Vật lý trị liệu sau chấn thương thể thao
Để lấy lại phong độ sau khi bị chấn thương, người chơi thể thao cần được tập vật lý trị liệu và theo một chương trình phục hồi chức năng bài bản.
Nắm vững nguyên tắc tập luyện để phòng ngừa chấn thương thể thao – Ảnh: Shutterstock
Một chấn thương có thể dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể đối với vận động viên ở các hệ vận động, hô hấp, tim mạch và cả tâm lý. Dù được điều trị bằng phẫu thuật hay không, để có thể tiếp tục chơi thể thao, mọi vận động viên cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều phải tuân theo một chương trình phục hồi chức năng phù hợp.
Đòi hỏi cao
Đối với người chơi thể thao sau chấn thương, mục tiêu của phục hồi chức năng là tạo điều kiện tốt nhất để họ tìm lại phong độ trước đó và tránh nguy cơ tái chấn thương. Do đòi hỏi cao hơn hẳn so với người bình thường nên chương trình phục hồi chức năng dành cho vận động viên cần được xây dựng chi tiết (dạng chấn thương, độ nghiêm trọng, chơi môn thể thao gì…).
Video đang HOT
Toàn bộ chương trình phục hồi chức năng là sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân vận động viên, gia đình, huấn luyện viên, chuyên gia vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, bác sĩ chấn thương chỉnh hình, chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý, thể lực… Từ chương trình tập luyện cơ bản ban đầu, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ theo dõi sát sao đáp ứng cơ thể của bệnh nhân để có những thay đổi phù hợp. Một điều quan trọng là vận động viên và huấn luyện viên cần phải tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định của bác sĩ và lời dặn của các chuyên gia trong đội phục hồi. Quay lại tập luyện hoặc thi đấu sớm, thực hiện những động tác chưa được cho phép… đều vi phạm vào “nguyên tắc vàng” của phục hồi chức năng là bảo vệ sự lành thương và có thể dẫn đến hậu quả xấu như tái chấn thương ở mức độ nặng nề hơn.
Các giai đoạn tập luyện
Sau chấn thương, dù phẫu thuật hay không cũng phải dành thời gian để mô bị tổn thương bắt đầu quá trình lành sinh lý. Chương trình chung tập luyện phục hồi chức năng theo các bước sau: giảm đau, giảm sưng và bảo vệ không cho tổn thương thêm; phục hồi tầm vận động khớp và sức mạnh cơ; phục hồi sức bền cơ và tim mạch; phục hồi phản xạ bản thể; phục hồi sự nhanh nhẹn; phục hồi các kỹ năng, động tác thường gặp; rèn luyện kỹ các tư thế và cách vận động an toàn của môn thể thao mình tham gia để từng bước tập luyện và thi đấu trở lại. Bệnh nhân sẽ được phục hồi bằng những phương pháp như di động cơ, di động khớp, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, các bài tập vận động trị liệu, dụng cụ nâng đỡ và hỗ trợ, chế độ dinh dưỡng và tư vấn tâm lý.
Vận động viên nên được hướng dẫn một số nguyên tắc chung để phòng ngừa chấn thương và tái chấn thương thể thao như: nắm vững và tuân thủ luật chơi, sử dụng dụng cụ hỗ trợ và bảo vệ thích hợp, không bao giờ “ráng tập luyện khi đã bị đau”, biết cách làm nóng và kéo giãn (là 2 bước riêng biệt) đúng cách trước khi chơi, làm “nguội” thích hợp sau khi chơi.
Theo VNE
Hiểu đúng về chấn thương thể thao
Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều vận động viên, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, phải giải nghệ sớm là vì chưa hiểu đúng về điều trị chấn thương thể thao.
Khi bị chấn thương do chơi thể thao, cần được điều trị càng sớm càng tốt - Ảnh: Shutterstock
Thực tế cho thấy nhiều vận động viên (VĐV) đỉnh cao của Việt Nam thường có tuổi nghề khá ngắn ngủi, rất ít người còn chơi cho đội tuyển khi đã ngấp nghé tuổi 30. Ở những người chơi nghiệp dư, việc tập luyện đều đặn cũng ít khi được duy trì trong suốt 10 - 20 năm. Nhiều trường hợp, nguyên nhân là không hồi phục sau chấn thương. Trong khi đó, trên thế giới, việc một VĐV chuyên nghiệp giành huy chương Olympic ở tuổi 30 không phải chuyện hiếm. Đơn cử là VĐV judo Ryoko Tani-Tamura của Nhật Bản. Ở hạng cân dưới 48 kg, ngoài 7 chức vô địch thế giới, chị từng dự 5 kỳ Olympic (từ 1992-2008) và đoạt huy chương cả 5 lần (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng). Tani-Tamura tham dự kỳ Olympic cuối tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khi đã 33 tuổi. Một trong những bí quyết để thi đấu đỉnh cao lâu dài của các VĐV nước ngoài là điều trị sớm khi bị chấn thương và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.
Điều trị càng sớm càng tốt
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết từng gặp nhiều VĐV, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, đến khám khi các tổn thương cơ xương khớp đã trở nên nghiêm trọng do để lâu. Họ không chịu chữa trị sớm vì nhiều nguyên nhân: sợ ảnh hưởng thành tích nên không nghỉ để điều trị; xem nhẹ các triệu chứng; ngại phẫu thuật... Ở những trường hợp chấn thương nặng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hư khớp. Đặc biệt quá trình này ở VĐV đỉnh cao diễn ra rất nhanh do cường độ vận động rất lớn.
Ví dụ cụ thể là dạng chấn thương trật khớp vai, bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ khi thực hiện những động tác như dạng tay xoay ngoài khi chơi quần vợt, cầu lông mới bị đau hay bị trật. Nếu bệnh nhân cứ "lướt" qua và để tình trạng này kéo dài, vai bị trật khớp nhiều lần sẽ dẫn đến hư mặt sụn khớp. Lúc đó, dù bác sĩ có phẫu thuật khâu lại sụn viền thành công cũng không giải quyết triệt để vấn đề vì đã xảy ra thoái hóa khớp. Tương tự, nhiều VĐV bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối mà vẫn băng bó lại để tiếp tục tập luyện. Đây chỉ là giải pháp tâm lý vì khớp gối vẫn bị mất vững, sụn chêm và sụn khớp gối bị hư dần, dẫn đến thoái hóa hoàn toàn mặt sụn khớp.
Tuân thủ quy trình điều trị
Theo bác sĩ Nam Anh, bệnh nhân cần tuân thủ quy trình điều trị, bao gồm thời gian bình phục và tập luyện phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu. Việc VĐV nôn nóng tập luyện, thi đấu quá sớm sau khi bị chấn thương sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Thời gian phục hồi thay đổi tùy theo từng loại chấn thương nhưng luôn tuân theo điều kiện lành sinh lý của mô, có uống thuốc hoặc dùng phương pháp gì cũng không rút ngắn được.
Đơn giản như rách cơ đùi cũng phải mất 3 tuần để lành mô xơ và thêm 3 tuần nữa để có thể thi đấu một cách an toàn. Bệnh nhân bị gãy xương sẽ mất từ 6-8 tháng để xương lành, tập sớm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như chậm lành xương do mất vững tương đối của vùng xương gãy, xương bị di lệch do vận động mạnh... Trường hợp được mổ tái tạo dây chằng chéo đầu gối, dây chằng "mới" phải mất tối thiểu 1 năm để có thể thật sự thay thế dây chằng bị đứt. Chưa đủ thời gian này, phần được tái tạo vẫn còn là mô xơ, nếu vận động mạnh rất dễ bị đứt trở lại.
Đáng chú ý là khi tái chấn thương, việc điều trị sẽ rất phức tạp. Chẳng hạn ở những ca được mổ khâu lại sụn viền khớp vai bị rách, để chơi thể thao lại, bệnh nhân cần từ 6 tháng đến 1 năm (tùy cường độ vận động) để đảm bảo bao khớp và sụn bám chặt vào xương. Nếu tập sớm quá sẽ làm bung sụn viền. Mổ để khâu lại sẽ rất khó vì bên trong khớp mô xơ bám nhiều làm thay đổi cấu trúc. Khâu lại khi mô chưa lành hẳn cũng cho chất lượng không tốt. Ngoài ra, những vị trí "chiến lược" để khâu đạt hiệu quả cao đã được dùng trong lần mổ đầu tiên.
Theo TNO
Hội chứng đau vai gáy Hội chứng đau vai gáy rất phổ biến ở những người thường xuyên sử dụng máy vi tính, nhân viên văn phòng, thợ may và thợ sửa chữa máy móc. Những đợt đau vai gáy cấp tính rất khó chịu Do tư thế đầu luôn ngả về phía trước trong suốt quá trình làm việc nên giai đoạn đầu thường là mỏi cổ...