Về làng Chăm ăn nước lèo thịt dê
Ia tanut pabaiy (nước lèo thịt dê) là một trong những món ăn lạ và sang trọng của giới thượng lưu và vua chúa Chăm ngày xưa.
Dù nhiều món ăn lạ và sang trọng của giới thượng lưu và vua chúa Chăm ngày xưa đã thất truyền nhưng nay, ở mọi cộng đồng Chăm đều vẫn còn truyền lưu và ưa thích một số món ngon, trong đó đặc biệt là Ia tanut pabaiy (nước lèo thịt dê).
Biết người Chăm có tục ngữ: “Ia tanut palei Padra, Ia bai nhjơm bwa palei Hamu Tanran” (Nước lèo làng Như Ngọc, canh rau môn làng Hữu Đức), mùa hè vừa qua tôi có đưa hai sinh viên Nhật về làng Như Ngọc (làng Chăm Bà-la-môn). Ở đây dường như do nguồn nước và do cách pha chế mẹ truyền con nối nữa, nên món nước lèo có mùi vị đặc biệt. Tiếc là đây không phải mùa cúng (cuối năm), nên khách mất dịp thưởng thức đặc sản Chăm. Tìm đến các tay đầu bếp sành sỏi trong làng như cô Thiên Thị Nai, Quảng Thị Toán… thì các cô cũng bảo: phải đến sau lễ Rija Nưgar cháu à.
Chúng tôi đến làng Phước Nhơn (làng Chăm Bà-ni), món Ia tanut pabaiy được truyền tụng trong dân gian đến thành đặc sản vùng miền. Gia đình Chăm nào cũng có thể làm được món ăn khoái khẩu này. Nhưng người làng nói, bà Thị Dảnh được xem là cao thủ.
Video đang HOT
Ngoài nước lèo thịt dê luộc, để làm Ia tanut pabaiy cần có vài trái cà chua, gạo rang, lá me non
Để làm Ia tanut pabaiy, bà dùng nước lèo thịt dê luộc, tùy lượng khách mà lấy nhiều hay ít; vài trái cà chua, gạo rang, lá me non cùng gia vị gồm muối, ớt, một ít mắm nêm với bột ngọt.
Cách chế biến Ia tanut pabaiy khá đơn giản – bà vừa làm vừa giảng giải. Nước súp lấy từ nước thịt luộc được bắc lên nồi để sôi; sau đó cho vào nồi gạo rang đã giã thành bột khuấy đều độ dăm phút. Ở đây, khác với cách nấu nước lèo gà hay trâu, người ta thường bỏ nguyên hạt gạo để nấu chung, còn ở món Ia tanut pabaiy thì những hạt gạo sẽ được rang và giã thành bột (tiếng Chăm là apriơng) để nấu. Tiếp đến cho vào nồi cà chua cắt thái sẵn. Khi tất cả vừa đủ chín, người ta nêm gia vị: ớt, hành, muối và một ít mắm nêm. Cuối cùng, sau khi bắc nồi xuống thì cho số lá me non băm nhỏ.
Người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận thường ăn kèm Ia tanut pabaiy với loại rau quen thuộc như thân cây chuối non thái mỏng, các loại rau rừng như đọt lim, đọt dừng, rau lá lốt trộn lại với nhau là loại rau dùng ăn kèm với nước lèo, rất thích hợp.
Trong các cuộc lễ của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận không thể thiếu Ia tanut pabaiy, bởi đây là những món ngon chế biến từ thịt con vật được hiến tế lên thần Yang. Xưa, chỉ trong các cuộc lễ bái, người Chăm mới giết dê cúng tế thần. Ở đó có hai món chính: thịt luộc và nước lèo thịt dê. Sau này, khi không phải kiêng kị nữa, người dân vẫn có thể dùng thịt dê đãi khách.
Để tránh điều tiếng không tốt, dê thường được mổ ngoài làng mang vào. Và dĩ nhiên ở đó, không thể không có Ia tanut pabaiy. Món ăn đặc trưng này của dân tộc chưa đi vào thị trường, chỉ khi nào du khách ghé thăm làng Chăm, mới có thể thưởng thức nó.
Hai bạn trẻ sinh viên Nhật vừa ăn vừa xuýt xoa về món ăn lạ, đơn giản mà ngon.
Theo Kiều Mai Ly (Bình Thuận Online)
Cá ngát nấu lá me non
Mùa này tuy biển động nhưng ngư dân đánh lưới gần bờ thường được các loại cá ngon. Mỗi sáng, khi những chiếc thuyền thúng cập bờ, người người tấp nập gỡ cá, mua bán cá, không khí dọc bờ biển rộn ràng hẳn lên. Trong biết bao loại cá ngon mùa này, không thể bỏ qua loài cá ngát.
Cá ngát sống ở biển và những vùng nước lợ. Loại cá này da trơn, có thân hình giống như con cá trê đồng, đầu to có râu và hai chiếc ngạnh sắc nhọn hai bên, thân dài đuôi dẹt. Con cá ngát khi đã trưởng thành thường to bằng cán dao đến cổ tay người lớn. Ngư dân đánh bắt cá ngát bằng cách giăng lưới hoặc câu nhưng hiệu quả nhất là giăng lưới ở những luồng nước đục, chảy nhẹ vì chỗ này thường có nhiều cá.
Nguyên liệu cá ngát và lá me non để nấu canh - Ảnh: Tuy An
Mùa mưa cá ngát mập, thịt thơm ngon. Vì là cá da trơn, có chất nhờn, thịt cá có mùi tanh nên món khoái khẩu nhất là cá ngát nấu canh chua, mà ngon nhất là nấu với lá me non. Để có nồi canh chua thật ngon, trước hết chọn cá tươi, con lớn. Gia vị làm tăng thêm hương vị cho nồi canh không thể thiếu được là một nắm lá me non, vài trái ớt, ít giá đậu và nếu thích thì thêm trái cà chua chín. Vậy thôi, và ta cứ nhẹ nhàng chế biến không cầu kỳ nhưng phải đúng cách thì nồi canh mới ngon ngọt đậm đà.
Đầu tiên làm sạch cá, giữ độ tươi rồi khử dầu ăn với hành, cho cá vào. Khi con cá trong nồi đã tạm săn chắc, cho vào lượng nước cần thiết tùy vào số cá nấu và số người ăn. Khi nước sôi nhẹ, đợi cá chín, cắt ớt, cà cho vào, cuối cùng là lá me và nêm gia vị, vặn lửa nhỏ. Cái đặc biệt của món cá ngát nấu với lá me non là nồi canh có vị chua dìu dịu, mùi hương thơm ngát, nước lại trong nên khi nhìn vào ai cũng thích ăn. Ăn canh chua cá ngát ta cảm nhận được vị béo của cá, vị thơm của rau giá và lá me.
Ngon nhất là ăn canh chua cá ngát lúc còn nóng trong bữa cơm gia đình. Nồi canh cứ để trên bếp liu riu thế rồi từng tô một được múc ra để cả nhà cùng thưởng thức. Nhất thiết trong bữa ăn phải có một chén nước mắm ngon hoặc chén muối giã với ớt thật cay. Từng con cá béo ngậy được gắp ra đĩa, người ăn cứ thế mà dùng. Ở miền biển, canh chua cá ngát còn được dùng làm món ngon mỗi khi nhà có khách.
Tuy An
Theo thanh niên
Trọn tình mắm cáy rau lang thật ngon cơm Về miền trung du Phú Thọ những ngày mưa phùn rả rích, tôi lại thèm đến nao lòng vị rau lang luộc chấm mắm cáy. Thứ mắm dân dã nhưng chứa đựng bao tinh túy đất trời và kinh nghiệm bao năm của người làm mắm. Làng tôi nổi tiếng với nghề làm mắm cáy, dân quê tôi từ khi tóc còn để...