Về thăm “thiên đường của miến” ở Cự Đà, ghé nhà cổ hàng trăm năm tuổi mang đậm hồn Việt
Không phải ngẫu nhiên mà CNN gọi Cự Đà là ‘ thiên đường của miến’, dù có nghề truyền thống là làm tương nhưng miến Cự Đà lại trứ danh thiên hạ.
Làng Cự Đà cách Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, còn phảng phất hồn xưa cũ của kiến trúc Việt cổ.
Những ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà vẫn được bảo tồn tốt cho tới ngày nay (Ảnh CNN)
Làng Cự Đà từng được kênh truyền hình CNN đặt cho cái tên là “thiên đường của miến” khi đến ghi hình làng miến Cự Đà.
Tuy nghề truyền thống là làm tương nhưng Cự Đà lại trứ danh bởi nghề miến. Từ bao đời, miến Cự Đà đã rong ruổi khắp từ Bắc đến Nam và trở thành món quen thuộc của hàng triệu gia đình. Thương hiệu miến Cự Đà đi vào lòng người như một lẽ tất yếu bởi sợi miến vàng óng nhưng khi nấu lên thì rất trong, dai và thơm, là nguyên liệu chính của các món miến trộn, miến xào, miến nước… với vô vàn biến tấu ẩm thực khác nhau.
Phơi miến (Ảnh: Lê Bích)
Video đang HOT
Có nhiều cảm xúc khi nói về Cự Đà, ngôi làng với những kiến trúc hỗn hợp đủ kiểu từ Á đến Âu, lạ một nỗi là dù rất nhiều kiến trúc tổng hợp nhưng hồn Việt vẫn toát lên ở làng.
Theo biến thiên của thời gian và sự vận động tất yếu của xã hội, Cự Đà cũng nhanh chóng khoác những tấm áo mới trong xây dựng. Những ngôi nhà cổ mang hồn cốt Việt, kiến trúc Trung Hoa hay Pháp dần biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng theo lối kiến trúc đương đại ở vùng quê Việt Nam mà ta có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu trên khắp dải đất hình chữ S này.
Một góc Cự Đà nhìn từ trên cao (Ảnh: Báo Giao thông)
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Cự Đà là ngôi làng trù phú, là cửa ngõ giao thương “nhất cận thị, nhị cận giang” nằm ngay bên bờ Sông Nhuệ, chẳng thế mà làng có nghề làm tương thì thuở đó đã trứ danh khắp mọi miền, có lẽ bởi giao thông đường thủy thuận lợi nên tương Cự Đà trở nên dễ dàng buôn bán, phân phối hơn các làng khác.
Sản xuất tương tại làng Cự Đà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). (Ảnh: Bá Hoạt)
Tuy nhiên, cũng không phải Cự Đà vì lợi thế giao thông mà sản vật nổi danh, tương Cự Đà bao năm qua đã đi vào câu cửa miệng của người dân “tương Cự Đà, cà Thụy Khuê’, ám chỉ cà Thụy Khuê mà chấm với tương Cự Đà là ngon nhất.
Cùng với sự phát triển của xã hội, Cự Đà cũng buộc phải chuyển mình để hòa nhập với đời sống chung. Vì thế, bức tranh về Cự Đà hiện tại là sự kết hợp giữa cổ kính và hiện đại, hồn xưa cũ và đời sống thực tế của người dân Cự Đà cứ thể đan xen. Dù chùa Cự Đà được xếp hạng di tích quốc gia thế nhưng chẳng biết bao giờ, những mái ngói thơm nâu, đình làng, nhà ba gian hai trái sẽ biến mất, nếu không có phương án để bảo tồn và gìn giữ…
Dương Kha
Về thăm Ước Lễ, ngôi làng cổ kính nổi tiếng không chỉ bởi giò chả ngon
Làng Ước Lễ (tại xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) là một trong 4 ngôi làng cổ nổi tiếng tại Hà Nội còn giữ được hồn Việt trong kiến trúc, từ mái ngói đến giếng cổ, từ cổng đình đến xa xa và ruộng lúa thơm hương...
Chiếc cầu cổ bắc qua con mương nhỏ để vào làng giò chả truyền thống trứ danh (Ảnh: hanoi.gov)
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây Nam, làng Ước Lễ nổi tiếng bởi nghề làm giò chả truyền thống trứ danh, cho dù nghề chính của dân làng nơi đây vẫn là nghề nông.
Khác với 3 ngôi làng nổi tiếng đã trở thành địa danh du lịch như làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, làng Cựu Phú Xuyên, làng Ước Lễ thu mình và lặng lẽ hơn, nhiều người có khi chỉ biết đến món giò chả trứ danh ấy, chứ ít ai biết đến một Ước Lễ cổ kính, trầm tích và đậm hồn cốt Việt.
Trong tốc độ đô thị hóa không thể cưỡng lại theo xu hướng toàn cầu, thì việc một chiếc cổng làng được giữ từ thời nhà Mạc đến giờ vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" được xem như một biểu tượng bất hủ của làng quê Việt cổ
Giếng làng Ước Lễ, ở làng, hệ thống giếng cổ vẫn còn, có giếng to, giếng nhỏ, là nơi sinh hoạt chung của cư dân trong làng (Ảnh: hanoi.gov)
Hình ảnh thân thương về giếng có thể bắt gặp nếu du khách ghé thăm làng Ước Lễ (Ảnh: nongthonviet)
Giếng không chỉ là nơi sinh hoạt chung mà còn là phong thủy của làng, nơi gắn kết người làng với nhau, là mạch ngầm được kết nối mạnh mẽ trong mỗi con người ở xứ Đoài xưa cũ. Ai xa quê, đã trót lớn lên ở làng, tắm mắt ở bến sông, bờ giếng, chơi tụ bạ với tụi trẻ ở gốc đa đầu làng, chiều chiều đánh đáo, thả diều, mò cua, mót lúa,... chỉ cần bước chân về đầu làng là hồi ức bỗng ùa về như thấy cả một trời thơ dại.
Những kẻ xa quê chỉ cần trên truyền hình phát một chương trình ở quê mình, ngó qua thấy một người làng đang lau lá dong bên bờ giếng, hoặc một cụ già lụi hụi quét lá đa đầu làng, cũng có thể rưng rưng rơi lệ vì nhớ làng, nhớ giếng, nhớ cả một hồn dân tộc Việt thu nhỏ đặc sánh trong những gầu nước, lá đa, chén vối, chén trà,...
Dương Kha
Thiên đường cối xay gió đẹp như tranh vẽ ở Tây Ban Nha Cối xay gió Consuegra là điểm hẹn thu hút du khách đam mê văn hóa và lịch sử, văn học Tây Ban Nha. Những cánh quạt khổng lồ màu trắng nổi bật thu hút sự chú ý của du khách tới đây. Ảnh: Javi_beldeta, dreamawake3. Đến với thị trấn thanh bình Consuegra, miền Trung Tây Ban Nha, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh...