Vệ tinh Liên Xô và thân tên lửa TQ đang lao vào nhau ngoài không gian: Có gây thảm họa?
Một vệ tinh từ thời Liên Xô đã không còn được sử dụng và phần thân của một tên lửa đang lao về phía vào nhau trong không gian, gây ra nguy cơ tai nạn thảm khốc, SCMP đưa tin.
Nguy cơ va chạm giữ vệ tinh cũ của Liên Xô và thân tên lửa của Trung Quốc là rất lớn, theo LeoLabs (ảnh: SCMP)
LeoLabs – công ty chuyên sử dụng hệ thống radar để theo dõi những vệ tinh, mảnh vỡ không gian – cho rằng, có 10% vụ va chạm sẽ xảy ra vào lúc 1 giờ 56 phút sáng ngày 16.10, theo giờ Anh.
Theo LeoLabs, đối với nguy cơ va chạm giữa các vật thể trong vũ trụ, 10% đã là một tỷ lệ đáng lo ngại. Thực tế, chỉ 0,001% tỷ lệ xảy ra va chạm cũng khiến NASA phải di chuyển trạm vũ trụ của họ.
Hai vật thể này đều được xếp vào loại rác vũ trụ vì không còn giá trị sử dụng. Nếu vụ va chạm xảy ra, các mảnh vỡ sẽ bay theo mọi hướng.
Vì cả hai vật thể này đều không còn hoạt động nên không thể di chuyển chúng khỏi đường va chạm.
LeoLabs cho rằng, vụ va chạm có thể không gây nguy hiểm cho con người dưới mặt đất. Các vật thể đang ở khoảng cách 991 km so với mặt đất. Tuy nhiên, những mảnh vỡ của vụ va chạm sẽ gây ra vấn đề lớn trong không gian.
“Hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn mảnh vỡ bay lung tung sẽ là vấn đề cực kỳ đau đầu cho bất cứ vệ tinh nào đang hoạt động ngoài không gian. Quốc gia nào muốn phóng tàu vũ trụ, vệ tinh ra không gian cũng phải tính đến nguy cơ va chạm với các mảnh vỡ này”, Dan Ceperley – giám đốc của LeoLabs – nhận định.
Tuy nhiên, trái ngược với cảnh báo của LeoLabs, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Mỹ cho rằng, vụ va chạm “thảm khốc” này sẽ không xảy ra.
Các mảnh vỡ không gian va vào nhau và vỡ vụn luôn khiến giới khoa học “đau đầu” (ảnh: SCMP)
“Tôi không có ý xem nhẹ cảnh báo của LeoLabs nhưng theo tính toán của chúng tôi thì vụ va chạm này sẽ không xảy ra. Tôi khá tự tin về điều đó”, Ted Muelhaupt – chuyên gia phân tích mảnh vỡ không gian của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Mỹ – nhận xét.
Theo các nhà khoa học, gần 130 triệu mảnh rác vũ trụ đang bao quanh trái đất. Chúng đến từ các vệ tinh không còn hoạt động, tàu vũ trụ hỏng… Những mảnh này di chuyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc đạn bắn, đủ mạnh để phá hủy những thiết bị vũ trụ quan trọng nếu xảy ra va chạm.
Video đang HOT
Một phi hành gia nếu bị các mảnh rác vũ trụ va trúng cũng có thể mất mạng, theo SCMP.
Vệ tinh cũ của Liên Xô và thân tên lửa của Trung Quốc có tổng trọng lượng gần 3 tấn. Nếu hai vật thể này va chạm, một “đám mây” mảnh vỡ sẽ hình thành. NASA đã nhận được cảnh báo về nguy cơ va chạm tiềm tàng này.
Vụ nhầm lẫn đáng sợ: Liên Xô bắn rơi máy bay chở khách từ Mỹ khiến 269 người chết
Ngày 1.9.1983, Liên Xô nhầm lẫn máy bay chở khách Boeing 747 là máy bay do thám Mỹ và ra lệnh cho chiến đấu cơ phóng tên lửa bắn rơi, khiến 269 người chết và là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong Chiến tranh Lạnh.
Chiến đấu cơ Su-15 bắn hạ máy bay Boeing 747 chở 269 người. Ảnh minh họa.
Sự cố bắn rơi máy bay chở khách mang số hiệu KAL 007 của hãng hãng không Korean Air là sự kiện khiến năm 1983 trở thành một trong những năm đáng sợ nhất trong Chiến tranh Lạnh.
Trong số 61 người Mỹ xấu số có mặt trên chuyến bay, Larry McDonald là nghị sĩ Mỹ đại diện bang Geogria.
Sau khi máy bay Boeing 747 cất cánh từ New York, Mỹ và hướng về Seoul vào lúc 4 giờ sáng (giờ địa phương), quá cảnh qua thành phố Anchorage thuộc bang Alaska, phi công kích hoạt tính năng lái tự động.
Phi công không hề biết rằng hệ thống lái tự động gặp trục trặc, kết quả là chiếc Boeing 747 bay chệch hướng do với hành trình đã định.
Máy bay lạc sang lãnh thổ Liên Xô. Vài giờ sau, các hành khách nghe được thông báo như thường lệ của phi hành đoàn. "Chào buổi sáng các quý ông, quý bà, chúng ta sẽ hạ cách xuống sân bay Seoul Gimpo trong 3 giờ nữa. Giờ địa phương ở Seoul bây giờ là 3 giờ sáng. Trước khi hạ cánh, chúng tôi sẽ phục vụ bữa sáng cho quý khách".
Nhưng điều đau buồn là máy bay không bao giờ hạ cánh. 26 phút sau, phi công thông báo máy bay hạ độ cao đột ngột và yêu cầu hành khách đeo mặt nạ dưỡng khí.
Phi công chiến đấu cơ Liên Xô: Tôi chỉ làm theo lệnh
Khi bay gần không phận Liên Xô, chuyến bay KAL 007 bị radar quân sự Liên Xô phát hiện. Quân đội Liên Xô khi đó hết sức cảnh giác vì máy bay do thám Mỹ trước đó đã nhiều lần leo thang căng thẳng.
Máy bay của hãng hàng không Korean Air.
Máy bay do thám RC-135 mà Mỹ thường xuyên sử dụng có vẻ ngoài rất giống với máy bay chở khách. Để đánh lạc hướng Liên Xô, các máy bay do thám Mỹ đã không ít lần bay gần các tuyến đường bay dân sự.
Nhưng lần này, chuyến bay KAL 007 lại bay lạc sang đường bay của trinh sát cơ Mỹ, cách đường bay ấn định khoảng 300km.
Chỉ huy căn cứ Dolinsk-Sokol của Liên Xô ra lệnh cho hai chiến đấu cơ Su-15 xuất kích, đánh chặn máy bay khả nghi.
"Tôi nhìn thấy rõ những ô cửa sổ", đại tá phi công Liên Xô, Gennadi Osipovitch nói với CNN. "Tôi nghĩ liệu đây có phải máy bay dân sự không, vì máy bay quân sự không có cửa sổ như vậy".
"Nhưng vào thời điểm đó, tôi không có nhiều thời gian để nghĩ", Osipovitch nhớ lại. "Tôi chỉ làm theo lệnh. Tôi bắt đầu ra hiệu cho phi công bằng mã quốc tế. Tôi thông báo rằng máy bay đã xâm phạm không phận Liên Xô. Nhưng máy bay không phản hồi".
Chiến đấu cơ Su-15 sau đó đã nổ súng cảnh cáo. Nhưng phi công máy bay KAL 007 dường như vẫn không nhận ra. "Máy bay đã không phản ứng và vẫn tiếp tục bay thẳng", Trung tướng Liên Xô, Valentin Varennikov nói trên CNN.
Hệ thống lái tự động đã đưa máy bay lạc sang không phận Liên Xô.
Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), phi công Liên Xô đã không tuân thủ quy định quốc tế, khi không cố gắng liên lạc với máy bay qua radio.
Osipovitch nói: "Tôi nhận được lệnh phải tiêu diệt kẻ xâm nhập. Và tôi đã làm đúng như vậy".
Khi thông tin về vụ bắn rơi máy bay đến Washington và Moscow, chính phủ hai nước đều phản ứng dữ dội. Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan coi đây là hành động "thảm sát", là "tội ác chống lại nhân loại".
Lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov cáo buộc Washington "cố tình khiêu khích bằng cách sử dụng máy bay dân sự Hàn Quốc".
Trong nhiều tháng sau, Liên Xô giữ bí mật về vụ bắn rơi máy bay ở ngoài khơi đảo Sakahlin. Các thông tin về mảnh vỡ máy bay, thi thể người tử nạn, hộp đen máy bay, đều không được công bố.
Đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, năm 1992, Nga mới chính thức công bố dữ liệu ghi âm buồng lái máy bay KAL 007.
Dư luận Mỹ bị sốc khi biết rằng 269 người trên máy bay, bao gồm 61 người Mỹ không tử vong ngay lập tức. sau khi bị bắn. Máy bay trúng tên lửa ở phần đuôi, tạo thành lỗ hổng lớn, nhưng cả 4 động cơ vẫn hoạt động.
Máy bay vẫn tiếp tục lượn trên bầu trời theo hình xoắn ốc suốt 12 phút sau đó, cho đến khi lao xuống biển. Khi đó, đa số những người trên máy bay chết ngay lập tức hoặc nếu còn sống sót thì cũng bị chết đuối.
Sai lầm chết người
Theo báo cáo của ICAO, phi công có phần lỗi dẫn đến thảm kịch, dù phi hành đoàn đều là những người có kinh nghiệm. Cơ trưởng Chun Byung In đã có 11 năm điều khiển máy bay dân sự, từng là phi công của không quân Hàn Quốc.
Đài tưởng niệm 269 người chết đặt tại Hokkaido, Nhật Bản.
Asaf Degani, một cựu chuyên gia của NASA về hệ thống thông tin buồng lái, nói rằng hệ thống lái tự động của KAL 007 được đặt ở chế độ "hướng tới", thay vì chế độ INS (dẫn đường bằng quán tính).
Sự khác nhau trong hai chế độ lái tự động đã khiến máy bay lạc vào không phận Liên Xô. "Ngày nay, những sai sót như vậy sẽ không lặp lại, vì các máy bay hiện đại đã có hệ thống phản hồi rõ ràng, rằng máy bay đang ở chế độ lái tự động nào", Degani nói.
Theo tình báo Mỹ, KAL 007 đã vô tình chuyển sang đường bay gần với hành trình của một máy bay do thám của Mỹ, cũng xuất hiện ở thời điểm đó, khiến radar quân sự Liên Xô nhầm lẫn hai máy bay với nhau.
Sau sự cố trên, một số quan chức quân sự chịu trách nhiệm về phòng không vùng Viễn Đông của Liên Xô đã bị sa thải hoặc bị cách chức.
Đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi để ngỏ về thảm kịch máy bay KAL 007 khiến 269 người chết. Gia đình các nạn nhân đặt câu hỏi rằng tại sao Liên Xô lại không tìm thấy bất cứ thi thể nào ở hiện trường máy bay rơi.
Suốt một thời gian dài, nhiều gia đình nạn nhân còn tin rằng người thân của họ vẫn còn sống, chỉ bị mắc kẹt ở Liên Xô.
Dù thế nào, các thi thể nạn nhân chuyến bay KAL 007 ở đâu được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong Chiến tranh Lạnh, theo CNN.
Infographic: Nhìn lại 3 thập kỷ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung Mỹ đã rút khỏi 2 trong 3 Hiệp ước quân sự quan trọng từ thời Chiến tranh lạnh, điều này cho thấy tình hình Thế giới đang có những thay đổi mới.