Về Nga Sơn thưởng thức món cuốn tôm
Quê tôi vùng cửa biển Lạch Sung, huyện Nga Sơn – con sông quê gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Dòng sông quê có nhiều cá, tôm… tự nhiên, vì vậy mà người xưa mới có câu: “Đồn rằng chùa Sỏi lắm tiên/ Bạch Câu lắm cá/ Thạch Tuyền lắm quan”.
Trong đời sống hàng ngày, người dân quê tôi chế biến nhiều món ăn ngon từ cá, tôm bắt được trên dòng sông quê. Đã xa quê hơn 15 năm nhưng tôi nhớ mãi hương vị đặc biệt của món cuốn tôm mà không nơi nào có được. Trong các đám cưới, đám giỗ quê tôi luôn có món ăn hấp dẫn này với vị ngon đậm đà, vị thơm quyến rũ…
Làm món cuốn tôm rất kỳ công và tốn thời gian. Công việc đầu tiên là chọn tôm sông loại không nhỏ quá cũng không to quá, đem luộc vừa chín tới rồi cắt râu tôm. Sau đó chuẩn bị các nguyên liệu: hành hoa cả cây (loại có củ) luộc chín; rau mùi và lá xà lách rửa sạch để ráo nước; trứng vịt rán có độ dày vừa phải, cắt thành từng miếng hình chữ nhật đều nhau; giò thủ cắt nhỏ.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu thì đến công đoạn gói những cuốn tôm vừa đẹp, vừa đều. Khéo léo cuốn 1 con tôm kèm lá mùi, xà lách, giò thủ cắt nhỏ và 1 cây hành hoa cho thật đẹp, dùng phần lá hành buộc lại thành cuộn sao cho đều nhau, đẹp mắt.
Món cuốn là sự tổng hợp các hương vị của nhiều nguyên liệu, thường được dùng trong đám cưới, đám giỗ của nhiều địa phương ở huyện Nga Sơn. Món ăn dân dã nhưng có phần cầu kỳ, trở thành món ăn gây thương nhớ quê hương trong mỗi người.
Món giả cầy của người miền Bắc
Giả cầy là món ăn dân dã, mang đặc trưng của ẩm thực Việt. Món ăn này thường được làm từ chân giò lợn, kết hợp với các nguyên liệu và gia vị tẩm ướp để có hương vị tương tự thịt cầy.
Món ăn mang tên "giả cầy" cũng vì lý do này. Cách nấu giả cầy thơm ngon, chuẩn vị nhất có lẽ là cách nấu kiểu miền Bắc.
Món thịt giả cầy. (Ảnh: Nguồn Internet)
Trước tiên, chọn chân giò phía trước của con lợn để thịt săn chắc và nhiều gân hơn, sau khi sơ chế sạch sẽ, đem thui với rơm khô cho cháy xém và dậy mùi thơm. Ngoài ra, nếu không có rơm khô, có thể dùng đèn khò, bếp ga, giấy báo thui trực tiếp, rồi đem cạo sạch, xát muối trắng rửa sạch.
Tiếp đến, chặt chân giò thành từng miếng, ướp cùng với củ riềng đã giã hoặc xay, nghệ, sả, hành khô băm nhỏ, thêm mắm tôm, mẻ, đường, dầu ăn, nước mắm trộn đều và ướp trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Chọn loại nồi nhôm dày, phi thơm hành mỡ rồi cho cho chân giò đã ướp xào đều đến khi thịt săn lại thì cho nước xâm xấp bề mặt nguyên liệu đun trên lửa nhỏ khoảng 30 - 40 phút cho thịt mềm nhừ và ngấm đều gia vị. Khi phần nước bắt đầu sệt lại, nêm nếm cho vừa khẩu vị là món giả cầy đã hoàn tất.
Món ăn này yêu cầu thịt chân giò chín nhừ, nhưng không được nhũn nát, giữ được màu sắc hung vàng của da lợn, có vị chua chua của mẻ, thơm nồng đặc trưng của mắm tôm. Khi ăn có thể kết hợp cùng các loại rau như lá mơ, tía tô, mùi tàu, húng, ngổ... hay ăn cùng bún, bánh cuốn, bánh mỳ, cơm nóng.
Cá rô kho lá nghệ, mộc mạc vị quê Những đứa trẻ sinh ra từ làng, có ai mà không biết con cá rô, cá diếc, cá cờ hay lũ cua đồng. Nhớ trò chơi chọi cá cờ rôm rả cả một góc làng; nhớ những buổi trưa trốn bố mẹ í ới hò nhau men theo các bờ ao, bờ chuôm, mò ra cánh đồng lúa đi câu cá, móc cua......