Vì sao Bộ Tài chính chấp thuận giá bán sách giáo khoa lớp 1 mới dù cao hơn giá sách cũ?
Trước yêu cầu của các cơ quan quản lý, giá bán 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được công bố, tuy nhiên, nhiều phụ huynh thắc mắc giá bán này cao gấp nhiều lần so với bộ SGK lớp 1 hiện hành.
Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020-2021 chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ áp dụng đối với lớp 1. Để phục vụ cho chương trình, các bộ SGK lớp 1 cũng đã được biên soạn. Bộ GDĐT tới nay cũng đã phê duyệt 46 SGK lớp 1 (tập hợp trong 5 bộ SGK) của các nhà xuất bản sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với những vấn đề về nội dung chương trình, cách thức giảng dạy thay đổi… thì giá bán SGK là vấn đề được phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm vào lúc này bởi giá bán của 5 bộ SGK lớp 1 mới cao hơn từ 3-4 lần so với giá SGK đang được sử dụng.
Theo quy định hiện hành của Luật Giá năm 2012 và các văn bản hướng dẫn, SGK thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá gửi Bộ Tài chính là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá SGK.
Do đó, Bộ Tài chính và Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu các NXB kê khai giá và đề nghị rà soát lại các chi phí trong quá trình kê khai.
Sau khi các NXB thực hiện rà soát, kê khai lại phương án giá (lần 2) với Bộ Tài chính thì Bộ đã có Công văn số 3238/BTC-QLG, 3239/BTC-QLG, 3240/BTC-QLG ngày 20/3/2020 gửi 3 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh chấp thuận phương án kê khai giá của các đơn vị.
Theo đó, mức giá SGK mới kê khai lần 2 đã giảm so với kê khai lần 1 từ 5%-18% theo giá bìa từng cuốn, so với bộ SGK cũ thì giá bộ SGK mới tăng cao hơn.
3 nguyên nhân lý giải cho việc tăng giá sách là do, số đầu sách nhiều hơn so với bộ SGK cũ, cụ thể là thêm 5 môn học bắt buộc là Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm nên gồm 9-10 cuốn (bộ SGK cũ chỉ có 6 cuốn của môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Tập viết);
Bên cạnh đó, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 nên giá SGK kết cấu thêm một số chi phí không được ngân sách nhà nước hỗ trợ như bộ sách cũ (chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, chi phí nhuận bút lần đầu…); về quy cách chất lượng có thay đổi so với sách giáo khoa hiện hành (khổ sách lớn hơn, in màu nhiều hơn…).
Video đang HOT
Giá bán các bộ SGK lớp 1 cao hơn giá SGK hiện hành (ảnh minh họa)
Liên quan đến giá SGK lớp 1, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) từng thông tin, 3 NXB đã thực hiện kê khai giá theo quy định. Cơ quan này đã nhận 3 bản kê khai giá của 3 NXB, văn bản kê khai giá bao gồm: Bảng kê khai mức giá, bảng xây dựng hình thành mức giá bán sách giáo khoa.
Cục Quản lý giá cho biết, trước đây chi phí tổ chức bản thảo lần đầu do Nhà nước đầu tư, hỗ trợ trong giá bán SGK nên giá thành có giảm hơn so với SGK đã được xã hội hóa.
Vì trong bảng kê khai giá được các Nhà xuất bản gửi đến bao gồm: Chi phí giấy, công in, nhuận bút, tổ chức bản thảo, chi phí quản lý, chi phí lưu thông, bán hàng, chi phí tích hợp công nghệ 4.0, lợi nhuận của Nhà xuất bản… cho thấy các khoản chi nhiều hơn trước.
Vì vậy, nếu chỉ so sánh đơn thuần về mức giá của các bộ sách thì so với bộ sách lớp 1 cũ (Bộ sách đã được dùng cho năm học 2019-2020), bộ SGK mới có mức giá cao hơn.
Việc so sánh này cũng chưa tương đồng, do việc biên soạn, xuất bản 1 bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây để đáp ứng các yêu cầu về cải cách giáo dục trong tình hình mới.
Chẳng hạn như, về chất lượng, hình thức, mẫu mã, cạnh tranh, không hỗ trợ từ ngân sách chi phí tổ chức bản thảo lần đầu, số lượng SGK trong bộ SGK nhiều hơn số lượng SGK trong bộ SGK hiện hành…
Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục Nhà nước định giá bằng hình thức định giá tối đa thực hiện theo quy định của Luật Giá.
Nếu được thông qua, đây sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng SGK trong bối cảnh bước đầu thực hiện xã hội hóa đối với việc cung cấp mặt hàng này về lâu dài.
Phương Anh (t/h)
SGK lớp 1 tăng giá gấp 4 lần: Nhà xuất bản 'phớt lờ' chỉ đạo?
Dự kiến, SGK lớp 1 theo chương trình mới bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021 có giá thành cao hơn nhiều so với SGK hiện hành. Theo các chuyên gia, tuy SGK giờ được xã hội hóa nhưng vốn là mặt hàng đặc biệt nên muốn tăng giá, cần có lộ trình hợp lý.
Như Tiền Phong đã đưa tin, sau nhiều lần điều chỉnh, đến ngày 16 và 17/3 các NXB tiếp tục kê khai lại giá SGK gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ GD&ĐT (kê khai lần 2).
Trong đó, NXBGD kê khai giá 4 bộ SGK: Kết nối tri thức với cuộc sống (188.000đ); Chân trời sáng tạo (197.000đ); Cùng học để phát triển năng lực (200.000đ); Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học (189.000đ). NXB ĐHSP và NXB ĐHSP TP Hồ Chí Minh kê khai SGK (bộ sách Cánh diều) giá 215.000đ.
Trong khi đó, giá bộ SGK lớp 1 hiện hành của NXBGDVN sử dụng trong năm học 2019-2020 (đã tăng 16,9% so với những năm trước) là 54.000đ với 6 cuốn sách. Nếu so với bộ SGK hiện hành thì bộ SGK lớp 1 mới do các NXB kê khai đều có giá tăng rất cao ở tất cả các cuốn.
Cuốn SGK tiếng Việt lớp 1 năm học 2019-2020 có giá cao nhất là 14.000đ, thì cuốn SGK lớp 1 mới, kê khai giá cao nhất là 36.000đ (bằng 257% giá hiện hành); tương tự, cuốn sách hiện hành giá thấp nhất là 3.000đ thì cuốn SGK lớp 1 mới giá thấp nhất là 11.000đ (bằng 366,6% giá hiện hành).
Đáng chú ý, cùng một môn học nhưng giá SGK lớp 1 mới cũng được kê khai tăng "chóng mặt". Thí dụ, SGK Tự nhiên và Xã hội hiện hành giá 6.000đ thì cuốn tương tự của NXB ĐHSP có giá 28.000đ (bằng 466,6% giá hiện hành); SGK Toán 1 (dùng chung cả năm) hiện hành có giá 13.000đ thì SGK Toán 1 mới của NXB ĐHSP có giá 35.000đ (bằng 269% giá hiện hành);
Còn NXBGD có một số cuốn tách làm hai, tập một giá 18.000đ - 23.000đ và tập hai giá 17.000đ-20.000đ.
Ngoài SGK môn học bắt buộc, các NXB cũng kê khai giá SGK tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá từ 45.000đ - 99.000đ/cuốn. Như vậy, nếu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học cả môn tiếng Anh thì giá một bộ SGK lớp 1 mới sẽ cao ngất ngưởng. Vì giá trên mới chỉ tính đến SGK, chưa tính sách bài tập hay các loại sách bổ trở đi kèm.
Vẫn còn băn khoăn
Việc kê khai quá cao và chậm công bố giá chính thức của các NXB đang gây khó khăn cho các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn SGK lớp 1 mới để đưa vào dạy học từ năm học 2020-2021. Không những thế, với việc kê khai giá SGK lớp 1 mới tăng cao, các NXB đã đi ngược với Văn bản số 115, ngày 14/1 của Bộ GD&ĐT.
Theo văn bản này, Bộ báo cáo Chính phủ, đề xuất, mức giá kê khai giá SGK mới bảo đảm không vượt quá mức kê khai bộ SGK của NXBGD đã bán ra thị trường năm học 2019-2020; vận dụng định mức kê khai bộ SGK hiện hành để rà soát mức kê khai bộ SGK mới.
Trong khi trước đó, ngày 20/2, trong văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính cũng khẳng định thống nhất với Văn bản số 115.
Mặt khác, ngày 4/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan quản lý, kê khai giá SGK theo đúng quy định của Luật Giá và các văn bản có liên quan.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất, kiến nghị của Bộ GD&ĐT tại Văn bản số 115 để tổng hợp, đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.
Điều đáng nói, ngày 20/3, Bộ Tài chính lại có văn bản gửi ba NXB nêu trên cho rằng các NXB tự quyết định giá đã kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Quốc hội Phạm Tất Thắng khẳng định, SGK là mặt hàng đặc biệt, cho nên từ trước đến nay chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước, do hội đồng liên bộ cùng cân nhắc, quyết định. Vì vậy, giá SGK hiện hành không cao, ổn định nhiều năm, phù hợp khả năng chi trả của phần lớn người dân.
Nghị quyết 88/2013/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đề ra một chương trình nhiều SGK là muốn hướng tới mục tiêu xã hội hóa, tuân theo quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh để người dân được tiếp cận, sử dụng SGK có chất lượng tốt với giá thành phù hợp.
Khi các NXB, các tổ chức, cá nhân biên soạn, phát hành SGK sẽ tính đúng, tính đủ chi phí và có lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên, tăng giá phải có lộ trình. Còn quy định giá SGK như thế nào, có sự hỗ trợ phù hợp qua NXB hay trực tiếp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm chính sách xã hội để có sách cho tất cả học sinh sử dụng là thẩm quyền của Chính phủ.
NGHIÊM HUÊ
Vĩnh Phúc: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp Tiểu học Chiều 3-1-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Tiểu học. Theo đó, từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông sẽ bắt đầu triển khai theo chương trình mới để dần thay thế chương trình hiện hành đang áp dụng theo SGK năm...