Vẻ đẹp miền sông nước Nam Bộ
Có thể nói, áo bà ba, khăn rằn, nón lá là ‘bộ ba bất ly thân’ của người phụ nữ Nam Bộ.
Tới nay, cuộc sống nhiều thay đổi, cũng không phải người phụ nữ Nam Bộ nào cũng mặc áo bà ba, hay là quấn khăn rằn- nhất là người sống ở vùng đô thị; nhưng đó vẫn là trang phục truyền thống tạo nên vẻ đẹp rất độc đáo của vùng Nam Bộ nói chung phụ nữ Nam Bộ nói riêng.
Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2018 với khăn rằn, áo bà ba và nón lá Nam Bộ.
1. Không biết từ bao giờ, hình ảnh của chiếc áo bà ba, khăn rằn, nón lá trở nên quen thuộc và thân thương trong đời sống của người miệt vườn Nam Bộ. Nó mộc mạc mà gần gũi thân quen, vừa đẹp lại vừa thuận tiện trong sinh hoạt.
Theo các tài liệu ghi chép lại, chiếc khăn rằn Nam Bộ xuất phát từ khăn Krama của người Khmer gốc Campuchia. Trong quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành loại trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác. Chiếc khăn rằn ban đầu có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng, sau này được phát triển với 5 màu cơ bản: Đen – trắng, đỏ – trắng, xanh – trắng, tím – trắng. Từng cặp hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn.
Muốn có được một chiếc khăn rằn, người ta phải ngâm sợi vải trong bột hồ 3 ngày 3 đêm, sau đó mang đi dệt. Sợi vải ngâm trong bột hồ lúc đầu cứng, nhưng càng dùng khăn càng mềm, bột gạo làm cho sợi chỉ mục đi một phần nên nó thô giống vải bố nhưng càng giặt vải càng mềm và đẹp hơn, càng dùng càng bền. Tới nay, kĩ thuật làm khăn rằng đã khác, tuy nhiên màu sắc, các ô cuông trên bề mặt khăn cũng như chất liệu vải thì hầu như không thay đổi.
Khăn rằn được cả phụ nữ và đàn ông Nam Bộ sử dụng. Tới nơi hội hè lễ tết hay là đi ra ruộng… thì người ta cũng đều mang theo chiếc khăn rằn. Nó không chỉ là vật trang trí, che nắng, mà còn để người ta lau đi những giọt mồ hôi trong cái nắng gay gắt.
Tới nay, chiếc khăn rằn Nam Bộ có thêm những “phiên bản” mới, có mặt ở mọi vùng miền đất nước. Nhất là với những bạn trẻ ở thành phố, nhiều người sử dụng khăn rằn như để khẳng định phong cách của mình.
2. Áo bà ba là chiếc áo không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài từ trên xuống. Theo thời gian, giống như khăn rằn, áo bà ba cũng đã có thêm nhiều “phiên bản” mới tuy vẫn giữ được “hồn cốt” truyền thống. Nhiều nhà thiết kế thời trang đã lấy cảm hứng từ chiếc áo bà ba để sáng tạo ra những chiếc áo đẹp, phù hợp với thẩm mỹ của con người hiện đại hôm nay.
Cũng giống như khăn rằn, có nhiều giả thiết về nguồn gốc áo bà ba. Trong đó có một giả thuyết cho rằng áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được cụ Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia) cho phù hợp với người Việt. Một giả thuyết khác lại cho rằng, có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá của người lao động vùng sông nước, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt….
Khăn rằn trong cuộc sống hiện đại.
Do cấu tạo nên áo bà ba không kén loại vải may. Nếu mặc ra ruộng chọn màu tối, vải dày để mặc được bền lâu. Còn nếu để đi chợ, đi chơi, đặc biệt là những ngày Tết thì chọn loại vải mỏng, vải lụa, vải có màu sáng hoặc bông hoa tươi tắn để tôn dáng của người phụ nữ. Kiểu dáng cho ngày lễ, Tết cũng được bày vẽ hơn, không chỉ cổ áo tròn ôm sát mà còn được cách điệu hình trái tim, cổ thuyền (cổ mở rộng tới hai bên vai trong như chiếc xuồng ba lá), cổ hình cánh én, lá sen, thêu các đường viền áo…
Nhìn chung, áo bà ba truyền thống hay cách điệu thì vẫn là loại áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông. Hai túi áo to hoặc nhỏ tùy ý. Thông thường áo bà ba nam hai túi to, áo nữ hai túi nhỏ. Cùng kết hợp áo bà ba với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chấn sẽ làm tăng thêm nét đẹp mềm mại, thanh thoát, làm tôn thêm vóc dáng uyển chuyển của người phụ nữ.
Đã từ lâu, áo bà ba gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ. Tới nay, nó vẫn được chị em Miền Tây sông nước ưa chuộng.
3. Cùng với khăn rằn, áo bà ba thì nón lá cũng rất phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cũng như áo bà ba và khăn rằn, nón lá Nam Bộ không kén người đội. Từ già đến trẻ, trai gái đều có thể sắm cho mình một chiếc để trong nhà bởi trị giá kinh tế không cao trong khi giá trị sử dụng thì rất lớn. Ngày ngày ra ruộng, đi chợ, nón lá đội trên đầu để che nắng che mưa. Để những trưa hè oi bức chúng được gỡ xuống thay chiếc quạt xua đi mệt nhọc…
Chiếc nón lá Nam Bộ không cầu kỳ như nón lá Huế hay nón lá vùng đồng bằng Bắc Bộ, và cũng chính vì thế nó lại rất ăn nhập với khăn rằn và áo bà ba. Sau này dù có nhiều loại mũ nón, nhưng nhiều người dân Nam Bộ vẫn ưa dùng nón lá. Nhất là với những người lao động trên sông nước kênh rạch thì nón lá là vật bất ly thân. Nếu có dịp ghé lại một khu chợ nổi Miền Tây, ta sẽ thấy mọi người phụ nữ ở đây đều có một chiếc nón lá.
Về nguồn gốc, cũng không ai rõ nón lá có từ bao giờ, ở đâu tới. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng nón lá theo chân của những người mở đất từ vài trăm năm trước mà tới đây. Nó là vật che mưa che nắng của người lao động, dễ làm, dễ sử dụng, gần gũi với người nông dân trên ruộng vườn, sông nước.
Để kết thúc, xin được dẫn lời của một bài hát: “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh/ Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ/ Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”… để thấy một hình ảnh rất thân thương trên vùng đất Nam Bộ mến yêu của đất nước.
Mộc Miên (tổng hợp)
Du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của đầm sen nở rộ tại Quảng Nam
Đầm sen nở rộ trên nền ruộng lúa chín tại phường Điện An, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam được anh Nguyễn Minh Phước lưu lại trong bộ ảnh "Hương sen đồng quê".
ĐÌNH PHÚC (Tổng hợp)
Ngắm những bông sen dịu dàng thơm ngát ở xứ Huế Vẻ đẹp cổ kính, phủ bóng thời gian của những công trình kiến trúc cung đình kết hợp đồng điệu với những đóa hoa sen tươi mới, mềm mại, nhiều màu sắc tạo nên vẻ đẹp riêng có của Huế vào mỗi mùa sen nở. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN) Hoa sen được người dân trồng ở nhiều ao, hồ trên địa bàn tỉnh Thừa...