Về Điện Biên ngắm hoa Ban – Nghe chuyện tình
Điện Biên được mệnh danh là “ xứ sở hoa ban”, loài hoa trắng xinh, mỏng manh là biểu tượng cho vẻ đẹp của người con gái Thái mộc mạc khăn piêu áo cóm và cũng là biểu tượng của sự sống trường tồn, của tình yêu đôi lứa trong sáng và thủy chung.
Hoa ban là món quà vô giá của mùa xuân. Những năm gần đây, hoa ban thu hút một lượng khách du lịch lớn đến Điện Biên để ngắm hoa, chụp ảnh. Đến Điện Biên những ngày này, ngoài thưởng lãm loài hoa đặc trưng, du khách cũng được đắm mình vào lễ hội Hoa Ban – lễ hội hàng năm của tỉnh Điện Biên.
Ở Điện Biên, mùa hoa ban cũng là mùa đẹp nhất trong năm. Về mùa đông cây ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, ấp ủ sang xuân đâm chồi nảy lộc. Hoa ban bắt đầu nở vào giữa tháng 2, sang tháng 3 thì nở rộ. Với sắc trắng tinh khôi, thanh khiết và mùi thơm dịu nhẹ, hoa ban đã điểm tô cho bản làng, từ phố thị cho núi rừng, ban nở trắng ngần phủ kín khắp lưng đèo, đỉnh núi. Ngắm sắc ban nở trắng trời, ai ai cũng dễ xao lòng.
Búp ban có hình bầu dục, tựa như búp phượng vĩ, khi nở có 5 cánh trắng ngần, tinh khôi. Mùi thơm của hoa ban thể hiện rõ nhất vào sáng sớm, khi bình minh vừa ló rạng, gặp những cơn gió thoảng, mùi hương hoa ban lan tỏa, bay xa tạo cảm giác rất dễ chịu, khó nhầm lẫn.
Trong tâm thức người Thái Tây Bắc, hoa ban gắn với câu chuyện kể về mối tình trong trắng, thủy chung giữa nàng Ban và chàng Khum, biểu tượng cho khát vọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi được lưu truyền từ bao đời nay.
Chuyện kể rằng, thuở xưa, ở vùng Tây Bắc có một cô gái Thái rất xinh đẹp, dịu dàng, nết na tên là Ban. Nhiều trai tráng trong bản muốn cưới nàng làm vợ nhưng trái tim nàng lại trao gửi cho một chàng trai nghèo, chịu thương chịu khó tên là Khum. Cha mẹ nàng Ban biết chuyện liền cấm hai người và gả nàng Ban cho gia đình Tạo Mường.
Video đang HOT
Trước quyết định của cha mẹ, trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để gặp chàng. Nhưng khi đến nhà Khum, nàng không gặp được. Nàng Ban để lại chiếc khăn piêu, kỷ vật thiêng liêng luôn mang bên mình ở bên cầu thang để làm dấu hiệu cho chàng Khum biết tìm nàng ở đâu rồi cất công đi tìm Khum.
Nàng Ban mải miết đi hết núi này đến núi khác, gọi tên người yêu trong vô vọng, lúc kiệt sức nàng gục xuống dưới rặng cây rừng sau một dãy núi cao.
Chàng Khum sau thời gian đi nương về, thấy chiếc khăn Piêu của người yêu trên cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Rừng sâu núi thẳm mịt mờ, nhưng Khum vẫn đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống, hóa thành con chim cô độc bay mãi trong rừng để tìm bóng người yêu dấu. Nơi nàng Ban mất, sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa Xuân.
Cứ đến mùa hoa nở, tiếng chim lại hót vang như tiếng chàng Khum tìm gọi người yêu da diết. Vì mến yêu nàng Ban và thương cảm mối tình đẹp nhưng dang dở, dân làng gọi cây hoa đó là hoa ban.
Từ trong câu chuyện lãng mạn, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa, tâm linh, phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo của người Thái Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng.
Theo petrotimes.vn
Ngỡ ngàng con đường hoa ban tím ngắt bung nở giữa Hà Nội
Cuối tháng 2, trên con đường Bắc Sơn ở khu vực Lăng Bác, hoa ban Tây Bắc đã bung nở tím rực rỡ cả bầu trời Thủ đô.
Hoa ban là loài hoa đặc trưng truyền thống của núi rừng Tây Bắc. Hiện nay, hoa ban đã xuất hiện khắp các con phố của Thủ đô Hà Nội, trong đó có khu vực Lăng Bác, đặc biệt trên con đường Bắc Sơn.
Hoa ban hướng về Lăng như chính trái tim của đồng bào dân tộc Tây Bắc luôn luôn nhớ về Bác Hồ kính yêu
Đi qua đường Bắc Sơn những ngày cuối tháng 2, chúng ta sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của những bông hoa ban đang đua sắc. Những đợt nắng đầu tiên của Hà Nội sau chuỗi ngày dài lạnh lẽo làm cho sắc hoa ban trên đường Bắc Sơn bỗng dưng bừng tỉnh và bung cánh làm rực rỡ cả một con đường.
Đã nhiều năm trở lại đây, con đường Bắc Sơn thường được mọi người gọi bằng tên trìu mến là "con đường hoa ban".
Từ phía "con đường hoa ban" phóng tầm nhìn ra Lăng Bác, sắc trắng tím dịu nhẹ của hoa rộn ràng trên sắc xanh của lá tạo thành một dãy dài nối tiếp, không thẳng đều như hoa trong công viên nhưng lại rất hút mắt người qua lại.
Vì vậy mà nhiều người qua đây đã phải dừng xe, nán lại để ngắm hoa, cùng bạn bè thong dong tản bộ dưới những tán hoa hoặc chụp lại những bức ảnh lưu niệm mang hương sắc của mùa Xuân, của núi rừng Tây Bắc.
Hoa ban khoe sắc bên Lăng Bác và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Con đường Bắc Sơn ngập tràn sắc hoa ban đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho mùa Xuân ở Lăng Bác cũng như mùa Xuân của Thủ đô Hà Nội.
Cây hoa ban còn có tên gọi là móng bò sọc, có nguồn gốc ở miền Đông Nam Châu Á. Thông thường chỉ gọi là cây ban, tuy nhiên, do có nhiều loài cùng chi cũng có tên là ban nên cây hoa ban thường được gọi theo màu hoa của nó, như hoa ban trắng, ban hồng, ban tím.
Chia sẻ cảm xúc khi có mặt tại đường Bắc Sơn chiều cuối tuần, chị Thu Hiền (Cầu Giấy) nói: "Tôi đến con đường hoa ban để chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè. Nhìn những bông hoa ban ở đây chúng tôi cảm nhận được một chút không khí mùa xuân của núi rừng Tây Bắc".
Theo infonet.vn
Đến Tủa Chùa xem hội chọi dê Huyện Tủa Chùa, vùng núi cao phía Bắc tỉnh Điện Biên là vùng đất có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ với những dãy núi đá sừng sững chạy dài theo hướng Bắc - Nam và những cánh đồng đá tai mèo trải dài hàng chục cây số. Đồng bào dân tộc nơi đây còn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán...