Vi phạm nồng độ cồn ở mức tước bằng 11-12 tháng, tới đây có thể chỉ bị trừ 2 điểm
Việc trừ điểm giấy phép lái xe tới đây sẽ khác với biện pháp tước bằng lái đang áp dụng.
Hiện nay, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng tối thiểu bị tước bằng từ 11 – 12 tháng thì tới đây có thể sẽ chỉ bị trừ 2 điểm.
Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông sẽ có hiệu lực. Đáng chú ý, tại Điều 58 của luật này quy định, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật. Ngay sau khi có quyết định trừ điểm giấy phép lái xe sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo cho chủ nhân biết.
Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.
Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do cảnh sát giao thông tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Anh Nguyễn Đức Anh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, việc quy định trừ điểm giấy phép lái xe có giống việc tước bằng lái đang áp dụng?
Liên quan đến băn khoăn trên, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Bộ Công an) cho biết, việc trừ điểm giấy phép lái xe khác với tước bằng lái đang áp dụng tại luật hiện hành.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Ảnh: Đình Hiếu
Video đang HOT
Thứ nhất, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Thứ hai, nếu người tham gia giao thông thông bị tước quyền sử dụng giấy lái xe thì sẽ không được phép điều khiển phương tiện. Trong khi đó, trường hợp trừ điểm giấy phép lái xe thì tài xế vẫn được điều khiển phương tiện đến khi bị trừ hết 12 điểm.
“Việc trừ điểm giấy phép lái xe vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa động viên, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành pháp luật. Người lái xe chỉ vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có tính chất cố tình và gây nguy hiểm thì mới bị trừ một lần hết 12 điểm”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết,
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, hiện nay tài xế vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng tối thiểu sẽ bị tước bằng từ 11 – 12 tháng thì tới đây sẽ bị trừ 2 điểm. Sau khi bị trừ điểm, tài xế sẽ ý thức được hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn được quyền điều khiển xe, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc này bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật Việt Nam.
Nếu vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt 0,4 mg/L khí thở thì tài xế có thể bị trừ một lần hết 12 điểm. Ảnh: Đình Hiếu
Thứ ba, việc trừ điểm giấy phép lái xe sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về hành vi vi phạm của tài xế. Bởi khi bị trừ hết điểm, người tham gia giao thông phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông mới được phục hồi điểm. Với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe như trước đây, tài xế được nhận lại bằng lái của mình sau thời gian bị tước.
“Ở buổi kiểm tra kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, người tham gia sẽ phải làm bài trắc nghiệm trên máy tính để đánh giá kiến thức về luật giao thông đường bộ. Người điều khiển ô tô sẽ có thêm phần kiểm tra mô phỏng các tình huống giao thông”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.
Các buổi kiểm tra sẽ do Cục CSGT (Bộ Công an) hoặc Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố tổ chức. Nội dung kiểm tra do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Thứ tư, qua việc trừ điểm giấy phép lái xe, có thể quản lý tài xế trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc tái phạm lỗi.
'Khóc ròng' vì vi phạm... nồng độ cồn
Vốn đã 'khóc dở mếu dở' vì phải đóng tiền phạt vi phạm nồng độ cồn, mất quyền sử dụng giấy phép lái xe hạng A1 hơn 20 tháng, ông Nguyễn Thanh N ở phường Phú Tài, TP Phan Thiết còn bị 'treo' giấy phép lái xe (GPLX) hạng C, do trước đây tích hợp 2 trong 1, dẫn đến mất việc làm.
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.
Trong căn nhà cấp 4 không có gì đáng giá ngoài đồ gia dụng bình thường, ông N buồn rầu chia sẻ, ông là nhân viên lái xe cho một công ty vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh. Vào một đêm đầu tháng 5/2024, sau khi nhậu với bạn bè, ông điều khiển xe máy về nhà. Trên đường đi, ông bị Tổ kiểm tra của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh lập biên bản vi phạm hành chính vì nồng độ cồn trong hơi thở vượt qua mức 0,4/1 lít khí thở.
Phòng Cảnh sát giao thông thông báo, với mức này ông đã vi phạm vào điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, cùng với các quy định của các văn bản có liên quan khác, ông không chỉ bị phạt hành chính 7 triệu đồng mà còn bị phạt bổ sung, tước quyền sử dụng GPLX hạng A1 trong 23 tháng.
Ông Nguyễn Thanh N đã nộp phạt và bị tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng.
Ngậm ngùi đóng phạt và chấp nhận không có phương tiện đi lại trong hơn 2 năm. Ông N tưởng vậy đã xong, nào ngờ GPLX hạng C, "cần câu cơm" của cả gia đình mình hết hạn sử dụng. Cơ quan ông không chấp nhận cho ông lái xe ngoại trừ GPLX này được ngành chức năng cấp đổi lại. Ông N nói tiếp: tôi đã làm đơn gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông trình bày hoàn cảnh trớ trêu của mình, với niềm hy vọng được đổi lại GPLX hạng C. Vì nghĩ, mình chỉ vi phạm GPLX hạng A1, không liên quan gì đến GPLX hạng C.
Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ chủ quan của ông. Sau khi nhận được hướng dẫn của Phòng Cảnh sát giao thông, ông tiếp tục làm đơn gửi đến Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận - nơi sát hạch, cấp bằng, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ cho người điều khiển phương tiện giao thông và người vận hành phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong giao thông vận tải theo phân cấp.
Cùng với văn bản của Phòng Cảnh sát giao thông xác nhận đang giữ GPLX hạng A1 của ông N. Sở Giao thông Vận tải kiểm tra GPLX hạng C của ông N, nhận thấy nó đã tích hợp cùng với GPLX hạng A1 trên phần mềm VNEID. Trong đó hiển thị GPLX hạng C đã hết hạn sử dụng vào ngày 3/7/2024.
Qua nghiên cứu trường hợp của ông, Sở Giao thông Vận tải có văn bản trả lời ông rằng, không thể cấp đổi lại GPLX hạng C cho ông lúc này, vì GPLX hạng A1 của ông đang bị công an tước quyền sử dụng do vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, để ông hiểu hơn, Sở dẫn chứng quy định nêu rõ tại khoản 5 Điều 81 của Nghị định 100: "Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề".
Ngoài ra cũng do ông, năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có Thông tư số 12 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Trong đó tại khoản 3 Điều 33 nêu: "Người đã có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách GPLX theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này". Ông không đi làm thủ tục tách, nên nay xảy ra cơ sự "khóc dở, mếu dở" này. Sở Giao thông Vận tải đề nghị ông thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Khi nào hết thời gian bị tước quyền sử dụng GPLX hạng A1, ông nên đi làm thủ tục cấp đổi lại GPLX hạng C.
Trường hợp của ông N không phải là hiếm trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cùng với đó là nhiều văn bản pháp luật khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và ban hành, đưa vào cuộc sống nhằm củng cố ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội...
Theo đó, rất cần người dân, nhất là người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm luật giao thông, nếu không lại như ông N ảnh hưởng cuộc sống bản thân và gia đình. Vì trên thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm có liên quan đến vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe.
Nên giảm hay giữ mức phạt vi phạm nồng độ cồn? Giờ giải lao trong cuộc họp, nhóm bạn của tôi thảo luận sôi nổi về đề xuất giảm mức phạt tiền đối với vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, đang được Bộ Công an dự thảo và lấy ý kiến. Đa số rất hân hoan, cho rằng mức phạt như đề xuất là "chấp nhận được", "dễ thở". Họ cũng phấn...