Về chợ quê nhớ ghé hàng bánh cuốn mỡ hành
Thành phố chẳng thiếu những món ăn ngon, từ món ăn bình dân đường phố, đến sơn hào hải vị, nhưng chưa khi nào lại thấy thèm, thấy nhớ đến cồn cào món bánh cuốn tráng mỡ hành chợ phiên.
Quê tôi, ruộng đồng nhiều, nông dân vẫn chiếm đại đa số, nhưng số đông là người trung niên, người già, lớp trẻ theo đuôi nhau lên thành phố ăn học rồi lập nghiệp, định cư luôn ở đó. Có lẽ cũng bởi vậy mà cái chất quê kệch vẫn đậm đà trong đất và người nơi đây. Trồng trọt, cấy hái lúa vẫn chủ yếu là tự cung, tự cấp, vườn rộng, ao sâu nên rau, cá quanh năm. “Cái chợ” mang đúng nghĩa là nơi để trao đổi hàng hóa. Mà hàng quê nên giá cũng rẻ bất ngờ, nhất là hàng quà, hàng bánh. Không được phong phú như ở thành phố, gánh xôi, hàng bánh mì, nồi bún riêu chỉ là những chiếc bàn ghế gỗ tự đóng lấy, thấp lè tè trong gian chợ còn lụp xụp nhưng lại mang cái vị rất riêng.
Ảnh minh họa
Người chưa từng ăn có khi thấy nó nhạt thếch, thiếu vị nhưng đối với tôi những hàng quà, hàng bánh ấy là cả một tuổi thơ ngồi chợ với mẹ. Nên có lẽ có chút ưu ái tình riêng chăng? Mỗi khi đi xa về gần, tôi thấy nhớ làm sao bát bún riêu ốc nóng hổi chan với nước hầm xương cùng vài lát cà chua với hành hoa lác đác. Đủ ấm bụng, đủ vị ngọt thanh, giòn sần sật của ốc. Nhớ nhất là gánh bánh cuốn đầu làng. Đến bây giờ, mỗi dịp về quê là sáng hôm sau, món ăn sáng của cả nhà nhất định là bánh cuốn. Từng chiếc bánh mỏng tang như lụa bạch nhưng vẫn dai, màu trắng ngà mà thanh khiết, vị bánh thơm mùi gạo mới để lại dư âm thật khó quên.
Bánh cuốn thì ở đâu cũng có nhưng bánh cuốn quê tôi có nét đặc trưng, không phải nhân thịt băm mộc nhĩ mà là bánh trắng nhân mỡ hành. Lớp bánh được tráng mỏng, cuốn lại, rắc chút hành phi vàng ươm, thơm phức, ăn cùng nước chấm và miếng chả quế. Thứ bánh đó, khi bỏ vào miệng, cứ tuồn tuột như trượt nước, miếng bánh cứ thế mà trôi từ khoang miệng xuống cuống họng và xuống dạ dày, để lại một thứ mùi thơm thật dễ chịu của hương lúa trổ đòng, của hương chanh cốm ngắt vội trong vườn nhà đẫm hơi mưa.
Video đang HOT
Ngày còn bé, mỗi lần ra chợ với mẹ, tôi cứ bị hút hồn bởi gánh bánh cuốn, đôi tay thoăn thoắt, khéo léo của người tráng như biểu diễn nghệ thuật. Làm sao cho miếng bánh vừa mỏng, vừa đều mà lại không bị rách là điều không phải ai cũng làm được. Một gáo bột múc vừa đủ đổ lên màng hấp, chiếc đũa cả để xoa bột thành một lớp mỏng, đều hình tròn. Sau đó, nắp nồi lập tức được đậy kín. Khoảng một phút sau, mở nắp nồi, hơi nóng bốc lên nghi ngút, vẫn chiếc đũa ấy khéo léo gỡ bánh khỏi màng hấp, cất lên và đưa vào đĩa, cắt miếng vừa ăn, kèm chả quế, rau mùi, tía tô thì đúng là món ngon trứ danh.
Có những lúc nhớ quê, thèm được về với mẹ như ngày xưa, ngồi lê hàng quà, hàng bánh, nhất là những ngày đông lạnh như hôm nay được cắn miếng bánh cuốn nóng hổi từ đôi tay khéo léo điêu luyện… Nghĩ đến thôi mà thấy cồn cào.
Theo Phapluatxahoi
Nét đặc trưng văn hóa tại chợ phiên Mường Quạ
Nhộn nhịp, náo nức, tấp nập kẻ bán người mua và rực rỡ sắc màu trang phục của các sơn nữ vùng cao... là những điều mà du khách dễ dàng cảm nhận khi tham gia chợ phiên Mường Quạ, huyện Con Cuông vào những ngày cuối năm.
Một trong những chợ phiên có nhiều người tìm đến ở Huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) là chợ phiên Mường Quạ mỗi tháng họp 1 lần. Chợ bày bán nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc và các mặt hàng mang đậm những nét văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai.
Quang cảnh chợ phiên Mường Q uạ ở xã Môn Sơn - Huyện Con Cuông , tỉnh Nghệ An
Chợ phiên là không gian giao lưu, mua bán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận như Anh Sơn, Tương Dương... Đây vừa là nơi tập trung giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá. vừa là không gian độc đáo đa sắc màu của văn hóa các dân tộc anh em. Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đã đến chợ, bày biện hàng hóa.
Chợ phiên Mường Q uạ (huyện Con Cuông ) họp 1 tháng một lần thu hút rất nhiều người tìm đến
Chợ phiên họp từ sáng sớm cho đến khoảng 11 giờ trưa. Đi chợ phiên cuối năm ở đây, mỗi người sẽ cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được duy trì.
Những ngày cận Tết, chợ phiên thường đông người, náo nhiệt hơn song chợ vẫn bày bán chủ yếu các mặt hàng truyền thống, do người dân địa phương sản xuất như: Váy, áo thổ cẩm, cá suối, măng rừng, cơm lam...
Rấ nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm... của đồng bào dân tộc Thái được mang đến phiên chợ
Đến chợ phiên những ngày cuối năm sẽ thấy khung cảnh kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp. Nhiều quầy hàng bày bán các sản phẩm nông sản, nhu yếu phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai.
Bà Vi Thị Tiến - Bản Lằng Càng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông chia sẻ, tháng nào cũng đi chợ phiên để mua sắm đồ cho gia đình và các con cháu. Rồi những sản phẩm gia đình làm ra mang đến mua bán, trao đổi...
Phiên chợ này cũng là dịp để cho mọi người mua sắm cho mình những bộ quần áo thổ cẩm mặc trong dịp tết cổ truyền sắp tới
Là một tiểu thương kinh doanh tại chợ phiên Mường Quạ, chị Hà Thị Hành cho biết, ở chợ phiên này có đầy đủ các mặt hàng để phục vụ nhu cầu của người dân trong bản và các vùng lân cận. Tháng nào cũng vậy cả người bán và người mua đều rất đông vui.
Chợ phiên vùng cao những ngày này nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Đó không chỉ là nơi người dân mua sắm, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc.
Đến Chợ phiên Mường Quạ , du khách còn được thưởng thức rượu cần nấu từ men lá đặc trưng của đồng bào Đan Lai
Đến với chợ phiên vùng cao của đồng bào dân tộc Thái ở Môn Sơn là đến với tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp, chân tình. Những phiên chợ vùng cao nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc. Du khách khi đến đây không những được tham quan phong cảnh ở đây mà còn cảm nhận nét văn hoá riêng của vùng cao biên giới.
Hoàng Trinh
Theo congthuong.vn
Bộ tranh: Sẽ buồn biết bao nhiêu nếu những ngày thơ bé ấy, bên cạnh chúng ta thiếu đi sự tồn tại của bà Tuổi thơ của những đứa trẻ có bà dường như trọn vẹn hơn, đủ đầy hơn và cũng lắm ký ức hơn rất nhiều. Tiếng ầu ơ ru hời bên võng, tiếng gió quạt mo phe phẩy mỗi đêm hè, tiếng gọi thân thương "Út đâu, về ăn cơm!", tiếng kể truyện cổ tích chầm chậm mà ấm ấm... Tất cả những âm...