‘Venom’ lợi nhuận nhiều hơn ‘Người Nhện’ như một nghịch lý?
Còn Trung Quốc và Nhật Bản chưa “vươn lưỡi” tới, “ Venom” đã cán mốc doanh thu nửa tỷ USD toàn cầu. Có lẽ chính hãng Sony cũng không thể nghĩ rằng bộ phim lại thắng lớn đến thế.
Trailer bộ phim ‘Venom’ Tác phẩm thuộc Vũ trụ Điện ảnh Người Nhện do Sony xây dựng, xoay quanh nhân vật phản anh hùng lừng danh Venom ( Tom Hardy).
Chính thức khởi chiếu chưa đầy một tháng, Venom đã mang về cho Sony 187 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ, và 508 triệu USD trên khắp toàn cầu. Tác phẩm của đạo diễn Ruben Fleischer được nhắm thực hiện để mở ra một vũ trụ điện ảnh mới, gồm toàn đối thủ sừng sỏ của Spider-Man ở nguyên tác truyện tranh.
Điều đáng nói là trước giờ ra rạp, Venom bị giới phê bình không tiếc lời chê bai. Theo trang Rotten Tomatoes, chỉ 30% trong số 264 bài bình luận là mang hướng tích cực, với số điểm trung bình là 4,5/10.
Đã có cây bút so sánh và lo ngại Venom sẽ trở thành Catwoman (2004) – thảm họa của dòng phim siêu anh hùng với Halle Berry trong vai chính. Tuy nhiên, sự lôi cuốn của Tom Hardy trong vai Venom đã biến canh bạc của Sony trở nên rực rỡ, và thậm chí có thể lãi hơn hầu hết phim Người Nhện trước đây.
Tương lai nào ở Nhật Bản và Trung Quốc?
Venom hiện còn hai thị trường lớn chưa ra mắt là Nhật Bản (từ 2/11) và Trung Quốc (9/11). Theo dự đoán từ tạp chí Variety, bên ngoài hai quốc gia châu Á, bộ phim siêu anh hùng có thể dừng lại ở mức 565 triệu USD.
Poster ấn tượng của Venom dành cho thị trường Nhật Bản. Phim còn chưa ra mắt tại xứ sở hoa anh đào và Trung Quốc.
Có thể tính Venom vào cỗ máy kiếm tiền khổng lồ mang tên Người Nhện mà Sony đã dầy công xây dựng từ cuối thế kỷ XX. Loạt phim đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Và giống như nhiều thương hiệu đình đám khác, tương lai ở Trung Quốc ngày một tươi sáng, còn ở Nhật Bản thì lại ảm đạm.
Trở lại thời điểm 2002, bộ ba phim Spider-Man của đạo diễn Sam Raimi và ngôi sao Tobey Maguire ra đời, thu 56 triệu USD tại Nhật Bản. Hai tập tiếp sau ra đời năm 2004 và 2006, lần lượt thu 59 triệu USD và 58 triệu USD.
Tuy nhiên, bước sang loạt tái khởi động với Andrew Garfield trong vai chính, The Amazing Spider-Man (2012) tụt xuống mức 39 triệu USD ở Nhật Bản, và The Amazing Spider-Man 2 (2014) tiếp tục rơi xuống con số 30 triệu USD.
Ngạc nhiên hơn cả, đến Spider-Man: Homecoming (2017) thuộc MCU, đó là bộ phim gây bão tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng rốt cuộc chỉ kiếm được khoảng 25 triệu USD tại xứ sở hoa anh đào.
Câu chuyện tại Trung Quốc có chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Từ Spider-Man (2002) chỉ thu 5 triệu USD, thương hiệu “cất cánh” khi The Amazing Spider-Man (2012) mang lại 49 triệu USD, rồi The Amazing Spider-Man 2 (2014) là 94 triệu USD. Còn cuộc phiêu lưu riêng mới đây của chàng nhện do Tom Holland thủ vai đạt mức 116 triệu USD.
Dự đoán thực tế dành cho Venom là con số 650 triệu USD. Song, nếu Trung Quốc thực sự yêu mến nhân vật, thành tích hoàn toàn có thể đạt mức 700 triệu USD.
Hãng Sony kỳ vọng Trung Quốc có thể giúp Venom kiếm thêm 50 triệu USD, còn Nhật Bản khoảng 30 triệu USD. Nếu điều đó xảy ra, thành tích chung cuộc của tác phẩm sẽ nằm ở mức trên dưới 650 triệu USD. Nhưng trong trường hợp quốc gia tỷ dân yêu mến nhân vật phản anh hùng, đội ngũ nhà sản xuất hoàn toàn có thể nghĩ tới mốc 700 triệu USD.
Lãi hơn nhiều các phim Người Nhện?
Sở dĩ nói Venom thắng lớn bởi bộ phim chỉ mất 100 triệu USD để sản xuất. Cũng con số đó, Warner Bros. đã thực hiện Catwoman và thất bại thảm hại khi chỉ kiếm nổi 84 triệu USD hồi mùa hè 2004.
Mức kinh phí mà Sony dành cho Venom cũng thấp hơn bất cứ phim Spider-Man nào mà họ thực hiện trước đây. 100 triệu USD vốn là con số mà hãng định bỏ ra khi tái khởi động thương hiệu bằng The Amazing Spider-Man. Khi ấy, có thông tin cho rằng dự án sẽ mang hơi hướm kiểu Twilight (2008). Nhưng rốt cuộc, dự án mà Andrew Garfield góp mặt vẫn tiêu tốn tới 200-230 triệu USD.
Các phim Người Nhện thường tiêu tốn khoản ngân sách rất lớn để thực hiện. Ảnh: Sony.
Chưa có Trung Quốc và Nhật Bản, Venom đã thu gấp 5,08 lần so với kinh phí sản xuất ban đầu. Trong toàn thương hiệu Người Nhện, con số này chỉ thấp hơn duy nhất tập đầu tiên năm 2002. Bộ phim Spider-Man cách đây hơn 15 năm thu 822 triệu USD, tức gấp 5,91 lần so với kinh phí sản xuất 139 triệu USD.
Với Spider-Man 2, tỷ lệ ấy là 3,56 lần; với Spider-Man 3 – nơi Venom là một phản diện trong phim, tỷ lệ là 3,42 lần. Con số tiếp tục giảm xuống 3,29 lần với The Amazing Spider-Man, rồi 2,78 lần với The Amazing Spider-Man 2.
Cuộc hợp tác giữa Sony và Marvel Studios cùng Disney mang tên Spider-Man: Homecoming hồi mùa hè 2017 đạt thành tích 880 triệu USDtoàn cầu. Đội ngũ sản xuất khi ấy phải bỏ ra 175 triệu USD để sản xuất tác phẩm, và tỷ lệ đạt được tăng trở lại 5,03 lần.
Sony chắc chắn sẽ sớm công bố dự án Venom 2. Ảnh: Sony.
Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác cần phải đong đếm. Chi phí marketing vào năm 2018 cho Venom hẳn cao hơn nhiều so với bộ ba phim Spider-Man của Sam Raimi. Đến với Trung Quốc trong thời gian tới, tỷ lệ ăn chia doanh thu tại đây dành cho studio chỉ là 25% theo luật điện ảnh sở tại.
Chưa kể, bộ ba Spider-Man của Sam Raimi còn giúp Sony thu một khoản lớn từ thị trường băng đĩa. Sự lên ngôi của Internet khiến Venom khó lòng có thể giúp Sony kiếm nhiều từ định dạng DVD hay Blu-ray trong thời gian tới.
Dẫu vậy, thành công thương mại của Venom vẫn là điều không thể bàn cãi. Tính toàn thương hiệu Người Nhện, phim còn chưa chắc đạt được mức 709 triệu USD toàn cầu thấp nhất của The Amazing Spider-Man 2. Nhưng bí quyết thành công chính là nằm ở mức kinh phí sản xuất 100 triệu USD.
Tất cả giúp tạo nên tương lai tươi sáng cho vũ trụ điện ảnh mà Sony đang muốn theo đuổi, sau khi họ buộc phải thỏa hiệp cho Spider-Man xuất hiện ở MCU, cũng như kết thúc hợp đồng phát hành một thương hiệu đình đám khác là 007.
Sau nhiều năm lận đận, Sony rốt cuộc đã trở lại nhờ Jumanji: Welcome to the Jungle (thu 962 triệu USD so với kinh phí sản xuất 90 triệu USD), và nay là Venom.
Theo zing.vn
Fan cứng của Venom có nhận ra 10 chi tiết thú vị được cài cắm trong phim không?
Như nhiều bộ phim siêu anh hùng khác, "Venom" ẩn chứa nhiều chi tiết thú vị liên kết với nguyên tác truyện tranh cũng như gợi mở các phần phim sau.
Venom là một trong những trường hợp thú vị khi các nhà phê bình và khán giả bất đồng ý kiến nghiêm trọng. Trong khi điểm số trên Rotten Tomatoes thấp lè tè thì bộ phim lại oanh tạc phòng vé tại nhiều quốc gia. Người hâm mộ cho rằng đạo diễn Ruben Fleischer đã làm được một điều tuyệt vời khi đưa gã phản anh hùng trở lại màn ảnh rộng cùng nhiều chi tiết trung thành với nguyên tác.
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc.)
1. Trận chiến giữa Venom và Riot
Ở cuối phim, Eddie Brock (Tom Hardy) cùng Venom quyết tâm ngăn chặn kế hoạch mang Symbiote đến thôn tính trái đất của Carlton Drake (Riz Ahmed) và Riot. Trước kẻ thù quá mạnh, Venom chỉ có thể cầm cự được chốc lát trước khi Riot xé toạc phần đầu của con "ký sinh trùng" ra khỏi Eddie. Cảnh phim này khiến các fan cuồng nhớ lại trang bìa truyện Venom: Carnage Unleashed #3 (1995). Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ kẻ thù của Venom lúc bấy giờ lại là Carnage.
2. "Con nghiện" chocolate chính hiệu
Xuyên suốt bộ phim, Venom không giấu giếm sở thích... bứt và ăn đầu người. Tuy nhiên, Eddie đã bắt anh bạn "cùng nhà" phải tuân theo một quy luật ăn kiêng hà khắc khi chỉ được "thịt" kẻ xấu mà thôi. Thay vào đó, chàng ký sinh trùng đòi mua thật nhiều chocolate để ăn tối. Trên thực tế, việc Venom ăn thịt người là bắt buộc bởi Symbiote cần Phenethylamine trong não để sinh tồn. May mắn thay, chất này cũng có rất nhiều trong chocolate nên bất cứ khi nào ở cạnh nhau của Eddie và Venom cũng có thể là Valentine cả.
3. Sự xuất hiện của She-Venom
Sau khi dùng máy quét đẩy Venom ra khỏi cơ thể, Eddie bị nhóm bảo vệ của Life Foudation bắt đi. Lúc này, con quái vật quyết định trú tạm vào cơ thể của Anne Weying (Michelle Williams) để đi cứu anh chàng. Trong truyện tranh, vợ cũ của Eddie cũng từng "hành tẩu giang hồ" cùng Venom với biệt danh She-Venom.
4. Nụ hôn của Venom
Cũng trong lúc giải cứu Eddie, She-Vom đã trao cho anh chàng một nụ hôn nồng cháy theo cả nghĩa đen lẫn bóng. Về sau, cô nói rằng đó là ý tưởng của Symbiote kia. Khán giả có thể hiểu rằng do cô nàng vẫn còn yêu Eddie nên bị Venom - vốn có khả năng làm bộc phát những ham muốn sâu thẳm nhất - "dụ dỗ". Tuy nhiên, các fan cứng thì dễ dàng nhận ra con quái vật chỉ đang mượn Anne Weying để "hôn trộm" Eddie mà thôi. Trong truyện tranh thì Venom và anh chàng còn có... con với nhau nữa đấy.
5. Vai khách mời của Stan Lee
Như những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh Marvel khác, Stan Lee đóng một vai khách mời khá hài hước trong Venom. Trong lúc dẫn chó đi dạo, ông có thể nói chuyện được với cả Venom lẫn Eddie Brock. Chi tiết này khiến giả thuyết MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) nói rằng vị tác giả huyền thoại là Watcher - một thực thể có khả năng quan sát mọi thứ trong vũ trụ - càng thêm chắc chắn.
Một điểm thú vị khác là Venom ngay lập tức hỏi lại danh tính của ông lão kia. Bởi lẽ, dù sáng tạo ra nhiều nhân vật nổi tiếng thuộc Marvel nhưng Stan Lee lại không hề liên quan gì đến chủng tộc Symbiote này.
6. Gợi nhắc những tác giả của thương hiệu
Vào những năm 1980, fan nhí Randy Schueller đã sáng tạo ra hình ảnh Spider-Manvới bộ trang phục màu đen có chất liệu giống với nhóm Fantastic Four. Ý tưởng này sau đó được Marvel mua lại với giá 220 USD và xuất bản trong cuốn Marvel Super Heroes Secret Wars (1984).
Từ đó, hai tác giả David Michelinie và Todd Mcfarlane đã tạo ra nhân vật Venom trong The Amazing Spider-Man #299 (1988). Sau đó, vào những năm 1990, nhân vật có đầu truyện riêng do họa sĩ Ron Lim chấp bút.
Các tác giả trên đều được tri ân trong bộ phim khi tòa nhà Eddie Brock ở có tên Schueller Buldings, Anne Weying làm việc cho công ty luật Michelinie And Mcfarlane còn Ron Lim là tên một cửa hiệu trên đường phố San Francisco.
7. Quá khứ ở New York
Trong phim, Eddie Brock từng nhắc tới vụ bê bối ở New York khiến anh chàng mất việc và phải chuyển tới sinh sống tại San Francisco. Nhiều fan sẽ nhận ra ngay sự kiện này có liên quan đến kẻ thù nổi tiếng nhất của Venom là Spider-Man. Theo đó thì Eddie Brock khi còn làm việc cho Daily Globe rất ghét Peter Parker của tòa soạn đối thủ Daily Bugle.
Sau khi kết hợp với Venom, anh chàng liên tục có những cuộc đụng độ với Spider-Man. Cuối cùng, Eddie mất việc vì một vụ bê bối nên đành phải dẫn theo "thê tử" tới sinh sống ở San Francisco.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là sau khi dọn sang nhà mới, Venom trở thành một "thiên thần bảo hộ" của thành phố này. Có lần anh chàng còn bị dính vào một nhóm người vô gia cư vì vụ sập nhà cao tầng. Mối liên hệ này cũng được thể hiện trong phim với nhân vật Maria (Melora Walters).
8. Ký hiệu trên ngực Venom
Điểm khác biệt lớn nhất của Venom so với nguyên tác truyện tranh chính là ký hiệu nhện màu trắng khổng lồ giữa ngực. Tuy nhiên, đây là một sự thay đổi có chủ đích, bởi lẽ, hình ảnh kia có nguồn gốc từ khoản thời gian Venom chiếm hữu cơ thể Spider-Man. Trong phim, chàng Nhện không hề xuất hiện nên ký hiệu trên chỉ là những đường máu trắng như tia sét mà thôi.
9. Carnage trong đoạn post-credit
Trong đoạn post-credit, Eddie Brock vào nhà ngục tại San Quentin để phóng vấn một kẻ giết người hàng loạt do Woody Harrelson thủ vai. Người hâm mộ ngay lập tức nhận ra đây chính là Cletus Kasady - vật chủ nổi tiếng của Carnage.
Trong nguyên tác, hai nhân vật gặp nhau khi bị giam chung xà lim. Khi tới giải cứu Eddie, Venom vô tình để rớt lại một mảnh tế bào vào máu của Kasady và tạo ra Carnage. Trong Vũ trụ Điện ảnh của Sony, nguồn gốc của gã ác nhân này có thể sẽ khác hoàn toàn bởi Carnage nhiều khả năng đã đến Trái đất trước các đồng loại.
10. Con trai của ông chủ tòa soạn
Trong đoạn mở đầu phim, con tàu du hành không gian của Life Foundation bất ngờ nổ tung khi rớt xuống trái đất khiến tất cả phi hành đoàn thiệt mạng. Người duy nhất còn sống sót có tên là Jameson. Đây chính là con trai của ông chủ tòa soạn J. Jonah Jameson nổi tiếng trong loạt truyện Spider-Man.
Nhân vật này từng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ với diễn xuất của J. K. Simmons trong loạt phim của Sam Raimi. Ngoài ra, chàng phi hành gia John Jameson (Daniel Gillies) cũng xuất hiện trong Spider-Man 2 (2004) khi mém xíu nữa là đám cưới với Mary Jane Watson (Kirsten Dunst).
Venom hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Đạo diễn 'Venom' thừa nhận kịch bản phim có lỗ hổng lớn Bom tấn "Venom" đang gây bão phòng vé toàn cầu dù bị giới phê bình chỉ trích kịch liệt. Đạo diễn Ruben Fleischer mới đây thừa nhận kịch bản phim có chi tiết vô lý. Trailer bộ phim 'Venom' Tác phẩm thuộc Vũ trụ Điện ảnh Người Nhện do Sony xây dựng, xoay quanh nhân vật phản anh hùng lừng danh Venom (Tom...