Vì bỏ qua vi chất này mà nhiều cha mẹ khiến con học tập kém, giảm thông minh
Do lười ăn rau xanh đã có trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt. Theo các chuyên gia, bỏ qua vi chất này sẽ khiến con học tập kém, giảm thông minh…
Trẻ thiếu máu do lười ăn rau
Vừa qua, bệnh nhi N.T.K.O, 7 tuổi (Yên Mỹ, Hưng Yên) đến khám với lý do hoa mắt chóng mặt, đau nhức 2 bên thái dương, biếng ăn, ngủ không ngon giấc trong vòng một tháng gần đây. Vào viện, bác sỹ đã chẩn đoán bé O bị thiếu máu.
ThS.BS Trần Tuấn Anh – Chuyên khoa Nhi, BVĐK Medlatec cho biết, khi bệnh nhân đến khám với triệu chứng lâm sàng đã cho bệnh nhân làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết.
Kết quả cho thấy: Lượng huyết sắc tố: 10,6 g/dL, tức có giảm so với bình thường là 12,0 -15,5g/dL; Thể tích khối hồng cầu: 35,2%, tức có giảm so với bình thường là 37 – 42%; Sắt huyết thanh: 7,14 mol/L, tức có giảm so với giá trị bình thường là 9.00 – 30.40 mol/L. Gia đình bé cho biết, bé không có tiền sử xuất huyết, mất máu, nhưng có thói quen không ăn rau từ nhỏ và rất ít khi ăn hoa quả.
BS Trần Tuấn Anh khám cho bệnh nhân
Theo Tổ chức Y tế thế giới, được coi là thiếu máu khi: Hb dưới 100g/l ở trẻ 6 tháng đến 6 tuổi; Hb dưới 120g/l ở trẻ từ 7 – 14 tuổi. Nguyên nhân gây thiếu máu có rất nhiều, loại thiếu máu hay gặp nhất là thiếu máu dinh dưỡng do thiếu nguyên liệu tạo máu như sắt, vitamin B12, đồng, axit folic… trong đó sắt là phổ biến. Ngoài ra, còn do bất thường của cơ quan tạo máu, do mất máu (Chấn thương, chảy máu cam,…), mắc bệnh tan máu do bệnh huyết cầu tố, bệnh của màng hồng cầu, tan máu tự miễn…
Đối với trường hợp bé O, BS Tuấn Anh cho biết là thiếu máu do thiếu sắt, đây là nguyên nhân hay gặp nhất ở trẻ em. Trẻ thiếu máu dẫn đến chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, khiến trẻ thấp còi, trí thông minh kém, học tập kém, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai và sự phát triển của đất nước.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu máu
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), biểu hiện của thiếu máu, thiếu sắt khá chung chung hay gặp ở nhiều bệnh khác nhau nên thường bị nhầm với các bệnh khác. Mọi người cũng dễ dàng bỏ qua. Nhiều trẻ chỉ được phát hiện bệnh khi đến bệnh viện khám do một bệnh khác.
Trẻ thiếu máu nhẹ, biểu hiện chỉ là da hơi xanh, niêm mạc nhợt, mắt nhợt. Nặng thì da xanh nhiều, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, không chịu chơi, quấy khóc kéo dài, chậm tăng cân đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi. Để phát hiện bệnh, mọi người chỉ cần làm xét nghiệm máu đơn giản.
Điều sai lầm mà không ít gia đình gặp phải là cứ cho ăn nhiều sẽ không lo thiếu máu, thiếu sắt. Thực tế nhiều trường hợp cho ăn rất đầy đủ, trẻ ăn nhiều mà vẫn bị thiếu do sự hấp thu, tiếp hóa của trẻ không tốt. Ăn đủ nhưng cần tính theo nhu cầu từng lứa tuổi, cân nặng… Có trẻ ăn đủ lượng thịt nhưng lượng rau, củ quả lại không cân đối làm ảnh hưởng việc hấp thụ sắt.
Video đang HOT
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ thiếu máu dinh dưỡng?
Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp cân đối lượng rau quả cho trẻ để phòng thiếu máu. Anh minh họa
Để phòng tránh thiếu máu cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo bằng cách xây dựng thực đơn ăn uống phong phú, khoa học như sau:
- Bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như: Gan, tim, bầu dục, trứng, thịt, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín,… vào khẩu phần ăn của trẻ;
- Tăng cường cho trẻ ăn các loại rau quả có chứa nhiều vitamin C: Cam, quýt, chuối, đu đủ, rau ngót, rau muống để hỗ trợ hấp thu sắt;
- Để phòng thiếu máu, ngoài chế độ ăn cha mẹ cần cho trẻ uống các chế phẩm có chứa sắt khi có chỉ định của bác sĩ.
- Thiếu máu do nhiều nguyên nhân, đối với các trường hợp thiếu máu nặng cần đến bệnh viện uy tín để truyền máu và điều trị theo phác đồ phù hợp.
P.Thuận
Theo giadinh.net.vn
Ăn ít rau là nguyên nhân của 19% số ca ung thư dạ dày và ruột
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đó là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân.
Mua rau xanh trong siêu thị. (Nguồn: TTXVN/Vietnam )
Thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, bao gồm thừa cân và béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm.
Các nghiên cứu cho thấy, ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số trường hợp ung thư dạ dày, ruột; 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
Thông tin trên được ông Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng, diễn ra ngày 19/4 tại Hà Nội.
50% người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây
Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phân tích, theo số liệu điều tra quốc gia của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy hơn 1/2 người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Rau xanh là một khẩu phần ăn không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: PV/Vietnam )
[Ăn nhiều rau củ khi còn trẻ giúp tim khỏe mạnh ở tuổi trung niên]
Đáng lưu ý, bên cạnh thói quen ăn mặn, các nghiên cứu cũng cho thấy, người Việt rất thích đồ ngọt, trong đó có uống nước ngọt. Năm 2016, Việt Nam tiêu thụ hơn 4 tỷ lít nước ngọt, trong đó nhiều nhất là trà uống liền với hơn 2 tỷ lít, tiếp theo là đồ uống có ga (hơn 1 tỷ lít), sau đó là nước uống thể thao, nước tăng lực, nước trái cây.
Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên gần 16% dân số vào năm 2015.
Do vậy, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm. Bởi thói quen ăn uống và tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam là một trong những yếu tố nguy cơ cần phải được thay đổi.
Biểu đồ về mức tiêu thụ các loại nước ngọt tại Việt Nam. (Nguồn: Bộ Y tế; đơn vị: tỷ lít)
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần phải có được môi trường thực phẩm an toàn như cần sự minh bạch về thực trạng tiêu thụ các thực phẩm phổ biến như được chế biến và đóng gói sẵn, ghi nhãn dinh dưỡng bao gồm có công bố về thành phần muối (natri), tổng đường và chất béo... giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có các quy định về hạn chế tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Hoàn thiện chính sách về thực phẩm an toàn
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính cứ 10 trường hợp tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ bệnh không lây nhiễm đó là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và chế độ ăn uống của người dân. Những thay đổi bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến sẵn nhiều chất béo, muối, đường và từ lao động thể lực sang ít hoạt động thể chất.
Tại hội thảo, ông Trương Đình Bắc nhấn mạnh, tại Việt Nam, các chính sách, quy định liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh đã có nhưng vẫn cần phải hoàn thiện.
Hội thảo là một hoạt động hưởng ứng Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh như: ghi nhãn dinh dưỡng công bố minh bạch về thành phần dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe...
Bộ Y tế ký kết hợp tác nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân. (Ảnh: PV/Vietnam )
Các chuyên gia đầu ngành và đại diện từ Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại Học Y Hà Nội, các đơn vị liên quan đã chia sẻ các bài trình bày và ý kiến về các vấn đề ưu tiên nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tiêu thụ thực phẩm, giảm mức tiêu thụ muối, đường, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, cũng như sử dụng hợp lý chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày.
"Chương trình Sức khỏe Việt Nam" do Chính phủ phê duyệt, trong đó về lĩnh vực dinh dưỡng đã kêu gọi tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, đặc biệt là tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
"Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường...," ông Trương Đình Bắc cho biết.
Nhân dịp này, Nestlé Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong việc hợp tác truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý cho người dân, hỗ trợ xây dựng các tiêu chí dinh dưỡng cho một số thực phẩm và đồ uống phổ biến dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị dành cho người Việt Nam./.
Thùy Giang
Theo Vietnam
Sức khỏe vị thành niên toàn cầu đã xấu đi như thế nào? Giới chuyên gia cho rằng đầu tư vào sức khỏe vị thành niên có thể mang lại lợi ích gấp ba lần - làm cho vị thành niên hiện tại, người trưởng thành và cho thế hệ sau khỏe mạnh hơn. Sức khỏe vị thành niên trên toàn thế giới đã xấu đi trong 25 năm qua - REUTERS Ông Peter Azzopardi, người...