Vi phạm hàng loạt lỗi, Tổng công ty Rau quả Nông sản (Vegetexco) bị phạt hơn nửa tỷ đồng
Ngày 24/4/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty cổ phần Rau Quả, nông Sản (Vegetexco).
Theo đó, Vegetexco bị phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh đó, còn bị phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty đã không công bố thông tin (CBTT) trên trang thông tin điện tử của Công ty và hệ thống CBTT của UBCKNN đối với Báo cáo tài chính kiểm toán các quý trong năm 2017 và 2018 cũng như các báo cáo tình hình quản trị, báo cáo thường niên…
Ngoài ra, Vegetexco còn bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với cổ đông (Theo Báo cáo tài chính năm 2017 được kiểm toán và Báo cáo tài chính bán niên năm 2018 đã được soát xét, trong năm 2017 và năm 2018, Công ty đã cung cấp các khoản vay cho cổ đông).
Tổng cộng, Vegetexco đã bị phạt 520 triệu đồng.
Tổng công ty Rau quả, nông sản (Vegetexco) được thành năm 2003 trên cơ sở sáp nhập hai Tổng công ty 90 là Tổng công ty Rau quả Việt Nam ( Vegetexco Vietnam) và Tổng công ty Xuất nhập khẩu nông sản và Thực phẩm chế biến (Vinafimex).
Từ 2010 đến 2016, Tổng công ty Rau quả, nông sản chuyển đổi mô hình doanh nghiệp sang Công ty TNHH NTV theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 10/6/2010.
Video đang HOT
Kể từ ngày 1/1/2016, Tổng công ty Rau quả, nông sản hoàn tất quá trình cổ phần hóa và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần.
Lạc Nhạn
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, giải pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán là cho các nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch trực tiếp. Ngoài ra, cần chuẩn bị sớm quy chuẩn kiểm toán quốc tế... Như vậy, khoảng cách giữa các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ rút ngắn lại.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước
Theo ông, thị trường chứng khoán trong nước cần những giải pháp gì để thu hút nhà đầu tư nước ngoài?
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài rất bình đẳng và thuận lợi khi đầu tư tại thị trường Việt Nam. Tất nhiên cũng do điều kiện địa lý, ngôn ngữ ... đang có sự khác biệt, để xử lý các vấn đề về mặt địa lý, chúng ta nên cho nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản giao dịch trực tiếp.
Về ngôn ngữ, hiện nay theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và theo các quy định của các văn bản pháp quy, chúng ta nên khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta sớm có lộ trình áp dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA) vào các doanh nghiệp.
Nếu chúng ta chuẩn bị sớm được quy chuẩn kiểm toán quốc tế thì khoảng cách giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước sẽ rút ngắn lại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đặt mục tiêu gắn cổ phần hóa với niêm yết trên sàn, và chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Nhưng giai đoạn này còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Vậy theo ông cần có những định hướng gì để giải quyết vấn đề này?
Hiện có gần 800 doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, chưa kể rất nhiều doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường Upcom, trong số đó có gốc là những doanh nghiệp Nhà nước...
Trong những năm gần đây Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt gắn cổ phần hóa với niêm yết. Chính phủ cũng đưa nhiều văn bản hướng dẫn, việc thực thi càng ngày càng nghiêm, đặc biệt cuối năm 2018 và 2019, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn bằng hai động thái: thứ nhất là công bố danh tính tất cả những doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn; thứ hai là chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa rồi thì phải lên sàn, thoái vốn của Nhà nước và quy trách nhiệm cho các lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Nhà nước.
Đây là những chỉ đạo rất kịp thời, sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh trong việc cổ phần hóa và gắn với cổ phần hóa niêm yết bắt đầu từ quý II/2019.
Nhưng đến thời điểm này danh tính và danh sách đó vẫn quá dài, quá nhiều...
Hiện nay theo danh sách chúng tôi nắm được, năm 2018 chúng ta đã công khai danh tính 745 doanh nghiệp đã cổ phần hóa mà phải thực hiện các giao dịch, hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó có hơn 200 doanh nghiệp đã thực hiện rồi, và còn khoảng hơn 200 doanh nghiệp chưa thực hiện, đã đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhưng chưa thực hiện.
Hiện Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục rà soát, báo cáo với Bộ Tài chính để có biện pháp đốc thúc các bộ chủ quản cũng như người đại diện của bộ sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Do đó chúng tôi tin tưởng rằng khoảng quý II, quý III/2019 sẽ có chuyển biến rất tích cực trong việc đăng ký giao dịch và niêm yết của các doanh nghiệp này...
Theo quy định mới tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nhiều loại phí trên thị trường chứng khoán phái sinh được nhiều nhà đầu tư phản ánh là "phí chồng phí", "tận thu", "vô lý". Việc áp phí này sẽ khiến nhà đầu tư chùn bước khi tham gia thị trường. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng việc thực hiện thu phí là tất yếu vì các hoạt động của sở giao dịch hay trung tâm lưu ký phải có mức phí để hoàn trả chi phí của đầu tư. Đây chuyện bình thường. Chẳng qua giai đoạn đầu chúng ta khuyến khích thị trường phát triển nên miễn phí, nhưng đến giai đoạn này khi thị trường đã phát triển một thời gian và cũng tương đối ổn định rồi thì chúng ta áp những thuế này.
Trong quá trình xây dựng mức phí khi áp dụng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời tính toán rất kỹ các điều kiện của Việt Nam, lấy ý kiến rộng rãi của các ngành...
Tất nhiên, còn có những ý kiến khác nhau, nhưng đa số các ý kiến là đồng thuận. Vì nếu không có ý kiến đồng thuận, không thể mang lại bản quy định về phí mà chúng tôi cho rằng trước hết chúng ta phải có để đúng với bản chất và đúng với thông lệ quốc tế. Còn mức đó cao hay thấp thì phải chờ một thời gian thực hiện chúng ta mới có thể biết được, cơ quan quản lý sẵn sàng nghe ngóng trên thị trường để có những điều chỉnh phù hợp.
Khi Thông tư 127 đi vào hoạt động dẫn đến tình trạng khối lượng giao dịch trên thị trường giảm, theo ông có phải điều này sẽ hạn chế nhà đầu tư cá nhân mà khuyến khích nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường phái sinh?
Tất nhiên khi áp phí vào thì có thể ảnh hưởng đến giao dịch, nhưng đấy không phải là lý do chính để dẫn đến giảm giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh ở một vài phiên giao dịch. Bởi vì chúng ta thấy rằng thị trường chứng khoán phái sinh đặc thù của nó một phần là đầu cơ trên thị trường chứng khoán cơ sở, nên nó sẽ hoạt động rất sôi nổi, khi chỉ số có biến động mạnh thì thông thường bên phái sinh sẽ hoạt động mạnh hơn.
Trong thời gian vừa qua, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh vẫn rất sôi động, nhưng không có sự đột biến. Cũng có một vài phiên giảm, vì trong 6 -7 tháng vừa rồi chỉ số VN-Index rất ổn định. Thời gian gần đây lại có thông tin rằng thị trường phái sinh có hoạt động mạnh hơn bởi vì thị trường đang có sự thăng hoa, hưng phấn trong những ngày đầu năm.
Vậy sắp tới khi nào sản phẩm chứng quyền sẽ đi vào hoạt động, thưa ông?
Sản phẩm chứng quyền hiện đã đầy đủ cơ sở, cả cơ sở pháp lý, cả về hệ thống giao dịch đã sẵn sàng của các thành viên. Nhưng theo các quy định về mặt pháp quy thì sản phẩm chứng quyền phải dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán của các doanh nghiệp có chứng khoán cơ sở có niêm yết. Mà chúng ta biết thời điểm đầu năm các doanh nghiệp đang thực hiện kiểm toán, nên khi có báo cáo kiểm toán thì tầm tháng 3, tháng 4 (còn khoảng hơn 1 nữa để chuẩn bị). Thế nên, sản phẩm chứng quyền chắc sẽ ra đời vào khoảng cuối tháng 5, hoặc tháng 6,7/2019...
Xin cảm ơn ông.
Theo thegioitiepthi.vn
Cơ hội mới của thị trường chứng khoán Việt Nam Cùng với việc tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, quyết tâm tạo ra những bước tiến rõ nét về thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho thị trường chứng khoán. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy...