Vén màn bí mật bánh vá
Công thức pha bột của dòng bánh vá truyền thừa được giữ gìn như báu vật…
Thấy bánh vá như gặp Má Gò Công!
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) đã công nhận bánh vá thuộc nhóm 100 món ăn đặc sản Việt Nam, năm 2020-2021. Và dẫu biết, một nửa sự thật không phải là thật sự. Thế nhưng, hai phần ba bí mật của nghề làm bánh vá lại là chuyện hấp dẫn khác.
“Bánh chiến” chỉ vì cái tên
Tuy nhiên, cũng chính sự tham gia của nhúm rau giá trong nhân bánh lại gây ra nhiều ngộ nhận. Cụ thể cuộc tranh luận chưa có hồi kết trong giới mộ điệu và chuyên gia về chuyện tên bánh đọc làm sao mới chính xác. Bởi, hiện nay có đến ba luồng ý kiến khác nhau: 1. Bánh giá, 2. Bánh Vá, 3. Gọi kiểu nào cũng đúng. Vậy xin ghi thêm một số ý kiến người trong cuộc, để quý đọc giả tự kết luận.
“Bánh vá là món ăn đặc biệt chỉ có ở Gò Công, miền Nam, các nhà văn, nhà báo trong nước nhứt là sau năm 1975, đa số gốc miền Bắc, nghe người ở đây phát âm giọng Nam “bánh DÁ” (người miền Nam không phận biệt âm V với GI, D) tưởng là giá, rồi cho là “bánh GIÁ….”, Trần Văn Chi (1).
“Người ta giải thích vì bánh có nhân là giá nên gọi là bánh giá. Thế thì bánh xèo cũng có nhân là giá mà sao không gọi. Trong nhân bánh vá có nấm sao không gọi là bánh nấm, bánh tôm, bánh gan…??”, nhà văn Thủy Lan Vy ghi lại ý kiến của ông Nguyễn Duy Sự, anh ruột bà Tuyết Nga “bánh vá” (2).
Điểm trừ của các chảo bánh vá bình dân ở Gò Công là, thường chiên bằng mỡ từ lò heo quay hoặc dầu ăn rẻ tiền, nên nhanh trở màu. Ảnh: Tấn Tới
Xác thực hơn, xin hãy nghe tiếng nói người trong cuộc, bà Tuyết Nga “bánh vá”, truyền nhân đời thứ ba, dòng chính tông của nghề này: “Để phân biệt bánh vá chánh thống và “ngoài luồng” chúng ta chú ý: bánh vá được truyền thừa từ “Bà Tư bánh vá Chợ Giồng”, điểm đặc biệt chỉ bán trong nhà lồng chợ. Bánh giá “ngoài luồng” cùng một âm nhưng khác nhau chữ V và G. V là cái vá, chỉ cho chiếc bánh được làm và chiên trên cái vá. G là giá sống, nguyên liệu đặc trưng trong chiếc bánh.”(3)
Video đang HOT
Thế nên, công thức pha bột của dòng bánh vá truyền thừa được giữ gìn như báu vật.
Đói “rã ruột” vẫn không bán bí quyết
Điều kiện quan trọng nhất để có cái bánh vá chất lượng là kinh nghiệm nhà nghề. Cụ thể gồm hai phần cốt lõi: chỉnh lửa uyển chuyển và công thức pha bột.
Bà Tuyết Nga từng kể rằng, có một bà chủ cây xăng thường lui tới chỗ mẹ con bà đặt bánh nhiều lần, mỗi lần từ 15 – 20 cái. Đồng thời, bà này còn biếu xén nhiều loại trái cây đắt tiền để chiếm cảm tình người bán. Kế nữa, bà đề nghị bày lại công thức làm bánh vá với số tiền thù lao là 1 chỉ vàng (khoảng năm 1966 – 1967). Thế nhưng bà Vinh – người “Vú” của bà Tuyết Nga nhất quyết từ chối. Bởi lẽ: “Thà cho vàng còn hơn chỉ đàng đi buôn.”
Điều kiện quan trọng nhất để có cái bánh vá chất lượng là kinh nghiệm nhà nghề. Ảnh: Tấn Tới
Và hễ đêm nào nghe tiếng chuột xạ reo chút chít, lẩn quẩn quanh giống gánh thì xem như sẽ bán đắt hàng vào sáng mai. Khi đó, bà Vinh liền ngưng kể chuyện cổ tích, sai con đi ngâm gạo theo “mật pháp” gia truyền. “Bé Nhỏ (bà Tuyết Nga), vô ngâm gạo thêm 3 kia 1 nọ rồi đi ngủ sớm mai phải xay bột nhiều”, (4)
Thêm lạ ở điểm này nữa, nếu gạo không đem ngâm khoảng 8 tiếng thì bột bánh sẽ không nở như ý được.
Thế nên sau 1975, những dịp cúng giỗ bà Vinh (bà Chín Hải) ở bang California, Mỹ phong vị món bánh vá đã có phần phôi phai. Mặc dù, chính “người trong nhà” chăm chú đứng chảo. Do họ phải dùng bột pha sẵn.
Còn với dân sành điệu trong Hội thân hữu Gò Công, phiêu bạt bao năm nơi hải ngoại, họ còn nghiệm ra nhiều trống vắng đến thổn thức – nơi từng cái bánh thân quen – in đậm hình bóng quê nhà: “Ở đây làm sao tìm được con tôm đất ruộng còn nhảy soi sói, khi tôm chín thịt ngọt ngào khó tả, làm sao tìm được nấm rơm búp vừa mới rời gốc rạ, đừng nói chi đến con tôm càng xanh để trong rổ, chân tôm càng còn bún tanh tách, con cua lột lót cỏ non, nằm mềm mại, ngo ngoe nhẹ nhàng mấy cái que…
Ngọt thơm miếng vịt chạy đồng
Khi bộ ba vịt cỏ - tương - gừng tương hợp, sẽ giúp miếng ngon thêm bổ dưỡng và cơ thể dễ hấp thu, lúc tiết trời se lạnh...
Có thể nói nhiều cánh đồng khắp Trung-Nam bộ luôn có nhiều giống vịt cho thịt thơm ngon. Như vịt Bắc Kinh (mặt sọc), vịt cỏ (vịt rằn, vịt tàu). Trong đó, đáng kể là đàn vịt cỏ các vùng: Vạn Giã (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên). Thế nhưng, mấy dĩa vịt tàu xào sả ớt, nồi cháo thơm ngát hương hành tiêu quyện cùng mỡ vịt cỏ vùng Gò Công (Tiền Giang), lại ấn tượng sâu đậm hơn trong tâm trí người viết.
Một đàn vịt chạy đồng ở Đồng Tháp.
Tại thị xã Gò Công (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) có gần chục quán bán các món vịt. Nào là, cháo gỏi vịt, bún vịt, cơm vịt... Lạ miệng hơn, còn có món bún suông vịt. Con suông mập tròn, trông khá giống con đuông dừa, được làm bằng chả tôm. Bạn Nguyễn Tâm Đăng, thổ địa ở đây nháy mắt, nói: "Chả tôm mà có bữa (hôm), tôi ăn gặp xương cá mới lạ đời chứ!"
Và thật vậy, mùi vị con đuông bằng thịt tôm không ấn tượng bằng miếng thịt vịt cỏ chắc ngọt, hôm đó. Gắp chỗ ức, da ôm sát thịt chấm vớt ít xốt tương pha cùng sa tế của quán tự làm, cảm giác thật ngọt bùi.
Món bún suông vịt, đặc sản Gò Công.
Muỗng nước bún thoảng thơm mùi gừng củ. Với lại, nó không bị vị ngọt của đường lấn át, như một số quán bún, cháo vịt phổ biến ở: Bến Tre, Đồng Tháp...
Đã có vịt ngon còn chèn thêm chả tôm, có vẻ như người đầu tiên sáng chế ra món này không phải thuộc tầng lớp bình dân.
Vốn dĩ, trời phương Nam luôn giàu nắng ấm. Thế nhưng từ cuối tháng 12 dương lịch đến Tết ta, tiết trời vẫn se lạnh, nhất là vào lúc sáng sớm hay chiều tối. Khi đó, món canh vịt cỏ nấu tương gừng mới đắc dụng làm sao.
Bởi gừng vừa trợ tiêu vừa giúp ấm nóng cơ thể. Đồng thời, tương ngon làm theo lối thủ công còn chứa một lượng kháng sinh thực vật, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Do vậy, để bộ ba vịt - tương - gừng tương hợp sẽ giúp miếng ngon thêm bổ dưỡng và cơ thể dễ hấp thu, theo y thực triều Nguyễn.
Và miếng thịt vịt cỏ thật chắc ngọt.
Ăn cùng dĩa mì trứng, kèm dĩa rau vườn tươi non, gồm: rau má, xà lách, càng cua; độ hấp dẫn không hề kém món mì vịt tiềm của người Hoa (nếu không có mì trứng, bạn có thể lấy mì gói chần qua nước sôi, xả lại nước lạnh rồi trộn cùng một một muỗng canh dầu ăn. Dầu, trước đó nấu sôi và rắc vào nhúm hành củ xắt mỏng cho thơm).
Sở dĩ đám vịt chạy đồng cho thịt chắc ngọt và không tanh mùi thức ăn công nghiệp như vịt nuôi nhốt, bởi chúng thường vận động, ưa ngụp lặn. Và chúng, có thể mò bắt được vài ba con cua đồng, ốc bươu hay đám cá đồng nhỏ, giúp nâng chất khẩu phần ăn mỗi ngày.
Thố canh vịt nấu tương gừng thật bổ dưỡng.
Hay nói cách khác, kiểu chăn thả vịt truyền thống của dân Gò Công nói riêng và miền Nam nói chung, đã góp phần tạo nên thế mạnh đáng kể về dòng vịt lấy thịt và trứng hiện nay.
Bởi vậy, một số bạn bè sành ăn của người viết vẫn thường tấm tắc ngợi khen rằng, mấy cái đùi vịt cỏ xứ Gò thật ngọt thơm "hết ý"!.
Món độc lạ: 'Pizza Việt Nam' làm từ khô... cà chua Chuyện nghĩ và làm ra sản phẩm khô cà chua, vốn là chuyện bắt đắc dĩ nhưng lại rất "có hậu". Có thể nói dãy hàng nông - hải sản phơi khô của dân ta còn phong phú và bất ngờ hơn cả một lâu đài thơ tự do. Gần như, mọi loại rau củ, cá tôm... đều có thể mang phơi khô,...