Vì sao 3 Phó GĐ Công an TP được mang hàm cấp tướng?
Phát biểu tại buổi họp báo công bố Luật của Văn phòng Chủ tịch nước sáng 11.12, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu- Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiệu lực phong tướng có giá trị từ hôm nay, mặc dù Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2015.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân việt, vì sao luật lại cho phép Công an TP Hà Nội và TPHCM 3 Phó Giám đốc công an mang hàm thiếu tướng, trong khi quy định Giám đốc công an các tỉnh thành trực thuộc trung ương chỉ mang hàm đại tá, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho hay: Trong quá trình thảo luận Luật Công an nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Các ý kiến khác nhau cả khi dự thảo luật trình Bộ Chính trị, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Phong hàm tướng cho lực lượng Công an nhân dân (ảnh minh họa)
“Chính phủ đã có ý kiến với một số tỉnh, thành phố lớn, đông quân số, Giám đốc Công an cũng được trần quân hàm cấp Thiếu tướng nhưng Quốc hội đã không đồng tình. Luật đã quy định là Giám đốc Công an TP. Hà Nội, TP. HCM cấp hàm là Trung tướng; Phó Giám đốc Công an hai thành phố này được 3 người là Thiếu tướng. Còn lại các Giám đốc của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác là Đại tá. Luật đã được Quốc hội thông qua và quy định rõ như vậy thì cứ thế chấp hành nghiêm túc” – Thượng tướng Đặng Văn Hiếu bày tỏ.
Trước câu hỏi bổ sung, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiều Giám đốc Công an đều mang hàm Thiếu tướng, khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành phải có sự điều chỉnh gì cho phù hợp, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết: Toàn bộ Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 1.7.2015, nhưng riêng vấn đề phong hàm cấp tướng có hiệu lực từ hôm nay khi Lệnh công bố Luật được đọc.
“Trong quá trình đó chúng tôi có thể điều động, luôn chuyển, nhất là dịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, phải bố trí lại Giám đốc Công an các địa phương tham gia vào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khóa tới. Phải đảm bảo nguyên tắc người nào đã phong hàm tướng rồi thì vẫn giữ nguyên quân hàm, bởi trước chúng ta phong cũng căn cứ vào Luật, căn cứ vào các quy định để phong nên không thể tước cấp hàm đã phong đó được. Phải đảm bảo cấp hàm cho các đồng chí đến khi nghỉ chế độ. Còn những đồng chí nào vẫn xứng đáng làm Giám đốc công an các địa phương thì tiếp tục bố trí”- Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nêu rõ.
Video đang HOT
Theo Khampha
Thông qua quy định về phong tướng trong Quân đội và Công an
Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được thông qua, bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng, sẽ có hai vị trí có trần quân hàm đại tướng là Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong số 438 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (chiếm 88,13% so với tổng số đại biểu) thì 363 người (73,04%) tán thành. Số đại biểu không tán thành là 51 (10,26%) và số đại biểu không biểu quyết 24 (4,83%).
Theo Luật sửa đổi, Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm đại tướng bằng Bộ trưởng Quốc phòng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, quy định này là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của QĐND Việt Nam. Hơn nữa, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐND Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh là trung tướng. Theo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, cấp bậc hàm cao nhất của quân đội và công an địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện phải bằng nhau. Như vậy, Tư lệnh, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh là người chỉ huy các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ. Quy định số 28 của Bộ Chính trị có phần về việc xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành các khu vực phòng thủ vững chắc theo tình hình mới, trong đó có lực lượng công an nhân dân.
"Trần quân hàm Trung tướng với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp, đáp ứng yêu cầu chỉ huy khi có tình huống chiến sự, chiến tranh xảy ra", ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận định.
Mối quan hệ giữa Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh được thực hiện theo Quy định tại Điều 22 Luật sĩ quan hiện hành: Trường hợp sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng cấp hàm bằng hoặc thấp hơn sĩ quan thuộc quyền thì sĩ quan có chức vụ cao hơn là cấp trên. Hơn nữa, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng quân sự cụ thể việc phong hàm với Tư lệnh, Chính ủy sẽ do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện theo điều luật.
Về trần quân hàm của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự quận, huyện thuộc Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý thống nhất hàm cao nhất là thượng tá.
Giám đốc, chính uỷ học viện Quốc phòng có trần quân hàm Thượng tướng vì các trường trong quân đội ngoài học hàm, quân hàm cũng đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ huy trong chiến đấu.
Trần quân hàm với Tư lệnh Quân chủng Hải quân là Phó đô đốc, Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân là trung tướng (tương đương Tư lệnh quân khu). Trường hợp Tư lệnh, Chính uỷ quân chủng Hải quân được bổ nhiệm chức vụ cao hơn như Phó tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Quốc phòng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chỉ huy Hải quân thì được thăng quân hàm Thượng tướng, Đô đốc Hải quân.
Trần quân hàm trung tướng sẽ được áp dụng với Giám đốc, Chính uỷ Học viện Lục quân. Đây là cơ sở đào tạo cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn trở lên, nghiên cứu khoa học quân sự, còn học viện, trường sĩ quan khác trần quân hàm Thiếu tướng.
Trần quân hàm thiếu tướng được áp dụng cho phó giám đốc, bí thư hoặc phó bí thư Đảng uỷ bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung Chủ nhiệm khoa Mác Lê nin của Học viện Quốc phòng có trần quân hàm là Thiếu tướng. Với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, quân đội, trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp nhiệm vụ trong tình hình mới.
Luật sửa đổi cũng quy định rõ số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp tướng, của từng chức vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Cũng trong sáng 27/11, Quốc hội thông qua Luật sĩ quan Công an nhân dân (sửa đổi). Có 438 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 88,13% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Số tán thành là 357 (chiếm 71,83%), đại biểu không tán thành là 62 (chiếm 12,47%) và số đại biểu không biểu quyết là 19 (chiếm 3,82%).
Dự thảo luật được thông qua không có quy định thêm một Đại tướng cho vị trí thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chức vụ thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Công an, giúp Bộ trưởng (đồng thời là Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ về công tác Đảng. Ngoài ra, để thống nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước, phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị, thứ trưởng - phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương có trần quân hàm là thượng tướng như hiện nay.
Cũng theo Luật sửa đổi, cấp bậc hàm cao nhất của giám đốc Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh là Trung tướng. Trần quân hàm Trưởng công an cấp quận tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội là Thượng tá.
Hoàng Thuỳ
Theo VNE
'Bên cạnh phong tướng, cần có giáng cấp' Đại biểu Quốc hội Lê Nam đề xuất, cần phải có điều quy định về giáng chức và giáng cấp trong Luật công an nhân dân. Chiều 6/11, Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân. Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Nam đề xuất, bên cạnh việc quy định phong, thăng...