Vé tàu Tết được bán qua mạng từ tháng 10
Từ đầu tháng 10 vé tàu Tết bắt đầu được bán, hành khách có thể tự in vé mà không phải ra ga lấy như những năm trước.
Theo kế hoạch chạy tàu dịp Tết Bính Thân 2016 được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam công bố ngày 11/9, đơn vị bắt đầu bán vé tập thể từ ngày 25/9 đến hết 30/9, khoảng 20% trên tổng số vé tàu.
Khi hành khách có thể tự in vé, ngành đường sắt kỳ vọng sẽ hạn chế cảnh quá tải ở ga Sài Gòn như mọi năm. Ảnh: H.C
Bắt đầu từ ngày 1/10, vé Tết sẽ được bán đại trà thông qua các website www.dsvn.vn, vietnamrailway.vn, vetau.com.vn và các điểm bán vé của ngành đường sắt. Thời gian bán vé tàu Tết sẽ kéo dài từ 25/1 đến 25/2/2016.
Trong dịp Tết, ngoài 5 đôi tàu khách Thống Nhất chính được chạy thường xuyên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ cho chạy thêm 6 đôi tàu Thống Nhất tăng cường giữa Sài Gòn – Hà Nội và ngược lại để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao. Tổng số chỗ trên các đôi tàu Thống Nhất dự kiến là 12.000 mỗi ngày.
Các chặng có nhu cầu đi lại cao như Vinh – Sài Gòn và Thanh Hóa – Sài Gòn cũng được tăng cường nhiều chuyến tàu trước và sau Tết để phục vụ hành khách.
Trước đó, từ đầu tháng 9 ngành đường sắt đã tổ chức bán vé điện tử. Với phương thức bán vé mới, hành khách đặt vé rồi thanh toán trực tuyến và có thể tự in vé để lên tàu. Điều này được cho là sẽ tránh được tình trạng hàng nghìn người phải chen nhau ra ga Sài Gòn để mua vào mỗi dịp Tết.
Video đang HOT
Hữu Công
Theo VNE
Mua vé tàu Tết điện tử, khách vẫn phải đến ga lấy vé
Dù đặt mua vé tàu điện tử qua mạng internet, thanh toán cũng như hoàn tất các thủ tục, nhưng khách hàng vẫn phải đến ga lấy vé.
Sáng 17/11, ngành đường sắt công bố kế hoạch phục vụ hành khách trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Theo đó, từ ngày 1/12 sẽ bán vé cho các hành khách đi tàu trong dịp cận Tết trên hệ thống bán vé điện tử trên website www.dsvn.vn. Mô hình mới này được tổ chức với một kho vé duy nhất cho tất cả các kênh bán vé.
Cụ thể: Mỗi khách hàng được đặt chỗ trên web mỗi lần không quá 4 vé cho 1 chiều.
Trường hợp hành khách đặt chỗ thành công trên hệ thống bán vé điện tử:
Nếu thanh toán trực tuyến: Hành khách đặt chỗ thành công trước giờ tàu chạy từ 24h đến 60h thì phải thanh toán tiền vé trước giờ tàu chạy 12h. Nếu không thanh toán thì số chỗ đã đặt sẽ bị hủy.
Nếu hành khách thanh toán tiền mặt: Chậm nhất 48h sau khi đặt vé thành công, hành khách đến ga trả tiền và lấy vé hoặc đến các điểm giao dịch của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để thanh toán tiền vé.
Tuy nhiên, ngành đường sắt khuyến cáo, sau khi thanh toán tiền vé, hành khách đến ga lấy vé chậm nhất trước giờ tàu chạy là 4h.
Từ ngày 1-12, hành khách có thể mua vé tàu điện tử và thanh toán qua mạng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Theo ngành đường sắt, khi đăng ký mua vé trên website, mỗi khách hàng giữ vé đặt chỗ không quá 5 phút. Sau khi đặt được chỗ, hành khách có thể thanh toán trực tuyến hoặc bằng tiền mặt.
Theo đó, đối với hành khách đặt chỗ chờ xếp hàng, khi nhận được thông tin có chỗ, hành khách phải đặt chỗ trong thời gian 10 phút.
Hành khách đã đặt chỗ và thanh toán trực tuyến xong, sau ít nhất 24h thì đến ga lấy vé.
Hệ thống bán vé trên website cho phép hành khách đặt chỗ muộn nhất 24h trước giờ tàu chạy. Sau 24h trước giờ tàu chạy, mời hành khách đến ga mua vé.
Thời gian làm việc của các điểm giao dịch Bưu điện là 7 ngày/tuần, từ 7/30 đến 19h hàng ngày.
Năm nay ngành đường sắt đã thống nhất với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB Bank) miễn phí dịch vụ cho hành khách đến 53 điểm giao dịch của VIB Bank và 209 điểm giao dịch của bưu điện để đặt chỗ, thanh toán tiền vé.
Đối với những hành khách không lên website đặt chỗ mua vé có thể đến các điểm giao dịch nói trên để thực hiện dịch vụ này. Năm nay, tại các ga Sài Gòn, Hà Nội, ngành đường sắt đưa vào sử dụng hệ thống ke ngang (cao độ bằng với sàn tàu) để hành khách lên xuống thuận lợi.
Đặc biệt, công tác kiểm soát vé của hành khách năm nay chỉ thực hiện một lần tại cửa toa xe, không kiểm soát vé ra vào ga. Người nhà đưa tiễn hành khách được ra vào ga miễn phí theo thời gian và khu vực quy định (trước kia phải mua vé đón tiễn giá 2.000 đồng/người).
Ngoài ra, những hành khách đi tàu trong các ngày cao điểm về các ga từ Vinh (Nghệ An) đến Hà Nội (trước Tết) và từ Nha Trang đến Sài Gòn (sau Tết) phải xuất trình chứng minh nhân dân (hoặc các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp, có dán ảnh). Quy định trên nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, vé chợ đen...
Riêng từ ngày 1 đến ngày 5/12, ga Sài Gòn, Biên Hòa chỉ bán vé tàu Tết trực tiếp cho các đối tượng chính sách (bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công với cách mạng...), hành khách đi tàu những ngày thấp điểm và các hành khách đã đặt chỗ thành công. Sau ngày 5/12, nhà ga sẽ phục vụ cho tất cả các hành khách.
Một diễn biến khác, ga Sài Gòn cho biết, thời gian cao điểm từ ngày 8/2 - 2/3/2015 (tức 20 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến 12 tháng Giêng năm Ất Mùi), trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, tổ chức chạy 14 đôi tàu khách Thống Nhất với tổng số chỗ (các loại) khoảng 12.000 chỗ/ngày và 5 đôi tàu khu đoạn từ TP. HCM đến các ga Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết với tổng số chỗ khoảng 3.000 chỗ/ngày để chuyên chở hành khách đi từ phía Nam ra các tỉnh phía Bắc và chiều ngược lại trước và sau Tết.
Trong thời gian các ngày Tết (ngày 30, mùng 1, 2, 3 tháng Giêng Âm lịch) vẫn duy trì chạy 5 đôi tàu Thống Nhất và 14 chuyến tàu khách khu đoạn với khoảng 8.000 chỗ ngồi để phục vụ hành khách về ăn Tết muộn, đi du lịch hoặc đi chúc Tết.
Theo_Người Đưa Tin
Mua vé tàu phải xuất trình CMND: Quá phiền phức Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) quy định, kể từ ngày 1-1-2015 hành khách khi mua vé tàu lửa trực tiếp tại các ga phải xuất trình bản chính CMND. Quy định này theo hành khách là không cần thiết, thậm chí gây phiền phức cho người giao dịch. Nếu so với hình thức bán vé của ngành hành không thì...