Về việc 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói: Có dân đói vẫn cần hỗ trợ
“Quan điểm của Chính phủ là chừng nào còn dân đói thì vẫn cần được hỗ trợ, không kể là tỉnh giàu hay tỉnh nghèo” – ông Nguyễn Trọng Đàm (ảnh) – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH trả lời phóng viên Báo NTNN – Dân Việt xung quanh việc tỉnh giàu vẫn xin cấp gạo cứu đói (NTNN số ra ngày 6.1).
Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Thực hiện yêu cầu của Bộ LĐTBXH, hện nay hầu hết các địa phương đã rất chủ động rà soát, đánh giá tình hình đời sống của người dân, nhất là tình hình thiếu đói. Chính vì vậy, năm nay các địa phương có tờ trình đề xuất xin gạo sớm hơn, kể cả trong dịp tết, nhất là các tỉnh có thiên tai nặng nề.
Gạo cứu đói của Chính phủ cấp cho tỉnh Quảng Trị năm 2016. Ảnh: T.L.
Đến ngày 5.1, có 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói dịp Tết, gồm: Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn. 3 tỉnh xin gạo cứu đói lúc giáp hạt là Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Nam.
Thưa ông, đến nay có bao nhiêu tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Nguyên đán và giáp hạt?
- Có 15 tỉnh với lượng gạo xin cấp 17.000 tấn. Tỉnh gửi báo cáo về đến đâu Bộ trình Thủ tướng đến đó và một số địa phương đã nhận được quyết định cấp gạo từ Chính phủ. Thiên tai nặng nề kéo dài suốt năm nên địa phương phải chuẩn bị tích cực để lo tết đầy đủ cho người nghèo.
Trước đó, trong năm 2016, Chính phủ xuất 67.000 tấn gạo để vừa lo Tết Nguyên đán Bính Thân, vừa lo hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sự cố môi trường miền Trung. Lượng gạo cấp phát gấp 3 lần những năm trước.
Video đang HOT
Một số tỉnh thường xuyên đi xin gạo cứu đói dù trong năm không gặp thiên tai, mất mùa, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn cao. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
- Thực ra, các địa phương rất mong muốn tự lực, không phải xin Trung ương. Dù tình hình kinh tế – xã hội tốt hơn, có tăng trưởng GDP, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng trong cộng đồng rộng lớn thì vẫn có bộ phận người nghèo ngày giáp hạt, ngày tết thiếu lương thực nên tỉnh mới xin. Những địa phương như vậy không xin nhiều lắm, chỉ vài ba trăm tấn để đảm bảo hỗ trợ cho người dân. Có thể GDP các tỉnh đều tăng nhưng không phải cứ tăng trưởng là có cuộc sống tốt đẹp cho tất cả, điều kiện sống được cải thiện như nhau hết. Chuyện thiếu đói và tăng trưởng GDP có sự khác biệt, vì thế không nên hiểu một chiều.
Chỉ có địa phương mới nắm chắc được đời sống của người dân, do vậy đảm bảo an sinh là nhiệm vụ của địa phương, Trung ương không thể làm thay được. Hiện giờ Việt Nam cũng không thiếu gạo, vì vậy không được để người dân nào bị thiếu đói, đứt bữa.
Hà Nam là vựa lúa ở đồng bằng Sông Hồng nhưng vẫn có đơn xin gạo cứu đói. Bộ có thẩm định lại không? Kết quả thế nào?
- Năm nay Hà Nam cũng bị ảnh hưởng nhẹ bởi thiên tai nên có đơn xin hỗ trợ gạo. Bộ đã trao đổi và đi kiểm tra, thấy nhiều gia đình ruộng đất ít, lại bị ảnh hưởng của bão nên thiếu lương thực, vì thế Bộ vẫn đề xuất hỗ trợ.
Ngược lại có một số địa phương dù gặp thiên tai nhưng vẫn chủ động trích ngân sách lo gạo cho dân mà không cần hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Ví dụ như Sơn La, Quảng Nam. Trung ương khuyến khích các địa phương tăng trưởng kinh tế, tự lực chăm lo được cho người dân.
Trong quá trình kiểm tra, rà soát, có tỉnh nào không nhận được hỗ trợ gạo từ trung ương không, thưa ông?
- Trách nhiệm xác định nhu cầu thiếu đói là của địa phương. Bộ không thể đi kiểm tra hết mà đánh giá trên cơ sở địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, vì vậy Bộ tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình Thủ tướng. Nếu địa phương xin cấp gạo 2-3 tháng cùng một lúc thì trước mắt có thể cấp một tháng tết trước, sau đó lại rà soát tiếp để cấp sau. Hầu như không có địa phương nào xin gạo mà Thủ tướng không cấp, hoặc các Bộ, ngành lại không trình. Nếu địa phương không trình, để người dân đói mà báo chí phản ánh là không được.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều địa phương tự lo bằng ngân sách Trước thông tin Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa xin gạo cứu đói, một số ý kiến cho rằng các tỉnh này không khó khăn mà vẫn xin gạo. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, dân số hơn 3 triệu người, nhưng có tới 6 huyện thuộc diện miền núi đặc biệt khó khăn. “Trong đợt xin hỗ trợ gạo cứu đói Tết Đinh Dậu, tỉnh xin hỗ trợ hơn 1.700 tấn gạo, trong khi năm 2016 tỉnh xin hỗ trợ hơn 3.000 tấn” – ông Toàn nói. Giải thích về quy trình và căn cứ để đề xuất xin hỗ trợ gạo từ Chính phủ, ông Toàn cho biết, quy trình xin hỗ trợ gạo được rà soát kỹ từ thôn, xã, tới huyện rồi mới gửi lên tỉnh. Sau đó Sở tiếp tục rà soát, kiểm tra lần nữa, khi thống nhất các ý kiến mới trình lên lãnh đạo tỉnh để phê duyệt rồi gửi kiến nghị ra Trung ương. “Chúng tôi đề xuất xin hỗ trợ gạo cứu đói đợt này không chỉ dành cho những hộ nghèo, những hộ đặc biệt khó khăn mà còn dành cho những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, gia đình gặp hoạn nạn…” – ông Toàn nói. Ông Lê Viết Phái – Trưởng phòng Trợ giúp đột xuất Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, đến 5.1, đơn vị đã nhận được tờ trình của 15 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu, với số gạo hơn 17.000 tấn. Tuy nhiên, theo ông Phái, đây chưa phải là thời hạn chót nhận công văn đề nghị xin hỗ trợ gạo cứu đói. Năm nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên chắc chắn gặp khó khăn. Vẫn còn nhiều địa phương đang tiếp tục rà soát làm tờ trình xin gạo. “Thực tế không phải hộ nào thiếu đói cũng xin gạo vì địa phương cũng có sĩ diện. Ví dụ như Sơn La, dân còn đói nhiều nhưng địa phương tự lo bằng ngân sách của mình. Một số đơn vị khác thì chẳng muốn xin vì xin được vài cân gạo mất công phân chia. Tuy nhiên, dân đói, nghèo thì địa phương mới phải xin”- ông Phái nói. Bộ LĐTBXH cũng đặt mục tiêu đến ngày 25.1 là thời hạn cuối cùng của việc hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán 2017. Cảnh Thắng – Thùy Anh
Theo Danviet
Người nghèo ngóng gạo cứu đói giáp Tết
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), đến ngày 3.1 đã có 12 tỉnh gửi công văn xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu, với tổng số gạo cần hỗ trợ là hơn 14.700 tấn... Phóng viên NTNN đã về những vùng quê thuộc các tỉnh được nêu trong danh sách, và ghi nhận những mảnh đời khốn khó, đang ngày ngày mong có bữa cơm no.
Quê nghèo chờ mong
Năm qua, các đợt lụt kinh hoàng đã làm những vùng đất nghèo miền Trung thêm khốn khó, nhiều gia đình thêm kiệt quệ. Tết gần đến càng khiến nhiều gia đình chạnh lòng buồn tủi.
Đứa con vừa chào đời được 10 tháng tuổi, chị Phan Thị Liễu (34 tuổi, trú thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) đã phải chịu tang chồng. Chồng chị - anh Nguyễn Trịnh Liêm (SN 1980) làm nghề thợ hồ. Chị Liễu nhớ lại: "Mấy hôm trước mưa lũ lớn quá, đường đi lại ngập hết nên ảnh không về thăm con được. Trời ngớt mưa, nhớ vợ con và lo lắng nên chồng tôi cứ khăng khăng chạy về Phước Hiệp, nhưng chỉ mới đến Mỹ Cang (xã Phước Sơn) thì bị nước lũ cuốn trôi cả người lẫn xe. Mất hai ngày ba đêm mọi người mới tìm ra thi thể ảnh. Mất trụ cột của gia đình, thực sự tôi không biết phải làm sao để có miếng ăn, nuôi con...".
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm hỏi, động viên người dân
bị thiệt hại do lũ. ảnh: Dũ Tuấn
Sau lũ, căn nhà cấp 4 của gia đình anh Đào Văn Chín (trú làng Vinh Quang 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) chìm trong im lặng. Vợ chồng anh Chín vốn là nông dân chân chất, "đầu tắt mặt tối" mưu sinh để lo cho 3 cô con gái ăn học (đứa lớn đang học lớp 12, con út chỉ vừa 5 tuổi). Cuối tháng 12.2016, khi cơn lũ ập đến làng, anh Chín đang đi hái thuê cà phê ở Tây Nguyên, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975) một mình trông nhà và lo cho đàn con tránh lũ. Nước lũ dâng cao, đàn vịt chừng 40 con hốt hoảng tháo chạy ra sông. "Nhà chẳng có gì đáng giá, chỉ có đàn vịt dành bán lo tết cho cả nhà, mua ít quần áo cho các con... Vậy nên trong lúc gió lớn và nước chảy xiết, vợ tôi bơi sõng đi tìm đàn vịt. Sõng bị chìm, vợ tôi ra đi mãi mãi..."- anh Chín nói trong nước mắt.
Vợ mất, đàn vịt cũng không còn, giờ đây trước mắt bố con anh Chín là tương lai mịt mờ, đói khổ chưa biết làm sao thoát được.
Trong căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, bà Hồ Thị Mót (trú xã Hướng Hiệp, huyện miền núi nghèo Đakrông, Quảng Trị) cho hay, ở cái tuổi 60 lắm bệnh tật nhưng cứ trời nắng ráo bà lại phải gắng gượng đi làm kiếm tiền đong gạo. Năm nay mưa lũ liên miên, sắn khoai vừa mất mùa vừa rớt giá khiến cuộc sống của bà càng khó khăn. "Tôi thuộc diện hộ nghèo, lại đơn thân, nên tết năm nào cũng được Nhà nước cho gạo ăn, cứu đói, xóm giềng cho gói bánh, lạng thịt... Mong sao năm nay cũng vậy, chứ cận Tết rồi mà tiền không có, gạo đã vét thùng..." - bà Mót nói.
Dành tiền bắn pháo hoa xây nhà cho dân
Tỉnh Không bị thiên tai cũng cần gạo
Ông Phạm Hùng - Phó giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nam cho biết, tỉnh đã trình Chính phủ xin cấp 4.000 tấn cứu đói cho người dân dịp tết. Giải thích về việc một tỉnh có kinh tế phát triển, nông nghiệp mạnh và không bị ảnh hưởng thiên tai nhưng vẫn xin cấp gạo cứu đói, ông Hùng nói: "Về vấn đề này Sở Tài chính, UBND tỉnh mới có câu trả lời chính xác. Nhưng có thực tế là nhiều bà con gặp khó khăn do diện tích đất nông nghiệp bị mất hết, trong khi Hà Nam diện tích đất thì bé, người thì đông. Mặc dù tỉnh phát triển công nghiệp nhưng công nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa tạo được nhiều việc làm cho các lao động...".
Theo ông Hùng, số hộ xin hỗ trợ gạo cứu đói là hơn 13.000, chủ yếu là những hộ nghèo và cận nghèo. Theo tiêu chí xét hộ nghèo mới, toàn tỉnh Hà Nam còn khoảng 5,81% số hộ nghèo.
Minh Nguyệt
Theo ông Lê Minh Sơn- Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định), trận lũ từ ngày 16.12 đã làm vỡ bờ đê sông La Tinh, 11 căn nhà ở thôn nghèo này đổ sập, 4 nhà hư hỏng và 170 nhà khác ngập nước. Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, huyện sẽ tiến hành giao đất cho 11 hộ dân ở làng An Xuyên 3, hỗ trợ người dân bị cuốn trôi nhà, mất đất là 100 triệu đồng/hộ, các hộ sập nhà nhưng còn đất là 50 triệu đồng/hộ... Riêng xã Mỹ Chánh đã được phân bổ gần 50 tấn gạo và đã cấp phát cho người dân ổn định cuộc sống. Nhưng những nhà bị cuốn trôi phải sau Tết Nguyên đán mới có thể xây dựng, người dân đành ăn Tết nhờ nhà người thân hoặc che lều bạt trên đê".
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Năm nay, thay vì bắn pháo hoa đêm giao thừa, chúng tôi sẽ dùng số tiền này để lo cho người dân nghèo và người dân vùng lũ còn nhiều khó khăn. Những năm trước, kinh phí bắn pháo hoa 1 điểm là 600 triệu đồng, với số tiền này chúng tôi có thể dùng để xây 11 ngôi nhà hoặc tặng 11 sổ tiết kiệm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn". Vị Chủ tịch tỉnh cho biết thêm, 5 trận lũ trong năm qua đã làm Bình Định thiệt hại đến 1.965 tỷ đồng.
Ngày 5.1, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Hiện nay, chúng tôi vừa tiếp nhận 2.000 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ và đã cấp phát kịp thời cho người dân để ổn định cuộc sống".
Ông Mai Thức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, 2016 là một năm quá vất vả đối với địa phương, từ sự cố môi trường biển cho đến thiên tai bão lụt, lốc xoáy... Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu này, Quảng Trị có đến 31.363 hộ dân với 99.066 khẩu thiếu đói. Ngân sách địa phương hạn hẹp nên tỉnh phảixin Chính phủ cấp 1.484 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân.
12 tỉnh đã xin cấp gạo cứu đói là Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận và Đăk Nông.
Theo Danviet
"Chạy ăn từng bữa, nói gì đến Tết..." Chịu thiệt hại nặng nề của 3 đợt lũ liên tiếp, với điều kiện hiện có, chính quyền và người dân Quảng Ngãi khó mà khắc phục, nếu không có sự hỗ trợ từ Trung ương. Trong căn nhà xiêu vẹo do bị nước lũ ngâm một thời gian dài, anh Bùi Tấn Nguyên (37 tuổi), ở xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ,...