Vi-rút HPV: Nguy cơ hàng đầu gây ung thư cổ tử cung
Phụ nữ có nhiều đối tác tình dục, từng bị sùi mào gà, hệ thống miễn dịch suy yếu, hút thuốc… dễ bị ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Quek Swee Chong, Giám đốc Y khoa của Trung tâm khám và điều trị Phụ khoa ở Singapore, cho biết nhóm có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung bao gồm phụ nữ đang có hoạt động tình dục với nhiều đối tác, quan hệ tình dục sớm, từng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes, sùi mào gà…
Nguy cơ này càng gia tăng ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, dùng các loại thuốc tránh thai trong thời gian dài, có thói quen hút thuốc.
Nguy cơ hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là vi-rút HPV. Ảnh: News.
Trong đó yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là vi-rút HPV. Các nghiên cứu cho thấy phần lớn ca ung thư cổ tử cung có liên quan đến vi-rút Papilloma ở người (HPV).
Vi-rút này có 150 loại nhưng chỉ 13 loại gây ung thư, trong đó hai type hàng đầu là 16 và 18 là thủ phạm của 70% số ca ung thư cổ tử cung.
Vi-rút HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt phụ nữ có tần suất hoạt động tình dục cao với nhiều đối tác khác nhau có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Để phòng ngừa bệnh này, bác sĩ khuyên mọi phụ nữ nên tiêm ngừa vắc-xin, nhất là các cô gái trẻ trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Cả hai loại vắc-xin ngừa ung thư cổ tử cung hiện nay đều được chứng nhận an toàn bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vắc-xin này sử dụng một cái vỏ rỗng của vi-rút để tiêm vào cơ thể người nhằm tạo ‘báo động giả’ để hệ kích hoạt miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại HPV.
Bác sĩ Quek nhấn mạnh cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm ngừa vắc-xin HPV gồm ba liều được chia ra trong hơn 6 tháng.
Video đang HOT
Ung thư cổ tử cung phát hiện sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong giai đoạn đầu, bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng.
Khi tiến triển, bệnh nhân thường xuất hiện các dấu hiệu: Chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc giữa các chu kỳ, sau khi mãn kinh, tiết dịch có máu hoặc có mùi hôi, đau bụng dưới hoặc đau trong khi giao hợp.
Do vậy bác sĩ khuyên những người đã có quan hệ tình dục từ 25 tuổi trở lên cần làm xét nghiệm kính phết ung thư cổ tử cung (Pap) thường niên hoặc 3 năm một lần, cho đến khi 69 tuổi.
Theo Trần Ngoan/Vnexpress.net
Ung thư cổ tử cung: Phụ nữ nên tầm soát định kỳ
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ.
Hàng năm chị vẫn đi khám sức khỏe 2 lần nhưng tuyệt nhiên không bao giờ khám sản khoa mà chỉ khám sức khỏe chung chung. Đến khi đau bụng, sụt cân vào viện khám, chị đã bị ung thư di căn.
Căn bệnh nguy hiểm
Bác sĩ Nguyễn Phương Nga, nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K trung ương, cho biết, rất nhiều bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối mà không biết bởi vì người bệnh không khám sản khoa bao giờ.
Ung thư cổ tử cung: Phụ nữ nên tầm soát định kỳ. (Ảnh minh họa: Ineternet)
Ví dụ trường hợp của chị Trần Thị TH. trú tại Ba Đình, Hà Nội, 33 tuổi, sống độc thân. Chị Th. từng có hơn 10 năm làm việc cho một tập đoàn lớn ở nước ngoài và sống ở nước ngoài là chính. Mỗi năm hai lần chị đều được công ty cho đi kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, khám sản khoa chị cực kỳ e ngại nên bỏ qua khâu này.
Gần đây, chị Th. thấy mệt mỏi, đau bụng âm ỉ. Chị đi kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ khám phát hiện chị có khối u ở bụng và có nhiều khối u ở vị trí khác nhau. Bác sĩ nghi ngờ ung thư di căn nhưng chưa biết khối u gốc ở đâu.
Bác sĩ cho chị nhập viện và tiến hành chiếu chụp từ não đến gan, thận... Tất cả đều không thấy tổn thương của ung thư ban đầu.
Cuối cùng, chị Th. được đưa vào khoa sản kiểm tra. Vừa khám bằng mỏ vịt bác sĩ đã phát hiện một ổ sùi cực kỳ lớn ở cổ tử cung. Sinh thiết có tế bào ung thư. Bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.
Sau khi được bác sĩ tư vấn, chị Th. vào điều trị hóa chất và xạ trị. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, chị Th bị tác dụng phụ của hóa chất khiến chị bị liệt do tắc mạch chi và bị các dấu hiệu của đột quỵ. Gia đình đành đưa chị về nhà để chăm sóc những ngày cuối đời.
Mẹ của chị Th. cho biết, chị sống độc thân và gia đình luôn yên tâm với chị bởi vì chị sống rất có trách nhiệm. Không ngờ chị lại bị bệnh ung thư cổ tử cung khi còn quá trẻ.
Hay như trường hợp của Vũ Thị Hà trú tại Lục Nam, Bắc Giang, 37 tuổi cũng vậy. Chị Hà đã bị ung thư cổ tử cung hơn một năm nay. Chị đã phải cắt bỏ tử cung và điều trị hóa xạ trị.
Chị Hà sinh con đầu từ năm 16 tuổi và sinh 4 lần. Hơn 10 năm nay chị chỉ lo lắng đi làm kiếm tiền nuôi con mà chưa một lần đi khám sản khoa.
Khi thấy ra máu bất thường giữa kỳ kinh, sụt cân, chị đi khám, bác sĩ chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 3.
Bác sĩ làm xét nghiệm vi-rút HPV, chị Hà bị nhiễm vi-rút HPV tuyp 16. Đây là một trong những tuyp gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Bác sĩ cho biết nếu chị thường xuyên đi khám sản khoa, bác sĩ chỉ cần soi cổ tử cung và làm xét nghiệm tế bào âm đạo là có thể phát hiện được bệnh sớm hơn.
Cần xét nghiệm sớm
PGS Nguyễn Nghiêm Luật
Theo PGS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Giống như các bệnh ung thư khác, nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi.
Bệnh ung thư cổ tử cung có triệu chứng điển hình là chảy máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là sau khi giao hợp.
Bệnh có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần; có nhiều bạn tình, bị nhiễm vi-rút đường sinh dục, đặc biệt là vi-rút paplloma; phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch; con gái của những phụ nữ điều trị bằng thuốc chống sảy thai trong thời kỳ mang thai.
Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi.
Tuổi thường gặp ung thư cổ tử cung là 30-59, đỉnh cao là 48-52 tuổi. Bệnh diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu cụ thể để nhận biết, chỉ đến khi có những triệu chứng trên lâm sàng như ra máu bất thường không liên quan đến kỳ kinh hay sau khi giao hợp, ra khí hư, hôi, đau bụng vùng chậu, tiểu buốt,... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Để tầm soát ung thư cổ tử cung, PGS Nguyễn Nghiêm Luật cho biết chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần và tầm soát định kỳ bằng tế bào âm đạo.
Kết quả xét nghiệm SCC có trong máu có thể được sử dụng trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung tế bào vảy. Kết quả này có độ nhạy chẩn đoán là 37% ở giai đoạn 1B, tăng lên 90% ở giai đoạn 4.
Nếu có dấu hiệu bất thường, chị em có thể làm thêm xét nghiệm xem có bị nhiễm các vi-rút có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung hay không, trong đó có vi-rút HPV.
PGS Luật cho hay, theo thống kê có 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút HPV 16 và 18.
Theo P.Thúy/Infonet.vn
Vắc-xin HPV: Cách ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả Để phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng. GS. Nguyễn Trần Hiển - CT Hội Y học Dự phòng VN, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TW khẳng định như trên tại buổi trao đổi công tác phòng chống ung thư cổ tử cung (UTCTC). - Hội...