Vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng và văn hóa Việt Bắc làm du khách nhớ đến Du lịch Thái Nguyên
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên, cảnh quan nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ, văn hóa truyền thống độc đáo… là những điều làm cho các du khách thập phương không thể nào quên khi đã đặt chân đến vùng đất Du lịch Thái Nguyên.
Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, tiếp giáp trực tiếp với Thủ đô Hà Nội. Đây không chỉ là một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế quan trọng của miền Bắc mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách bởi những vẻ đẹp tự nhiên và di sản văn hóa độc đáo.
Sự kỳ vĩ của thiên nhiên, cảnh quan nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ của Du lịch Thái Nguyên.
Đến với Thái Nguyên du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, khám phá những nét văn hóa truyền thống và thưởng thức ẩm thực đặc sản của vùng miền Bắc như: Hồ Núi Cốc, Suối Mỡ, khu du lịch Bản Cốc, chùa Đồng, cùng với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh (trong đó có 1 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…).
Nhớ lại chuyến du lịch tại hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) với không khí trong lành, mặt hồ rộng và đẹp, ẩm thực khá phong phú và sự mến khách của người dân địa phương, anh Hoàng Ngọc Quang (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi nhiều nơi các điểm du lịch cộng đồng có quá nhiều sự can thiệp của con người làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, thì ở Thái Nguyên lại có rất nhiều điểm đến đẹp và khá hoang sơ. Tôn trọng và gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên dường như là xu hướng phát triển du lịch của khá nhiều quốc gia trên thế giới, đó là điểm mà cá nhân tôi cũng như nhiều du khách chắc chắn sẽ rất yêu thích”.
Du khách đến với Thái Nguyên được trải nghiệm hái chè với những người dân thân thiện.
Chị Vũ Thùy Dung (đến từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vẫn không thể nào quên được chuyến đi du lịch trải nghiệm tại Thái Nguyên trong dịp dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, khi mà tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình Mùa Du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm đến trái tim”.
Chị Dung cho biết: “Gia đình chị về Thái Nguyên đúng vào ngày hội du lịch được trải nghiệm nhiều ẩm thực độc đáo và được hòa mình vào nhiều cảnh đẹp thiên nhiên của các khu du lịch tại Thái Nguyên làm cho gia đình chị nhớ mãi không quên. Đặc biệt, chồng chị rất thích uống trà Thái Nguyên, vì thế gia đình chị đã đến vùng chè Tân Cương để tìm hiểu về cách thức chế biến chè và tạo ra trà, với những cảm xúc vô cùng thú vị”.
Video đang HOT
Chương trình Mùa du lịch Thái Nguyên 2024 đã để lại ấn tượng nhiều trong lòng du khách thập phương.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên) cho biết, du lịch Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch Mice, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm…
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, hiện đại. Đặc biệt, việc xây dựng sân golf gắn với phát triển các khu đô thị dịch vụ thương mại, khu nghỉ dưỡng, sinh thái là xu hướng phát triển phù hợp và phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến với Thái Nguyên ước đạt 1.886.990 lượt khách (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023); doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 943 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là tín hiệu khả quan của ngành Du lịch Thái Nguyên trong năm 2024.
Ngoài du lịch trải nghiệm, tỉnh Thái Nguyên còn phát triển du lịch tâm linh.
Ngoài chương trình Mùa Du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm đến trái tim”, thì nhiều chương trình du lịch, lễ hội tại Thái Nguyên cũng thu hút lượng du khách tham quan, trải nghiệm lớn như: Đình – đền – chùa Cầu Muối, đền Đuổm, Lồng Tồng ATK Định Hóa, Núi Văn – Núi Võ, Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc…
Bên cạnh đó, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá và Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên) đã thu hút đông đảo lượt khách đến dâng hương và tham quan.
Đặc biệt, các điểm du lịch cộng đồng như Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên); Làng văn hóa dân tộc bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa; xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; hồ Ghềnh Chè, thành phố Sông Công và xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ đều thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Cảnh quan, con người, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên đã để lại nhiều ấn tượng với du khách.
Những kết quả 6 tháng đầu năm đã cho thấy sự vào cuộc rất tích cực của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên. Hy vọng với những cách làm mới mang tính đột phá sẽ góp phần tạo ra những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh giúp cho du lịch Thái Nguyên luôn là “điểm đến lý tưởng” không bao giờ quên trong lòng các du khách thập phương.
Đình - đền - chùa Cầu Muối (Thái Nguyên): Kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa
Huyện Phú Bình không chỉ nổi tiếng là vựa lúa của tỉnh Thái Nguyên mà còn được biết đến với nhiều lễ hội truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, trong đó nổi bật là Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối.
Trải qua hàng trăm năm, Cụm di tích vẫn giữ nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa, là nơi kết tinh nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.
Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái
Linh thiêng Cầu Muối
Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối tọa lạc tại trung tâm xóm Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình). Theo sử sách ghi chép lại, đình, đền, chùa Cầu Muối được xây dựng vào khoảng 300 năm trước, dưới thời Hậu Lê. Cụm di tích nằm thế tựa sơn, bao quanh là rừng xanh tươi tốt, tạo nên nét cổ kính, linh thiêng.
Nằm ở khu vực trung tâm của Cụm di tích là đình Cầu Muối. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một danh tướng thời nhà Lý. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa. Ghi nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đình để thờ cúng và tôn ông là Thành Hoàng làng.
Trong quần thể của Cụm di tích còn có chùa Cầu Muối thờ Phật; đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Trong đó, đền Công Đồng tương truyền là nơi rất linh ứng và thiêng liêng. Tục truyền rằng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng về sự hiếu đạo, được người đời truyền tụng, suy tôn là mẹ của muôn người. Bà là biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ, đề cao giá trị hạnh phúc, tự do và độc lập.
Không chỉ có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng, Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối còn là một di tích cách mạng quan trọng, đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, đình, chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho nhân dân địa phương.
Ngoài ra, Cụm di tích còn là nơi cất giấu lương thực của huyện Phú Bình vào năm 1951; nơi đóng quân của Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Sư đoàn 304 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Quang cảnh Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối. Ảnh: Nguyên Ngọc
Với những giá trị văn hóa, lịch sử đậm nét, đặc trưng, Cụm di tich Đình - đền - chùa Cầu Muối đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, du lịch tâm linh nổi tiếng. Hàng năm, dân làng Cầu Muối và đông đảo du khách thập phương về đây thắp hương nhằm tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh, Thành Hoàng làng; đồng thời ước nguyện năm mới mạnh khỏe, bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa
"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là tập tục từ xa xưa của người Việt. Tín ngưỡng dân gian này đã được bảo tồn, gìn giữ hàng trăm năm nay tại đình - đền - chùa Cầu Muối vào mỗi dịp đầu Xuân, năm mới. Khi đến nơi đây, mỗi người dân đều đặt gói muối, gói gạo lên mâm lễ để dâng các vị thần linh nhằm cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn, sức khỏe, cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Quản lý Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối, cho biết: Vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, UBND huyện tổ chức Lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của cụm di tích. Trong ngày này, Ban Quản lý sẽ thực hiện nghi lễ rước kiệu, dâng hương, thỉnh chuông cầu an, cầu lộc. Trong mâm lễ, ngoài lễ chay và lễ mặn thì không thể thiếu muối và gạo. Đây chính là nét đẹp văn hóa, nét đặc trưng của lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối từ xưa đến nay.
Cùng với bảo tồn những giá trị văn hóa tín ngưỡng, thời gian qua, các cấp chính quyền luôn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là thanh, thiếu niên, nhi đồng về bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa Đình - đền - chùa Cầu Muối.
Học sinh Trường THCS Tân Thành (Phú Bình) đến tham quan, tìm hiểu thông tin về văn hóa, lịch sử tại Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối
Ông Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành, xã Tân Thành, chia sẻ: Ban Giám hiệu luôn yêu cầu các thầy cô, đặc biệt là giáo viên bộ môn Lịch sử quan tâm đưa hoạt động tìm hiểu thông tin về Cụm di tích này vào bài học Lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, hàng năm, Liên đội Nhà trường cũng tổ chức cho đội viên tham quan trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử, trong đó có Cụm di tích Cầu Muối.
Đi liền với công tác tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền huyện Phú Bình cũng quan tâm đầu tư, tôn tạo Cụm di tích để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Ban Quản lý Di tích đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông đến Khu di tích, quán bán hàng phục vụ lễ hội và các công trình khác.
Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, các giá trị văn hóa, lịch sử của Cụm di tích Đình - đền - chùa Cầu Muối được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nơi đây đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Phú Bình nói riêng vào dịp đầu Xuân, thu hút hàng triệu lượt du khách tham quan, chiếm bái, hòa mình vào không khí linh thiêng, cổ kính và in đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Homestay của người Tà Ôi giữa núi rừng A Lưới ở Thừa Thiên Huế Homestay của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế, hấp dẫn du khách với nét đẹp văn hóa bản địa và phong cảnh rừng hoang sơ, quê hương của sao la quý hiếm. Núi rừng A Roàng nhìn từ trên cao. Ảnh: WWF-Việt Nam. Tọa lạc giữa thiên nhiên hoang sơ của rừng nguyên sinh A Roàng, homestay Hương...