Vật vã bên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Đi không được, ở không xong
Gần chục năm nay, hàng ngàn hộ dân sống trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) không chỉ phải sống khổ trong tình cảnh thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày bị ô nhiễm ,mà còn phải chịu hệ lụy nợ nần, nhiều khu tái định cư xây xong bỏ hoang xuống cấp trầm trọng.
Ôm nợ vì nhường đất cho dự án
Có mặt tại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này, chúng tôi không chỉ nghe tiếng kêu than xé lòng của người dân khi phải sống lay lắt suốt gần chục năm bên dự án treo, mà còn được chứng kiến những câu chuyện “cười ra nước mắt”.
Khu TĐC thuộc thôn Long Giang (xã Thạch Khê) bỏ hoang đã lâu, người dân không có đất sản xuất đã tận dụng trồng hoa màu. Ảnh: P.V
Phóng viên tìm đến gia đình ông Phan Trọng Đào (61 tuổi, trú tại thôn Long Tiến, xã Thạch Khê). Nghe hỏi chuyện cuộc sống, ông Đào lắc đầu ngao ngán: “Gia đình tôi thuộc diện di dời tự do, được cấp trên hứa sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng. Tôi cùng một số hộ dân vay tiền để mua đất với hy vọng sớm ổn định ở nơi ở mới. Năm 2010, gia đình tôi mua 500 cây cà phê, 2 sào lúa cùng 1 ngôi nhà cấp 4 ở huyện Eakar (tỉnh Đăk Lăk) với giá 200 triệu đồng. Vì nghĩ sắp chuyển vào nơi ở mới, chỉ ở tạm ở đây đến khi nhận tiền đền bù nên nhà cửa không tu sửa lại, ruộng vườn không gia cố. Chờ đợi mãi đến đầu năm 2011, nghe tin dự án mỏ sắt tạm ngừng. Kể từ đó đến nay tiền đền bù không thấy, tôi vay mượn đủ bề cũng chỉ trả được 100 triệu đồng, còn 100 triệu đồng nữa không cách nào xoay nổi đành trả lại mảnh vườn cho chủ”.
“Gia đình tôi đổ nợ vì không chỉ nhường đất cho dự án. Cùng thời điểm đó chủ đầu tư thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng, họ bảo gia đình cứ di dời mộ của người thân trên khu vực Đồng Xiêm, Đồng Trăm về nghĩa trang Cồn Hát Chung, sau đó sẽ được đền bù. Tôi và anh em trong dòng họ vay mượn, thuê người cất mộ, mua vật liệu về xây lại mộ cho người thân ở nghĩa trang hết 70 triệu đồng nhưng đến nay cũng chưa nhận được đồng nào”- ông Đào lắc đầu ngao ngán.
Không chỉ ông Đào bỗng dưng phải gánh thêm một đống nợ vì nhường đất cho dự án, ông Phan Xuân Hương (trú tại xóm Long Tiến) cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. “Khi có chủ trương di dời dân thuộc vùng bị ảnh hưởng của mỏ sắt Thạch Khê, họ hứa sẽ đền bù nên gia đình tôi đã vay mượn vào Đăk Lăk mua mảnh đất để định cư lâu dài. Ngờ đâu chờ mãi không thấy tiền hỗ trợ, mỏ sắt nay không lấy đất nữa, gia đình tôi đành ôm nợ”.
Một trong những lý do Bộ Kế hoạch- Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê là năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư tổ hợp dự án theo tiến độ. Lý do nữa là Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê. Đặc biệt, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường…
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Dương Đình Tiến – Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: Dự án mỏ sắt Thạch Khê toàn xã có gần 900 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 850/1.047ha đất nông nghiệp nằm trong diện giải tỏa.
“Cái khó nhất của địa phương hiện nay là số hộ thuộc diện di dời tự do, nhiều gia đình mua đất ở địa phương khác nhưng vẫn phải ở lại để chờ tiền hỗ trợ, nhiều gia đình dù đã đặt cọc tiền mua đất tái định cư nhưng lại không gom đủ tiền để trả, còn đất dự án chưa lấy khiến dân ôm nợ”-ông Tiến cho biết thêm.
Xây khu tái định cư rồi bỏ hoang
Để khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh chủ trương di dời hơn 4.000 hộ dân nằm trong vùng quy hoạch về nhiều khu tái định cư (TĐC). Sau 6 năm tạm dừng dự án, nhiều khu TĐC trở thành những bãi đất hoang.
Ghi nhận của phóng viên tại khu TĐC thuộc xã Thạch Đỉnh, người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, không có đất sản xuất…
Video đang HOT
Chỉ tay về bãi đất trống, bà Nguyễn Thị Nga (53 tuổi, ở thôn Trường Xuân, Khu TĐC Thạch Đỉnh) cho biết: “Sau khi chúng tôi chuyển đến đây ở, nghe nói sẽ có thêm nhiều hộ trong xã di dời về lô thứ 2, nhưng gần chục năm nay không thấy động tĩnh gì. Dân thì chưa đến ở mà cơ sở vật chất đã xuống cấp hết rồi, đèn đường cháy, hội quán xây xong toàn bộ cửa sổ bị gỡ hết, nhà nứt nẻ”.
Ông Nguyễn Đình Ân (thôn 5, xã Thạch Đỉnh) lắc đầu ngao ngán: “Mấy năm nay rồi, khu TĐC này trở thành nơi chăn thả trâu bò, đổ rác, lãng phí lắm!”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hồng – Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cho biết: “Khu TĐC Thạch Đỉnh quy hoạch trên diện tích 50ha được chia làm hai khu. Hiện, lô thứ nhất (thôn Trường Xuân) đã có 68 hộ dân đến sinh sống. Khu đất còn lại mặc dù đã được xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, qua thời gian cơ sở vật chất xuống cấp, hiện chúng tôi đang chờ chỉ thị của cấp trên”.
Còn tại khu TĐC thôn Long Giang (xã Thạch Khê), không khác gì khu TĐC xã Thạch Đỉnh, cũng cảnh hoang tàn, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, không có hệ thống điện, nước. Nhiều hộ dân thấy đất bỏ hoang lãng phí, trong khi đó không có đất canh tác nên đã ra tận dụng để sản xuất nông nghiệp.
Ông Dương Đình Tiến cho biết: “Khu TĐC thôn Long Giang được quy hoạch trên diện tích 21ha, dự kiến sẽ di dời 430 hộ về khu TĐC. Tuy nhiên, đến nay cơ sở vật chất ở khu TĐC đã xuống cấp, hệ thống nhà văn hóa cơ bản bị hư hỏng, hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng chưa hoàn thiện cũng đã có dấu hiệu xuống cấp”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi đã làm hết khả năng của địa phương, ngay từ khi triển khai dự án đã tuyên truyền, động viên nhân dân kiểm đếm giải phóng mặt bằng đúng yêu cầu của chủ đầu tư. Đến nay dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đang tìm mọi cách để an dân, phần việc còn lại đành phải tiếp tục chờ”.
Theo Danviet
Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Vì sao các đại gia khai thác mỏ thế giới rút lui?
Với trữ lượng thăm dò lên đến 544 triệu tấn, hàm lượng sắt cao, nằm tập trung, mỏ sắt Thạch Khê luôn nhận được sự quan tâm của các đại gia khai thác mỏ của thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Thế nhưng, họ đến rồi lặng lẽ rời đi. Vì sao?
Bỏ đi vì... chưa có lãi?
Theo nhiều tài liệu đã công bố trước đây, với trữ lượng lên đến 544 triệu tấn, mỏ sắt Thạch Khê chiếm gần 50% tổng trữ lượng quặng sắt Việt Nam và là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Với hàm lượng sắt cao (Fe>61%), nằm tập trung trong một khu vực, quặng sắt Thạch Khê có nhiều lợi thế cho việc tuyển và chế biến với quy mô lớn. Đặc biệt, tổng giá trị của khu mỏ được định giá lên đến 35 tỷ USD càng thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.
Mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá có trữ lượng 544 triệu tấn, trị giá kinh tế 35 tỷ USD.
Thực tế, dành sự quan tâm rất lớn cho mỏ sắt Thạch Khê, trong hơn nửa thế kỷ qua, bắt đầu từ năm 1960, các chuyên gia, đoàn địa chất nước ngoài, gồm Liên Xô (sau này là CHLB Nga), Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Phi đã tiến hành khoan thăm dò, lập báo cáo kết quả thăm dò nhằm phục vụ cho việc lập dự án đầu tư khai thác mỏ sắt này.
Cụ thể, từ 1961 đến 1987, các chuyên gia, đoàn địa chất đến từ Liên Xô đã tiến hành khoan kiểm tra, lập báo cáo kết quả thăm dò tỉ mỉ, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật (TEO) liên hợp thép tại Hà Tĩnh, bao gồm Dự án khai thác, tuyển mỏ Thạch Khê với công suất 3 triệu tấn/năm và Dự án luyện gang lò cao và sản xuất thép với công suất 1,5 triệu tấn/năm.
Năm 1990 - 1991, liên doanh hai công ty của Đức là Krupp và Lohrho Pacific đã lập báo cáo tiền khả thi khai thác mỏ với công suất 10 triệu tấn tinh quặng/năm. Sản phẩm chủ yếu dùng cho xuất khẩu.
Cùng thời điểm này nhóm các công ty của Nhật Bản do Nippon Steel đứng đầu cùng với Mitsui, Nachimen và Nissho Iwai đã lập báo cáo tiền khả thi khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê với công suất 5 triệu tấn/năm.
Năm 1994 các công ty khác của Đức là Công ty tư vấn kỹ thuật Dr Otto Gold lập "Báo cáo đánh giá địa chất và chất lượng mỏ quặng sắt Thạch Khê" và Công ty Rheinbraun Engineering (RE) lập Dự án tháo khô mỏ bằng phương pháp mô hình hóa và lỗ khoan hạ thấp nước ngầm.
Từ năm 1994 - 1997, dựa vào kết quả nghiên cứu của hai công ty Đức nói trên, tổ hợp các nhà đầu tư Krupp (Đức), Tập đoàn Genco (Nam Phi), Mitsubishi (Nhật Bản) đã rất quyết tâm thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê khi lập dự án khai thác mỏ với công suất 10 triệu tấn/năm. Các tập đoàn này đã khoan 21 lỗ, lấy 65 tấn mẫu quặng sắt gửi sang Đức nghiên cứu luyện kim.
Từ 2004 -2007, các công ty của Nga lập dự án khai thác 5 triệu tấn quặng/năm để sản xuất quặng thiêu kết (PA1) và phương án (PA2) để sản xuất quặng vê viên cho luyện gang lò cao.
Mặc dù đã đổ công sức, tiền của cho việc lập các dự án, nhưng cuối cùng không một liên danh, hay công ty nước ngoài nào bỏ vốn đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Theo tài liệu mà ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam và GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam Hội thông tin tại Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức vào ngày 25/7 vừa qua tại Hà Nội, thì lí do mà các đại gia khai thác mỏ của thế giới từ bỏ đầu tư dự án sắt Thạch Khê là do dự này... chưa có lãi!
Các đại gia khai thác mỏ của thế giới từ bỏ đầu tư dự án sắt Thạch Khê là do dự này... chưa có lãi
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, số liệu địa chất thăm dò quặng Thạch Khê mà Việt Nam công bố trước đây là có độ tin cậy, tuy vậy do hàm lượng kẽm trong quặng cao, hơn 0,07% so với quặng thế giới, nên chi phí tuyển luyện tốn kém hơn.
Tiếp đó, là điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình phức tạp cũng khiến chi phí sản xuất cao.
Ngoài ra, các đại gia khai mỏ của nước ngoài đánh giá, trữ lượng quặng sắt Thạch Khê 544 triệu tấn mà Việt Nam đã công bố khác với tiêu chuẩn về trữ lượng và tài nguyên của quốc tế. Trữ lượng 544 triệu tấn mà Việt Nam công bố thực chất là gồm trữ lượng có giá trị công nghiệp và tài nguyên dự tính.
"Với công nghệ khai thác, giá thành quặng khai thác, tuyển, chế biến, giá sản phẩm gang thép lúc đó, thì khai thác sắt Thạch Khê chưa có lãi. Thế nên họ đã rút quân đi, không đầu tư tiếp"- GS.TS Đặng Trung Thuận thông tin.
Lo ngại dư thừa quặng sắt
Một trong những lo ngại được đặt ra là: Nếu được Chính phủ chấp thuận cho tái khởi động thì TIC sẽ bán quặng đi đâu, bởi một thực tế nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong nước không lớn, trong khi nguồn cung trên thế giới gia tăng mạnh mẽ.
Hiện tổng khối lượng mà Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) và các địa phương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác đến 12,9 triệu tấn/năm, tương đương 8 triệu tấn quặng tinh. Nhưng thực tế, theo các chuyên gia, sản lượng tiêu thụ hiện khá hạn chế, khoảng hơn 1 triệu tấn, chỉ phục vụ cho các nhà máy thép của Tập đoàn Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép Việt Trung)...
Sản lượng tiêu thụ hiện khá hạn chế cộng với một số dự án thép lò cao như Vạn Lợi (Vũng Áng, Hà Tĩnh), thép Mega Vinastar (Quảng Ninh) không kịp đầu tư hoặc đổ vỡ, nên gần đây đã đã xẩy ra tình trạng tồn kho quặng sắt. Để giảm thiểu khó khăn, cuối năm 2016, đầu 2017, một số doanh nghiệp đã có văn bản xin được xuất khẩu lượng hàng tồn kho này.
Theo các chuyên gia, hiện nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong nước không lớn, trong khi nguồn cung trên thế giới gia tăng mạnh mẽ.
Trong khi đó, xu thế nguồn cung của thế giới vẫn liên tục tăng, khiến giá quặng sắt có chiều hướng giảm.
Theo dự báo của CitiGroup (ngân hàng lớn thứ tư thế giới), dù đã chi phối thị trường quặng sắt thế giới nhưng 2 quốc gia Australia và Brazil vẫn không ngừng tăng sản lượng. Dự báo, từ năm 2016 đến 2020, Brazil sẽ tăng sản lượng quặng sắt từ 371 triệu tấn lên 480 triệu tấn, còn Australia cũng sẽ tăng từ 835 triệu tấn lên 934 triệu tấn. Chỉ tính riêng hai Tập đoàn Vale (Brazil) và BHP Billinton (Australia) cũng tăng sản lượng lên thêm 100 triệu tấn/năm.
Đáng lo ngại hơn, nhu cầu của Trung Quốc, thị trường ngốn đến 80% sản lượng quặng sắt thế giới dẫu tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên đây chỉ là nguồn nhu cầu ngắn hạn. Chủ trương loại bỏ các lò luyện thép chất lượng thấp và tăng sử dụng thép phế thải càng khiến nhu cầu quặng sắt của nước này giảm mạnh trong tương lai.
Việc sản lượng tăng, nhu cầu giảm đã khiến giá quặng sắt giảm rõ rệt trong thời gian qua. Tính từ đầu tháng 9/2016, giá quặng sắt đã giảm 3,7%. Xu thế giá quặng sắt sẽ giảm dưới mức 50USD/tấn.
Theo nhận định của ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, với diễn biến sản xuất quặng của thế giới thời gia qua thì giá quặng sắt giảm xuống dưới mức 50USD/tấn là có thể xẩy ra. Nếu mức giá này thì sắt Thạch Khê sẽ sản xuất lỗ.
"Nếu về mức giá 50 USD trở xuống là ta sản xuất lỗ. Nếu tính đến việc tuổi thọ của lò cao giảm đi do hàm lượng kẽm cao, chi phí bão dưỡng tốn hơn vật liệu và những yếu tố rủi ro khác trong quá trình khai thác quặng mà ta chưa lường hết được thì quặng sắt Thạch Khê sẽ rất khó bán"- ông Minh đưa ra nhận định.
Văn Dũng
Theo Dantri
Khánh Hòa tiếp nhận 2 tàu cảnh sát biển hiện đại hàng đầu Đông Nam Á Hải đội 302 thuộc Vùng Cảnh sát biển III đóng tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), ngày 24/11, đã tiếp nhận 2 tàu cảnh sát biển số hiệu 8005 và 7011. Đây là 2 tàu được xếp vào loại tiên tiến, hiện đại hàng đầu Đông Nam Á hiện nay. 2 tàu cảnh sát biển 8005 và 7011 neo đậu tại Hải...