“Vệ sĩ Sài Gòn”: Vừa đủ để cười nhưng thiếu độ mặn
“ Vệ sĩ Sài Gòn” là một phim điện ảnh hài vừa đủ, khán giả dễ tính vẫn có thể xem phim và tìm thấy nụ cười.
Tháng 12/2016, có đến 2 bộ phim lấy chủ đề vệ sĩ ra mắt khán giả Việt. Trước đó là Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ do Việt Anh làm đạo diễn, Angela Phương Trinh đóng vai chính. Lần này là Vệ sĩ Sài Gòn do Kim Lý làm nhà sản xuất, với sự góp mặt của những cái tên Chi Pu, Thái Hòa, Diệp Lâm Anh.
Đạo diễn người Nhật và các diễn viên chính: Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu, B Trần
Chẳng phải riêng tháng 12 này mà trong suốt 1 năm qua, màn ảnh Việt đã dày đặc những dự án điện ảnh được quảng bá rầm rộ. Người hâm mộ cứ thế khấp khởi mong chờ sẽ lại có một Em là bà nội của anh hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Nhưng, hết ngày này đến tháng nọ, phim Việt vẫn chưa có sự đột phá. Nhiều tác phẩm đạt doanh thu cao ngất nhưng chất lượng chỉ thuộc tầm trung, vừa đủ xem chứ chưa hấp dẫn như mong đợi.
Đến lượt Vệ sĩ Sài Gòn công chiếu, khán giả yêu phim Việt vẫn kỳ vọng đây sẽ là một dự án “đáng đồng tiền”, khép lại một năm nhộn nhịp của thị trường giải trí. Song, với những gì đã thể hiện, Vệ sĩ Sài Gòn vẫn dừng lại ở mức xem đủ để cười nhưng còn thiếu độ mặn để trở thành “bom tấn”.
Nhân vật Thi của Chi Pu có quan hệ tình cảm với Kim Lý
Phim có độ dài gần 100 phút, xoay quanh cặp nhân vật chính là Trịnh (Kim Lý) và Viên (Thái Hòa) – những anh chàng đang làm công việc vệ sĩ và có mối quan hệ gắn bó, thân thiết như anh em trong nhà. Rắc rối của Viên – Trịnh chỉ bắt đầu khi có một ông chủ tịch tập đoàn giàu có đột ngột qua đời. Con trai của người này – thiếu gia Henry (B Trần) đóng bị gọi từ nước ngoài về Việt Nam để dự cuộc họp bầu chủ tịch hội đồng quản trị mới khẩn cấp.
Nếu Henry vắng mặt, tập đoàn sẽ rơi vào tay người khác. Lúc này, Viên – Trịnh nhận được yêu cầu bảo vệ Henry khỏi những thế lực thù địch. Với kinh nghiệm của mình, Viên – Trịnh gắng sức hoàn thành nhiệm vụ, nhưng ngặt nỗi “người tính không bằng trời tính”, thiếu gia Henry đã bất ngờ mất tích. Trong hành trình truy tìm và bảo vệ thiếu gia, Viên – Trịnh phát hiện ra bí mật về một băng đảng tội phạm có tên Huyết Lan Hội. Cùng lúc này, Trịnh vướng vào mối tình ngọt ngào với cô thư ký Thi xinh đẹp (Chi Pu), còn Viên cũng dính phải hàng tá rắc rối vì tính cách hài hước, quái chiêu của mình gây ra.
Một cách khách quan, Vệ sĩ Sài Gòn vẫn làm khán giả dễ dàng cười bởi cách quăng mảng miếng nhịp nhàng của Thái Hòa. Giống như nhiều bộ phim trước đó, Thái Hòa tiếp tục chứng tỏ khả năng khuấy động không khí khi diễn thoại bằng cách khá tự nhiên. Khả năng làm lố bản thân trong những tình huống đánh đấm, đối đầu với nhân vật phản diện hay tán tỉnh nữ sát thủ bằng biểu cảm hài hước cũng được Thái Hòa khai thác triệt để. Điểm sáng trong phim này là Thái Hòa cho khán giả cảm giác tươi mới, anh diễn hài hành động chứ không phải dạng giả gái, hài hình thể như thông thường.
Thái Hòa trong vai Viên – Một “Mr. Mê gái” thực thụ
Đạo diễn người Nhật Ken Ochiai cũng cài cắm tính cách cho nhân vật Viên khá hợp lý. Anh chàng không gây cười bằng cách bị gán ghép hàng loạt thói hư tật xấu. Ngược lại, nhân vật Viên này lại là người nắm giữ nút thắt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của kế hoạch giải cứu và bảo vệ cậu chủ Henry. Tuy nhiên, nếu nói Thái Hòa đã tạo cho khán giả cảm giác đột phá thì chưa hẳn. Vai diễn Viên của Vệ sĩ Sài Gòn chưa đủ “đè bẹp” ấn tượng từ các nhân vật ấn tượng trước đó. Thái Hòa chỉ tròn vai, đảm bảo cho Vệ sĩ Sài Gòn có yếu tố cười không nhảm chứ chưa đủ làm phim trở thành “bom tấn” hành động hài như kỳ vọng của nhiều khán giả.
Video đang HOT
Những cảnh hành động trong phim được thực hiện khá đẹp mắt
Bên cạnh Thái Hòa, nhân vật Henry của B Trần cũng là một điểm nhấn đặc biệt. Càng đóng nhiều phim, khả năng thuyết phục khán giả của nam diễn viên gốc Hà Nội càng tăng cao. Vẻ ngoài điển trai, nụ cười tươi tắn cộng với lối diễn xuất tự nhiên giúp B Trần không bị lạc lõng giữa dàn diễn viên đầy sao của Vệ sĩ Sài Gòn. Lúc thì B Trần là Henry lạnh lùng, lúc B Trần lại gây bất ngờ khi trở thành thằng Phúc bán phở ngây thơ, khờ khạo. Nhiều cảnh diễn, B Trần tung hứng với Thái Hòa, Kim Lý khá tốt. Tưởng rằng dở nhưng hóa ra hay, đó là lời khen của nhiều khán giả dành cho anh chàng sau khi rời khỏi rạp.
B Trần và Chi Pu thân thiết trên phim trường
Với cặp đôi được mong đợi Chi Pu – Kim Lý, tuyến vai diễn lại chưa thành công như dự đoán. Chi Pu vẫn là cô gái xinh đẹp, xuất hiện ở phân cảnh nào là sáng bừng cả màn ảnh. Nhưng, khi ghép đôi cùng Kim Lý, hiệu ứng 2 người tạo ra lại chẳng mấy ngọt ngào. Không phải vì Chi Pu diễn kém, mà là Kim Lý có phần gượng gạo với chính bộ phim do anh bỏ vốn đầu tư.
Chuyện tình giữa Chi Pu với Kim Lý chưa đủ mặn mà như mong đợi
Không thể phủ nhận, Kim Lý là anh chàng có vẻ đẹp nam tính hút mắt nhìn, đứng cạnh Chi Pu trong sáng, đáng yêu, Kim Lý càng trở nên nổi bật. Nhưng ngặt nỗi, anh chàng lại mắc lỗi diễn xuất nhạt nhòa, nếu không có phần đánh đấm hoành tráng kéo lại, chắc hẳn Kim Lý sẽ trở thành “thảm họa điện ảnh”. Trong Vệ sĩ Sài Gòn, đất diễn Kim Lý sở hữu khá nhiều, song nam diễn vẫn chưa tận dụng tốt thời cơ. Trừ những màn hành động máu lửa, tốt nhất Kim Lý đừng nói gì nhiều, bởi nếu diễn xuất nhiều hơn, anh chàng sẽ làm cho khán giả mất đi thiện cảm vốn có.
Nếu xem Vệ sĩ Sài Gòn là một tác phẩm hài hước đơn thuần, xem để cười và trải nghiệm thông điệp nhẹ nhàng về cuộc sống, thì khán giả ắt sẽ không cần nghĩ ngợi nhiều. Song, đối người xem khó tính hơn, thì Vệ sĩ Sài Gòn vẫn còn thiếu độ mặn cần thiết. Kịch bản phim đôi chỗ non tay, đơn giản, xem tình tiết đầu đã có thể dự đoán được tình tiết sau. Cách đặt vấn đề và mở nút thắt chưa hoàn toàn thuyết phục. Kiểu như bày ra trận cờ bát quái nhưng lại chưa đủ mạnh tay tạo bất ngờ cho khán giả.
Nhân vật Trịnh của Kim Lý mắc nhiều lỗi về diễn xuất
Phim bố trí hai nhân vật là Henry và Phúc có ngoại hình giống nhau như đúc nhưng lại không có lời lý giải hợp lý cho người xem. Nửa sau tác phẩm, các tình tiết lỏng lẻo dần, sự xuất hiện của Diệp Lâm Anh, Khương Ngọc lại chưa nhiều dù diễn xuất của các diễn viên này khá ổn. Cách lật tẩy nhân vật “trùm cuối” lại còn đơn giản, chỉ mang tính gây cười chứ chưa làm người xem gật gù thán phục.
Hẳn nhiên, khen chê quanh một bộ phim là điều khó lòng tránh khỏi, Vệ sĩ Sài Gòn chưa phải hoàn hảo nhất, nhưng vẫn là quá lời nếu bảo phim chẳng có gì để xem. Nếu khán giả yêu thích phim hành động hài và muốn góp thêm một lời động viên cho các nhà sản xuất, Vệ sĩ Sài Gòn vẫn là lựa chọn mới mẻ dịp cuối tuần.
Vệ sĩ Sài Gòn đã bắt đầu khởi chiếu ở các rạp trên toàn quốc từ ngày 16/12/2016.
Theo Shindo / Trí Thức Trẻ
'Vệ sĩ, tiểu thư': Gây ồn ào chỉ là chiêu trò
Những ngày cuối năm 2016, giới làm phim Việt ồn ào khi hai phim mang cùng đề tài vệ sĩ ra mắt liền kề nhau, khiến nảy sinh tranh cãi liên quan vấn đề "đạo nhái".
Tháng 12, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ và Vệ sĩ Sài Gòn lần lượt ra mắt từ ngày 2 và 16. Cùng mang đề tài vệ sĩ Việt, lại khởi chiếu chỉ cách nhau đúng hai tuần, hai bộ phim khiến công chúng đặt ra câu hỏi liệu có sự copy ý tưởng, hay đơn thuần đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc thậm chí là chiêu trò gây chú ý?
"Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay"
Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ (VSTTTK) cùng với Vệ sĩ Sài Gòn (VSSG) đều nhận được ngân sách đầu tư rất lớn. Đứng sau VSTTTK là một tập đoàn địa ốc, không tiếc tiền mời hai ngôi sao Angela Phương Trinh và Mạc Hồng Quân tham gia, đồng thời mang những bối cảnh xa hoa, lộng lẫy ở vịnh Hạ Long lên màn ảnh.
Trong khi đó, VSSG là tác phẩm được mong chờ của đạo diễn người Nhật Bản Ken Ochiai, bởi sự tham gia của bốn diễn viên tiếng tăm bao gồm: "ông vua phòng vé" Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu và B Trần. Phim được nhà sản xuất hứa hẹn là sẽ mang đến nhiều pha màn hành động "không thua gì Hollywood", đồng thời xen lẫn hàng loạt tình huống hài hước.
Trước khi ra rạp, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ cùng Vệ sĩ Sài Gòn gây ra những tranh luận xung quanh việc liệu có sự "đạo nhái" ý tưởng giữa hai phim hay không. Ảnh: CGV.
Cả hai đều được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng cho một năm tương đối ảm đạm của điện ảnh Việt Nam với rất ít tác phẩm hay và hầu như không có kỷ lục phòng vé nào bị phá vỡ. Tuy nhiên, thay vì chất lượng, ngay từ trước khi công chiếu, cả hai phim lại gây chú ý bởi màn đấu khẩu liên quan đến nghi vấn "đạo nhái ý tưởng".
Theo nhà sản xuất của VSTTTK, họ đã lên ý tưởng cho dự án từ rất lâu, thậm chí còn gửi cả phác thảo kịch bản cho chính các ngôi sao Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu. Tuy nhiên, ba diễn viên đều từ chối VSTTTK vì vướng lịch, và thay vào đó lại tham gia VSSG.
Dẫu khởi động trước, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà VSTTTK phải dời lịch chiếu xuống tận cuối năm, vô tình đụng trúng VSSG. Ngạc nhiên vì thấy một phim quay sau nhưng lại mang cùng đề tài, nhà sản xuất VSTTTK trở nên "tá hỏa" khi biết bộ sậu diễn viên họ từng định mời nhưng bất thành rốt cuộc lại xuất hiện trong VSSG.
Sự thật nằm trên màn ảnh
Ở thời điểm hiện tại, cả hai phim đều đã ra mắt khán giả và bất cứ ai cũng có thể tự tìm cho mình câu trả lời về việc hai phim giống nhau, khác nhau ra sao. Đầu tiên, tuy có cùng chủ đề vệ sĩ, nhưng dễ nhận thấy VSTTTK xoay quanh mối quan hệ vệ sĩ - thân chủ (Mạc Hồng Quân - Angela Phương Trinh), còn VSSG nhấn mạnh vào tình đồng đội giữa vệ sĩ - vệ sĩ (Thái Hòa - Kim Lý).
Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ chủ yếu xoay quanh mối quan hệ thân chủ - vệ sĩ. Nhưng phim bị đánh giá là có kết cấu rời rạc, thiếu liên kết và thuyết phục. Ảnh: CGV.
Không những thế, VSSG còn mang hơi hướm "buddy cops" - thể loại phim hành động pha hài hước thường xuất hiện hai viên cảnh sát (hoặc điệp viên, thám tử...). Họ có tính cách trái ngược, nhưng lại chơi thân với nhau hoặc buộc phải tác chiến cùng nhau. Ở Hollywood không thiếu những tác phẩm như thế, như loạt 21st Jump Street, loạt Rush Hour, This Means War, The Man From U.N.C.L.E...
Trong khi đó, VSTTTK thực chất chọn "tiểu thư" làm kép chính. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, diễn xuất cũng như thời lượng lên hình của Mạc Hồng Quân hoàn toàn lép vế so với Angela Phương Trinh.
Hầu hết thời gian, khán giả chỉ được theo dõi những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của nhóm bạn tiểu thư, những lần bàn mưu tính kế của nhóm toan bắt cóc cô, còn sự xuất hiện của nhóm vệ sĩ thực tế là vô cùng ít ỏi.
Ở VSTTTK, nhiệm vụ "cây hài" được giao cho nhóm phản diện có sự góp mặt của Bằng Kiều. Còn trong VSSG nó thuộc về chính Thái Hòa - Kim Lý, cùng nhân vật chàng trai bán phở do B Trần thủ vai. Về mảng miếng hài, rõ ràng Thái Hòa có kinh nghiệm hơn hẳn so với Bằng Kiều và những tình huống hài hước trong VSSG có nét và chất lượng hơn hẳn so với VSTTTK.
Vệ sĩ Sài Gòn sở hữu những mảng miếng hài đường nét hơn đối thủ, nhờ công lớn của Thái Hòa. Song, tổng thể tác phẩm còn chứa đựng nhiều điểm yếu, đặc biệt ở phần kịch bản. Ảnh: CJ E&M.
Ngoại trừ nội dung chính xoay quanh việc vệ sĩ chiến đấu với nhóm bắt cóc năm lần bảy lượt để giải cứu thân chủ, các chi tiết trong hai phim có rất ít nét tương đồng.
Họa chăng, chỉ có cảnh B Trần và Chi Pu hát We Will Survive giữa quán ăn phần nào gợi nhắc đến trường đoạn Angela Phương Trinh ca một bài tự sự ở đầu phim VSTTTK. Giả sử có sự "gợi cảm hứng" với ê-kíp VSSG từ VSTTTK thì nó thực tế quá ít ỏi, và hoàn toàn không đủ để khẳng định nghi án "đạo nhái" có tồn tại.
Chất lượng mới là điều quyết định
Hàng năm, Hollywood không thiếu các phim ra mắt gần nhau mà trùng đề tài, như Mirror Mirror và Snow White and the Huntsman hồi mùa hè 2012, cùng khai thác câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết theo lối cải biên.
Nhìn chung, khi sự thật dần ngã ngũ, chuyện tố đối phương "đạo nhái" của VSTTTK mang tính chất chiêu trò nhiều hơn là sự thật, bởi sự khác nhau thấy rõ trong lối đi của hai tác phẩm.
Ngoài ra, nhà sản xuất VSTTTK cũng mới tố rằng các rạp đã chèn ép bộ phim, không dành cho nó những suất chiếu có giờ đẹp. Trên thực tế, khán giả Việt Nam đang dần trở thành "người tiêu dùng thông thái", không ai có thể bắt hay ép họ xem những phim dở.
Phim nước ngoài có nhiều lựa chọn, phim trong nước giờ cũng chẳng ít. Nếu tác phẩm, nhất là thuộc dòng giải trí, không đủ sức lôi kéo người xem tới rạp, thì ê-kíp nên tự nhìn nhận lại bản thân trước khi đổ lỗi cho người khác.
Điều khán giả quan tâm hơn cả chính là chất lượng thực sự của mỗi bộ phim. Nếu đủ hay trên tư cách là tác phẩm độc lập, sở hữu hướng khai thác độc đáo, thì dù mang cùng một đề tài, chúng vẫn đủ sức lôi kéo người xem tới rạp.
Tiếc rằng, VSTTTK ngoài chiêu trò thì chỉ tạo ra ấn tượng buồn về chất lượng tệ hại. Còn VSSG tuy có chất lượng khá hơn, nhưng cũng gây ra nhiều thất vọng và tiếc nuối, nhất là ở phần kịch bản.
Theo Zing
Kim Lý, Chi Pu gây thất vọng trong 'Vệ sĩ Sài Gòn' Sau 3 năm kể từ "Hương Ga", Kim Lý đã có cuộc trở lại không thể thất vọng hơn với "Vệ sĩ Sài Gòn", bộ phim Việt mang dáng dấp của một nồi lẩu thập cẩm. Nhà sản xuất Vệ sĩ Sài Gòn quy tụ được những gương mặt nổi bật của các dòng sao tại thị trường Việt Nam. Một ông vua...