Vé xe đò chưa lọt danh mục hàng hoá bình ổn giá
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính là chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá vì đây là thị trường có tính cạnh tranh cao, người tiêu dùng không lo bị làm giá.
Vận tải hành khách bằng ô tô là một thị trường có tính cạnh tranh rất cao, tốt cho người tiêu dùng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBND các tỉnh thành, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý giá cước vận tải bằng ô tô theo quy định hiện hành.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường vận chuyển bằng xe ô tô là thị trường có tính cạnh tranh cao với nhiều người mua và nhiều người bán, thông tin giá cước được niêm yết công khai tại nơi bán vé và mặt ngoài trên phương tiện vận chuyển. Theo thống kê, hiện tại có khoảng 2.681 doanh nghiệp, 568 hợp tác xã, hộ kinh doanh gia đình tham gia thị trường kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Trong môi trường cạnh tranh, để tồn tại và phát triển, các đơn vị vận tải bằng xe ô tô cạnh tranh không chỉ bằng chất lượng dịch vụ mà còn cạnh tranh về giá cước. Giá cước vận tải ô tô phụ thuộc vào loại phương tiện, quy mô đơn vị vận tải, cự ly vận chuyển, tuyến vận chuyển, chất lượng dịch vụ nên có nhiều mức giá khác nhau. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá khó thực hiện, nhất là biện pháp quy định giá trần.
Ngoài ra, các quy định hiện hành (Luật Giao thông đường bộ, Luật Giá và pháp luật hiện hành) quy định cơ chế quản lý giá cước bằng xe ôtô theo nguyên tắc thị trường. Các đơn vị tự quy định giá cước theo cơ chế thị trường và kê khai giá với cơ quan Nhà nước. Theo Bộ Tài chính, quy định này hoàn toàn phù hợp và tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Video đang HOT
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: Sáng tạo trong nhân dân là nguồn sáng tạo vô tận
Sáng tạo trong nhân dân là nguồn sáng tạo vô tận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại buổi gặp mặt 63 nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 12/5.
Buôi gặp mặt là dịp để tôn vinh trí tuệ và năng lực sáng tạo của quần chúng, khuyến khích và cổ vũ niềm đam mê lao động, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân.
Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của quần chúng nhân dân
Các nhà sáng chế không chuyên tham dự buổi gặp mặt đầu tiên này là các gương mặt tiêu biểu đại diện cho trí tuệ và sức sáng tạo của quần chúng nhân dân trên khắp cả nước. Từ bài thuốc nam gia truyền giúp sinh cơ, nuôi thịt điều trị vết thương, vết bỏng của nhà sư Thích Đàm Lương (Hà Nội) được truyền dạy, cùng với các kiến thức y học tích lũy được, Lương y Đào Viết Thoàn (Thái Bình) đã bào chế ra loại thuốc mỡ sinh cơ phù hợp với mức động nặng nhẹ của người bệnh, phù hợp với từng lứa tuổi. Đến nay, thuốc mỡ sinh cơ chữa bỏng và vết thương lâu liền của ông đã chữa trị thành công cho trên 24.000 bệnh nhân. Hay nhà sáng chế Nguyễn Văn Nhân (Huế) nghiên cứu và chế tạo thành công máy ấp trứng gia cầm cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố và xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Máy ấp trứng do Công ty anh sản xuất có giá thành thấp, dễ vận hành, thân thiện với môi trường, độ bền cao và tiết kiệm điện năng, trứng ấp có chất lượng ổn định.
Nhà sáng chế không chuyên nghiệp Nguyễn Tấn Biên phát biểu về sáng chế sản xuất máy tách vỏ hạt đậu. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Các nhà sáng chế không chuyên đã đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhiều sản phẩm có giá trị, từ các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa... đến những sản phẩm có kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như máy nâng hạ, tàu ngầm, xe tăng. Nhiều sản phẩm trong số đó đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của lực lượng các nhà sáng chế không chuyên trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, những năm qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhà sáng chế không chuyên nghiệp Lê Văn Trung phát biểu về sáng chế sản xuất máy hút mỡ sinh cơ chữa bỏng. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội
Bày tỏ vui mừng được gặp gỡ, trao đổi với những đại diện tiêu biểu các nhà nghiên cứu sáng chế không chuyên đến dự buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sáng kiến tổ chức buổi gặp mặt có ý nghĩa này. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp đến các nhà sáng chế không chuyên, những người đại diện cho sức mạnh sáng tạo của quần chúng nhân dân Việt Nam, đã lao động thầm lặng, kiên trì theo đuổi các ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo để có các đóng góp giá trị cho cộng đồng và xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gửi những lời chúc mừng, lời thăm hỏi thân thiết đến các nhà khoa học, các cán bộ quản lý và những người đang hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong cả nước nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhân dân ta có đức tính tốt đẹp là cần cù, siêng năng, tìm tòi nghiên cứu sáng tạo, sáng chế trong lao động sản xuất, trong cuộc sống cũng như trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm coi trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy tính năng động sáng tạo trong nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời với việc tập trung phát triển giáo dục đào tạo, để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực - nền tảng cơ bản để đức tính tốt đẹp của dân tộc ta được phát huy ngày một tốt hơn, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng phát huy tiềm năng sáng tạo trong nhân dân, khuyến khích mỗi người lao động nghiên cứu sáng tạo, sáng chế bởi đây là nguồn sáng tạo vô tận, một sức mạnh vô tận trong mỗi người dân ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Đi liền với đó là nghiên cứu ứng dụng các sáng tạo khoa học vào sản xuất để cải thiện đời sống, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao sức mạnh quốc phòng an ninh để bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong những năm qua, đất nước ta đã đạt được những kết quả toàn diện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong thành tựu đạt được luôn luôn gắn liền với trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người Việt Nam; gắn liền với việc nghiên cứu, sức sáng tạo, việc ứng dụng khoa học công nghệ. Thủ tướng cho rằng trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh là rất quyết liệt, sản phẩn nào tốt hơn, giá thành rẻ hơn thì sản phẩm đó thắng. Ví dụ, lúa gạo không ngon, giá đắt sẽ không có người mua, buộc chúng ta phải làm ra lúa chất lượng tốt, giá rẻ; muốn vậy không có cách nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào để chi phí ít đi, năng suất lao động, chất lượng cao hơn. Muốn xây dựng được đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt thì một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của quốc gia, của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của sản phẩm Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao phong trào sáng tạo, sáng chế của người lao động.
Đánh giá cao phong trào nghiên cứu sáng tạo, sáng chế của người lao động, của nhân dân cả nước, Thủ tướng mong muốn các phong trào nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế tiếp tục được phát huy, nhân lên mạnh mẽ hơn nữa, góp phần tạo ra những sản phẩm, công cụ áp dụng vào sản xuất, cuộc sống để sản xuất hiệu quả hơn, tiện nghi trong cuộc sống ngày càng tốt hơn, người lao động bớt vất vả, nặng nhọc hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ sẽ ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng như tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế của người dân.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các công trình nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế về khoa học công nghệ, trước hết là hỗ trợ về vốn; về bảo hộ, sở hữu trí tuệ; giới thiệu, quảng bá sản phẩm; về thị trường; về thuế đối các sản phẩm sáng tạo để ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, trong sản xuất. Mỗi sáng tạo phải được trân trọng, phát huy; sản phẩm sáng tạo muốn có sức sống, hữu ích cho xã hội phải ra thị trường, đi vào cuộc sống, phải có chính sách thuận lợi nhất, khuyến khích người dân sáng tạo, sáng chế không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng cho xã hội - Thủ tướng nêu rõ.
Chu Thanh Vân
Theo TTXVN
Thủ tướng gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân. Sáng 12/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt 63 nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm...