Về Sóc Trăng đừng quên viếng chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên linh thiêng
Chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên là công trình tôn giáo nổi tiếng của người Hoa ở Sóc Trăng được nhiều du khách biết đến, bên cạnh các ngôi chùa Khmer đẹp ở vùng đất này như chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, Som Rong…
Khi đi du lịch Sóc Trăng và check in khu vực thị trấn Mỹ Xuyên, người ta dễ dàng tìm được rất nhiều ngôi chùa, miếu, hội quán đặc trưng của người Hoa. Các công trình này đều lưu giữ được được nét văn hóa và phong tục của người Hoa ở Sóc Trăng, mà được biết đến nhiều nhất là Chùa Bà Thiên Hậu. Cùng LuhanhVietNam tìm hiểu về ngôi chùa này nhé!
Ngôi chùa cổ kính ở Sóc Trăng.
Giới thiệu chung về chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Đây là vùng đất nổi tiếng từ xưa khắp Lục tỉnh Nam Kỳ. Từng có thời gian nơi đây mang cái tên dân gian khác là Bãi Xàu gắn liền với giống gạo ngon nổi tiếng và một thương cảng lớn bậc nhất miền Tây thời xưa.
Huyện Mỹ Xuyên với tên Bãi Xàu cũng được nhắc đến nhiều trong các bài khảo cứu của các học giả, nhà nghiên cứu Nam bộ nức tiếng như Sơn Nam, Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển… Vì vùng đất này là nơi tọa lạc của nhiều ngôi chùa, miếu, hội quán người Hoa như Chùa bà Thiên Hậu Quảng Châu Mỹ Xuyên, chùa bà Thiên Hậu Triều Châu, chùa Ông Bổn, Ba Thắc Cổ Miếu, chùa ông Xén Cón,… Mà trong số đó, công trình tôn giáo mang tên chùa Bà Thiên Hậu ở Mỹ Xuyên khá nổi bật và có kiến trúc đặc sắc.
Ngôi chùa này không chỉ có kiến trúc đặc trưng và lịch sử lâu đời mà còn là nơi thờ tự theo tín ngưỡng dân gian ở vùng đất miền Tây này. Người dân bao đời nay hướng về Bà Thiên Hậu để mong cầu nhận được chở che, ban phước lành đến mọi người, mọi nhà. Có thể nói rằng chùa Bà vừa là nơi cầu nguyện linh thiêng vừa là điểm đến du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, du ngoạn cũng như tìm hiểu tôn giáo của du khách.
Cách di chuyển đến chùa bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên
Địa chỉ: 20 Phan Đình Phùng, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Giờ mở cửa: 6h00 – 20h00.
Video đang HOT
Giá vé: miễn phí.
Nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Sóc Trăng, du khách di chuyển theo cung đường Trần Hưng Đạo về phía Nam rồi lần lượt rẽ vào các đường Lê Hồng Phong, Lê Lợi và Phan Đình Phùng. Đến đây thì bạn chú ý phía bên phải sẽ thấy được ngôi chùa nổi tiếng của Sóc Trăng nhé.
Lịch sử hình thành của chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên
Chùa Bà Thiên Hậu ở huyện Mỹ Xuyên là một ngôi miếu cổ xưa với lịch sử tồn tại đã hơn 100 năm. Theo sách cũ ghi lại thì ngôi miếu được dựng từ mùa hạ năm 1893 (Quý Tỵ), tương ứng với năm Quang Tự 19 đời nhà Thanh Trung Quốc. Ngôi miếu cổ mà ngày nay người ta gọi là chùa bà Thiên Hậu được tập thể thương gia người Quảng Đông quyên tiền xây nên để thờ Thiên Hậu Nương Nương – vị thần mà người Quảng Châu thường gọi với danh xưng tôn kính khác là “A Phò – Má Tổ”.
Địa điểm xây chùa từng là khu vực chợ Trang Kỉnh, nay là chợ Mỹ Xuyên. Tương truyền rằng thuở xưa, người dân địa phương từng tìm thấy một tượng Phật bằng đồng ở đúng vị trí ngôi chợ, nên đã chọn chính nơi này làm để xây dựng ngôi miếu để thờ cúng. Từ khi xây dựng đến nay, trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, ngôi miếu – chùa cổ đã được trùng tu nhiều lần mà đáng kể nhất là vào năm 1974. Hiện tại, ngôi chùa đã trở nên khang trang và uy nghiêm hơn với nhiều công trình chính phụ xung quanh.
Ngôi chùa lưu giữ đậm nét văn hóa và phong tục của người Hoa ở Sóc Trăng.
Ban đầu vốn là nơi thờ cúng bà Thiên Hậu ở huyện Mỹ Xuyên của cộng đồng người Hoa sống tại đây, đến ngày hôm nay, miếu bà Thiên Hậu đã trở thành một điểm đến tôn giáo và địa điểm du lịch Sóc Trăng nổi tiếng thu hút nhiều lượt khách đến tham quan và chiêm bái.
Kiến trúc đặc trưng của chùa Bà Thiên Hậu
Cũng như các ngôi chùa người Hoa nổi tiếng khác ở Sóc Trăng như chùa Ông Bổn, chùa ông Xén Cón, chùa Bà Thiên Hậu Mỹ Xuyên được phân bố theo hình chữ tam gồm ba gian với mái lợp ngói âm dương song song nhau theo phong cách truyền thống.
Ngay khi vừa đặt chân qua khỏi cổng chùa, bạn sẽ bắt gặp ngay trước mắt hình ảnh đôi cột đắp hình rồng uốn quanh thân ngay phía trên thanh xà dọc nối qua đầu cột. Ngoài ra, điểm đặc biệt nữa là hình ảnh những động vật cùng các loại thủy hải sản qua bàn tay tài hoa của những người thợ người Hoa được khắc vẽ bằng gỗ vô cùng khéo léo và sinh động. Ấn tượng không kém là hình tượng hai con rồng uốn lượn vườn nhau tranh một quả bầu tiên trên nóc chùa.
Ngoài ra, hai bên bức vách tường còn có hai bức phù điêu Thanh Long và Bạch Hổ khá lớn được đắp nổi tạo thành điểm nhấn, tạo ấn tượng cho khách tham quan gần xa.
Đây là một trong những ngôi chùa người Hoa nhộn nhịp nhất.
Riêng khu vực chánh điện được xây dựng và trang trí theo lối kiến trúc đặc trưng, nhất là phần bên trong với không gian trang nghiêm và linh thiêng đúng kiến trúc người Hoa. Trung tâm chánh điện thờ những vị thần được cộng đồng tôn kính. Đó là tượng Bà Thiên Hậu ở giữa, Quan Thánh Đế Quân ở bên phải và Tiên Thánh Hiền Triết ở bên trái. Khi vào chánh điện thắp hương, du khách còn nhìn thấy các bức hoành phi sơn son thếp vàng mang thông điệp chúc cho quốc thái dân an, giúp đỡ đồng bào, làm việc ích giúp nước,… Tất cả đều được sắp trên các thanh xà ngang dưới mái ngói và mang vẻ đẹp lộng lẫy và cổ kính. Trên viềm mỗi khám thờ chính điện lắp phần cửa dạng vòng với hình hoa dây nhiều dáng vẻ khác nhau và được thếp vàng lộng lẫy. Ba khám thờ được các nghệ nhân ngăn cách bằng hai bộ bát bửu bằng đồng. Cách sắp xếp này cũng giúp tạo lối đi riêng cho du khách khi vào làm lễ.
Chốn dừng chân thanh tịnh để cầu bình an.
Với lịch sử hình thành lâu đời, vị trí khá dễ tìm cùng kiến trúc mang đậm phong cách xây dựng chùa miếu của người Hoa, chùa bà Thiên Hậu Vĩnh Xuyên là một điểm đến không thể bỏ qua khi check in Sóc Trăng. Có thể nói chùa Bà đã góp mặt vào danh sách các điểm đến thu hút và ấn tượng của vùng đất miền Tây này. Vì dù là ngày thường hay ngày lễ thì chùa luôn có đông đảo người dân địa phương và du khách ghé thăm lễ chùa, cầu bình an, ngắm cảnh chùa giữa không gian yên bình, hoài cổ cũng như tìm hiểu về nét kiến trúc ấn tượng.
Nếu có dịp cùng hội cuồng chân đến thăm miền đất hiền hòa Sóc Trăng vào đúng dịp tháng 3 Âm lịch, bạn nhất định phải tham gia lễ hội vía Bà được tổ chức vào đúng ngày 23 nhé. Đây là lúc mọi người dâng lễ vật hòa mình vào dòng khói hương để tưởng nhớ đến công ơn của Bà Thiên Hậu và tổ chức nhiều hoạt động lễ hội hấp dẫn, thú vị đấy. Ngoài ra, dịp Tết đến Xuân về, chùa Bà cũng là điểm dừng chân phù hợp để bạn làm một chuyến du xuân, cầu bình an may mắn cho mình và người thân đấy. Cũng đừng quên chọn những góc đẹp để làm những bức hình check-in tuyệt đẹp đón năm mới tại không gian cổ kính này nhé. Chúc bạn có chuyến du lịch miền Tây và viếng chùa Thiên Hậu khó quên.
Ngôi chùa Khmer gây tò mò về câu chuyện lợn 5 móng
Chùa Dơi là điểm du lịch nổi tiếng với kiến trúc tôn giáo Khmer đặc sắc, khách đến đây còn được nghe kể về loài lợn 5 móng kỳ lạ.
Chùa Dơi là một trong những ngôi chùa lâu năm nhất tại tỉnh Sóc Trăng, có tuổi đời hơn 400 năm. Chùa có tên Khmer là Wath Sêrâytêchô Mahatup. Người Kinh và người Hoa đọc Mahatup thành "Mã tộc", nên chùa còn có tên gọi là chùa Mã Tộc.
Từ nhiều năm nay, chùa thu hút du khách thập phương nhờ kiến trúc độc đáo và cảnh tượng hàng nghìn con dơi quạ, dơi ngựa treo lủng lẳng trên những cành cây trong vườn chùa. Ngoài ra, chùa còn gây tò mò cho du khách về câu chuyện những chú lợn 5 móng từng được nuôi và chôn cất tại đây.
Chùa Dơi có nhiều cây sao và hàng dầu cổ thụ, mang đến cảnh quan thanh tịnh, xanh mát.
Các sư trong chùa Dơi kể rằng loài lợn bình thường chỉ có 4 móng, nhưng đối với lợn 5 móng, người Nam Bộ không dám nuôi, không dám bán hay xẻ thịt. Họ tin rằng lợn 5 móng là "cốt tinh", người hóa kiếp lợn, gia đình nào nuôi phải lợn này sẽ gặp bất hạnh vì bị quấy phá. Vì vậy nhà nào có lợn 5 móng sẽ gửi vào chùa Dơi nhờ trông nom, chăm sóc, nghe kinh Phật tu hành để xóa tội lỗi.
Con lợn 5 móng được chùa nuôi đầu tiên cách đây hơn 30 năm do người dân trong vùng mang đến, lợn được thả rông trong chùa, các sư thầy ăn gì thì sẽ cho lợn ăn như vậy, có khi chúng ra ngoài kiếm ăn và sau đó tự tìm đường quay về chùa. Lợn được chăm sóc đến khi chết rồi hỏa táng và làm mộ chôn. Hiện những ngôi mộ của lợn 5 móng vẫn còn phía sau chùa, khiến khách đến tham quan không khỏi tò mò.
Về sau, chùa Dơi không nhận nuôi lợn 5 móng do không có chỗ đỗ phân, còn thả rông thì lợn quậy phá làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan chùa. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp đem lợn 5 móng đến nuôi ở nơi khác. Dù vậy, câu chuyện truyền tai về loài lợn 5 móng hàng chục năm qua càng tăng thêm sự bí ẩn cho ngôi chùa trăm tuổi này.
Hàng nghìn chú dơi vắt vẻo trên cành là một trong những nét đặc trưng của chùa Dơi.
Chùa Dơi có cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, môi trường sống hoang dã của loài dơi hòa quyện với công trình kiến trúc tôn giáo Khmer tinh tế, trang nghiêm, khiến nơi này có nét đẹp chuyên biệt và độc đáo. Sau khi tham quan, du khách có thể thưởng thức nước thốt nốt, vú sữa tím và chọn mua các mặt hàng đặc sản của người Khmer được bán trước cổng hoặc dọc lối vào chùa.
Đường đến chùa Dơi thuận tiện di chuyển, từ trung tâm TP Sóc Trăng, du khách đi đường Lê Hồng Phong, gần 2 km gặp cổng chào Khu du lịch chùa Dơi và rẽ phải đường Văn Ngọc Chính, phường 3, đi thêm một đoạn là tới.
Vườn cò Tân Long - điểm ngắm chim cò độc đáo ở Sóc Trăng Du lịch Sóc Trăng du khách không chỉ được tham quan những ngôi chùa Khmer đẹp mà còn có cơ hội ghé thăm vườn cò Tân Long, làm bạn cùng hàng trăm loài chim cò ríu rít cũng như tìm hiểu về tập tính sống của chúng. Vườn cò Tân Long nằm ở đâu? Địa chỉ: ấp Tân Bình, xã Long Bình, huyện...