Về Hà Tĩnh đừng quên ghé chợ cá Cồn Gò!
Chợ cá Cồn Gò nằm dọc theo đường đê chắn sóng của xã Cẩm Nhượng ( Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh), cách Khu du lịch Thiên Cầm chừng 2 km.
Chợ hoạt động từ 3h sáng hằng ngày và kết thúc lúc bình minh ló dạng.
3h sáng, khi trời còn chưa tỏ mặt người, từng tốp tàu thuyền nối đuôi nhau vào cập bến Cồn Gò ( xã Cẩm Nhượng) để bán hải sản sau một đêm ròng rã vươn khơi. Do luồng lạch bị bồi lấp, các thuyền không thể cập sát bờ nên phải dừng cách bờ 30 – 40m rồi đưa hải sản vào bằng thuyền thúng.
Vừa neo thuyền xong, ông Nguyễn Quốc Huy (thôn Hải Nam) nhanh tay vận chuyển những rổ mực còn “nháy” lên chiếc thuyền thúng nhỏ để đưa vào bờ.
Ông Huy phấn khởi nói: “Thời tiết những ngày này thuận lợi, sau gần 8 tiếng, tôi câu được gần 15 kg mực. Vì đang vào mùa du lịch nên mực bán rất được giá, chuyến này, sau khi trừ hết chi phí, tôi thu về khoảng 4 triệu đồng”.
Trên bờ, từng tốp tiểu thương đầu đội đèn pin ngóng đoàn thuyền chở đầy hải sản tươi ngon trở về…
… và chuẩn bị những thứ cần thiết như: nước biển, rổ… để khi thu mua xong có thể kịp di chuyển đến phiên chợ sớm.
Những chiếc thuyền thúng cập bờ, hàng chục tiểu thương vội vã lội xuống nước để thu mua.
Không khí lao động hăng say, phấn khởi, nhộn nhịp bán mua, những nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên mỗi gương mặt của bà con tiêu thương và ngư dân nơi đây.
Dưới ánh đèn pin, những rổ cá…
… và khay tôm tươi rói được bà con ngư dân cẩn thận đưa vào bờ.
Những rổ ghẹ còn sống được ngâm qua nước biển để tươi ngon lâu hơn.
Sản phẩm được các tiểu thương thu mua lại từ các thuyền bè của ngư dân đánh bắt về rồi mang ra các chợ trong tỉnh bán hoặc nhập cho các nhà hàng, khách sạn. Để có hàng tươi ngon, họ phải đi chợ từ lúc rạng sáng đón những đoàn thuyền đầu tiên.
Video đang HOT
Không chỉ thương lái mà nhiều du khách khi ghé khu du lịch Thiên Cầm đều dành thời gian xuống chợ cá lúc rạng sáng để khám phá và mua hải sản tươi sống.
“Dù lượng người mua bán đông, hải sản tươi ngon, nhưng mức giá ở đây khá hợp lí. Sau chuyến đi nghỉ mát này, tôi sẽ mua một ít về làm quà và nhất định sẽ chia sẻ với bạn bè để họ biết đến, tìm về khu du lịch Thiên Cầm nhiều hơn”, chị Nguyễn Nhật Linh – du khách ở tỉnh Hà Nam chia sẻ.
…
Du khách hứng thú khi đến với chợ cá Cồn Gò.
Chị Nguyễn Thị Lan – du khách Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi vào khu du lịch Thiên Cầm để nghỉ dưỡng, ngoài được ngắm bãi biển đẹp, chúng tôi còn được hướng dẫn viên đưa đi trải nghiệm phiên chợ cá Cồn Gò. Sáng nay, tôi đã kịp mua cho gia đình mình một ít mực và cá để về thưởng thức. Đây quả thực là chuyến đi ý nghĩa và đầy kỷ niệm đối với gia đình tôi”.
Sau khi khám phá chợ đêm Cồn Gò, du khách có thể ngắm bình mình…
… và thỏa thích “check in”, ghi lại những kỷ niệm đẹp đẽ về mảnh đất và con người nơi đây.
Chị Lê Thị Hoa – tiểu thương tại xã Cẩm Nhượng cho biết: “Nhu cầu tăng cao nên các loại hải sản được tiểu thương chúng tôi “săn đón” ngay tại bến. Để có nguồn hàng tươi ngon, tôi phải đi chợ từ lúc rạng sáng để đón những đoàn thuyền đầu tiên. Chuyến này, tôi thu mua gần 5 triệu đồng tiền hàng nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn”.
Theo chia sẻ của các tiểu thương tại chợ cá Cồn Gò, những ngày này, thời tiết thuận lợi nên ngư dân đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị như: mực, tôm, ghẹ… Tất cả hải sản ngư dân đánh bắt đều thu mua với giá ổn định. Cụ thể, mực có giá 200 – 450 nghìn đồng/kg, tôm 120 – 450 nghìn đồng/kg, ốc mỡ 250 nghìn đồng/kg…
Sau khi thu mua xong, tiểu thương tranh thủ kiểm đếm lại số hàng đã thu mua…
… và nhanh chóng đưa hải sản lên chợ hoặc các nhà hàng, khách sạn để bán lại kiếm lời.
Ảnh: Hương Thành
Chợ cá Cồn Gò từ góc máy flycam. Ảnh: Hương Thành
Cung đàn mới Thiên Cầm
Nổi danh là một vùng non nước hữu tình với những huyền tích về văn hóa, những câu chuyện lịch sử, Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang phát huy các tiềm năng để thu hút du khách.
Vẻ đẹp tự nhiên cùng những truyền thuyết đã làm nên nét độc đáo của Khu du lịch Thiên Cầm. Ảnh: Thanh Hải
Đến Thiên Cầm khi ánh chiều vừa buông, biển dịu dàng, nắng mơn man từng con sóng nhỏ. Xa xa, những con thuyền nhỏ nhấp nhô theo từng đợt sóng. Tiếng gió biển du dương như những bản nhạc giữa đất trời, gợi cho tôi nhớ những huyền thoại xa xưa.
Tương truyền, Vua Hùng Vương thứ XIII trong một lần đi tuần thú phương Nam có ghé qua một vùng biển non nước hữu tình. Cảnh trí hoang sơ, đẹp đẽ đã khiến vua hạ lệnh dựng trại để nghỉ chân. Đêm đến, tiếng gió, tiếng sóng, tiếng lá thông reo dội vào vách núi tạo thành một bản nhạc du dương, nhà vua ngỡ có vị tiên hạ phàm đang gảy đàn quanh đây. Khi trèo lên đỉnh núi cao nhất, nhìn xuống chân núi, thấy bãi biển có dáng hình một chiếc đàn tì bà, nhà vua ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây và liền đặt tên cho vùng biển này là Thiên Cầm - có nghĩa là "đàn trời".
Ảnh: Thanh Hải
Lại có truyền thuyết kể rằng, nơi đây chính là dấu tích bi thương đánh dấu sự sụp đổ của một triều đại. Vào năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Với thế mạnh của giặc, quân Hồ đại bại, cha con Hồ Quý Ly tháo chạy về vùng biển này và bị bắt giữ. Vùng biển này được đặt tên là Thiên Cầm - có ý nghĩa là "trời giữ".
Bởi những huyền tích đó, mà trong dân gian còn lưu truyền những câu thơ: "Đàn trời văng vẳng khắp đâu đây/...Trời nước một màu thật đắm say"; "Bởi người mưu sự trời không thuận/...Thiên Cầm ai oán nghẹn ngào dây".
Bãi tắm biển Thiên Cầm. Ảnh: Hương Thành
Dù với ý nghĩa nào thì tên gọi Thiên Cầm vẫn mang nét đẹp quyến rũ của một vùng biển vừa có vẻ đẹp hùng vĩ từ núi rừng tĩnh lặng, lại có nét thơ mộng từ sóng biển mênh mông. Với hình cánh cung, bãi biển Thiên Cầm có tới 3 bãi tắm nằm tựa lưng vào chân núi, trong đó, bãi chính dài 3 km. Dưới chân núi là chùa Yên Lạc, trên núi có chùa Cầm Sơn - những chốn tâm linh, thanh tịnh du khách có thể tìm về; ngoài khơi xa là Hòn Én, Hòn Bớc với những bãi đá hoang sơ, kỳ thú.
Chùa Cầm Sơn. Ảnh: Kiều Minh
Đến với Thiên Cầm, du khách sẽ được đắm mình trong làn nước trong xanh như ngọc, hít thở không khí trong lành; được trải nghiệm đi chợ cá Cồn Gò cùng người dân địa phương, thưởng thức những món ăn đặc sản của miền biển như: mực một nắng, các loại hải sản phong phú...
Đặc sản mực một nắng Cẩm Nhượng. Ảnh: Hương Thành
Không chỉ có cảnh sắc núi non hùng vỹ, đặc sản ngon nức tiếng, Thiên Cầm còn để lại trong lòng du khách những nét văn hóa độc đáo của người miền biển được lưu truyền qua nhiều thế hệ như điệu hò chèo cạn, tín ngưỡng thờ cúng cá Voi (hay còn gọi là Đức Ngư Ông).
Lễ hội cầu ngư, chèo cạn ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) là một trong những nét văn hóa độc đáo được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh tư liệu của Hương Thành.
Lễ hội cầu ngư (video tư liệu của Hương Thành).
Theo nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc (tổ dân phố Tây Long - thị trấn Thiên Cầm), hò chèo cạn thường được ngư dân làng Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng) diễn xướng vào lễ Cầu ngư, ngày kỵ của Đức Ngư Ông. Lễ hội Cầu ngư để tưởng nhớ công đức của người xưa, vừa thể hiện lòng mong ước quốc thái, dân an, trời yên biển lặng, ngư dân đi biển được mùa, bội thu...
Chợ cá Cồn Gò. Ảnh: Hương Thành
Hải sản chợ cá Cồn Gò. Video: PV
"Dù là tập tục của người dân làng Nhượng Bạn nhưng lễ Cầu ngư, hò chèo cạn dường như đã trở thành nét văn hóa quen thuộc của người dân vùng biển xứ này. Cùng với dân ca ví, giặm, hò chèo cạn thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, sự kiện khai trương du lịch biển, phục vụ du khách khi về với Thiên Cầm" - Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc cho biết.
Bình minh trên biển Thiên Cầm. Ảnh: Đồng Anh
Núi non hùng vỹ, biển trời tươi đẹp, văn hóa và con người độc đáo, Thiên Cầm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển. Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Thiên Cầm tỷ lệ 1/5000. Theo quy hoạch, khu du lịch có tổng diện tích 1.557 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã, thị trấn: Cẩm Dương, Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh và thị trấn Thiên Cầm.
Thiên Cầm đang trở lại với những tín hiệu khởi sắc khi mùa du lịch 2022 bắt đầu. Ảnh: Đồng Anh
Ông Võ Tá Nhân - Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm cho biết: "Để thực hiện đồ án, tỉnh đã từng bước đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông khu du lịch với tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng; nâng cấp kè biển Thiên Cầm - Cẩm Nhượng; xây dựng một số tuyến đường trong khu du lịch... Hiện nay, một số dự án đang được khảo sát, khởi công như: nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối thị trấn Cẩm Xuyên - thị trấn Thiên Cầm; xây dựng hạ tầng đồng bộ khu du lịch; dự án khu đô thị dịch vụ biển; dự án thương mại và dịch vụ Nam Thiên Cầm; hạ tầng cụm công nghiệp, cảng cá Cẩm Nhượng".
Cầu Cửa Nhượng. Ảnh: Thanh Hải
Sau nhiều mùa hè "ngủ yên" vì dịch bệnh, Thiên Cầm đang trở lại với những tín hiệu khởi sắc khi mùa du lịch 2022 bắt đầu. Chỉ tính riêng trong kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, Khu du lịch biển Thiên Cầm đã đón khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Để chuẩn bị cho lễ khai trương du lịch biển dịp 30/4 - 1/5 sắp tới, chính quyền và người dân địa phương đã lên kế hoạch chi tiết các chương trình: đêm gala "Hà Tĩnh - âm vang biển", liên hoan dân ca ví, giặm, giải bóng chuyền bãi biển nữ, lễ hội đua thuyền, lễ cầu ngư kết hợp đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội ẩm thực...
Ảnh: Kiều Minh
Các công trình đang được đầu tư xây dựng ở Khu du lịch Thiên Cầm. Ảnh: Kiều Minh
Biển Thiên Cầm vẫn vi vút, du dương những khúc hát từ ngàn xưa. Với những dự án đã và đang được triển khai, trong tương lai hứa hẹn một Thiên Cầm mới - một "cung đàn mới" tương xứng với tiềm năng đất trời đã ban tặng.
Hương sắc tháng Ba trên những miền quê Hà Tĩnh Tháng Ba, đất trời dịu mát cũng là lúc khắp mọi miền quê Hà Tĩnh ngập tràn trong hoa lá xanh tươi. Tháng Ba, cảnh sắc nhiều làng quê Hà Tĩnh trở nên tươi sáng và yên bình khi hoa xoan nở rộ tím biếc trong những khu vườn, ngõ xóm... Trong ảnh: Hoa xoan nở rộ ở thôn Đông Thịnh (Hồng Lộc,...