Về xứ Tuyên xem múa Sình Ca, dán Chí Dịt và ăn bánh chim gâu
Đối với người dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang, thời gian nghỉ Tết bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch.
Nếu một lần bạn được đón Tết với người Cao Lan, chắc hẳn bạn sẽ ấn tượng cả đời khi được hòa mình vào điệu múa Sình Ca, được thưởng thức loại bánh chim gâu cổ truyền, được biết đến phong tục dùng giấy đỏ dán lên mọi vật dụng trong gia đình, thậm chí là cả cây ngoài vườn hay những con vật trong gia đình mà người dân gọi là dán… Chí Dịt.
Đi dọc dài đất nước, tôi đã được chứng kiến nhiều phong tục đón Tết độc đáo của các dân tộc khác nhau như “Kó Nhẹ Chà” của người Hà Nhì, tháng Tết của người Mông, tục đón Tết của người Dao, người Tày, người Mường, người Thái… Tưởng rằng như thế là quá đủ cho vốn kiến thức về văn hóa của mình, chỉ đến khi tôi được tham dự Tết của người Cao Lan ở xứ Tuyên.
Mùng 3 Tết, theo lời mời của người bạn thân, tôi có mặt tại thôn Thắng Xuân, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để dự Tết của người Cao Lan.
Những người lớn tuổi trong gia đình đảm nhận việc cắt giấy đỏ để dán lên các vật dụng trong ngôi nhà và vườn tược.
Thôn Thắng Xuân nằm cách xa thị trấn, với con đường nhỏ uốn lượn bên các sườn đồi. Ở đó, những ngôi nhà sàn được dựng lên kiên cố, tạo thành một khu dân cư đông đúc, quây quần, hòa thuận. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là toàn bộ nhà cửa, vườn tược được nhuộm bằng sắc đỏ rực rỡ. Trong nhà của người dân bày biện rất nhiều loại bánh trông rất lạ lẫm. Ngoài sân, từ trẻ nhỏ đến người trung niên đều mặc trên mình quần áo sặc sỡ với màu đỏ là trọng tâm, cùng nhau hát đối đáp và múa những điệu múa cổ truyền của dân tộc Cao Lan.
Thấy tôi tò mò, lại hỏi quá nhiều, trong khi vốn kiến thức về văn hóa ở địa phương không có nhiều, ông bạn đành dẫn tôi đến nhà cụ Lâm Văn Thiết, một cao niên được đồng bào dân tộc Cao Lan trong vùng tin tưởng, kính trọng.
Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng cụ Thiết vẫn còn cường tráng, nhanh nhẹn, khỏe mạnh với đôi mắt sáng, giọng ấm, vang và vốn kiến thức về văn hóa của dân tộc Cao Lan thật khổng lồ.
Nhấp ly rượu men lá ấm nồng trong tiết lạnh mùa Tết, cụ Thiết chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những phong tục ngày Tết của dân tộc Cao Lan ở xứ Tuyên.
Giấy đỏ được dán lên tất cả các vật dụng trong gia đình của người Cao Lan.
Video đang HOT
Theo cụ Thiết, thời gian ăn Tết của người Cao Lan kéo dài từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch. Trước tết 2 ngày (khoảng 28, 29 tháng Chạp), tất cả dụng cụ thuộc về gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại chăn nuôi… đều được dán giấy đỏ để các đồ vật này cũng được “nghỉ Tết” (Nghi thức này được người Cao Lan gọi là Chí Dịt). Người Cao Lan quan niệm, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng với họ chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng…
“Việc dán Chí Dịt cho các vật dụng trong nhà không phải ai muốn làm cũng được mà nhất thiết phải là người cao tuổi nhất trong gia đình làm, như thế mới thể hiện được sự thành kính với các… vị thần”, ông Thiết cho biết.
Cũng theo cụ Thiết, người Cao Lan ăn tết không thể thiếu bánh vắt vai, bánh chim gâu, bánh chưng, bánh gai…
Các thành viên trong gia đình tập trung làm các loại bánh để dùng trong những ngày Tết của dân tộc mình và làm quà biếu.
Bánh chim gâu được gói bằng lá dứa rừng, đan hình con chim, con nhện, con ve sầu hay con cóc, nhân bánh thì chỉ có gạo nếp trộn với muối. Những chiếc bánh với hình dáng nhỏ xinh cầm vừa tay trẻ, có sợi lá dài rất dễ cầm, là quà đón tay thể hiện lòng mến khách, yêu trẻ, tình cảm gia đình gắn bó.
Bánh vắt vai là thứ bánh không thể thiếu được của mỗi gia đình của người Cao Lan, bánh không chỉ để ăn trong những ngày Tết mà còn làm quà biếu họ hàng nội ngoại. Bánh có hình trụ dài, có thể vắt lên vai được mỗi khi đi nương rẫy. Bánh được làm từ gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, gói bằng lá dong, cho vào nồi nấu kỹ trong một ngày để bánh rền.
Những chiếc bánh chim gâu có hình thù lạ mắt.
Một loại bánh nữa rất được ưa chuộng trong những ngày Tết là bánh gai. Bánh làm bằng bột gạo nếp trộn với lá gai và mật mía rồi cho vào cối giã nhuyễn, gói bằng lá chuối khô, bên trong là nhân đỗ xanh. Sau khi gói xong, bánh được cho vào chõ, sôi tới chín, bó 5 chiếc thành một cầu bánh để lên bàn thờ thắp hương, số còn lại để ăn dần trong những ngày tết.
Tết của người Cao Lan ở xứ Tuyên không thể không nhắc tới điệu múa Sình Ca.
Nhắc đến Tết của người Cao Lan ở xứ Tuyên thì không thể không nhắc tới điệu múa Sình Ca. Để điệu múa Sình Ca được trọn vẹn nhất trong ngày chính hội Tết Nguyên đán, cộng đồng dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang phải tự tập duyệt trước đó nhiều ngày.
Làn điệu Sình Ca là lối hát đối đáp, điệu múa giữa thanh niên nam và nữ. Nội dung được xướng xuyên suốt trong làn điệu Sình Ca là những lĩnh vực của đời sống con người, từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động.
Theo danviet.vn
Trời rét mướt, dân làng lội nước hái thứ rau tốt vù vù, bán giá hời
Đông đến, người người còn cuộn tròn trong chiếc chăn ấm hoặc khoác chiếc áo to sụ ra đường thì nông dân thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã dầm mình dưới ruộng trũng, ao sâu để trồng, chăm sóc và thu hoạch rau cần.
Sự cần mẫn, chịu khó của người dân được bù đắp xứng đáng, rau cần đang thắm đất Nghiêm Sơn, mang đến cuộc sống no ấm cho người dân.
Cơ duyên rau cần
Trưởng thôn Nghiêm Sơn, Phạm Duy Thành quả quyết, rau cần bén đất làng Nghiêm Sơn này là chữ duyên, là sự sắp đặt của tình cây, tình đất và lòng người. Cắt nghĩa chữ duyên, ông Thành bảo, địa hình làng Nghiêm Sơn lạ lắm, núi Nghiêm sừng sững là vậy nhưng dưới chân núi là đất trằm thụt, để có chỗ ở, người làng Nghiêm Sơn phải đắp đất cất nhà, vậy nên nhà nào cũng có ao, có chuôm để nuôi cá.
Rau cần được người làng Nghiêm Sơn rửa sạch sẽ trước khi đưa ra thị trường.
Những ngọn rau cần được người làng Nghiêm xin về trồng trong ao mục đích làm mát cho cá lại sinh sôi, nảy nở, kết thành bè, thành mảng. Trưởng thôn Thành bảo rằng, những bè rau cần ở ao, chuôm không những đáp ứng đủ rau xanh làm thực phẩm cho người làng Nghiêm Sơn mà ra cả chợ thành phố.
Thị trường tiêu thụ tăng, rau cần ao không đủ để cung ứng, người làng Nghiêm Sơn đã mạnh dạn nhân giống rau ra đất 2 vụ lúa. Lạ thay, bao giống rau đưa xuống đồng trũng Nghiêm Sơn cứ úng đỏ rồi chết, vậy mà rau cần lại lên mơn mởn. Người làng mừng lắm, vậy là rau cần đã ở lại và gắn bó với đồng đất Nghiêm Sơn ngót 40 năm. Nghiêm Sơn cũng phát triển được cây vụ 3 từ đó.
Ông Tạ Văn Nghĩa là một trong những người đầu tiên đưa rau cần từ ao ra ruộng đang cùng vợ, con tỷ mẩn ngồi hàng giờ bên bể nước, chuốt rửa từng ngọn rau cần kịp cho thương lái đến lấy.
Chỉ cách ruộng cần nhà ông Nghĩa dăm mét, gia đình ông Vũ Duy Vũ, Tạ Văn Phong cũng quần quật từ sáng đến chiều tối. Những gánh rau cần nặng trĩu được gánh lên tập kết dọc theo 4 bên ao làng Nghiêm Sơn phục vụ các bà, các cô, các chị ngồi nhặt, rửa.
Ông Vũ Duy Vũ bảo, làm rau cần vất vả nhưng người làng Nghiêm vui như Tết vì rau hợp đất, hợp lòng người làng Nghiêm Sơn. Như để minh chứng ông Vũ nhìn ra đám các bà, các chị đang nhặt rửa rau trong cái lạnh thấu xương họ vẫn cười đùa, rôm rả mọi chuyện.
Theo ông Nghĩa, ông Phong, ông Vũ... làm rau cần cực nhưng đã cho mọi người trong gia đình có việc làm, thêm nguồn thu nhập, nhẩm tính trong 3 tháng rét cũng được 8 - 10 triệu đồng/1 sào là thấp nhất, thời tiết càng rét, thị trường tiêu thụ càng nhiều thì giá trị kinh tế càng cao.
Vùng chuyên canh rau an toàn
Đặc tính rau cần là cấy 1 lần, thu hoạch 2 lứa là phải cấy lại, nên cấy càng sớm sẽ quay vòng được nhiều. Vì thế thu hoạch xong lúa mùa là cả làng Nghiêm Sơn tranh thủ cấy rau để bán vào dịp cuối năm. Cả thôn Nghiêm Sơn có 158 hộ thì có 70 hộ làm rau cần, nhà ít 1 - 2 sào, nhà nhiều 3 - 4 sào.
Màu xanh của rau cần làm thắm đất trũng Nghiêm Sơn.
Tính trung bình mỗi sào rau cần cho thu 8 - 10 triệu đồng/sào, quay vòng 2 đợt cấy một vụ đông cho thu nhập 16 - 20 triệu đồng/sào, gấp 4 - 5 lần cây lúa và nhiều cây trồng vụ đông khác. Nguồn thu này là thành quả xứng đáng mà rau cần "trả công" cho những người nông dân chịu thương, chịu khó, gắn bó với cây trồng truyền thống của địa phương.
Theo các hộ dân rau cần Nghiêm Sơn có thân màu trắng xanh, lá màu xanh mỡ màng, chiều dài thân khoảng 50 - 60 cm. Đặc biệt là thân rau cần Nghiêm Sơn đặc ruột, các đốt phần gốc mập và dày nên khi chế biến rau giòn và có vị đậm đà hơn.
Chị Phạm Thị Tiên, người làng Nghiêm Sơn với gần 20 năm canh tác rau cần bảo, cây rau cần không phải là loại cây khó chăm sóc. Do đặc tính tự nhiên, cây rau cần rất ít sâu gây hại, mà chỉ bị một số bệnh như sương mai, đỏ lá. Cả vụ rau, người trồng rau không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau cần Nghiêm Sơn được thị trường ưa chuộng.
Ước tính, mỗi ngày Nghiêm Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 3 - 5 tấn rau cần, với giá giao buôn từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 7 - 8 nghìn đồng/kg.
Ông Trần Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai (Yên Sơn) ghi nhận việc trồng cây rau cần vụ đông tại làng Nghiêm Sơn đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Xã cũng khuyến khích các hộ duy trì phát triển vùng chuyên canh rau, tiến tới xây dựng nhãn hiệu Rau cần an toàn Nghiêm Sơn.
Ông Hoàn cho biết, xã đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Yên Sơn hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để kéo dài thời gian trồng rau cần trong năm và nâng cao chất lượng rau, giúp người dân có thêm thu nhập.
Rời làng Nghiêm Sơn, tôi thực sự ấn tượng bởi trong giá lạnh của ngày chính đông, những người nông dân vẫn không nghỉ, họ cần mẫn dầm mình dưới bùn lầy, ao sâu và màu xanh của rau cần phủ dày, thắm cả đồng đất trũng Nghiêm Sơn.
Theo Đoàn Thư (Báo Tuyên Quang)
Cảm động cô giáo hơn 10 năm tận tụy dạy từng trẻ khuyết tật Đến với lớp học dạy trẻ em bị khuyết tật của cô Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1968, tại Trường Tiểu học Sơn Lạc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước tiếng đọc bài không đồng đều khi cô giáo gọi cả lớp đánh vần. Có bé ngơ ngác, có bé lăn ra ngủ, có bé nói...