“Vết dầu loang” của bất ổn tại Mỹ Latinh
Bất ổn chính trị, biểu tình hàng loạt và bạo loạn dẫn đến đổ máu đang lan rộng tại Mỹ Latin. Điều gì đã dẫn đến thực trạng đáng báo động này?
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales đứng cạnh những người lính bảo vệ con đường dẫn đến nhà máy nhiên liệu Senkata thuộc sở hữu nhà nước, ở El Alto, ngoại ô La Paz, Bolivia. (Nguồn: AP)
Tháng 1/2019, bất ổn tại Venezuela nổ ra sau khi phe đối lập phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018. Tháng 11/2019, bạo loạn bao trùm khiến Tổng thống Chile Sebastian Pinera buộc phải hoãn tổ chức Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ( APEC) lần thứ 31. Chưa đầy hai tuần sau, Tổng thống Bolivia Evo Morales từ chức, khơi mào cho hàng loạt cuộc biểu tình tại Sucre. Ít lâu sau, Colombia đã nối bước khi người dân đổ xuống đường phố Santiago phản đối, yêu cầu ông Ivan Duque từ chức, nhường chỗ cho nhà lãnh đạo khác hiệu quả hơn.
Làn sóng bất ổn, biểu tình và bạo loạn giờ đây đang trở thành “vết dầu loang” khó có thể kiểm soát tại khu vực Mỹ Latinh. Vậy đâu là nguyên nhân cho làn sóng này?
Với Venezuela, đó là sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tăng giảm của giá dầu cùng tầm ảnh hưởng phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn.
Về phần Chile, người dân đã mất kiên nhẫn với giá cả sinh hoạt leo thang, thu nhập thấp, lạm phát gia tăng và tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập thuộc hàng cao nhất tại khu vực. Nỗ lực phát triển kinh tế, hội nhập thế giới của chính quyền Tổng thống Sebastian Pinera là đáng ghi nhận, song chưa thể giải quyết được những thách thức đang ẩn sau trong lòng quốc gia Mỹ Latinh.
Video đang HOT
Bolivia lại có câu chuyện khác. Mâu thuẫn chính trị giữa người dân bản địa và bộ phận người da trắng gốc châu Âu đã chi phối chính trường quốc gia này trong nhiều thập kỷ và một lần nữa bùng phát khi ông Morales gặp khó. Khi đó, xung đột giữa người dân bản địa, nông dân trồng cacao ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales và Chính phủ của Tổng thống lâm thời Jeannie Anez, đại diện cho bộ phận người da trắng gốc châu Âu, là khó tránh khỏi.
Vấn đề của Colombia lại đến từ chính sách điều hành và quản lý chưa hiệu quả, không giải quyết được những khó khăn và thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Về chính trị, thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã được ký kết năm 2016, song kết quả sau ba năm triển khai chưa đáp ứng được kỳ vọng. Về kinh tế, tăng trưởng không ổn định, tham nhũng nghiêm trọng, bất bình đẳng thu nhập gia tăng khiến Colombia tiếp tục lao đao. Về xã hội, tình trạng bạo lực không có dấu hiệu thuyên giảm, sự chi phối của các băng đảng tội phạm có tổ chức vẫn là bài toán chưa thể giải tại quốc gia Mỹ Latinh.
Khác biệt là vậy, song cả 4 quốc gia này đều có mẫu số chung: Tốc độ phát triển kinh tế cùng tình trạng chính trị – xã hội bất ổn kéo dài không đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Câu chuyện không đơn giản nằm ở tốc độ tăng trưởng. Theo Quỹ Barclays, khu vực Mỹ Latinh dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn cả châu Á trong năm tới và là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, không nhiều thành quả của quá trình phát triển tới được người nghèo, tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Bất bình đẳng thu nhập từ lâu đã là vấn đề nan giải của cả khu vực. Hệ quả của tình trạng này giờ đây không còn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà đã lan sang các lĩnh vực khác, ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định chính trị – xã hội.
Yếu tố nước ngoài cũng cần được xem xét tới trong “vết dầu loang” hiện nay tại Mỹ Latinh. Câu chuyện của Caracas giờ đây không còn chỉ giới hạn trong sự khó khăn về mặt kinh tế và đối đầu về chính trị giữa hai phe, mà sớm trở thành địa bàn tranh giành ảnh hưởng của Washington và Moscow. Quốc gia láng giềng Colombia là một trong những nước ủng hộ ông Juan Guaido mạnh mẽ nhất và đã nhiều lần đóng vai trò trung chuyển viện trợ của Mỹ tới thủ lĩnh phe đối lập của Venezuela. Trong khi đó, với trữ lượng Lithium dồi dào, Bolivia đang trở thành thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp khai khoáng Trung Quốc.
Khi ấy, những yếu tố chung, kết với nguyên nhân đặc thù của từng quốc gia sẽ khiến việc tìm kiếm giải pháp cho tình hình bất ổn hiện nay tại Mỹ Latinh là không hề dễ dàng.
Lưu Huỳnh
Theo baoquocte.vn
Chile: Hơn 80.000 người biểu tình yêu cầu Tổng thống Pinera từ chức
Hơn 80.000 người đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn, yêu cầu Tổng thống Chile Sebastian Pinera từ chức hoặc tiến hành các cải cách xã hội sâu rộng hơn.
Các cuộc biểu tình bạo lực đã bùng phát trở lại ở thủ đô Santiago de Chile của Chile trong ngày 12/11.
Trong khi đó, đồng nội tệ của nước này rớt giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Hơn 80.000 người đã xuống đường tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn do 100 tổ chức kêu gọi ở Santiago de Chile.
Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Chile Sebastian Pinera từ chức hoặc tiến hành các cải cách xã hội sâu rộng hơn.
Đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình quá khích và lực lượng an ninh ở gần Phủ Tổng thống.
Một số đối tượng còn phóng hỏa một nhà hàng ở khu vực quảng trường Plaza Italia và lợi dụng biểu tình để cướp phá một khách sạn.
Biểu tình bạo lực cũng đã xảy ra ở thành phố Concepcion, miền Nam Chile, trong khi một cơ sở quân sự ở thị trấn San Antonio bị tấn công.
Tình trạng cướp bóc tại các cửa hàng xảy ra ở thị trấn ven biển Vina del Mar và địa danh du lịch nổi tiếng Valparaiso ở miền Trung Chile.
Tình hình căng thẳng ở Chile diễn ra sau khi giá trị đồng nội tệ nước này giảm hơn 3% xuống mức thấp kỷ lục, theo đó 784 peso đổi được 1 USD.
Đồng peso Chile rớt giá do tác động của làn sóng biểu tình phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Pinera.
Chile đã rơi vào khủng hoảng xã hội nghiêm trọng từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.
Nhằm xoa dịu tình hình, đầu tháng 11 này, chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera đã tiến hành cải tổ và công bố một loạt biện pháp, trong đó có luật đảm bảo mức lương tối thiểu 467 USD/tháng./.
Theo Phan An (TTXVN/Vietnamplus )
Chile hủy Thượng đỉnh APEC ảnh hưởng gì tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung? Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố nước này sẽ không đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh năm 2019 của tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tháng 11 và Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) trong tháng 12. Điều này được cho sẽ tác động không hề nhỏ...