Về An Giang mùa nước tràn đồng
Khi đến An Giang thời điểm này, du khách dễ dàng bắt gặp những hàng cây thốt nốt soi bóng nước, tạo nên bức tranh làng quê thanh bình.
Mùa nước nổi cũng là lúc người dân vùng Bảy Núi đánh bắt cá đồng, kiếm thêm thu nhập.
Mùa nước nổi ở An Giang thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, khi đó, dòng nước từ những con sông lớn tràn đầy kênh rạch, ao hồ và đồng ruộng. Ảnh: Dương Việt Anh
Nước tràn vào đồng ruộng, kênh rạch… hòa hợp với những rặng cây, rặng núi tạo nên cảnh sắc thơ mộng ở vùng Bảy Núi. Ảnh: Dương Việt Anh
Vào mùa này, những hàng thốt nốt hay đồng ruộng ngập nước cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều du khách và nhiếp ảnh gia về sáng tác ảnh. Ảnh: Dương Việt Anh
Hàng cây thốt nốt vươn cao, có cây lại uốn cong thân và khi chúng soi bóng mặt nước tạo nên cấu trúc đối xứng đẹp mắt. Ảnh: Dương Việt Anh
Video đang HOT
Mùa nước về cũng tạo điều kiện lý tưởng cho người dân đánh bắt cá đồng. Đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Ảnh: Dương Việt Anh
Sáng sớm, khi ánh mặt trời chiếu rọi qua hàng cây thốt nốt là lúc người dân sẽ bắt đầu đi gỡ lưới cá đồng. Ảnh: Dương Việt Anh
Mùa nước nổi mang lại nguồn thủy sản dồi dào, giúp chế biến những món ăn hấp dẫn như cá linh nấu bông súng, tép xào điên điển, cá lóc nướng trui, cua đồng luộc… Ảnh: Dương Việt Anh
Nhịp sống mùa nước nổi
Mỗi năm đến mùa nước nổi, bao cảm xúc lại dâng trào trong ký ức của người dân miền Tây.
Cảnh đẹp dung dị, sản vật tươi ngon và những cảm xúc vui buồn của những người gắn bó bao đời theo mùa nước nổi luôn là chủ đề không có hồi kết.
Con nước mang theo phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng, hứa hẹn vụ mùa tiếp theo lúa, rẫy tốt tươi.
Cảnh sắc đặc trưng ở những tiểu vùng trồng lúa. Khoảng 5 năm nay, một số địa phương đã có chủ trương luân phiên ngưng sản xuất trong vụ 3, đón lũ để rửa sạch đồng ruộng, sắp xếp lại lịch thời vụ.
Đó cũng là lúc dân mưu sinh theo mùa nước nổi nhộn nhịp mùa làm ăn. Ở các con kênh lớn, nước lên xóa nhòa ranh giới những cánh đồng xung quanh. Bóng người càng trở nên nhỏ bé, chênh vênh...
Nguồn sản vật dồi dào trong mùa nước nổi giúp cho người dân có thêm thu nhập từ thiên nhiên. Nhưng không phải năm nào cũng hồ hởi niềm vui. Tài nguyên dần cạn kiệt, mỗi người lại có những cung bậc cảm xúc thăng trầm quanh chuyện kiếm chén cơm trong mùa lũ.
Những người không có việc làm ổn định, họ nương theo mấy tháng mùa nước nổi có thể kiếm "bộn" tiền. Cũng có người đã trót gắn bó nhiều năm, nên giờ bỏ nghề họ lại... nhớ.
Cá tôm khai thác từ nhiều nơi, những phiên chợ từ tờ mờ sáng thêm phần rộn rã. Để kịp chở cá đồng ra buổi chợ sớm, các bạn hàng phải thu mua từ khuya và nhanh chóng tỏa đi các điểm đầu mối.
Ánh sáng leo lét của những phiên chợ khuya chỉ thấy rõ mặt hàng, tiền giao dịch. Bạn hàng có thể là người quen biết đã lâu, cũng có thể từ chỗ khác mới đến. Quan trọng là mua bán nhanh gọn, được lòng cả đôi.
Ngoài cá, tôm..., thì chuột đồng, ếch đồng, cua... cũng là "mồi" được săn rất nhiều trong mùa nước nổi. Ngoài chuyện mưu sinh, nhiều người cũng thích thú tham gia tìm bắt sản vật như một thú vui giải trí.
Chiến lợi phẩm mang về, ít thì trở thành bữa cơm nhà ngon lành nức mùi đồng quê, nhiều hơn thì đem bán lấy vài đồng để có quà bánh cho trẻ con. Ấy là niềm vui riêng của người dân quê miền Tây.
Những niềm vui dung dị đọng lại sâu sắc trong ký ức. Dù mùa nước nổi bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Người miền Tây vẫn chờ đợi để được gợi lại một thời "cá tôm đầy đồng" hoặc chỉ để ôn lại một phần tuổi thơ, mà không phải đứa trẻ nào cũng được trải nghiệm.
Ia Nung... mùa nước nổi Nhắc đến 'mùa nước nổi', ta thường nghĩ về hiện tượng thú vị ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, ở thung lũng Ia Nung (gồm các tổ 1, 2, 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), cứ vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, cũng có một mùa nước nổi mênh mang...