“Vết sẹo” tâm hồn những tội phạm tuổi teen
Với tội giết người, Quỳ – 14 tuổi thuộc loại học sinh có “lon” tội lỗi vào loại “khủng” nhất của trường giáo dưỡng số 2.
Tội nào cũng có
Trường giáo dưỡng số 2 đã có lịch sử tròn 50 năm. Hai năm cho một khóa, trường cũng không thể thống kê được đã có bao nhiêu thế hệ học trò đã từng được “giáo dưỡng” ở đây. Lần đầu tiên đến một trường giáo dưỡng tôi không khỏi bỡ ngỡ.
Trung tá Lê Văn Sắc, Đội trưởng Đội giáo vụ đã dành một buổi chiều để giới thiệu về sự “khác biệt” của trường, nhất là các học sinh nơi đây. Về con đường để dẫn các cháu vào trường giáo dưỡng, trung tá Sắc chỉ nói vẻn vẹn một câu: “Người lớn phạm tội gì bọn trẻ ở đây phạm vào tội ấy, kể cả giết người. Bọn trẻ chỉ thiếu mỗi tội tham nhũng và chính trị”.
Lý Văn Quỳ (bên phải) cùng với Nguyễn Xuân Biển (trái) đều mang án giết người
Hôm tôi đến, Trung tá Sắc đã tiếp tôi trong phòng đọc của nhà trường. Đây cũng là phòng “đón tiếp” học sinh nhập trường. Buổi chiều hôm đó có ba cháu nhập trường, hai đến từ Lào Cai, một đến từ Nghệ An. Ấn tượng nhất là cháu Nguyễn Trọng Hùng đến từ xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An).
Hùng năm nay 14 tuổi nhưng trông cháu còi cọc như đứa trẻ lên 10. Hùng đến một mình mang theo một ba lô với đủ thứ đồ dùng lỉnh kỉnh. Khác với vẻ trẻ con bề ngoài, Hùng ăn nói chững chạc lạ thường. Cháu kể, sáng nay bố mẹ “tiễn chân” đến cổng trường rồi về luôn chỉ có cháu vào nhập trường. Đến từ một huyện miền núi rẻo cao nhưng khi vào làm thủ tục Hùng tỏ ra nhanh nhẹn và tiến hành các thủ tục một cách thuần thục không chút bỡ ngỡ. Không rụt rè như hai bạn đến từ Lào Cai, Hùng khai tên tuổi, quê quán và nói chuyện với thầy giáo cứ tự nhiên như ở nhà mình vậy. Hùng bảo bố mẹ cháu ở nhà làm ruộng, bản thân cháu đang học lớp 6 nhưng mê chơi điện tử. Vì quá nghiện nên cháu đã ăn trộm tiền của chú. Nhiều lần vi phạm bố mẹ nói nhiều, đòn roi chán nhưng cũng đành bất lực nên “gửi” cháu vào trường. Tranh thủ lúc thầy giáo đang tiến hành các thủ tục, tôi hỏi chuyện Hùng:
Video đang HOT
-Cháu trộm tiền có nhiều không?
Thằng bé nhanh nhảu: Ăn thua chi (gì) chú. Có mười mấy triệu.
-Mười mấy triệu là quá nhiều rồi mà?
- Nhưng cháu mới chơi hết mấy triệu thôi còn lại cháu trả rồi rứa (thế) mà bố mẹ cháu bắt cháu vào đây.
Đốt tiền vào trò chơi điện tử hết mấy triệu bạc với một học sinh lớp 6. Số tiền trên là tiền đi ăn cắp thế nhưng Hùng vẫn cho rằng như thế là quá oan khi bắt cháu phải vào trường. Với cách đối đáp “sắc lẹm” tôi cũng hiểu được bố mẹ của cháu đã phải bất lực thế nào với thằng bé này.
Ngay ngoài hành lang phòng đọc, tôi để ý đến cậu bé có nước da đen nhẻm ngồi thui thủi một mình với khuôn mặt buồn thiu. Đoán chắc thằng bé mới nhập trường nên nhớ nhà và tôi đã đến làm quen.
- Cháu tên gì, quê ở đâu?
- Quỳ, Lý Văn Quỳ, cháu ở Tràng Định, Lạng Sơn
- Cháu bao nhiêu tuổi?
- 14
- Phạm tội gì mà phải vào đây?
- Giết người cướp của
- Cháu mới vào trường hay sao mà buồn thế?
Quỳ cúi gằm mặt không nói câu nào, đôi mắt ngân ngấn nước. Một lúc sau Quỳ mới lý rí trong cổ họng. “Cháu mới vào được một tháng, nhớ nhà và thương chị Hương lắm”. (Hương là đối tượng đã bị Quỳ sát hại-Pv).
Quỳ kể, cháu bị bắt hôm 14/4/2009, trước đó năm ngày cháu đang chăn vịt ở ngoài đồng thì bắt gặp Trường. Trường và Quỳ vốn là bạn thân, nhà cạnh nhau học chung trường, Quỳ lớp 8 còn Trường lớp 9. Trường đã rủ Quỳ giết chị Nguyễn Thị Hương người cùng làng vì biết Hương có đôi khuyên tai bằng vàng. Hương còn rất trẻ, năm nay mới 21 tuổi, chưa lập gia đình.
Biết Quỳ nghiện thuốc lá nên Trường thuyết phục là lấy được khuyên tai của chị Hoa thì thuốc hút thoải mái và Quỳ đã đồng ý. Để thực hiện hành vi phạm tội, hai đứa đã chuẩn bị dây xích và ống típ nước. Đến chiều khi chị Hương đã lên nương làm rẫy cách nhà chừng 1km cả hai đã bám theo. Giả vờ vào chòi chị Hương xin nước đợi lúc chị không để ý Trường đã dùng ống típ nước đập nhiều nhát vào đầu. Hương bỏ chạy nhưng như con thú say mồi, Trường đã đuổi theo và tiếp tục đánh. Lúc Hương ngã xuống máu ra nhiều quá cả Trường và Quỳ sợ quá và cũng chẳng dám lấy khuyên tai mà chạy thục mạng về nhà.
Sau đó nghe tin Hương bị đánh chết trên núi cả Trường và Quỳ đều rất lo sợ. Với biện pháp nghiệp vụ, chỉ năm ngày sau Trường và Quỳ đã bị công an bắt. Trường bị kết án tù và phải vào trại cải tạo. Riêng Quỳ nhỏ tuổi hơn lại là đồng phạm nên được vào trường giáo dưỡng.
Quỳ cho rằng lúc Trường rủ cháu đồng ý bởi lúc đó cháu thèm thuốc lá quá mà không có tiền mua còn Trường thì mê chơi điện tử. Dù nhà ở cách quán nét một tiếng đồng hồ đi xe nhưng Trường ngày nào cũng ra đó để chơi game. Đứa ham chơi điện tử, đứa nghiện thuốc lá để rồi mới 14, 15 tuổi đầu chúng đã mang án giết người trên người. Với tính chất nghiêm trọng của vụ án, Quỳ thuộc học sinh có “lon” tội lỗi vào loại “khủng” nhất của trường giáo dưỡng số 2.
Những mầm non phạm tội tại trại giáo dưỡng
Nếu như trước đây học sinh nhà trường chỉ cơ bản là những đối tượng ăn cắp, cướp giật, lừa đảo, gây rối trật tự thì thời gian gần đây tội giết người tăng lên đột biến. Mấy năm trước trường chỉ có ba trường hợp phạm tội giết người và các cháu giết người đều có yếu tố vô tình hay bột phát. Bây giờ trong “biên chế” nhà trường đã có đến vài chục trường hợp mang án giết người. Từ đầu năm đến nay trường đã phải tiếp nhận đến bốn trường hợp.
Để quản lý được học sinh là rất vất vả, đó là tâm sự chung của những giáo viên ở đây. Ngày mới vào trường tâm lý các cháu rất sợ sệt, ngại tiếp xúc vì ngoài xã hội sống tự do vô tổ chức đã thành quen. Tâm lý chung là muốn thoát khỏi vòng quản lý của nhà trường. Dù là phạm tội nhưng do tuổi còn nhỏ, các cháu chưa hiểu biết nhiều về pháp luật thậm chí nhiều cháu còn chưa biết chữ nên việc đưa luật vào để quản lý cũng không xong.
Vừa làm thầy, các cô, thầy giáo ở đây lại kiêm luôn vai trò người cha người mẹ để dỗ dành, dạy bảo các cháu từng ly từng tý. Thế nhưng với bản tính trẻ con hiếu động nên nhiều khi chỉ cần “sểnh” ra một tích tắc là đôi bên có thể dàn trận “chiến đấu” với nhau ngay lập tức.
Trong phòng truyền thống của nhà trường có rất nhiều những sản phẩm do chính những bàn tay khéo léo của các cháu làm ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một chiếc tủ kính đã trưng bày kín các “tác phẩm” kinh điển của chính những học sinh. Dù được quản lý rất chặt nhưng các cháu vẫn tìm ra những thanh sắt nhọn để lúc mâu thuẫn sẵn sàng mang ra “xiên” đối thủ. Không hiểu lấy từ đâu, các cháu vẫn “ sáng tạo” ra bộ kim để xăm hình cho nhau. Với hai mảnh sắt các em dễ dàng “chế” ra bộ sục nước sôi và có cả những kíp mìn chưa nổ các cháu cũng sưu tầm để “phòng thân”…Rất nhiều cháu khi vào trường một chữ bẻ đôi cũng không biết nhưng nghĩ ra những trò ma mãnh để thầy cô phải đau đầu thì chẳng thua kém ai.