Vi phạm kinh doanh thức ăn đường phố: Tăng mức phạt e vẫn khó
Ngày 20.10 tới Nghị định số 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) bắt đầu có hiệu lực. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, đến nay nhiều người bán đồ ăn trên phố không đủ tiêu chuẩn vệ sinh vẫn không biết quy định mới và vẫn ung dung “đến đâu hay đến đó”.
Vi phạm nhan nhản
Chiều 4.10, phóng viên Báo NTNN đã đi khảo sát một loạt các tuyến phố ở Hà Nội với nhiều hàng, gánh bán thức ăn đường phố. Ghi nhận là hầu hết các quán ăn, gánh hàng đều không có tủ đựng thức ăn chín, thực phẩm không được che chắn, gánh hàng bán cạnh cống rãnh, rác rưởi tràn lan, người bán dùng tay bốc đồ ăn, bao gói thực phẩm bằng giấy đã qua in ấn, túi nylon không đảm bảo an toàn vệ sinh, nước rửa bát đũa chỉ là 1 xô nước đóng váng, dùng đi dùng lại nhiều lần…
Cả người bán và người ăn đều thờ ơ về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm – hình ảnh dễ bắt gặp trên đường phố Hà Nội. Ảnh: T.L
“Cái khó nhất hiện nay chính là tâm lý người dân còn chưa thay đổi. Mọi người vẫn có thói quen tiện đâu mua đấy, thích đâu ăn đấy thế nên nhiều quán xá vỉa hè hay đường phố vẫn được ưa chuộng. Thêm nữa, những quán này có giá thành rẻ, đồ ăn đa dạng nên nhiều người thích…”.
Ông Nguyễn Tiến Trung – Trưởng phòng Y tế
huyện Thanh Trì (Hà Nội)
Nếu “chiếu theo” các quy định bị xử phạt trong Nghị định 115 có hiệu lực từ 20.10 tới, hầu hết các quán ăn đường phố này đều bị xử phạt, thậm chí bị “tịch thu”, “cấm bán”.
Tại một cửa hàng bán thịt chó nằm trên đường Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân), một người bán hàng dùng tay trần ra sức bóc tách, vặn xoắn nhiều chiếc đùi chó. Vị khách đứng mua nhìn cảnh đồ ăn của mình được “rửa” qua tay của người bán cũng không có ý kiến gì. Quán thịt chó cũng không hề có che chắn mà “phơi mình” trên vỉa hè, giữa buổi chiều nóng ngột ngạt, xe cộ đi lại phun khói, bên cạnh công trình đang thi công bụi mù…
Video đang HOT
Nhiều tảng thịt chó ở các quán trên phố Quan Nhân cũng phơi “mình trần” giữa trời đất. Khi được hỏi về tủ che chắn thực phẩm, anh Tiến – một nhân viên quán thịt chó cho biết: “Để “lộ thiên” thế kia thì khách đi đường dễ dàng nhìn thấy hơn, nhìn con chó nó cũng… ngon hơn” (?!).
Tương tự, trên con phố cạnh chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy), phóng viên ghi nhận lại có nhiều cửa hàng, quầy hàng bán đồ ăn vặt như xúc xích, bánh chuối, bánh khoai, ngô rán, thịt nướng… Tuy nhiên, 10 hàng thì có tới 9 hàng không có tủ che chắn, vô tư bán đồ ăn trên xe đẩy bên lề đường nơi nhiều người đi lại. Khi khách hỏi mua đồ, các chủ quầy hàng dùng tay trần bốc đồ ăn cho vào chảo rán. Sau đó, đồ ăn được bao gói chỉ là giấy A4 đã qua in ấn, cắt nhỏ. Có người bán lỡ làm rơi một cây xúc xích xuống đất, chị này vẫn nhặt lên, thản nhiên phủi bụi và cho vào rán…
Tương tự, ở nhiều phố chuyên bán thức ăn sẵn như Hàng Buồm, Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm), tình trạng bán thức ăn không đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm hết sức phổ biến. Các hàng quán vỉa hè không có nước rửa bát đũa, cốc. Những chiếc cốc uống nước chỉ được nhúng vào một xô nước nhỏ để rửa rồi nhân viên của quán lại cho đá rót trà vào cho khách sau.
Theo Nghị định 115/2018, các hành vi bán thức ăn đường phố không có che đậy, dùng tay trần bốc thức ăn, dùng vật liệu bao gói bẩn, sử dụng nước rửa bẩn… sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng. Như vậy, hầu hết các cửa hàng bán thức ăn đường phố mà phóng viên khảo sát nói trên đều vi phạm cùng lúc nhiều lỗi mà Nghị định 115 quy định xử phạt.
Người bán vẫn thờ ơ
Khi phóng viên hỏi về việc nếu không dùng găng tay bốc đồ ăn, không có tủ, quầy hàng che chắn thực phẩm sẽ bị phạt vào ngày 20.10 tới, bà Phương – chủ quán cháo lòng tại phố Nam Trung Yên (Nam Từ Liêm Hà Nội) vẫn hết sức đủng đỉnh: “Bao giờ có hiệu lực hẵng hay, với cô cũng chưa bị kiểm tra lần nào”. Còn bà Thúy – chủ một hàng bán xúc xích, bánh rán gần Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) tỏ ra ngạc nhiên: “Xưa nay cũng có cho hàng rong bán đâu, vẫn cấm mà, cô bán chui thôi. Bọn cô thấy công an là chạy, nếu bị bắt thì mất hết, chả lấy gì mà ăn. Nếu bị phạt tiền 500.000 đến 1 triệu đồng thì làm bao giờ cho lại”.
Cùng ý kiến, bà Nguyễn Thị N (bán đồ ăn vặt ở phố Hàng Buồm) cho rằng: “Sai thì phạt, nhưng mức phạt cao quá. Chúng tôi làm cả ngày chỉ kiếm được 100.000-200.000 đồng, xử phạt nặng vậy dân nghèo chúng tôi chẳng còn kế sinh nhai”.
Cùng với thái độ “đến đâu hay đến đó” của các chủ cửa hàng thức ăn đường phố, không ít người dân cũng tỏ ra bàng quan với sức khỏe của mình khi mua thức ăn tại các cửa hàng thuộc diện không đảm bảo vệ sinh, ATTP như nói trên. Em Trần Thị Minh – sinh viên năm 2 Trường Đại học Ngoại ngữ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Em thường xuyên mua thức ăn vặt, thức ăn chín ở các hàng ven đường, trên hè phố. Cũng có lúc thấy người bán dùng tay trần bốc thức ăn thì hơi ghê ghê, nhưng cũng… mặc kệ. Dù biết là mất vệ sinh, nhưng nó rẻ, sinh viên chúng em không có tiền nên vẫn ăn. Đến đâu hay đến đó thôi chị ạ”.
Chị Phạm Thị Nhung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc chế biến đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn trong khu chung cư nhà chị diễn ra rất phổ biến. Vì mua bán rất tiện lợi nên chị thường lựa chọn thực phẩm ở ven đường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Trung – Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, cũng như các quận huyện khác trên địa bàn Hà Nội, dù đã có phối hợp với các xã tuyên truyền về việc chấp hành, đảm bảo ATVSTP nhưng thời gian qua ý thức của nhiều người dân còn chưa tốt. “Thực tế còn một số vi phạm, tồn tại như địa phương không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; không tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP; người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định; vi phạm về tem nhãn sản phẩm…” – ông Trung nói.
Theo báo cáo đầu năm 2018, toàn TP.Hà Nội có hơn 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có hơn 5.200 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Hàng năm, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 100.000 lượt đối với các cơ sở này. Qua kiểm tra, giám sát, có hơn 80% cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí ATTP, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt.
Ông Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hàng năm sở phối hợp với các đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra thức ăn đường phố. Mặc dù vậy, việc quản lý gặp nhiều khó khăn do tính di động, lĩnh vực kinh doanh hiệu quả sản xuất không cao, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ. “Do đó, cần sự vào cuộc, giám sát gắt gao của các cơ quan chuyên môn cũng như người dân. Nhờ đó sẽ nâng cao ý thức của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung và thức ăn đường phố nói riêng” – ông Chung nói.
Theo Danviet
Vi phạm an toàn thực phẩm: Quy định cụ thể để dễ xử phạt
Theo ông Trần Văn Châu (ảnh) - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP, Bộ Y tế), Nghị định 115 có mức xử phạt mạnh mẽ hơn với các vi phạm về ATTP, đồng thời quy định rõ ràng các hành vi để dễ xử phạt, kể cả trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP, Bộ Y tế)
Thưa ông, so với các quy định khác trước đây, Nghị định 115 có gì đáng chú ý?
- Nghị định 115 thay thế Nghị định 178 ban hành từ năm 2013. Điều đặc biệt, Nghị định 115 loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định hình thức phạt tiền. Mức xử phạt này cao hơn nhiều so với hành vi tương tương trong Nghị định 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần (cụ thể như bơm tạp chất vào tôm với mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng).
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định có 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên, trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5 - 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm. Do đó, một cơ sở vi phạm ATTP thì có thể bị phạt tới nhiều tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm...
Riêng đối với vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố, nhiều người cho rằng phạt tới 500.000 - 1 triệu đồng là quá nặng đối với gánh hàng rong, khó xử phạt. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?
- Thức ăn đường phố là lĩnh vực kinh doanh phổ biến, nhiều người dân sử dụng, không thể xóa bỏ. Tuy nhiên, việc đảm bảo ATTP trong thức ăn đường phố còn rất nhiều vấn đề, do đó việc quy định xử phạt nghiêm khắc và tăng cường kiểm tra ATTP đối với hoạt động này là vô cùng cần thiết. Cùng là hoạt động kinh doanh ăn uống nhưng mức xử phạt với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn cao hơn nhiều (cao nhất tới 10 triệu đồng/vi phạm). Mức phạt 500.000-1 triệu đồng đối với kinh doanh thức ăn đường phố theo tôi là vừa phải, để đủ mức răn đe. Do đó, không muốn bị xử phạt thì người bán hàng rong, cơ sở thức ăn đường phố cần khẩn trương bổ sung những điều kiện mình thiếu, vừa tránh bị phạt vừa bảo vệ người tiêu dùng, tạo uy tín cho cửa hàng.
Không đeo găng tay khi bốc thức ăn, quầy hàng không có che chắn, nước rửa bẩn... là các hành vi rất phổ biến của các hàng ăn vỉa hè, nhưng phạt xong lại tái diễn. Theo ông, làm thế nào để có thể không "bắt cóc bỏ đĩa"?
- Có những hành vi chúng tôi sẽ xử phạt ngay như thức ăn không được che đậy; nước rửa cáu bẩn, rửa đi rửa lại nhiều lần, bốc thức ăn... Cũng có hành vi chưa xử phạt được ngay nhưng không có nghĩa là bỏ ngỏ để người bán hàng vi phạm. Theo tôi, trước mắt là phải tuyên truyền cho người bán biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt để dần dần họ khắc phục, thay đổi hành vi. Không có luật nào, nghị định nào vừa ra đời là có thể "răm rắp" thực hiện ngay được mà cần thời gian, cần sự giám sát nghiêm khắc của cơ quan chức năng.
Qua quá trình kiểm tra, tuyên truyền, tôi ghi nhận sự thay đổi trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố. Ví dụ như trước đây đại đa số là người bán không dùng găng tay, quầy hàng không được che chắn... thì nay khá nhiều người bán dùng găng tay, hoặc dùng kẹp gắp thức ăn, có che chắn cho thực phẩm... Còn người mua khi nhận thức được các hành vi không ATTP, không đảm bảo sức khỏe và tẩy chay mua hàng thì sẽ buộc người bán phải thay đổi theo.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Trung ương sẽ bàn về kinh tế, trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao Sáng ngày 2/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (TW) Khóa XII chính thức khai mạc. Theo chương trình nghị sự, TW sẽ bàn, quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Hội nghị TW 8 Khóa XII dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 2-6/10 Cụ thể, TW sẽ xem xét 5 nội dung, gồm:...