Vẻ đẹp biển đảo Việt Nam
Những vùng biển trên khắp dải đất hình chữ S được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung mang sắc thái, vẻ đẹp khác biệt.
Cách Hà Nội khoảng 165 km về phía đông bắc, vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ của những hòn đảo đá vôi nhiều hình dạng, kích cỡ. Vịnh được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhìn từ trên cao, nơi đây như bức tranh thủy mặc, với những vách đá vôi dựng thẳng đứng, nổi bật trên làn nước màu xanh ngọc.
Vùng biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình lấp lánh ánh bạc trong bình minh. Khung cảnh biển được điểm xuyết bởi những chòi canh, nơi ngư dân trông coi bãi nuôi ngao, quây trên bãi biển bùn pha cát thoai thoải.
Bức ảnh trên nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp biển đảo dọc chiều dài Việt Nam” của tác giả Phạm Huy Trung, hiện làm việc tại TP HCM. Đây là một trong những bộ ảnh anh gửi đến VnExpress trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang thực hiện các chương trình kích cầu, người Việt đi du lịch nội địa khi Covid-19 được kiểm soát.
Vịnh Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn nổi tiếng với danh xưng “ người đẹp làng chài”. Với đường bờ biển dài hơn 30 km, từ mũi Chân Mây đông đến bán đảo Sơn Trà, Lăng Cô được ghi danh vào bản đồ du lịch quốc tế khi nằm trong top 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những bãi tắm phẳng lì, bờ cát trắng mịn và nước biển trong xanh.
Tàu thuyền tấp nập neo đậu trên bãi biển Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Tuy không quá nổi tiếng như Lăng Cô, biển Vinh Thanh mang sức hấp dẫn riêng với những con thuyền đánh cá, nằm chờ trên bãi cát trước chuyến ra khơi. Du khách tới đây còn cảm nhận được hương vị biển cả trên các ghe thuyền đầy cá mực trở về.
Bóng đổ của du khách trải dài trên bãi biển Non Nước, thành phố Đà Nẵng. Bãi biển này có độ dốc thoai thoải, nước trong xanh và bãi cát trắng mịn, trải dài 5 km như một vòng cung nằm kề danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Toàn cảnh đảo Lý Sơn, huyện đảo có diện tích gần 10 km2, nằm cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 30 km. Huyện đảo gồm 3 đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn hay Cù Lao Ré, là trung tâm của Lý Sơn.
Từ trên cao, có thể thấy ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động là đỉnh Thới Lới cao 149 m, điểm cao nhất của Lý Sơn. Trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt cung cấp nước cho cả 2 Đảo Lớn và Đảo Bé.
Vùng biển Eo Gió nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 20 km về phía đông bắc, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ.
Eo Gió có vách đá dựng đứng, cao gần 200 m so với mực nước biển. Nét độc đáo nhất ở khu thắng cảnh này là những các bãi đá phủ đầy rêu xanh lộ ra khi triều xuống và nước biển có màu xanh ngọc.
Hòn Yến thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 20 km. Người dân địa phương gọi là Hòn Yến vì ngày xưa có nhiều chim yến về làm tổ.
Vùng biển nổi tiếng với các rạn san hô cạn, có nhiều loại hải sản tươi ngon như cá cơm, mực, cua và thương hiệu tôm hùm nuôi trong các lồng nằm dọc theo vùng bờ biển.
Tháng 5 – 8 hàng năm là thời điểm ngư dân nhộn nhịp ra khơi Hòn Yến, dùng lưới vây đánh bắt cá cơm. Nhịp sống mưu sinh này trở thành đề tài quen thuộc dành cho người yêu nhiếp ảnh.
Phú Yên còn sở hữu vùng biển nổi tiếng khác là Vịnh Hòa, nằm ở xã Xuân Thịnh thuộc thị xã Sông Cầu, cách TP Tuy Hòa khoảng 70 km. Vùng biển có những bãi cát trắng mịn, cùng với những rặng dừa và hàng dương xanh mướt trải dài. Du khách tới đây có thể tham gia các tour lặn biển, câu cá và các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao trên cát.
Đảo Kê Gà có diện tích chưa tới 3 ha, cách bờ khoảng 500 m, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Đảo Kê Gà có ngọn hải đăng cùng tên cao 35 m và là hải đăng cổ xưa nhất ở Việt Nam. Hải đăng được xây dựng hoàn thành cuối năm 1898, cao 35 m, do kỹ sư người Pháp Snavat thiết kế.
Trên đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có những người làm nhiệm vụ vận hành đèn biển. Du khách có thể thuê ca nô tham quan và cắm trại xung quanh đảo nhưng không được phép lên hải đăng.
Bãi biển Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận giáp ranh với TP Phan Thiết. Nơi đây có cung đường biển với một bên là biển xanh ngút mắt, còn một bên là đồi cát trắng trải dài. Vùng biển hoang sơ này còn thích hợp phát triển du lịch biển gắn với các môn thể thao dù lượn hay lướt sóng.
Bãi biển Tân Thành, thị xã Gò Công, Tiền Giang, thu hút các tay máy với các khoảnh khắc săn ảnh trong bình binh và hoàng hôn. Bãi biển nằm cách trung tâm TP Mỹ Tho khoảng 50 km và cách TP HCM khoảng 78 km, nên phù hợp cho các chuyến đi trong ngày.
Tân Thành sở hữu những triền cát đen trải dài khoảng 7 km và đặc trưng là chòi canh nghêu trên bãi biển. Đến đây, du khách không nên bỏ qua các loại hải sản tươi ngon như nghêu, cua hay ốc móng tay.
Những điều cực thú vị về mũi Kê Gà ở Bình Thuận
Trên thực tế, mũi Kê Gà không phải mũi đất đúng nghĩa mà là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét. Về tên gọi Kê Gà có nhiều lý giải khác nhau...
Thuộc địa phận xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 40 km về phía Tây Nam, mũi Kê Gà là một địa danh nổi tiếng với cảnh quan độc đáo và những câu chuyện lịch sử lý thú.
Trên thực tế, mũi Kê Gà không phải mũi đất đúng nghĩa mà là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi Kê Gà với đất liền. Quanh mũi đất này là nhiều bãi đá với hình thù lạ mắt.
Về tên gọi Kê Gà có nhiều lý giải khác nhau. Theo một cách lý giải phổ biến trong dân gian, mũi Kê Gà còn được gọi là Khe Gà vì mũi đất có một cái khe giống đầu mỏ của một con gà. Theo thời gian, người dân đọc trại Khe Gà thành Kê Gà.
Một cách lý giải khác cho rằng mũi đất này là một phần đất tách rời từ núi Cẩm Kê mà trong sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Kê Dữ (tức "Đảo Gà"), là vì nơi đây có đàn gà rừng với màu lông sặc sỡ sống bên khe suối có dòng nước ngọt chảy ra biển...
Trong lịch sử hàng hải khu vực Đông Dương, mũi Kê Gà là một vị trí hiểm yếu của tuyến đường biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Từ hàng thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí.
Vào thời thuộc địa, để đáp ứng nhu cầu vận tải và quân sự, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà từ năm 1897. Ngọn hải đăng có chiều cao 35 mét, từ tầm ngọn đèn đến mặt biển là 65 mét. Tương truyền, nhiều người đã thiệt mạng do tai nạn khi xây dựng công trình.
Hải đăng Kê Gà bắt đầu hoạt động từ năm 1900. Ngọn đèn trên đỉnh hải đăng được thắp sáng bằng máy phát điện. Do vậy mũi đất này còn được người dân địa phương gọi là Mũi Điện.
Với tuổi đời 120 năm, hải đăng Kê Gà chính là ngọn hải đăng cổ nhất của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là ngọn hải đăng có chiều cao thứ nhì trong số khoảng 90 ngọn hải đăng ở mảnh đất hình chữ S.
Ngày nay, khung cảnh xung quanh mũi Kê Gà vẫn còn rất nguyên sơ. Đây thực sự là một điểm tham quan hấp dẫn dành cho du khách khi đến thăm tỉnh Bình Thuận.
Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.
Quốc Lê
Theo kienthuc.net.vn
4 ngày 3 đêm vi vu Quy Nhơn - Phú Yên không lo dịch bệnh Trong thời gian eo hẹp, bạn vẫn có thể vi vu hành trình Quy Nhơn - Phú Yên với đầy đủ các điểm đến nổi tiếng như Kỳ Co - Eo Gió, gành Đá Đĩa, Mũi Điện... Quy Nhơn (Bình Định) và Phú Yên là 2 điểm đến "hot" bậc nhất khu vực phía nam trong những năm trở lại đây. Cả 2...