Vì sao Barack Obama và Raul Castro tiến lại gần nhau?
Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đều có lý do để tiến lại gần nhau vào thời điểm này, đưa mối quan hệ Washington-Havana tới một thời kỳ mới, bình thường hóa sau hơn nửa thế kỷ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao – Ảnh: Reuters
Theo Reuters, quyết định trên được đưa ra sau 18 tháng đối thoại bí mật liên tục giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Do vậy, mặc dù với dư luận quốc tế, đây là một quyết định bất ngờ, thế nhưng nó đã có cả một quá trình chuẩn bị.
Chính quyền Obama đã nỗ lực trong nhiều năm đòi Cuba thả Alan Gross. Vào đầu năm 2013, nhà lãnh đạo Mỹ cho phép các cuộc đàm phán bí mật ở Canada và Vatican. Yếu tố then chốt của đàm phán là sức khỏe ngày càng suy yếu của Alan Gross, nhằm vào vấn đề nhân đạo, điều này gây sức ép lên chính phủ Cuba ngày càng lớn.
Các nhà quan sát nhận định đây là thời điểm thích hợp cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước, bởi Tổng thống Obama đang muốn xây dựng di sản chính trị của riêng mình, khi chỉ còn 2 năm tại nhiệm và sau khi đảng Dân chủ của ông thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng 11 vừa qua.
Ngay sau quyết định của ông Obama, dư luận thế giới đồng loạt hoan nghênh và cũng dành những lời ưu ái cho ông. “Chúng ta cuối cùng cũng có một vị tổng thống đưa ra được quyết sách đúng đắn, vì lợi ích của nước Mỹ, vì danh tiếng của Mỹ ở châu Mỹ Latin, vì nhân dân Cuba”, tờ New York Times dẫn lời bà Julia Sweig, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin, thuộc Ủy ban quan hệ đối ngoại Mỹ.
Chủ tịch Cuba Raul Castro – Ảnh: Reuters
Về phía Cuba, theo một số nhà phân tích, quyết định bình thường hóa quan hệ với Mỹ trước hết xuất phát từ tình hình kinh tế, xã hội nước này. Suốt thời qua, dưới sự cấm vận của Mỹ, nền kinh tế Cuba bị thiệt hại nghiêm trọng, người dân Cuba vì thế bị hạn chế trong nhiều vấn đề, tiến độ và hiệu quả cải cách chậm chạp. Tháo gỡ được quan hệ với Mỹ, tiến tới nhẹ gánh những biện pháp trừng phạt có thể sẽ giúp Cuba thay đổi được tình hình.
Bên cạnh đó, quyết định này còn xuất phát từ tình trạng khủng hoảng kinh tế mà đồng minh của Cuba là Venezuela đang phải đối mặt. Venezuela đã hỗ trợ cho Cuba về kinh tế trong nhiều năm, nhưng tình trạng giá dầu tụt giảm đã tác động mạnh đến nước này và có thể làm dấy lên lo ngại ở Havana rằng, đồng minh của họ sẽ không thể hào phóng nữa.
Theo The Guardian, sự sống còn của Venezuela ảnh hưởng rất lớn đến Cuba, vì giao dịch với Venezuela chiếm tới 20% GDP của Cuba. Mỗi ngày Cuba vẫn phải nhập 80.000 thùng dầu từ quốc gia anh em này. Như vậy, việc quan hệ với Mỹ là một cách để Cuba tìm kiếm phương án mới cho lĩnh vực năng lượng cũng như cải thiện kinh tế.
“Cuba cần nguồn ngoại tệ mạnh nhưng Nga và Iran đang chịu các lệnh trừng phạt, còn Trung Quốc lại là một đối tác cứng rắn. Vì vậy, họ muốn nhanh chóng mở vòi nguồn cung ngoại tệ mới là Mỹ”, tờ New York Times dẫn lời Paul Webster Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba.
Video đang HOT
Ngoài ra, bản thân Chủ tịch Raul Castro từng tuyên bố sẽ về hưu sau năm 2018. Vì vậy, quyết định bình thường hóa quan hệ với Mỹ của ông được cho là nhằm đặt Cuba vào quỹ đạo cải cách đúng đắn, sau khi nhà lãnh đạo này rút khỏi chính trường, theo Washington Post.
Tổng thống Mỹ Barack Obama – Ảnh: Reuters
Đánh giá về quyết định của ông Obama, 3 nghị sĩ Mỹ gồm Patrick Leahy, Jeff Flake và Chris Van Hollen đã ra tuyên bố chung rằng Tổng thống Obama đã khôn ngoan khi vạch ra một tiến trình mới về Cuba, phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ở Tây bán cầu cũng như trên toàn thế giới, theo CNN.
Với quyết định này, các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các ngân hàng có điều kiện để thiết lập các mối quan hệ làm ăn và thương mại với Cuba. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được phép cải thiện cơ sở hạ tầng của Cuba. Bên cạnh đó, du lịch giữa 2 nước cũng được thúc đẩy nhờ quyết định này.
Một điều cũng cần lưu ý rằng phần đông người dân Mỹ, đặc biệt là người trẻ có xu hướng ủng hộ quyết định của Tổng thống Obama. Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại phản đối và có ý định ngăn chặn. Điều này cho thấy, Obama lại thêm một lần nữa dũng cảm đưa ra một bước tiến dài, không chỉ cho bản thân ông mà cho cả đảng Dân chủ của ông.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba sau nửa thế kỷ "đóng băng"
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 17/12 đã công bố các bước đi để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nới lỏng cấm vận kinh tế, khép lại hơn 50 năm đối đầu. Một chương mới trong quan hệ Mỹ - Cuba đang mở ra.
Trong những tuyên bố được phát đi đồng thời trên truyền hình hai nước, hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ vạch ra một lộ trình mới sau khi giới chức Cuba phóng thích nhà thầu Mỹ Alan Gross.
Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama cung lúc tuyên bố bình thường hóa quan hệ
Ông Gross, 65 tuổi, tới Cuba năm 2009 với tư cách nhà thầu cho Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID), mang theo các thiết bị viễn thông, bao gồm thiết bị truy cập internet cho cộng đồng người Do Thái tại Cuba.
Tuy nhiên ông bị giới chức Cuba cáo buộc kích động những người chống đối, và bị bắt tháng 12/2009. Bản án Gross phải nhận là 15 năm tù vì "hành động chống lại nhà nước".
Một trong những câu hỏi được nhiều người đặt ra đó là vì sao Tổng thống Mỹ lại chọn thời điểm này để bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Từ nhiều năm qua, chính quyền Mỹ đã tìm cách để phóng thích Alan Gross. Đầu năm 2013, ông Obama đã cho phép tiến hành các cuộc đối thoại bí mật với La Havana tại Canada và Vatican.
Tù nhân Mỹ Alan Gross đã được trả tự do
Một trong những yếu tố thúc đẩy đối thoại đó là sức khỏe của ông Alan Gross ngày một suy yếu. Hồi tháng 8, luật sư của ông cho biết không dám chắc thân chủ của mình có thể sống lâu hơn.
Trong khi đó, những tín hiệu tích cực đã được phát đi từ Washington khi một loạt bài viết kêu gọi dỡ bỏ cấm vận với Cuba xuất hiện trên tờ New York Times thời gian qua, cho thấy sự chuyển hướng trong chính giới Mỹ, và mong muốn nước này có quan điểm mềm mỏng hơn với Cuba.
Mỹ đã thừa nhận thất bại?
Mỹ đã áp đặt cấm vận thương mại với Cuba từ năm 1960 và hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1961.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 17/12, Tổng thống Obama không ngần ngại thừa nhận các chính sách hiện tại của nước này chống lại Cuba không mấy hiệu quả.
Ông khẳng định nhiều thập kỷ cô lập "đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu thúc đẩy sự trỗi dậy của một Cuba dân chủ, thịnh vượng và ổn định".
Trong khi Obama thừa nhận chính sách đó đã ra đời với những ý định tốt nhất, nó "có rất ít tác dụng".
"Chúng ta sẽ kết thúc một cách tiếp cận mà trong nhiều thập niên đã thất bại trong việc thúc đẩy các lợi ích của chúng ta, và thay vào đó sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ giữa hai nước", ông Obama tuyên bố. "Thông qua sự thay đổi này chúng tôi muốn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người Mỹ và người Cuba và bắt đầu một chương mới với các quốc gia châu Mỹ".
Người dân Cuba được lợi gì?
Nhiều công nhân xây dựng Cuba đồn đoán rằng, Chủ tịch Raul Castro sẽ công bố trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trong hôm nay về việc người dân sẽ dễ dàng có được vật liệu xây dựng để xây nhà riêng cho mình sau khi chính sách thay đổi.
Công nhân xây dựng Cuba sẽ bận rộn hơn khi có thêm nhiều nhà mới được xây dựng
Người Cuba đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận của Mỹ, và mặc dù việc dỡ bỏ các cấm vận chưa diễn ra ngay lập tức, Tổng thống Obama đã công bố một loạt biện pháp sẽ đem đến thay đổi cho cuộc sống của nhiều người Cuba.
Số tiền người Cuba tại Mỹ được phép chuyển về nước sẽ tăng gấp 4 lần, từ 500 USD lên 2000 USD mỗi quý. Các công ty viễn thông sẽ được phép nâng cấp hạ tầng tại Cuba, để nhiều người dân nước này có thể tiếp cận Internet.
Hiện Cuba là nước có tỷ lệ người sử dụng internet thuộc hàng thấp nhất thế giới, do chi phí còn đắt đỏ với nhiều người.
Và người Cuba cũng sẽ được phép nhập khẩu vật liệu xây dựng để xây nhà riêng, một động thái nhằm nới lỏng tình trạng thiếu nhà ở nghiêm trọng tại quốc gia này.
Các lệnh cấm đi lại sang Cuba cũng được nới lỏng, giúp việc thăm thân nhân và triển khai các dự án nhân đạo giữa hai nước dễ dàng hơn.
Công dân Mỹ sang Cuba cũng được phép mang về nhiều hàng hóa hơn, với trị giá tối đa 400 USD, bao gồm không quá 100 USD rượu và các sản phẩm thuốc lá.
Các tổ chức tại Mỹ từ nay cũng được phép mở tài khoản tại các ngân hàng Cuba, và người Mỹ được phép sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ khi tới đây du lịch.
Ngoài ra, nếu như trước đây người Cuba nhập hàng từ Mỹ phải thanh toán toàn bộ trước khi lô hàng rời cảng của Mỹ, thì nay, việc thanh toán chỉ cần thực hiện trước khi "chuyển quyền sở hữu", đem đến một sự linh hoạt hơn trong hoạt động thương mại.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Vì sao quan hệ Mỹ - Cuba cần lật chương mới Lãnh đạo Mỹ và Cuba hôm qua tuyên bố những bước đi quan trọng nhằm bình thường hóa quan hệ song phương, mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước sau 53 năm đối địch. Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đạt được bước đột phá với việc nhân viên cứu trợ Mỹ Alan Gross, người bị...