Về cái gọi là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”
Thời gian gần đây, một số người đã đưa ra cái gọi là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”, đòi “Quốc hội dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi”, đòi “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”…
Họ liệt kê, trích dẫn những hạn chế đã được Đảng ta đánh giá để dựa vào đó cố tình xuyên tạc, thổi phồng khuyết điểm, vẽ “bức tranh xám xịt” về xã hội ta; triệt để lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền để đả kích, nói xấu, quy kết trách nhiệm, bôi nhọ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, những thành tựu của cách mạng Việt Nam. Điều họ muốn là nhân dân Việt Nam phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn để thực hiện cái gọi là “chuyển đổi thể chế chính trị một cách ôn hòa” đi theo con đường tư bản chủ nghĩa…
Điều họ cần biết là những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu. Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta ghi nhận, khẳng định và tiếp tục khẳng định là không thể thay thế. Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đó là sự thật hiển nhiên, không thể phủ nhận, xuyên tạc, bác bỏ. Những luận điệu của cái gọi là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” đều mang bản chất cơ hội, thực dụng, không nhằm mục đích đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc ta mà nhằm mục đích xóa bỏ thành quả cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đi ngược lại với ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
Video đang HOT
Chúng ta không ngạc nhiên trước những luận điệu trên và những luận điệu này cũng đã từng được các thế lực thù địch, phản động sử dụng để thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động bạo loạn, nhằm thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã từng chịu cảnh áp bức, đô hộ, nước mất nhà tan do chế độ thực dân, phong kiến áp đặt; phải gánh chịu bao nhiêu đau thương, mất mát trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, luôn hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do và cuộc sống bình yên, hạnh phúc ngày hôm nay. Cho dù cuộc sống còn nhiều thử thách trong hiện tại và ở phía trước, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam; đoàn kết, bảo vệ thành quả cách mạng, phấn đấu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời đã từng mong ước.
Hoàng Nghĩa Sử
Theo ANTD
Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng
Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định: "Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế, cơ chế vận hành cụ thể để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp"; "Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền".
Như vậy, Đảng ta đã xác định rõ hai nguyên tắc nền tảng cần quán triệt trong việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là: bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp với kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ chế bảo vệ hiến pháp là một bộ phận của cơ chế kiểm soát việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế này phải quán triệt hai nguyên tắc trên.
Mối quan hệ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không phải là tách biệt, "kìm hãm, đối trọng" nhau, mà là phối hợp, hỗ trợ nhau cùng thực hiện quyền lực nhà nước. Hoạt động của cơ chế bảo vệ hiến pháp, do vậy, cũng phải đảm bảo cho mối quan hệ giữa các cơ quan này theo đúng cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát trong hệ thống quyền lực thống nhất. Đây là đặc trưng cơ bản của cơ chế bảo vệ hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa nếu so sánh với cơ chế bảo vệ hiến pháp trong nhà nước pháp quyền tư sản, vận hành theo nguyên tắc tam quyền phân lập.
Quan điểm về việc bảo đảm cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Những quy định về bảo vệ hiến pháp phải do nhân dân tham gia xây dựng, thực sự thể hiện đầy đủ, chính xác ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng bào, chiến sĩ cả nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của Dự thảo, trong đó đa số ý kiến đề nghị duy trì, phát huy hiệu quả của cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành và không cần thiết thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 cũng cho thấy, trong những năm qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ... trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp quy định, đã làm tốt việc giám sát thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền được thực hiện trên thực tế.
Vấn đề đặt ra là tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện hành, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm tra của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp và không thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Văn Minh Đức
Theo ANTD
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về việc không thành lập Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước; là văn bản chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ, do đó, cơ chế bảo vệ hiến pháp cũng mang tính chính trị, pháp lý của Nhà nước và chế độ đó. Về phương diện lý luận, Nhà nước...