Vẻ đẹp vùng miền của Việt Nam
Mỗi vùng quê ở Việt Nam đều hiện lên vẻ đẹp riêng, từ mùa nước đổ ở Mường Hum, Lào Cai đến cánh đồng cây năn bộp Cà Mau.
Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Sắc màu miền quê Việt Nam” của tác giả Phạm Huy Trung, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Thực hiện nhiều bộ ảnh phong cảnh miền quê, thành phố cho đến thiên nhiên là cách tác giả góp phần quảng bá du lịch Việt Nam, khuyến khích người Việt du lịch nội địa.
Mùa nước đổ đẹp như tranh tại Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai. Những cơn mưa đầu mùa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng cũng là lúc nông dân vào vụ cấy mới. Du khách đến Bát Xát trong tháng 5-6 có thể thấy từng nhóm nông dân xuống đồng be bờ, dẫn trâu ải đất, còn nhóm khác cấy lúa tạo nên bầu không khí nhộn nhịp trên đồng.
Người phụ nữ chăm sóc hoa, chụp tại làng hoa Tây Tựu, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây. Năm 2017, làng hoa Tây Tựu được công nhận và vinh danh làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Làng hoa có diện tích hơn 200 ha, một trong những nơi cung cấp hoa chủ lực cho thành phố và các khu vực lân cận. Nơi đây trồng hoa quanh năm, nhưng nhiều nhất vào dịp Tết Nguyên đán, với các loại phổ biến như hồng, cúc, ly, thược dược hay đồng tiền.
Nhịp sống mưu sinh trên đầm Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế giữa khung cảnh rực rỡ sắc màu lúc bình minh. Đầm này thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang, cách thành phố Huế khoảng 30 km. Ngư dân nơi đây đa phần là dân vạn đò, xem thuyền là nhà và sống với con nước.
Cánh đồng cỏ năng xanh mướt được chụp tại vùng quê Quảng Nam.
Bức tranh quê hương yên ả với hình ảnh người chăn vịt trên cánh đồng ngập nước ở vùng ngoại ô Quảng Nam.
Video đang HOT
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 40 km về phía Đông Bắc trong mùa cóc trắng trổ lá non. Đây là loài cây gỗ nhỏ, được quy hoạch trồng thành rừng phòng hộ chắn sóng và cải thiện môi trường sinh thái.
Những thửa ruộng sau mùa gặt được dẫn nước vào, để người dân chăn vịt chạy đồng. Gần đó là những cây gòn, thường thấy ở vùng nông thôn Phan Rang, Ninh Thuận.
Người phụ nữ rửa hoa súng làm sạch bùn đất, sau khi hái trên cánh đồng ngập nước Kiến Tường, Long An. Mùa lũ miền Tây từ tháng 7-10, mang lại sức sống cho những cây sen, bông súng.
Nhịp sống mưu sinh trên mùa nước nổi trong ánh hoàng hôn ở Mộc Hóa, Long An.
Đàn trâu băng qua đồng lũ trong buổi chiều ở Tân An, Long An.
Cất vó trên cánh đồng ngập nước Tha La, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, An Giang. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên đón lũ, rồi sau đó tới các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mưu sinh trên cánh đồng năn bộp (còn gọi là năn) ở vùng quê Cà Mau. Năn phát triển tốt vào mùa mưa và người dân ăn năn như một loại rau sống chấm mắm kho, nhúng lẩu hoặc chế biến năn xào tép. Ngày nay loại năn này trồng nhiều ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Du khách đến miền Tây được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân như bắt cá đồng, hái rau muống, bông súng, bông điên điển hay hái năn, gợi nhớ hình bóng quê nhà khi xa quê.
Khám phá miền Tây mùa nước nổi
Mùa nước nổi (mùa lũ sông Cửu Long) là một hiện tượng lũ lụt tự nhiên, đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mekong.
Với du lịch miền Tây và người dân vùng sông nước này, mùa nước lũ không phải là thiên tai mà là ưu đãi của thiên nhiên ban tặng với lượng phù sa màu mỡ cùng bao sản vật, cá tôm, cây trái.
Đến Châu Đốc hái bông súng mùa nước nổi là một trải nghiệm thú vị.
ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN
Điểm đến ấn tượng mùa nước nổi là An Giang. Nằm ở vùng đầu nguồn, giáp với biên giới Campuchia, tỉnh An Giang có núi non kỳ vĩ, vừa có ao hồ mênh mông. Những yếu tố này hội tụ khiến tỉnh An Giang có nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị nhất là trong mùa nước nổi. Hình ảnh mà khách du lịch An Giang có thể thấy được còn lại chỉ là những ngôi nhà lấp lửng trong màn nước bạc, chỉ còn lại hàng cây thốt nốt và rừng tràm xanh thẳm yên bình, chỉ còn lại cánh bèo trôi dạt khắp nơi như mảnh đời người dân miền sông nước lắm cơ cực.
Không chỉ có cảnh đẹp hoang sơ hữu tình, mùa nước nổi ở An Giang còn thu hút du khách bởi nhịp mưu sinh sôi động. Mùa nước cũng là mùa đánh bắt cá của cư dân vùng đầu nguồn. Những người không sinh ra, lớn lên ở đây vô cùng tò mò, thích thú mùa nước nổi. Chính vì vậy, nhiều nhóm phượt đã trải nghiệm giăng câu, thả lưới, được hòa mình vào nhịp sống đời thường đầy vất vả nhưng rất đỗi bình yên ở thôn quê miền Tây.
Du lịch miền Tây mùa nước nổi, nhất định không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư. Nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh ngăn ngắt với những hàng cây tràm thẳng tắp, dưới nước là lớp bèo cám xanh nõn bình yên, dịu dàng quá đỗi. Ở rừng tràm Trà Sư, bạn sẽ được trải nghiệm di chuyển trên chiếc ghe nhỏ, rẽ sóng đạp nước di chuyển một cách nhẹ nhàng giữa những hàng cây tràm tĩnh lặng, ngắm những bông điên điển rực rỡ sắc vàng hay thích thú chiêm ngưỡng cảnh tượng từng đàn chim đậu trắng cả ngọn cây...
Ấn tượng không kém là biệt thự của công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Đây là căn nhà to đẹp nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Dù đã trăm năm trôi qua, ngôi nhà vẫn giữ được vẻ đẹp sang trọng vốn có và sự xa hoa bậc nhất của Trần gia.
Trong khi đó, chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup, ở Sóc Trăng), một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng lại mang vẻ kỳ bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.
Đất mũi Cà Mau lại quá thiêng liêng. Đến nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc trên đất liền, bạn không chỉ được tận tay chạm vào cột mốc tọa độ quốc gia và chiêm ngưỡng biểu tượng của Mũi Cà Mau mà còn được khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng. Đây cũng là địa điểm duy nhất trên cả nước có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở bờ biển Tây.
Là 1 trong 3 chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một điểm đến nổi tiếng nhất và cũng hấp dẫn bậc nhất của miền Tây mùa nước nổi. Với hàng trăm ghe thuyền buôn bán ngày đêm xuôi ngược, Cái Răng là địa danh mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu, khám phá nét văn hóa du lịch sông nước miền Tây của người dân Cần Thơ trên dòng sông Hậu hiền hòa.
Đặc biệt, có nhiều du khách đi du lịch miền Tây mùa nước nổi chỉ để thăm viếng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam linh thiêng, huyền bí tại Châu Đốc (An Giang). Sự linh thiêng, màu nhiệm cùng kiến trúc, cảnh quan rộng, đẹp đã khiến hơn 3 triệu Phật tử từ các nơi đổ về hành hương, cúng bái cầu bình an, may mắn, tài lộc ở miếu Bà Chúa Xứ mỗi năm.
ẨM THỰC ĐA SẮC
Nói đến đặc sản mùa nước nổi không thể không nhắc đến cá linh. Cá linh - món quà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân miền Tây và chỉ có khi "con nước" về. Cá linh đầu mùa, chỉ bé bằng đầu đũa, thịt cá ngon, ngọt, xương mềm, béo ngậy, nước càng dâng cao, cá linh về càng nhiều.
Cá linh sau khi bắt, người dân địa phương có thể chế biến thành nhiều món ăn, như: kho, chiên, nướng, nấu canh chua... tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị của sông nước miền Tây. Cá linh non dùng để kho lạt, kho xả, nấu canh chua vì xương mềm có thể ăn cả xương. Khi con cá linh lớn một chút sẽ được rửa sạch, làm món nướng mọi, kho mía hoặc tẩm bột chiên giòn... ăn kèm rau sống chấm mắm tỏi thì ngon tuyệt. Ngoài ra, cá linh còn được ủ làm nước mắm hoặc con mắm... càng ủ lâu càng ngon.
Một trong những món ăn gần như không thể thiếu khi kết hợp với cá linh đó là bông điên điển. Đây là sản vật số một mùa nước nổi, khi kết hợp những món ăn chế biến từ cá linh, như: canh chua cá linh, lẩu mắm cá linh... sẽ tạo thành món ăn bình dị, đặc sản nổi tiếng. Để có một nồi lẩu cá linh nấu chua ngon đúng điệu, phải chọn loại cá linh thật tươi, làm sạch và để ráo nước.
Kèm theo đó là nhiều nguyên liệu khác, như: nước dừa tươi, bông súng, giá, me non, ớt... Cá linh non còn nhỏ nên chín rất nhanh, chỉ cần bỏ vào nồi lẩu nhanh thôi là đã có thể thưởng thức, điên điển gặp nước nóng sẽ mềm. Vị ngọt từ thịt cá linh hòa quyện với vị chan chát của bông điên điển, tạo nên món ăn đậm đà hương vị vùng sông nước, chinh phục thực khách từ màu sắc, hương thơm, vị ngọt thanh của nước dùng. Thực khách có thể ăn kèm với bún hoặc cơm trắng đều được. Ngoài ra, bông điên điển còn được dùng làm gỏi với tép đồng, làm dưa chua hoặc ăn sống...
Món bánh xèo bông điên điển thì ngon, lạ vô cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa, thịt ba rọi, tép, bông điên điển thanh mát kết hợp cùng đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều giòn giòn.
Cá lăng kho khóm cũng là một trong những đặc sản không nên bỏ lỡ ở miền Tây vào mùa nước nổi. Vị béo, ngọt, thơm ngon của cá quyện vị chua chua của khóm và thơm lừng của cơm trắng đánh thức mọi giác quan.
Bông súng cũng được dùng làm thức ăn khá phổ biến ở miền Tây mùa nước lũ. Trong đó, bông súng mắm kho thơm ngon, mê hoặc mọi thực khách khó tính nhất với vị cay của ớt, của sả, vị béo ngọt của tép, giòn của bông súng dân dã mà khó quên.
Cảnh sắc Mường Hum - ốc đảo xanh của Lào Cai Vượt qua những con dốc ngoằn nghèo,những con đèo được gọi là ' cổng trời' chúng ta sẽ tới với Mường Hum- ốc đảo xanh của tỉnh Lào Cai. Thung lũng Mường Hum đẹp nhất vào mùa Thu với những tầng lớp mây bao phủ xung quanh. Mường Hum nổi tiếng với những con suối đẹp, những ngọn núi nhấp nhô vây quanh...