Về Quảng Ninh ghé thăm 5 làng nghề truyền thống nổi tiếng
Nếu có dịp đến Quảng Ninh, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan, khám phá những làng nghề truyền thống như làng gốm sứ, làng nghề đóng và sửa chữa tàu, làng nuôi cấy ngọc trai, làng mỹ nghệ than đá…
Sản phẩm ngọc trai của Vân Đồn rất nổi tiếng vì đẹp và có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Trọng Chính/TTXVN)
Không chỉ nổi tiếng là vùng du lịch trọng điểm của miền Bắc, với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thông hấp dẫn du khách.
Nếu có dịp đến Quảng Ninh, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan, khám phá những làng nghề truyền thống như làng gốm sứ, làng nghề đóng và sửa chữa tàu, làng nuôi cấy ngọc trai, làng mỹ nghệ than đá, làng nghề đan ngư cụ.
Làng nghề thủ công gốm sứ Móng Cái
Gốm sứ Móng Cái đặc trưng cho tính chất của dòng gốm nặng lửa. Sự ra đời của dòng sứ này khá muộn, mãi đến giữa thế kỷ XIX mới xuất hiện cụm lò sứ đầu tiên tại Móng Cái.
Thực tế cho thấy Móng Cái đã từng trở thành một trung tâm gốm sứ. Để đạt được sự ghi nhận, đánh giá cao đó qua sự hiện diện chỉ hơn một thế kỷ của mình, dòng sứ Vạn Ninh-Móng Cái có những đặc điểm riêng, nổi trội so với các dòng sứ khác ở trong cũng như ngoài nước, trong đó, điểm riêng nhất là mỹ thuật tạo hình, hoa văn, các đề tài trang trí mang tích truyện của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, mang hàm ý tươi vui, chúc phúc…
Sứ Móng Cái mang nhiều nét Trung Hoa như từ cách trang trí các đề tài, tiểu thức nhưng gốm sứ Móng Cái vẫn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc và được ưa chuộng tại các nước lớn như Nga, Hong Kong, Pháp…
Gốm sứ Móng Cái ra đời mang dấu ấn riêng ở phần men màu lam nhạt đặc sắc. Ngày nay các làng nghề gốm còn hoạt động chủ yếu ở Mạo Khê và Đông Triều.
Những sản phẩm gốm sứ có cách pha trộn màu độc đáo từ đậm nhạt đến tươi, sẫm được nung ở nhiệt độ trên 1000 độ C cho ra những sản phẩm có độ bền cao.
Ngày nay làng nghề truyền thống gốm sứ sản xuất chủ yếu các đồ gia dụng phục vụ đời sống hằng ngày và vật dụng trang trí có tính thẩm mỹ cao góp phần phát triển kinh tế xã hội và tăng thu nhập cho người dân nơi đây.
Làng nuôi cấy ngọc trai Vân Đồn
Được ví như “vương quốc ngọc trai” – ngọc trai Vân Đồn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, có chất lượng đứng đầu thế giới.
Với hơn chục nghìn ha diện tích bãi triều ngập nước, cùng với hàng vạn ha diện tích mặt nước, khí hậu, môi trường ở vùng Vịnh Bái Tử Long tạo điều kiện rất thuận lợi để Vân Đồn phát triển nghề nuôi trai cấy ngọc.
Video đang HOT
Vân Đồn là nơi tập trung 4 loài ngọc trai có giá trị gồm trai Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson. Đây là những loài trai ngọc rất quý và có giá trị xuất khẩu cao.
Trước đây, nghề nuôi trai ở Vân Đồn khá phát triển nhưng do nhiều nguyên nhân nghề này đã bị mai một dần. Hiện nay, ở Vân Đồn có 3 doanh nghiệp nuôi trai cấy ngọc, trong đó có 2 doanh nghiệp có nguồn vốn 100% của Nhật Bản. Ngọc trai ở đây được thu hoạch quanh năm.
Nghề nuôi trai lấy ngọc tại Vân Đồn. (Ảnh: Trọng Chính/TTXVN)
Qua bàn tay khéo léo của người lao động cộng với điều kiện tự nhiên của vùng biển Vân Đồn, ngọc trai Vân Đồn có màu sắc sang trọng không thua kém bất kỳ sản phẩm các vùng trai ngọc nào của Đông Nam Á.
Hàng năm làng nuôi cấy ngọc trai trên Vịnh Bái Tử Long thu hoạch số lượng lớn những viên ngọc trai có kích thước lớn, lấp lánh đầy màu sắc, có giá trị kinh tế cao khiến cả những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật… đều bị chinh phục.
Làng nghề mỹ nghệ than đá
Chế tác mỹ nghệ từ than đá là một nghề thủ công truyền thống độc đáo chỉ có ở vùng than Quảng Ninh, gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất, với giai cấp công nhân mỏ.
Những hòn than đá đen nhánh qua bàn tay của người thợ điêu khắc ở Quảng Ninh trở thành những sản phẩm độc đáo mang những vẻ đẹp riêng và có giá trị thẩm mỹ cao.
Khách tham quan trưng bày sản phẩm điêu khắc than đá Quảng Ninh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)
Nghề thủ công mỹ nghệ than đá được du nhập từ Pháp và có mặt từ đầu thế kỷ 20, đến nay làng nghề truyền thống này đã khá nổi tiếng. Những sản phẩm làm từ than đá có tính thẩm mỹ, chất liệu độc đáo kết hợp với bàn tay tài hoa của người thợ đã tạo ra những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, góp phần tạo nên tên tuổi cho làng nghề truyền thống tại Quảng Ninh.
Từ một số mẫu đơn giản ban đầu như Phù điêu Vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái…, các nghệ nhân tài hoa đã sáng tạo ra hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm điêu khắc than mỹ nghệ với độ tinh xảo, nghệ thuật được du khách ưa thích. Mỗi sản phẩm than đá mỹ nghệ có giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng tùy kích cỡ và độ tinh xảo.
Nhiều sản phẩm điêu khắc từ than đá tại Quảng Ninh có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số quốc gia như Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Áo, Đức.
Ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vẫn tồn tại một làng nghề hàng trăm năm tuổi, đó là làng nghề truyền thống Hưng Học ở phường Nam Hòa.
Sản phẩm ngư cụ truyền thống được làm theo đơn đặt hàng của ngư dân và du khách. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)
Làng nghề Hưng Học được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ 15. Tương truyền, tổ nghề là cụ Đặng Văn Tuân, tên húy là Quý Đôn, quê gốc ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cụ vốn có nghề đan lờ cá rô, lờ cá diếc, thấy vùng bãi triều ven biển nhiều tôm, cua, cá…, cụ đã sáng tạo ra các loại lờ, đăng, đó để đánh bắt hải sản và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, cho nhân dân trong làng để tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Ngày nay, cả làng Hưng Học đều biết làm nghề, cả làng như một công xưởng lớn. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân để biết thêm về quy trình, cách làm ra những sản phẩm thủ công, đánh bắt hải sản thân thiện với môi trường, sản phẩm của làng nghề đã trở thành những mặt hàng lưu niệm hấp dẫn du khách.
Làng nghề đóng, sửa chữa tàu thuyền Hà An
Nghề đóng tàu ở phường Hà An – thị xã Quảng Yên đã có lịch sử cả trăm năm, khởi nguồn chủ yếu là đóng tàu vỏ gỗ đánh cá nhỏ.
Với kỹ thuật đóng thuyền điêu luyện, nơi đây nổi tiếng với sản phẩm thuyền ba vát, buồm dơi xuất hiện hầu hết trên vùng biển Đông Bắc thời xa xưa, dù ngược nước, ngược sóng thuyền vẫn băng băng thẳng tiến.
Ngày nay những con tàu máy hiện đại đang dần thay thế những con thuyền gỗ nhỏ, thuyền ba vát, buồm dơi nhưng làng nghề truyền thống này vẫn duy trì hoạt động để phục vụ người dân địa phương và góp phần phát triển du lịch văn hóa
Không chỉ là biểu trưng cho giá trị văn hóa đáng quý, làng nghề Hà An còn là điểm du lịch Quảng Ninh thu hút khách tham quan bởi vẻ đẹp thanh bình của một làng chài nhỏ, cùng phong cảnh non nước hữu tình./.
Du lịch cộng đồng đơm hoa kết trái ở vùng cao Quảng Ninh
Các mô hình phát triển du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số nhiều năm gần đây phát triển nở rộ, giúp người dân có thêm thu nhập ổn định, giảm nghèo và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Những ngày cuối tuần, bản Thượng, thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng - nơi cao nhất thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) lại rộn ràng tiếng nói cười của du khách. Từ giữa năm nay, nơi đây là điểm đến "gây sốt" của khách du lịch nhất là khách đi phượt, hay nhóm gia đình, bạn bè.
Vượt qua khoảng 60 km đường rừng với nhiều đoạn quanh co, sương mù bao phủ, bù lại du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, khoáng đạt với rừng trúc, rừng dổi nguyên sinh được người Dao gìn giữ, để chèo thuyền trên các con suối nhỏ và được thưởng thức cá suối, ốc suối nấu mẻ, khoai sọ nương, gà bản hay được ngâm, tắm lá thuốc người Dao...
Homestay Am Váp Farm giữa rừng già Kỳ Thượng nơi xa nhất thành phố Hạ Long.
Những lợi thế tự nhiên tại bản Thượng, thôn Khe Phương đã được anh Lý Tài Ngân, người Dao cùng các cộng sự thực hiện mô hình du lịch cộng đồng có tên Am Váp Farm. Mô hình khai thác nhiều sản phẩm văn hóa địa phương dưới những nếp nhà sàn thơm mùi gỗ Sa Mộc ẩn hiện dưới màu xanh của rừng già.
Anh Lý Tài Ngân, Giám đốc công ty Am Váp Farm ở xã vùng cao Kỳ Thượng cho biết: "Ban đầu thì người dân không ủng hộ lắm. Du khách lên đây, bà con có thể bán khoai sọ nương, rau cải, mật ong trực tiếp cho người dân nên người trong bản rất ủng hộ. Bà con cũng đi hái lá thuốc trên rừng để cung cấp cho công ty đã tạo nguồn thu nhập thêm cho người dân".
Lao động chính tại khu nghỉ dưỡng này là người Dao.
Không trực tiếp làm các mô hình lưu trú hay homestay, anh Đỗ Đức Uyên, người Tày, HTX Thảo mộc Tuệ Lâm, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu lại chọn làm các loại tinh dầu xả, hồi, quế, bưởi...vốn là nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Đây là những sản phẩm OCOP của Quảng Ninh và chủ yếu được phân phối ở dịp xúc tiến thương mại, hội chợ...Gần đây, những sản phẩm này được HTX đưa vào các cơ sở lưu trú và bày bán tại Lễ hội mùa vàng hay Lễ hội hoa Sở Bình Liêu được du khách ưa chuộng.
Anh Đỗ Đức Uyên cho biết: "Ở Lễ hội mùa vàng, mỗi quầy hàng bán được 2 đến 3 triệu một ngày. Và cứ gom nhiều ngày thì đây là doanh thu rất lớn với chúng tôi. Tiêu thụ được hàng thì chúng tôi cũng khuyến khích bà con đi thu mua nguyên liệu nhiều hơn, trước đây thu mua nhỏ lẻ và thuê thêm nhân công mới kịp làm".
Dù tham gia vào khâu nào, thì những người dân như anh Lý Tài Ngân hay Đỗ Đức Uyên cũng đang góp phần phát triển và hưởng lợi từ du lịch cộng đồng. Điều quan trọng là với loại hình du lịch giá rẻ này, du khách không chỉ được đến các bản làng, trải nghiệm thực tế mà còn được hòa vào nhịp sống của người dân bản địa. Du lịch cộng đồng đang giúp người dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, tự tin giao tiếp, biết giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là lan tỏa những giá trị văn hóa hóa đặc sắc của người bản địa.
Mâm cơm với gà bản, xôi nếp nương, nhộng ong, cá suối..
Ông Lại Văn Toàn, người có nhiều năm tâm huyết, nghiên cứu và đang làm du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương trong cả nước cho biết giá trị của du lịch cộng đồng là rất lớn, nhưng nhiều nơi mới chạm được "vỏ ngoài" mà chưa đi tới phần "lõi".
"Chúng ta có thể cầm tay chỉ việc cho một cộng đồng, tạo lập rất nhanh các lễ hội trong vòng 1 tuần để đón khách du lịch, dựng nhà sàn, các bản rất giống với hình mẫu bản địa. Nhưng điều quan trọng là lõi của du lịch cộng đồng này thì chưa được làm đúng chất. Cộng đồng dân cư tại khu vực đó phải được tham vấn ngay từ đầu và nguyện vọng của họ ra sao, và tư vấn ra sao để cả vùng đất đó gồm địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, môi trường và cả bản sắc văn hóa. Làm sao để phục hồi các làng nghề, bản sắc văn hóa của cộng đồng đó và đưa họ đi lên từ nội lực của chính họ chứ không phải trông chờ vào nguồn vốn, các nhà tài trợ..." - ông Lại Văn Toàn phân tích.
Du lịch cộng đồng đang giúp người dân bản địa cải thiện cuộc sống, tự tin giao tiếp, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.
Đây cũng chính là trăn trở của những người đứng đầu huyện Bình Liêu, nơi có tới 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Để thúc đẩy phát triển du lịch bài bản, chuyên nghiệp, huyện Bình Liêu kết hợp với một đơn vị làm du lịch xây dựng các kịch bản, đào tạo kỹ năng cho bà con dân bản và hướng tới bảo tồn những giá trị văn hóa người Tày, Dao, Sán Chỉ khi làm du lịch cộng đồng.
Ông Phùng Hữu Ngọc Anh - Tổng giám đốc Cty CP Du lịch Hà Nội, đơn vị triển khai các dự án du lịch cộng đồng tại Bình Liêu khẳng định: "Chúng tôi sẽ đào tạo lại, đào tạo tại chỗ và cầm tay chỉ việc cho đồng bào làm. Đặc biệt chúng tôi muốn lưu giữ và bảo tồn nét kiến trúc nhà của người Dao Thanh Phán, Tày, Sán Chỉ để phục vụ cho du khách. Để các thế hệ sau này vẫn được lớn lên ở những mái nhà này và giúp du khách hiểu được hơn về văn hóa về tiếng nói của dân tộc mình".
Phát triển du lịch cộng đồng, dù còn nhiều việc phải làm nhưng đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số đến với đông đảo du khách. Điều đáng quý là loại hình du lịch này đã giúp người dân nhận ra nhiều giá trị, phát huy ý chí tự chủ, tự vươn lên. Số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền./.
Sức hút của homestay ở Bình Liêu, Quảng Ninh Quảng Ninh - Đến Bình Liêu, điều thú vị nhất khi lưu trú tại những homestay, đó là việc thỏa thích khám phá những trầm tích văn hóa từ chính các chủ nhà là bà con dân tộc thiểu số. Màu vàng óng ả của lúa chín rộ trên những thửa ruộng bậc thang tại huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: Đoàn Hưng...