bưởi đặc sản này.
Năm 2018, tôi có dịp trở lại thăm vườn bưởi của ông Linh. Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến tôi vô cùng bất ngờ. Đám bưởi da xanh tàn úa. Cây không phát triển mà cứ chết dần. Ông Linh buồn rầu vì tự nhiên mất đi một khoản đầu tư lớn. Dẫn tôi đi thăm vườn, ông Linh than thở: "Mấy năm đầu, cây phát triển tốt lắm. Gia đình tôi cũng chăm nó đến nơi, đến chốn, vậy mà nay, nó cứ chết dần".
Bà con nông dân nên tìm hiểu kĩ và trồng thử nghiệm trước khi trồng đại trà, tránh tình trạng cứ trồng cây đến lúc thu hoạch lại phải chặt đi.
Năm đầu cây bưởi da xanh cho thu hoạch, ông Linh thu được cả trăm triệu đồng. Năm thứ hai, thu nhập tăng gấp 3 lần. Nhưng đến năm thứ 3, thứ tư, cây bưởi da xanh không cho thu nữa, nó tàn lụi, kéo sập cả hy vọng của ông Linh về những mùa màng bội thu.
"Tôi cất công vào tận Bến Tre lấy giống. Vậy mà, cây vẫn hư hại. Tôi cũng tìm nhiều cách để cứu vườn bưởi, nhưng đành bất lực. Tôi cho rằng, có thể cây bưởi da xanh không hợp với khí hậu miền Bắc. Bởi lẽ, nhiều gia đình khác trồng bưởi da xanh cũng rơi vào tình trạng như vườn bưởi của gia đình tôi" - ông Linh cho biết.
Không được may mắn như ông Linh, anh Triệu Văn Quyền ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cũng đang đau đầu vì cây bưởi da xanh. Cách đây 5 năm, anh có trồng hơn trăm cây bưởi da xanh chiết mua của ông vua bưởi xứ Mường Trần Văn Hùng ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Sau 5 năm chăm bẵm, anh chưa được thu mà cây đã chết dần. "Tôi lo lắm, suốt mấy năm chỉ trông cây với đất. Vậy mà giờ cây đã chết, bao công của đổ ra giờ thành công cốc" - anh Quyền than thở.
Người nông dân luôn làm theo phong trào, ít khi tìm hiểu kĩ về cây bưởi da xanh.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây bưởi da xanh trồng ở miền Bắc đều rơi vào tình trạng chết dần, chết mòn sau 6-7 năm. Bà con nông dân đã trả giá đắt khi ồ ạt xuống giống bưởi này. Không ít gia đình đã bắt đầu phải chặt bưởi da xanh, vì không sớm thì muộn, nó sẽ chết.
Nguyên do vì sao, bưởi da xanh đang phát triển rất tốt lại tàn lụi đi nhanh chóng, Danviet.vn sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.
Theo Danviet
Lạ mà hay: Cho bưởi da xanh xen canh chè chát ở Nghệ An Trồng bưởi da xanh xen canh cây chè là mô hình lạ mà hay đang được các hộ dân xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An áp dụng. Mô hình trên bưởi da xanh dưới trồng chè chát đã và đang mang lại thu nhập cao, lợi đủ đường cho nhiều hộ dân ở đây. Với tay rót ly nước mời...