“Vết thương” đau đớn của người TQ sau nhiều lần bị người Nhật áp đảo
Trong quá khứ, Trung Quốc từng nhiều lần bị Nhật Bản đô hộ, đàn áp và gây ra những vết thương tâm lý mãi không thể lành.
Lính Nhật thời Thế chiến 2.
Ngày 13.12 vừa qua, người Trung Quốc đã tổ chức kỉ niệm tròn 80 năm vụ thảm sát Nam Kinh. Sự kiện này không chỉ mang tính bước ngoặt trên chiến trường, mà còn để lại rất nhiều nỗi đau dai dẳng mà người Trung Quốc phải hứng chịu dưới tay phát xít Nhật Bản. Mời bạn đọc cùng nhìn lại những sự kiện chấn động diễn ra trong giai đoạn quân phát xít Nhật đánh chiếm Trung Quốc qua loạt bài này.
Quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản ngày nay vẫn căng thẳng và tiềm ẩn xung đột vì nhiều lí do khác nhau. Một trong những điểm quan trọng nhất xuất phát từ cuộc chiến khởi đầu cách đây hơn 80 năm. Đã nhiều thập kỷ trôi qua nhưng mối hận của người Trung Quốc vẫn chưa nguôi ngoai, đặc biệt là với những nạn nhân chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản ngày nay vẫn còn sống ở Trung Quốc.
Chương trình học ở Trung Quốc cũng vẫn đậm chất chống Nhật Bản. Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc sử dụng chủ nghĩa dân tộc làm bàn đạp để thu hút sự ủng hộ của dân chúng. Kết quả là rất nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi bài Nhật trở thành xu hướng chủ đạo. Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc cho rằng Nhật không bày tỏ thiện chí và sự hối lỗi mà thậm chí còn ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt trước đây.
Lí giải điều này, học giả Shaohua Hu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Nhật Bản cho biết mối căm thù của người Trung Quốc xuất phát từ lý do tâm lý và căn cứ lịch sử. Thế chiến II với sự trỗi dậy của quân Nhật chỉ là một trong số ít lần nước này thể hiện tham vọng bành trướng sang Trung Quốc.
Binh lính Nhật ăn dưa hấu tại một ngôi làng ở Trung Quốc.
Người Trung Quốc và Hàn Quốc hồi cuối thế kỷ 13 từng bị quân đội Nhật hùng mạnh xâm chiếm. Dưới thời nhà Minh (1368-1644), cướp biển Nhật Bản liên tục quấy nhiễu bờ biển Trung Quốc và dọc sông Dương Tử. Cuối thế kỷ 16, lãnh chúa Hideyoshi thậm chí còn đưa quân xâm lược Hàn Quốc để làm bàn đạp chiếm Trung Quốc. Lãnh chúa này từng hy vọng chuyển thủ đô của Nhật về Bắc Kinh ngày nay.
Trong thời hiện đại, không cường quốc nào gây tác động lớn Trung Quốc như Nhật Bản. Đầu năm 1874, Tokyo từng gửi một đoàn viễn chinh tới đảo Đài Loan trừng phạt người dân bản địa vì đánh đắm tàu cá Nhật Bản. Sau khi bị chống trả quyết liệt, Nhật Bản sử dụng kế sách ngoại giao ép Trung Quốc phải trả tiền đền bù.
Sau đó 20 năm, khi Bắc Kinh được yêu cầu tham gia chặn đứng phong trào nông dân ở Hàn Quốc, Tokyo đã gửi ngay đội quân viễn chinh tới đảo Triều Tiên. Một Trung Quốc yếu thế đã buộc phải nhường lãnh thổ và trả chiến phí gấp 2 lần ngân sách chính phủ cho Nhật Bản. Điều này tạo cơ hội cho Nhật xây dựng nhà máy ở Trung Quốc và mở đầu thời kỳ phát triển kinh tế hoàng kim.
Những cô gái Trung Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật Bản.
Cuộc chiến Nga- Nhật năm 1904-1905 diễn ra chủ yếu ở phần lãnh thổ đông bắc Trung Quốc. Tiếp tới phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, Nhật Bản chiếm được 1/3 diện tích lãnh thổ của lực lượng tấn công chính quyền Bắc Kinh.
Thế chiến I càng khiến Nhật Bản hưởng lợi nhiều hơn từ Trung Quốc. Sau khi đưa ra 21 yêu sách nhằm mở rộng quyền lực và thanh thế, Nhật “nuốt trọn” vùng lãnh thổ từng được Đức cai quản ở Sơn Đông. Cuối những năm 1920, Nhật Bản hỗ trợ các lãnh chúa ở đông bắc Trung Quốc để chặn sự thống nhất của quốc gia đông dân nhất hành tinh. Cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 1933 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản càng làm Tokyo thêm “tác oai tác quái”. Hệ quả, Nhật chiếm trọn vùng đông bắc Trung Quốc và tới năm 1937 đẩy nước này vào cuộc chiến tranh không mong muốn.
8 năm kháng chiến chống Nhật khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng và khiến hàng triệu người chết. Tới ngày hôm nay, sự tàn ác của quân Nhật thời đó trong ký ức nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là vụ thảm sát Nam Kinh sẽ khó phai mờ.
Video đang HOT
Trung Quốc không ưa Nhật Bản một phần bởi yếu tố tâm lý. Nhiều người Trung Quốc cho rằng Nhật Bản quên ơn. Trong quá khứ, Nhật Bản vay mượn rất nhiều từ văn hóa văn minh của Trung Quốc, từ luật pháp, chữ viết, kiến trúc tới trang phục. Theo quan niệm truyền thống Trung Quốc, “nửa chữ cũng là thầy”. Tuy nhiên “cậu học trò Nhật Bản” chưa bao giờ thôi tìm cách cưỡng bức, đe dọa và tấn công Trung Quốc.
Những người Trung Quốc bị lính Nhật chôn sống.
Trung Quốc cảm thấy khó nuốt trôi mối hận này. Khi nhìn vào tiềm lực hai quốc gia, khó có một ai nghĩ rằng Trung Quốc lại chịu thua cay đắng trước Nhật Bản. Tokyo có diện tích nhỏ hơn rất nhiều và tài nguyên eo hẹp. Quân Trung Quốc nhiều hơn quân Nhật hàng chục lần và vóc dáng còn cao lớn hơn lính Nhật Bản thời đó vốn hay bị chế nhạo là “lùn”.
Một điều quan trọng hơn, đó là người Trung Quốc vẫn chưa thỏa mãn được khát vọng trả hận của mình. Nhiều người từng kì vọng rồi Trung Quốc và Nhật Bản sẽ lại hòa hợp như Pháp và Đức trước đây. Trong quá khứ, Pháp và Đức đã nhiều lần đụng độ, đánh nhau liên miên nhưng sau thế chiến II lại là đồng minh thân cận. Điểm khác biệt duy nhất là ở chỗ Pháp và Đức thay phiên nhau xâm chiếm nước còn lại. Với Trung Quốc, nước này chưa một lần thể hiện năng lực “chiếu trên” trước Nhật Bản trong những cuộc đấu tay đôi. Vết thương tâm lý này không thể hàn gắn với rất nhiều người Trung Quốc vốn tôn sùng chủ nghĩa dân tộc.
_________
Hết
Theo Danviet/Quang Minh (JPRI)
Chuyện đau lòng về những nô lệ tình dục cho lính Nhật
Ám ảnh quá khứ sau 70 năm vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai với những nô lệ tình dục còn sống khi họ bị lính Nhật bắt giam, hãm hiếp và đánh đập tàn bạo.
Những cô gái Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật.
Ngày 13.12 vừa qua, người Trung Quốc đã tổ chức kỉ niệm tròn 80 năm vụ thảm sát Nam Kinh. Sự kiện này không chỉ mang tính bước ngoặt trên chiến trường, mà còn để lại rất nhiều nỗi đau dai dẳng mà người Trung Quốc phải hứng chịu dưới tay phát xít Nhật Bản. Mời bạn đọc cùng nhìn lại những sự kiện chấn động diễn ra trong giai đoạn quân phát xít Nhật đánh chiếm Trung Quốc qua loạt bài này.
Kí ức kinh hoàng
Tiếng nồi sành rơi xuống nền gạch vỡ toang phá tan không gian tĩnh mịch của buổi sớm mùa đông lạnh lẽo. Zhang Xiantu choàng tỉnh giấc. Quân Nhật tràn vào nhà cô, đập vỡ xoong nồi để tìm đồ ăn. Zhang, 16 tuổi chạy trốn khi thấy quân Nhật ập vào. Cô vừa lấy chồng được ít hôm. Tuy nhiên cô chạy không đủ nhanh do chân bị bó lúc còn nhỏ và từng bị gãy một lần.
Giờ đây ngồi trong căn nhà của mình ở huyện Uất, tỉnh Thiểm Tây, cô gái trẻ ngày nào mái tóc đã điểm bạc, hơi thở khò khè do căn bệnh phổi thường xuyên hành hạ. "Khi tôi gặp ác mộng, lúc nào tôi cũng mơ thấy mình bị chúng tóm. Tôi rất sợ hãi".
Bà Zhang lúc còn sống.
"Chúng tới và tìm thấy chúng tôi. Đường tràn ngập người chạy đi khắp ngả". Hơi thở Zhang chậm dần rồi đột ngột mạnh trở lại. "Ôi tôi quên hết mọi thứ rồi".
20 ngày sau, Zhang bị giam trong ngục. Sau đó, cô bị giam lỏng trong một ngôi nhà hàng xóm và phải "hầu hạ" lính Nhật suốt thời gian đó. "Tôi chết ngất vì sợ hãi", Zhang nói.
Lập "trại thỏa mãn"
Chưa kịp đòi lại công lý cho mình, bà Zhang đã qua đời vì tuổi cao.
Hầu hết những phụ nữ bị lính Nhật hãm hiếp ở miền nam Trung Quốc thời điểm đó đều chết vì bệnh tật hoặc lạm dụng tình dục. Ít nhất 200.000 phụ nữ châu Á bị bắt ép trở thành nô lệ tình dục cho lính Nhật trong những "trại thỏa mãn" thời Thế chiến II. Chính sách này được Nhật thực hiện nhằm tránh tình trạng quân lính hiếp dâm, cướp bóc tràn lan khi chiếm được lãnh thổ.
Quân đội đế quốc Nhật Bản ban đầu chỉ thuê gái mại dâm ở các gia đình nghèo Nhật Bản làm dịch vụ giải khuây. Sau cuộc tàn sát và hãm hiếp kinh hoàng ở Nam Kinh, Trung Quốc năm 1937, chỉ huy quân Nhật quyết định cần lập ra những nhà thổ quân sự để ổn định quân số. Quân Nhật tràn sang châu Á khiến nguồn cung gái mại dâm trong nước không đủ.
Cuộc sống của những nô lệ này được mô tả là "địa ngục trần gian".
Theo Daily Mail, các cô gái từ Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á và thậm chí là cả châu Âu được tuyển mộ, lừa gạt hoặc ép buộc vào các nhà thổ quân sự do Nhật quản lý. Hầu hết trong số này đều đã qua đời. Các học giả Hàn Quốc cho rằng con số phụ nữ giải khuây tổng cộng lên tới 200.000 người. Các sử gia Trung Quốc thì cho rằng con số 200.000 là chỉ tính riêng người Trung Quốc bị bắt cóc ở các thành phố mà Nhật chiếm đóng, chưa kể các phụ nữ bắt từ các quốc gia khác.
Những "trại thỏa mãn" được dựng lên tạm bợ ở huyện Uất, tỉnh Sơn Tây không nằm trong hệ thống nhà thổ quân đội như ở Thượng Hải. Sau khi quân Nhật đầu hàng, nội chiến Trung Quốc xảy ra và nhiều biến cố diễn ra liên miên. Tài liệu chiến tranh bị xóa bỏ. Nô lệ tình dục che giấu quá khứ, lấy chồng và đổi tên họ, khiến những câu chuyện về họ bị che đậy trong một thời gian dài.
Những cô gái trẻ bị bắt vào "trại thỏa mãn".
Khi Zhang Xiantu bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật, cha cô bán hết dê trong nhà để gửi tiền chuộc. Trong hai năm sau đó, cô thường xuyên phải tới viện để chữa trị những vết thương do lính Nhật gây ra.
Zhang Xiantu nói rằng thức ăn thời điểm đó rất khan hiếm, ruộng đất nhà cô sau đó cũng bị chính quyền tịch thu. "Tôi chẳng có gì để ăn và không có gì để mặc. Bố mẹ tôi cũng đói khát mỗi ngày. Cuộc sống kiểu gì không biết. Tôi chẳng biết phải làm gì". Cái giá của tự do khiến gia đình cô tiêu tán cơ nghiệp. Zhang chỉ muốn quân Nhật đền bù.
Ngày 26.8.2016, Nhật tuyên bố sẽ đền bù mỗi cô gái Hàn Quốc từng bị bắt làm nô lệ tình dục số tiền 100 triệu won (khoảng 2 tỉ đồng) nhưng không thấy chính quyền Tokyo đề cập đền bù cho những nạn nhân Trung Quốc. Zhang Xiantu qua đời năm ngoái do tuổi cao sức yếu.
"Địa ngục lò mổ"
Một lính Nhật ngồi cạnh 2 cô gái là nô lệ tình dục.
Yi Ok-seon, một người Hàn Quốc trả lời BBC rằng khi cô 15 tuổi, 2 người đàn ông bản địa và lính Nhật Bản buộc cô tới một vùng hẻo lánh ở vùng tây bắc Trung Quốc, nơi quân Nhật chiếm đóng. Ở đó, cô trở thành nô lệ tình dục trong 3 năm.
"Tôi cảm thấy mình bị lừa gạt và lợi dụng ở độ tuổi nhỏ như vậy", Yi nói. "Ở đó chẳng khác gì cái lò mổ, không phải dành cho súc vật mà là con người. Những điều ghê tởm nhất xảy ra tại đó".
Ở những khu trại tạm bợ, các em gái tuổi đời chủ yếu từ 13 đến 16 bị bắt làm nô lệ. Họ phải "phục vụ" từ 30 tới 40 lính Nhật một ngày.
Niyem, người bị bắt cóc tới một khu trại quân sự ở Tây Java, Indonesia năm 10 tuổi kể lại câu chuyện kinh hoàng của mình với nhiếp ảnh gia Banning và nhà báo Hilde Janssen.
Niyem ở chung lều với hai cô gái khác và binh sĩ Nhật sẽ tới và hãm hiếp các cô trước mặt 2 người còn lại. Các cô phải uống nước từ mương và luôn thiếu thốn thức ăn. "Tôi vẫn còn trẻ và chỉ trong 2 tháng, người tôi bị hủy hoại hoàn toàn. Tôi chẳng khác gì đồ chơi và hoàn toàn vô giá trị trong mắt bọn chúng".
Tất cả các cô gái được đặt tên Nhật và phải trang điểm trước khi gặp lính Nhật. Những người xinh đẹp nhất bị bắt làm thê thiếp và bị "chuyền từ người nọ sang người kia". Điều này không có nghĩa các phụ nữ xinh đẹp được đối xử tốt đẹp hơn. Emah, sinh năm 1926 nói rằng những binh sĩ Nhật được chọn nô lệ tình dục từ một tập ảnh.
Một "trại thỏa mãn" điển hình với các cô gái ngồi đợi tới lượt tiếp khách.
"Nhiều kẻ thèm khát tôi", Emah nói. "Bọn họ đến như thác lũ, tên nọ nối tiếp tên kia. Tôi chỉ ước mình thật xấu để được trả về nhà sớm. Những người xinh đẹp bị giữ ở lại".
Một số nô lệ tình dục được cho tiền nhưng rất hãn hữu. Thay vào đó, họ được nhận chút ít đồ ăn hay mỹ phẩm. Nhiều cô gái ngoài phục vụ lính Nhật còn phải tham gia sản xuất ở những nhà máy trong vùng. Họ không phải ở lại "trại thỏa mãn" nhưng vẫn bị hãm hiếp.
Chính vì cách đối xử tàn tệ này mà rất nhiều phụ nữ trẻ đã chết. Nhiều thông tin cho biết những căn bệnh truyền nhiễm như giang mai thường xuyên xảy ra với các cô gái trẻ. Một số người bị bắt phá thai. Có người kể rằng bác sĩ Nhật từng tách bỏ tử cung của cô.
__________
Quân đội Quan Đông nổi tiếng tàn bạo và trực tiếp gây ra cái chết của hàng chục vạn người dân Trung Quốc ở thành phố Nam Kinh. Mời bạn đón đọc kì tới xuất bản tối 16.12.
Theo Danviet
Tin thế giới hôm nay: Nga-Trung hợp tác đối phó tên lửa Triều Tiên Nga và Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đạn đạo trong một cuộc tập trận hôm nay như là cách tập dượt cho các tình huống đối phó với tên lửa của Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga, Trung Quốc theo dõi sát diễn biến ở Triều Tiên. Lính Nga và Trung Quốc đã thực hành bắn hạ các tên...