Về quê nuôi ốc nhồi đẻ khỏe lớn nhanh, trai điều dưỡng đổi đời
Từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa với công việc điều dưỡng viên ổn định tại thành phố, nhưng Lê Thiên Tư ngụ tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương ( tỉnh Thanh Hóa) đã thôi việc về quê nuôi ốc nhồi, cá chạch, ếch…Sau 4 năm đắp bờ, lội bùn, “sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa trời ráo”, Lê Thiên Tư đã kiếm ra tiền từ nghề nuôi con đặc sản dưới nước.
Thôi mức lương 15 triệu/tháng ở thành phố
Sau khi Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Thanh Hóa, với tấm bằng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành điều dưỡng viên, Lê Thiên Tư ngụ tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) đã làm hồ sơ xin vào làm việc tại Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam, Tp Thanh Hóa.
Ao nuôi ốc nhồi được anh Lê Thiên Tư thả bèo tây (lục bình) nhằm giữ nhiệt độ ấm vào mùa đông, tạo mát vào mùa hè, và là điểm cho ốc nhồi bám. Ảnh: Vũ Thượng
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Lê Thiên Tư kể: “Năm 2011 tôi bắt đầu xin việc tại Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam. Đây là bệnh viện nằm ngay trung tâm Tp Thanh Hóa. Ngay hôm đầu đi làm, tôi cảm thấy rất vui, lương mới thử việc cũng khoảng 2 triệu đồng/tháng, rồi tiền lương cứ tăng dần. Sau 2 năm làm việc trong bệnh viện, tôi nhận thấy công việc bị gò bó, chịu nhiều áp lực nên quyết định xin nghỉ để đi tìm cơ hội mới”.
Nhiều người cứ tưởng anh chàng Tư này có mối nào “việc nhẹ lương cao”, đâu ngờ anh chàng ta lại quay về quê “nghịch bùn nuôi ốc”. Bà con lối xóm, rồi đồng nghiệp chưa hiểu thì có người kêu ca: “Ôi dào, nơi việc nhẹ lương cao, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” thì không làm, lại quay về với cái nghề trăm năm của ông, bà, cha mẹ…”.
“Năm 2014, tôi chuyển sang hướng đi khác, đó là làm tư vấn kỹ thuật cho một trang trại nuôi thỏ New Zealand lớn nhất ở huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa). Khi đó chủ trang trại trả lương 15 triệu đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, tôi có nhiều thời gian đi tham quan các mô hình nông nghiệp trong tỉnh và học hỏi rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Vì thế nên máu “thích trồng cây và chăn nuôi” đã “ngấm” vào người tôi lúc nào không hay”, trai trẻ Lê Thiên Tư tâm sự thêm với phóng viên.
Từ mức lương 15 triệu/tháng ở vị trí tư vấn kỹ thuật, anh Tư về quê đào ao nuôi ốc nhồi, nuôi cá chạch…Ảnh: Vũ Thượng
Sự lựa chọn nghỉ việc ở Bệnh viện mắt Bắc Trung Nam, cũng như khước từ mức lương 15 triệu đồng/tháng tại trại nuôi thỏ New Zealand khiến gia đình ai cũng bất ngờ và khuyên anh chàng trai 8X quay lại với công việc.
Nhưng với sự quyết đoán, anh Tư đã bỏ qua nhiều công việc “ngon ăn” và quyết định quay về quê hương vay tiền, thuê đất, vực ao thả nuôi cá chạch, nuôi ốc nhồi, nuôi cá rô đầu vuông, nuôi ếch…Nuôi “tùm lum” như thế, anh Tư mong muốn làm giàu ngay chính mảnh đất mình sinh ra.
Anh Tư mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương bằng nghề nuôi các con đặc sản dưới nước như ốc nhồi, nuôi cá chạch, nuôi cá rô đầu vuông, nuôi ếch… Ảnh: Vũ Thượng
Không hối tiếc khi về quê làm nông dân
Đi tham quan mô hình nuôi trồng tổng hợp có diện tích rộng khoảng 6.000 m2 của gia đình anh Lê Thiên Tư, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN nhận thấy sự bố trí, sắp xếp các ao nuôi rất phù hợp, thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý.
Mô hình nuôi ốc nhồi, cá chạch…anh Tư đầu tư gần 600 triệu đồng. Ảnh: Vũ Thượng
Anh Lê Thiên Tư cho biết: “Để xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi, nuôi cá chạch, nuôi cá rô đầu vuông thành công như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã vay mượn tiền đầu tư gần 600 triệu đồng. Tiền đầu tư bao gồm chi phí đào ao nuôi ốc nhồi, xây bể nuôi, ươm cá chạch, cá trê lai, cá rô đầu vuông…Qua 4 năm nuôi con đặc sản dưới nước, tôi cảm thấy mãn nguyện với công việc đã chọn…”.
Không mãn nguyện sao được khi anh Tư được “làm thuê” cho chính mình, làm đúng công việc mình thích, mình đam mê mà mức thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm ở nông thôn không phải là số tiền nhỏ.
Video đang HOT
Ốc nhồi sống ngoài tự nhiên ngày một khan hiếm. Ảnh: Vũ Thượng
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về kỹ thuật nuôi ốc nhồi thành công, anh Lê Thiên Tư nói: “Ốc nhồi ở ngoài tự nhiêm giờ hầu như không còn. Nguyên nhân do đâu? Do nguồn nước một số nơi bị ô nhiễm, lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm trong nước, đất cao khiến ốc nhồi không thích nghi và tự chết, tóm lại là “đồng ruộng, ao hồ giờ tuyệt chủng loài ốc nhồi”. Trong khi đó, tôi nắm bắt được trên thị trường tiêu thụ ốc nhồi rất lớn nên quyết định đầu tư ao để thả ốc”.
Theo anh Thiên Tư, ốc nhồi nuôi hiện đang trong thời điểm đẻ trứng. Ảnh: Vũ Thượng
Hiện tại, ốc nhồi bố mẹ nhà anh Tư đang trong thời điểm đẻ trứng. Anh bán ốc nhồi giống giá từ 300-500 đồng/con, còn bán ốc nhồi thịt (ốc thương phẩm) anh Tư nhập cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm nuôi ốc nhồi của anh Tư, trước khi thả ốc nhồi giống bà con cần vệ sinh ao nuôi. Ảnh: Vũ Thượng
Theo anh Lê Thiên Tư “mách nước”, điệu kiện để thả ốc nhồi đạt hiệu quả kinh tế thì đầu tiên phải xử lý ao nuôi bằng việc tháo cạn nước, bắt cá tạp, dùng vôi bột để khử sạch ao. Ốc nhồi bắt đầu nuôi tốt nhất từ tháng 3-4 hằng năm.
Khi mua giống ốc nhồi phải chọn cơ sở uy tín, thả mật độ từ 100-150 con/m2, xung quanh ao nuôi ốc nhồi có thể thả cây bèo tây (cây lục bình), trồng cây khoai môn (mùng) để tạo bóng mát và che gió cho ốc nhồi.
Trong ao nuôi ốc nhồi nên thả 3-5 con cá vược để cá vược săn bắt ăn các loại cá tạp nhỏ. Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu bèo tấm, rau, quả các loại..Kể từ khi thả ốc nhồi giống, thời gian nuôi sau 2-3 tháng là có thể thu hoạch được ốc nhồi thịt thương phẩm.
Nuôi cá chạch đang đem lại nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Vũ Thượng
Bên cạnh nuôi ốc nhồi, anh Tư còn xây dựng nhiều ao nuôi cá chạch cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về mô hình nuôi cá chạch, anh Lê Thiên Tư cho biết:
“Nuôi cá chạch quan trọng đầu tiên là nguồn nước phải đảm bảo, không bị ô nhiễm, thức ăn chủ yếu của cá chạch là cám công nghiệp. Nên cho cá chạch ăn về đêm là tốt nhất. Lúc thả giống cá chạch xuống ao nuôi phải chọn cá khỏe mạnh, đồng đều, có chiều dài 2-5cm (bằng que diêm). Giá bán cá chạch giống hiện nay 200 đồng/con. Thông thường mực nước trong ao nuôi cá chạch có độ sâu thường 0,8-2m, nên thả loại cá chạch từ 80-100 con/m2, cá nuôi sau 4-6 tháng là bắt bán với giá 80.000 đồng/kg”.
Giá cá chạch thịt (thương phẩm) anh Tư bán 80.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng
Với cách lý giải của anh Lê Thiên Tư, cá chạch sống rất khỏe, ít bị mắc bệnh tật. Tuy nhiên nếu thấy cá chạch bỏ ăn theo thời tiết thì có thể giảm lượng thức ăn xuống và xử lý nguồn nước ao nuôi theo định kỳ. Nhưng chủ quan để cá chạch ăn phải bột vô hơi, bột bị mốc kéo dài coi như mất trắng cả ao cá. Nhờ nắm bắt kỹ thuật nuôi cá chạch nên ao nuôi cá chạch nhà anh Tư năm nào cũng cho thu lời 80.000-100.000 triệu đồng.
Theo anh Tư việc ươm giống cá trê lai đòi hỏi kỹ thuật cao mới thành công. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài nuôi ốc nhồi, nuôi cá chạch, anh Lê Thiên Tư, chàng trai 8X còn xây dựng cả một hệ thống nuôi, ươm giống cá trê lai mà theo anh Tư tại tỉnh Thanh Hóa chưa có cơ sở nào lai phối thành công.
Mỗi năm anh Tư bán hàng triệu con ếch giống. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Phong cho biết: “Anh Lê Thiên Tư mới sinh năm 1989, nhưng chàng trai 8X này đã nắm chắc kỹ thuật nuôi ốc nhồi, cá trê lai, ếch…vì thế mà năm nào gia đình cũng thu lời 200.000-300.000 triệu đồng. Đây là mô hình nuôi tổng hợp, tôi đánh giá rất cao, rất hiệu quả cần được phát triển và nhân rộng”.
Mô hình nuôi ốc nhồi, cá trê, ếch…nhà anh Tư được địa phương đánh giá cao. Ảnh: Vũ Thượng
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi ốc nhồi, nuôi cá chạch, nuôi cá rô đầu vuông, cá trê lai…xin liên hệ với anh Lê Thiên Tư (ngụ thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), số điện thoại: 0979.406.875
Theo Danviet
Nuôi cá lóc dày đặc trong bể xi măng mà xây "biệt phủ", sắm xe hơi
Nuôi cá lóc dày đặc trong bể xi măng giúp gia đình anh Lê Thiên Nhâm, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa trở nên giàu có. Nhiều người trong vùng nói vui, hơn 10 năm "ăn ngủ" cùng đàn cá lóc mà anh xây được "biệt phủ", sắm xe hơi...
Hơn 10 năm nuôi cá lóc dày đặc trong bể xi măng, anh Lê Thiên Nhâm đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm nuôi cá lóc và sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể xi măng với mọi người.
Xác định nguồn cá lóc trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức và có xu hướng cạn kiệt, anh Lê Thiên Nhâm, trú tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) đã quyết tâm vay, mượn tiền để xây dựng hệ thống bể xi măng thả nuôi cá lóc. Tổng diện tích mặt bằng anh Nhâm xây hệ thống bể xi măng nuôi cá lóc dày đặc là hơn 1 ha.
Nhờ áp dụng ngày càng chuẩn quy trình, kỹ thuật nuôi cá lóc trong bể xi măng mà đàn cá lóc nhà anh Nhâm nuôi lớn rất nhanh, không bị bệnh tật. Ảnh: Vũ Thượng
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Nhâm cho biết: "Nuôi cá lóc trong bể xi măng tuy không lớn nhanh như nuôi tự nhiên dưới ao hồ, nhưng có thể chủ động được nguồn nước, kiểm soát được bệnh tật, đặc biệt là khi bắt cá bán ít tốn công...Từ mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng, bán cá lóc thịt thương phẩm, bán cá lóc giống mà gia đình thu lời 400-500 triệu đồng/năm ".
Anh Nhâm tự tin khẳng định, thành quả sau hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá lóc trong bể xi măng là anh xây được nhà lầu, sắm xe hơi. Ở một vùng nông thôn như huyện Quảng Xương, làm nông nghiệp mà xây được nhà lầu, mua xe hơi như gia đình anh Nhâm không phải là nhiều...Ảnh: Vũ Thượng
Cũng theo kinh nghiệm nuôi cá lóc của anh Lê Thiên Nhâm, nuôi cá lóc trong bể xi măng quan trọng nhất là nguồn nước. Đòi hỏi phải thay nước mỗi ngày một lần, nguồn nước nuôi cá lóc luôn sạch, mát. Trước khi thả cá lóc giống vào bể, phải tắm cá qua nước muối, nhằm ngừa ngoại ký sinh trùng hoặc nấm. Cụ thể, muối hột 2-3% (tương đương 200-300g trong 100 lít nước). Thời gian tắm nước muối cho cá lóc giống từ 10-15 phút.
Nước trong bể nuôi cá lóc mỗi ngày phải thay một lần. Ảnh: Vũ Thượng
Bể nuôi cá lóc thông thường xây theo hình chữ nhật, diện tích tối ưu là từ 15-20m2. Có thể xây các bể nuôi cá lóc riêng rẽ hoặc liên hoàn để dễ bề chăm sóc, thu hoạch. Tường xây bao vây quanh bể có độ cao hơn 1m. Cần láng trơn phần nền bể và láng tường cao khoảng 0,5m để vệ sinh bể nuôi cá lóc được dễ dàng, tránh xây xước cho cá.
Dựng hệ thống nhà và dùng lưới cước làm mái che cho bể nuôi cá lóc. Ảnh: Vũ Thượng
Thông thường làm đáy bể nuôi cá lóc cần bằng phẳng và dốc về phía cống thoát nước để dễ tháo nước mỗi khi thay nước. Cần lắp ống tràn giúp ổn định mực nước trong bể nuôi cá lóc. Phía trên bể nuôi cá lóc có thể làm mái che bằng lưới nhằm tạo sự thông thoáng cho đàn cá.
Theo kinh nghiệm nuôi cá lóc của anh Nhâm, thời gian thả cá lóc giống tốt nhất trong năm là từ tháng 3 đến tháng 4. Ảnh: Vũ Thượng
Anh Lê Thiên Nhâm cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, biết thêm: "Ở khu vực các tỉnh miền Bắc bắt đầu thả cá lóc giống từ tháng 3-4, tiến hành thu hoạch cá lóc thịt thương phẩm tháng 9-10 (dương lịch). Lưu ý, thả cá lóc giống trong bể xi măng có kích cỡ khoảng 4-5cm/con, đồng đều nhau, khỏe mạnh, không xây xát, không bị nhiễm bệnh với mật độ từ thả 100-140 con/m2".
Anh Nhâm tiết lộ một bí quyết trong nuôi cá lóc trong bể xi măng. Đó là, trước khi phân kích cỡ cá lóc giống phải để chúng nhịn đói một ngày. Ảnh: Vũ Thượng.
Anh Nhâm cho hay, cứ sau mỗi tháng cần phân cỡ cá lóc một lần, tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá phát triển đồng đều. Trước khi phân kích cỡ cá lóc cần cho cá nhịn ăn một ngày để cá tiêu hóa hết thức ăn trong bụng.
Dùng vợt phân loại cá lóc chứ không bắt bằng tay. Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn của cá lóc. Ngoài ra, mực nước để cá lóc nuôi trong bể xi măng phát triển tốt nhất từ 0,5-1m. Thời gian cho cá lóc ăn 2 lần/ ngày, sáng từ 7-8 giờ, chiều từ 15-16 giờ.
Thức ăn của cá lóc chủ yếu là cá tạp xay nhỏ. Ảnh: Vũ Thượng
Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi cá lóc dày đặc trong bể xi măng, anh Lê Thiên Nhâm bật mí với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: "Thức ăn của cá lóc chủ yếu là cá tạp, xay, bằm, cắt khúc tùy theo kích cỡ đàn cá. Khi cho cá lóc ăn phải quan sát hoạt động của cá. Nếu thấy cá lóc nhát, đớp mồi rồi chạy ra ngoài phải xử lý nguồn nước hoặc tạt thuốc trị ký sinh trùng. Còn thấy cá lóc nổi trên mặt nước nhiều là nguồn nước dơ bẩn..."
"Riêng thấy cá lóc nổi trên mặt nước, da sẫm màu, phản xạ kém với tiếng động là cá bị ký sinh trùng...Vì thế, người nuôi hằng ngày phải quan sát để kịp xử lý, tránh cá lóc bị bệnh khó điều trị, giảm năng suất đàn nuôi"...anh Nhâm chỉ rõ kinh nghiệm nuôi cá lóc dày đặc trong bể xi măng.
Cá lóc nuôi trong bể xi măng khoảng 6-7 tháng cho trọng lượng từ 0,7-1,4 kg/con. Ảnh: Vũ Thượng
Hiện tại, mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng của gia đình anh Lê Thiên Nhâm mỗi năm thu hoạch khoảng 15 tấn cá lóc thịt thương phẩm. Qua ghi chép, theo dõi, cá lóc nuôi 6-7 tháng đạt trọng lượng từ 0,7-1,4 kg/con, giá bán 45.000-55.000 đồng/kg. Ngoài bán cá lóc thịt, anh Nhâm còn bán cá lóc giống. 1 kg cá lóc giống có số lượng từ 800-1.000 con, giá 700.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, mỗi năm anh Nhâm lời 400-500 triệu đồng từ nghề nuôi cá lóc trong bể xi măng.
Cá lóc giống, cá lóc thịt thương phẩm được anh Nhâm đóng thùng cẩn thận chuyển cho khách hàng. Ảnh:Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Phong cho biết: "Nhờ nuôi cá lóc trong bể xi măng thành công nhiều năm, anh Lê Thiên Nhâm tích góp được tiền xây nhà lầu, sắm xe hơi. Đây cũng là mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng được chúng tôi đánh giá hiệu quả cao, thu nhập ổn định, tạo công việc cho nhiều lao động địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng".
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương) đánh giá cao mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng. Ảnh: Vũ Thượng
Bà con nông dân muốn học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lóc trong bể xi măng, có thể liên hệ anh Lê Thiên Nhân theo địa chỉ trong bài viết và số điện thoại: 0989832243.
Theo Danviet
BĐBP Thanh Hóa tìm kiếm, cứu vớt 7 ngư dân xã Quảng Nham bị nạn trên biển BĐBP Thanh Hóa vừa phối hợp tìm kiếm, cứu vớt an toàn 7 ngư dân xã Quảng Nham (Quảng Xương) bị nạn trên biển. Các thuyền viên sau khi được cứu vớt. Trước đó, vào lúc 13 giờ 30' ngày 4-2-2020, Đồn Biên phòng Sầm Sơn (BĐBP Thanh Hóa) nhận được tin báo tại tọa độ 190 36' N - 1060 23' E,...