Vị cứu tinh già ở ‘ngã tư tử thần’
Gắn bó với công việc cứu người tại “ ngã tư tử thần” bao nhiêu năm nay, ông Đang luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình. Ông giúp đỡ người ta mà không cần họ phải nhớ mình, phải trả ơn.
Như một “y tá đường phố”
Ở “ngã tư tử thần” – một điểm đen về tai nạn giao thông ở Yên Dũng (Bắc Giang) ấy, ngày nắng cũng như ngày mưa, luôn có một người đàn ông hi sinh thầm lặng, coi nỗi đau của người khác là nỗi đau của chính mình để rồi dấn thân giúp đỡ, sơ cứu bông băng vết thương cho những ai lỡ không may gặp nạn.
Người đàn ông ấy là Đào Ngọc Đang, 54 tuổi, ở thôn Nam, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Cái tên “vị cứu tinh ở ngã tư tử thần” cũng chính do những người dân ở nơi đây đặt cho ông.
Đặt chân vào quán nhỏ bên ngã tư đường quốc lộ, tôi thấy ông Đang đang miệt mài cặm cụi vá xăm cho một chiếc xe đạp hỏng của vị khách qua đường. Khách lạ mới đầu đến đây ai cũng nghĩ rằng ông chỉ là người thợ sửa xe đơn thuần với công việc hàng ngày như thế, chứ chỉ người dân ở trong vùng này mới biết rằng ông còn là y tá sơ cứu cho những người không may rủi ro gặp tai nạn ở đoạn đường này. “Gọi là y tá chứ cũng chỉ làm phúc cho người qua đường thôi, thôi thì giúp họ những lúc không may gặp hoạn nạn giữa đường” – ông Đang tâm sự.
Ông Đang được coi là một vị “cứu tinh” ở “ngã tư tử thần”
Ông cụ thân sinh ra ông là thầy thuốc Nam, y đức nổi tiếng trong vùng. Kế thừa đức tính làm phúc cứu người từ cha, lại có thêm chút hiểu biết sơ qua về cách băng bó vết thương, sát trùng… mặc dù công việc chính là vá săm, sửa xe nhưng ông kiêm luôn cả thầy thuốc sơ cứu. Ông gắn bó với công việc này từ năm 2007, khi Hội chữ thập đỏ Bắc Giang mở lớp tập huấn cho các tình nguyện viên về băng bó vết thương cơ bản và đặt điểm sơ cứu ở tại ngã tư Song Khê – Yên Dũng. Chốt sơ cứu được đặt tại hiệu sửa xe của ông Đang, có tên biển rõ ràng, được trang bị tủ thuốc, bông băng, gạc, trang thiết bị y tế, bình lọc nước vô trùng. Có hôm, một mình ông băng bó cho 3 người bị thương, người bị nặng thì sơ cứu trước, người bị nhẹ thì làm sau.
Hội chữ thập đỏ Bắc Giang giao cho ông cuốn sổ theo dõi sơ cấp cứu tai nạn thương tích ở ngã tư này. Tất cả những vụ tai nạn dù lớn hay nhỏ đều được ông thống kê, ghi lại rành mạch rõ ràng cả tên tuổi người bị nạn, rồi chuyện sơ cấp ra sao… Những con số về các vụ tai nạn, số nạn nhân bị thương vong trong cuốn sổ ấy… khiến tôi ám ảnh. “Tính từ năm 2000 đến nay, từ khi quốc lộ 1A mới được đưa vào sử dụng, tại điểm đen này phải có đến hàng chục người bỏ mạng” – ông ngậm ngùi day dứt. Từng có một vụ tai nạn kinh hoàng giữa một xe ô tô 30 chỗ đưa người đi chùa Yên Tử về đến đoạn này đã va chạm với chiếc xe tải 15 tấn khiến 25 người bị thương, 1 đứa trẻ con chết tại chỗ, 4 người khác lên đến viện cũng tử nạn. Ông ngậm ngùi kể lại ngày kinh hoàng ấy – ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm 2000 khiến ông không thể nào quên được. Còn nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày như thời điểm năm 2007, trong một buổi tối từ 7h đến 10h xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 người tử vong tại chỗ.
Ông Đang vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên sơ cấp cứu rồi chở người bị nạn vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cứu chữa. Đó vào một đêm tháng Chạp buốt giá, cửa hàng sửa xe máy của ông bỗng xuất hiện một vị khách lạ ghé vào hỏi mua mấy chai nước. Thấy một bên cánh tay của vị khách này đờ ra và có một vệt máu dầm dề, ông liền hỏi thăm.
Video đang HOT
Thì ra, một mình phóng xe máy từ Lạng Sơn về quê vợ ở tận Thanh Hóa trong đêm tối, khi vừa qua cầu Xương Giang do buồn ngủ nên anh này đã lao vào dải phân cách ven đường, gãy tay.
Biết chuyện, ông Đang liền kiếm ngay hai thanh gỗ, rồi xé cái áo mỏng làm dây bó nẹp cánh tay cho anh này. Ngay trong đêm đó, ông chở vị khách lạ vào bệnh viện và báo tin cho thân nhân anh ta. “Lúc đó, người thanh niên này chỉ có 40.000 đồng, tôi phải đưa thêm cho 150.000 đồng để làm thủ tục nhập viện…” – ông Đang nhớ lại.
Cứu người là niềm vui
Gắn bó với công việc này bao nhiêu năm, ông luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình. Ông giúp đỡ người ta mà không cần họ phải nhớ mình, phải trả ơn. Ông bảo, nhiều người sau khi được ông băng bó vết thương xong còn đưa cho ông vài trăm ngàn tiền bông băng, gọi là tiền công cứu chữa, nhưng ông nhất định không cầm, bảo họ dùng số tiền đó để mua thuốc thang điều trị cho chóng khỏi.
“Người ta gặp hoạn nạn mình giúp người ta làm phúc chứ cần gì đồng tiền đâu. Nhưng nhiều khi họ gặp tai nạn, mình vội vàng chạy ra đỡ họ dậy để bông băng cầm máu có người lại hiểu lầm mình làm để lấy tiền nên đã xua tay không cần”- ông Đang chia sẻ.
Cuốn sổ ghi chép cơ cấp cứu do ông Đang ghi lại từ các vụ tai nạn ở “ngã tư tử thần”
Những lúc như thế, ông Đang lại nhẹ nhàng giải thích để cho người ta hiểu công việc ông làm chỉ để làm phúc, bông băng để cầm máu, giúp đỡ ai gặp nạn chứ không vì mục đích lợi danh nào. Khi được ông sát trùng, băng bó vết thương xong họ mới hiểu ra tấm lòng đầy nhân hậu của “vị cứu tinh” ở “ngã tư tử thần” này.
Tại điểm đen này, ông không thể nhớ chính xác được bao nhiêu người đã được ông sơ cứu vì ở đây thường xuyên xảy ra các vụ va chạm. “Nhẹ thì trầy xước ngoài da, nặng thì gãy chân, gãy tay, bất tỉnh. Ai tôi cũng sơ cứu bông băng vết thương, sát trùng để cầm máu rồi chuyển họ đi bệnh viện Đa khoa Bắc Giang hay lên Hà Nội cấp cứu, điều trị”- ông Đang cho biết.
Anh Hoàng Văn Nghĩa – lái xe ôm ở khu vực này chia sẻ: “Nhắc đến ông Đang, không ai không biết biết ông là một người hiền lành, phúc hậu nổi tiếng trong vùng. Ông thường xuyên giúp đỡ cho những người không may gặp tai nạn rủi ro ở ngã tư này, bất kể là người già hay trẻ em, là trai hay gái… đều tận tình giúp đỡ”.
Bà Lê Thị Minh Khánh – Hội trưởng Hội chữ thập đỏ thành phố Bắc Giang cho biết: “Ông Đang là thành viên của Đội tình nguyên viên sơ cấp cứu tai nạn giao thông từ tháng 5 năm 2009 đến nay. Bề ngoài hiền lành ít nói nhưng mỗi khi cứu giúp người ông rất tận tình, tâm huyết và hết lòng vì nạn nhân. Mỗi năm có hàng chục người được ông sơ cứu, giúp đỡ ở ngã tư này”.
Nguyễn Tuấn
Theo Infonet.vn
Giải mã 'ngã tư tử thần' ở Bắc Giang
Với hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc, cướp đi mạng sống của vô số người, người dân đã đặt cho ngã tư giao nhau giữa đường quốc lộ 1A với đường tỉnh 398 thuộc địa phận Bắc Giang cái tên "ngã tư tử thần".
Đã từ lâu, ngã tư giao nhau giữa đường quốc lộ 1A với đường tỉnh 398, thuộc địa bàn xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, được người dân gắn cho cái tên "ngã tư tử thần". Tại đây liên tục xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc làm chết vô số người.
Xem những con số thống kê các vụ tai nạn xảy ra ở ngã tư này trong cuốn sổ ghi chép của đội CSGT huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi không khỏi giật mình. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tại điểm đen này (Km 119 - Km 122 QL 1A) đã xảy ra 26 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 32 người chết, hàng chục người bị thương, hư hỏng nhiều phương tiện xe ô tô, xe gắn máy.
Cái tên "ngã tư tử thần" bắt đầu có từ khi xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng năm 2000 (vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch). Một xe ô tô 30 chỗ đưa người đi chùa Yên Tử về đến đoạn này đã bất ngờ rồ ga và tông trực diện với chiếc xe tải 15 tấn khiến 25 người bị thương, 1 em bé chết tại chỗ, 4 người khác lên đến viện cũng tử nạn. Vụ tai nạn đã gây nên nỗi ám ảnh với người dân ở ngã tư tử thần này. Tại đây, còn có nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày như thời điểm năm 2007, trong một buổi tối từ 7h đến 10h xảy ra 2 vụ tai nạn liên tiếp và có đến 4 người tử vong.
"Ngã tư tử thần" ở Bắc Giang
Nhiều người dân ở đây vẫn chưa quên được vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào ngày 3/5/2011 tại Km 19 600 Tỉnh lộ 398 thuộc địa phận xã Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang. Một chiếc xe ô tô tải mang BKS 98K chạy theo hướng thị trấn Neo, thành phố Bắc Giang, đã cán nát chiếc xe máy đi cùng chiều do anh Nguyễn Văn Phong điều khiển khiến vợ anh là chị Huyền và cháu Tùng - con trai 3 tuổi chết tại chỗ. Anh Phong bị thương nặng và cũng đã tử vong trong bệnh viện sau đó một tiếng.
Mới đây, tại "điểm đen" này đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng làm hai người chết tại chỗ. Vào khoảng 1h30 ngày 18/1, chiếc ô tô chở khách BKS Lào đi hướng Hà Nội - Lạng Sơn, khi tránh vượt xe tải đi cùng chiều, đã đâm vào xe máy đi ngược chiều. Hậu quả, hai nạn nhân trên xe máy chết tại chỗ là anh Dương Văn Chung (SN 1977, ngụ xã Tân Tiến, TP Bắc Giang) và anh Dương Văn Đức (SN 1970, ngụ xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, Bắc Giang). Sau khi đâm vào xe máy, chiếc xe khách trên còn va chạm với ô tô BKS 99K, làm chiếc xe này đâm vào taluy bên phải đường và bị hư hỏng nặng. Rất may, những người đi trên xe khách và lái xe tải không bị thương tích.
Những người dân sống ven quốc lộ cho biết, những vụ tai nạn thương tâm như vậy trên quốc lộ 1A mới, đoạn qua xã Song Khê, huyện Yên Dũng gần như đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". "Vậy địa bàn huyện nào xảy ra tai nạn nhiều nhất?" - chúng tôi hỏi. Người dân không phải suy nghĩ, trả lời ngay, đó là "ngã tư tử thần", tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A (mới) và tỉnh lộ 398.
Giải mã nguyên nhân tai nạn
Theo quan sát, tại điểm đen này là ngã tư giao cắt giữa quốc lộ 1A với tỉnh lộ 398, đến đây đi trái rẽ vào TP Bắc Giang, rẽ phải là Neo, đi thẳng là lên thị trấn Kép. Nguyên nhân của các vụ tai nạn xảy ra ở đây, không phải do tầm nhìn che khuất mà phần lớn do các phương tiện tham gia giao thông đi nhầm làn. "Trước đây, khi chưa có hệ thống đèn báo hiệu, ngã tư này được coi như một điểm đen về TNGT, các vụ tai nạn thương tâm xảy ra thường xuyên và liên tục, gây nên ám ảnh cho những người dân ở khu vực này" - Thiếu tá Đoàn Thế Phong, Phó phòng CSGT tỉnh Bắc Giang cho biết.
Từ khi hệ thống đèn báo hiệu được đưa vào sử dụng từ năm 2009, số lượng các vụ tai nạn tính riêng ở "điểm đen" này đã giảm đi nhiều so với trước nhưng vẫn còn ở mức cao. "Tính từ năm 2000 đến nay, từ khi quốc lộ 1A mới được đưa vào sử dụng, ở đây như đã thành "dớp", có đến hàng chục người bỏ mạng", ông Trần Ngọc Đang, người dân sống gần khu vực ngã tư này cho biết. Theo ông Đang, ở đây tháng nào cũng xảy ra hơn chục vụ va chạm giữa các phương tiện, nặng thì nạn nhân tử vong tại chỗ còn nhẹ thì gãy chân, gãy tay, chảy máu... nhiều vô kể.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến tai nạn nghiêm trọng là do chính ý thức và sự hiểu biết hạn chế về luật giao thông của người đi đường. "Xe ô tô, xe máy, container... thường chạy với tốc độ cao, vượt ẩu, phanh gấp qua "điểm đen" này. Hơn nữa, trước ngã tư này có biển hướng dẫn phân làn nhưng rất khó nhìn, người đi lần đầu, đi thẳng nhưng rất dễ đi nhầm vào làn rẽ trái" - Thiếu tá Đoàn Thế Phong cho biết thêm.
Đánh giá về tình hình TNGT trên địa bàn, Thiếu tá Phong cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung và riêng tại vị trí giao cắt tại ngã tư Song Khê - Yên Dũng - Bắc Giang là do sự quản lý Nhà nước về giao thông vận tải trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang còn nhiều hạn chế; sự không tương thích giữa các yếu tố cơ bản cấu thành hoạt động giao thông vận tải trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang và ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của một bộ phận người tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ 1A (mới) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang còn rất kém.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ trên tuyến quốc lộ 1A (mới) đồng thời tăng cường thanh tra giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến quốc lộ 1A (mới) đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tâm ở "cung đường tử thần" và "điểm đen" về giao thông" - Thiếu tá Phong khẳng định.
Nguyễn Tuấn
Theo Infonet.vn
Ông lão lặng lẽ 10 năm đi bóc, xóa quảng cáo, rao vặt Lặng lẽ giữa đường phố ồn ào, chiều nào ông Minh cũng tranh thủ lúc đi tập thể dục để bóc những tờ quảng cáo, rao vặt... dán bừa bãi trên bờ tường và cây cột điện để làm đẹp phố phường. Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng 5h chiều, người ta lại bắt gặp hình ảnh một ông lão tóc đã...