“Vật chứng” đặc biệt của một vụ trọng án
Đã tròn 1 năm, cháu bé – “ vật chứng” đặc biệt trong một vụ án bắt cóc buôn bán trẻ sơ sinh vẫn ngơ ngác bởi nguồn gốc của mình.
Không gia đình, không người thân, “vật chứng” vụ án biết khóc, cười, biết uống sữa này vẫn hoài mong một tiếng gọi “Mẹ” khắc khoải.
Dù là “vật chứng” trong vụ án nghiêm trọng nhưng cháu bé cũng là một con người. Đã là người thì phải được chăm sóc và có tên gọi. Thế nên, sau khi đưa về trụ sở, “vật chứng” đặc biệt này nhanh chóng được các nữ cán bộ, nhân viên y tế chăm bẵm. Nhờ bàn tay khéo léo của các chị, chỉ một loáng là thằng bé đã thành người trở lại. Mọi người đều tạm gọi nó là thằng cu, cái tên dân dã hay dùng gọi các bé trai. Thế nhưng, khi đưa vào biên bản lời khai thì không thể gọi “vật chứng” đặc biệt này là “Thằng Cu” được. Thế là có một cuộc thảo luận nhỏ, Trung tá Đỗ Đình Đang, người được các chiến sỹ trẻ ở đơn vị hay gọi thân mật là “bố Đang” bảo, “lấy tên cậu thanh niên trẻ nhất đội đặt tên cho thằng bé”. Thế là “vật chứng” biết uống sữa, biết khóc, biết cười ấy chính thức có tên gọi – Phạm Hồng Quân.
Phạm Hồng Quân ngay sau đó được các chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đưa đến Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TW. Nó cần được các bác sỹ khám sức khỏe, chăm sóc đúng tiêu chuẩn dành cho trẻ sơ sinh. Ngoài việc hỏi cung đối tượng, tiếp tục điều tra mở rộng vụ án buôn bán trẻ sơ sinh, các anh còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các bác sỹ về sức khỏe của cháu bé. Từ những việc nhỏ nhất như nó có bú hết bình sữa, ngủ nghê thế nào… cũng được các anh cập nhật. Việc thằng bé ăn ngủ tốt và đang được những nhân viên y tế ở bệnh viện đầu ngành về nhi chăm sóc, các anh rất yên tâm.
Trong quá trình đấu tranh với Ngô Thị Sang và Nguyễn Văn Hải, những đối tượng bị bắt giữ lúc rạng sáng 30-1-2010, các điều tra viên đều nỗ lực để tìm ra manh mối về mẹ ruột của bé Hồng Quân. Nút thắt quan trọng trong vụ án này là Trần Thị Phượng Loan – đối tượng được xác định là đầu mối tiếp nhận bé Hồng Quân trước khi cháu được giao cho Sang bế ra Bắc. Chỉ có Loan mới biết, bé Hồng Quân được “thu gom” từ đâu. Và rất có thể, đối tượng này còn biết ai là mẹ ruột bé. Thế nhưng đến nay, Loan vẫn bặt vô âm tín dù lệnh truy nã toàn quốc đã phát đi. Việc này khiến cho quá trình điều tra tạm dừng lại ở giai đoạn 1. Ở giai đoạn điều tra này, các đối tượng Ngô Thị Sang, Nguyễn Văn Hải bị kết tội “ buôn bán trẻ em”.
Bị cáo Hải và Sang tại phiên tòa xét xử.
Video đang HOT
Vụ án tạm khép lại ở giai đoạn điều tra 1, những đối tượng phạm pháp đã nhận những bản án thích đáng. Thế nhưng với bé Hồng Quân – một công dân có số phận trắc trở ngay từ thuở lọt lòng thì còn là cả một tương lai ở phía trước. Mỗi ngày, bé một lớn khôn. Khi được cứu khỏi bọn buôn người, bé mới khoảng 10 ngày tuổi. Còn hôm nay, bé gần hai tuổi. Ngày 10-12, khi đến thăm tại Trung tâm Trẻ em Mồ côi Suy dinh dưỡng (gọi tắt là Trung tâm), chúng tôi nhìn thấy một bé Hồng Quân thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Cháu đang bập bẹ nói và cũng đã đi được vài bước. Nhìn cậu bé chơi đùa cùng những đứa trẻ – những phận người không may mắn được ở bên bố mẹ, chúng tôi chợt chạnh lòng.
Hai mươi cháu bé, hai mươi cảnh đời éo le được sinh ra từ những người bố, người mẹ khác nhau đang được chở che bởi những người làm công tác bảo trợ xã hội. Tiếng “Mẹ!” đầu đời của chúng không phải dành riêng cho người chín tháng mang nặng đẻ đau mà tiếng gọi chung cho tất cả những người phụ nữ đang làm việc ở Trung tâm. Những người phụ nữ này ngày lại ngày đang chăm bẵm và cho chúng tình yêu thương. Tuy nhiên, chúng lại không có người mẹ của riêng mình như đa số những đứa trẻ khác trên cõi đời này.
Nếu như, việc cơ quan Công an giải cứu thành công cháu bé sơ sinh và bóc gỡ thành công đường dây buôn bán trẻ em ra nước ngoài khiến người ta ngỡ ngàng về thủ đoạn tinh vi, tàn nhẫn của kẻ buôn người, thì việc hình ảnh cháu bé chừng 5-6 tháng tuổi có đôi mắt đen láy được đăng tải trên Internet càng khiến người ta quan tâm hơn đến số phận của nó. Đó chính là thời điểm tháng 6-2010, khi cậu sinh viên y khoa Đoàn Nam Sơn đang thực tập tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi TW chụp và đưa hình ảnh bé Hồng Quân lên mạng thông tin toàn cầu. Hằng ngày, chứng kiến “vật chứng” đặc biệt lẽ ra phải được nằm trong vòng tay của ông bà, cha mẹ lại phải ở bệnh viện, nơi xung quanh là những bệnh nhân nhí đang đấu tranh với bệnh tật, Sơn không khỏi xót thương.
Cậu làm một việc rất táo bạo và đứng trước nguy cơ bị… kỷ luật là đưa hình ảnh cháu bé lên mạng. Trò chuyện với chúng tôi tại thời điểm này, tác giả loạt ảnh cho biết, cậu mong được nhiều người biết đến hoàn cảnh bé Hồng Quân. Càng nhiều người biết thì khả năng, thông tin về bé lọt đến tai người mẹ ruột càng lớn hơn. Mong ước của sinh viên thực tập Nam Sơn đã đạt được một phần, khi hằng ngày đều có những người đến bệnh viện để “mục sở thị” sinh linh được cứu thoát bởi bọn “mẹ mìn”. Câu chuyện về cháu bé có số phận đặc biệt cứ râm ran trong bệnh viện, ra các công sở, trường học… Và có rất nhiều người đến bệnh viện, gặp cán bộ điều tra để đề đạt nguyện vọng được nhận Hồng Quân làm con nuôi.
Làm con nuôi cũng đồng nghĩa với việc, đứa bé có cơ hội được nuôi dưỡng trong một gia đình đúng nghĩa. Sự yêu thương, chăm sóc của bố mẹ nuôi sẽ khiến đứa bé bớt phải chịu cảnh côi cút. Rồi tương lai của nó hẳn sẽ rộng mở hơn… Thế nhưng, cháu bé đang là “vật chứng” của vụ án buôn bán người. Cơ quan điều tra đang tìm manh mối để biết về cội nguồn của nó. Với những lý lẽ trên, chẳng ai được phép cho nó làm con nuôi. Cơ hội được nhận làm con nuôi khi nó ở tuổi 5-6 tháng gần như khép lại. Trong khi đó, không thể để một đứa trẻ khỏe mạnh lớn lên trong bệnh viện. Thế là vào một ngày hè năm 2010, cán bộ điều tra đến Bệnh viện Nhi TW nhận nó để chuyển giao cho ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Kèm theo túi quần áo và một vài đồ lưu niệm mà những người phụ nữ khi hay tin về nó đã đến thăm, tặng trong hành trang của nó còn một tấm ảnh. Tấm ảnh về tập thể các y, bác sỹ Khoa Sơ sinh. Tấm ảnh ấy hiện nay vẫn được lưu giữ trong bộ hồ sơ pháp lý của công dân Phạm Hồng Quân kèm lời đề tặng rất dễ thương, đánh dấu khoảng thời gian nó sống tại đây.
Đối tượng Trần Thị Phượng Loan đang bị truy nã.
Trong bộ hồ sơ pháp lý của bé Hồng Quân mà cán bộ Bảo trợ xã hội đã hoàn thiện có một thứ giấy tờ đặc biệt. Đó là tờ giấy khai sinh. Mọi đứa trẻ khi mới chào đời đều được cơ sở y tế cấp ngay Giấy chứng sinh. Cha mẹ đứa bé sẽ đem tờ giấy có dấu tròn của ngành Y tế kèm theo Đăng ký kết hôn, sổ Hộ khẩu gia đình đến UBND cấp xã/phường làm Giấy khai sinh cho con. Nhưng với những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị trở thành hàng hóa ngay từ lúc mới lọt lòng thì để làm được tờ Giấy khai sinh không hề dễ. Chị Hoa, cán bộ Bảo trợ đã năm lần bảy lượt đến cơ quan điều tra, đến bệnh viện hoàn thiện thủ tục để đưa đến UBND xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội đăng ký khai sinh cho bé Hồng Quân. Đương nhiên, trong hồ sơ đăng ký khai sinh cho nó không có Giấy chứng sinh, hộ khẩu gia đình… như những đứa trẻ khác mà là những văn bản pháp lý liên quan đến vụ án. Trong Giấy khai sinh của bé Hồng Quân ở mục tên cha, tên mẹ đều để trống…
Tại phiên xét xử ngày 22-6-2011 của TAND huyện Thanh Trì, cán bộ Trung tâm Trẻ em Mồ côi Suy dinh dưỡng được tòa mời đến với tư cách là đơn vị bảo trợ bé Hồng Quân, nạn nhân. Tại đây, các đối tượng Ngô Thị Sang, Nguyễn Văn Hải đã khai rõ hành vi phạm tội của mình. Hồng Quân là đứa trẻ may mắn khi được giải thoát, nếu không cháu sẽ có chung số phận như những đứa bé đã bị biến thành hàng hóa khác. Trong phiên tòa, các đối tượng trên đồng ý chuyển hơn 4 triệu đồng tiền mặt bị cơ quan Công an thu giữ cho Trung tâm để nuôi dưỡng bé Hồng Quân. Chúng bị kết án với các mức án là 4 và 5 năm tù giam.
Như vậy, giai đoan 1 của vụ án buôn bán người đã được khép lại. Kẻ có tội phải chịu án phạt. Tiếc rằng, người mẹ ruột của bé vẫn chưa một lần lên tiếng. Thực tế đã chứng minh rằng, có những đứa trẻ trong đường dây buôn bán trẻ em đã được trở về với mẹ ruột sau khi vụ án được khám phá. Có thể trong số những đứa trẻ ấy, có đứa được mẹ ruột nó thuận tình cho đi ngay sau khi sinh. Thế nhưng, khi cơ quan pháp luật phanh phui hành vi tàn độc của bọn buôn người, tình mẫu tử trong những người phụ nữ này được thức tỉnh. Họ dám vượt qua định kiến, thị phi để dũng cảm nhận lại con mình. Mong rằng mẹ của bé Hồng Quân dù vì một lý do nào đó đã để con trai vuột khỏi vòng tay mình sẽ cũng làm được như vậy…
Theo ANTD
Xét xử đường dây buôn bán trẻ sơ sinh liên tỉnh
Ngày 21.6, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 2 bị cáo Nguyễn Văn Hải và Ngô Thị Sang về tội "mua bán trẻ em". Do tính chất đặc biệt của vụ án phiên xét xử được mở lưu động tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, HN, nơi các chiến sĩ công an bắt giữ được đối tượng phạm tội.
Cháu bé 10 ngày tuổi đã bị mang bán
Đầu tháng 1.2010, qua các nguồn tin trinh sát, cơ quan CSĐT -Công an TP Hà Nội đã phát hiện một đường dây mua bán trẻ sơ sinh từ TP Hồ Chí Minh lên khu vực biên giới Việt - Trung tỉnh Lạng Sơn. Một chuyên án đã được thành lập.
Hai bị cáo Hải và Sang.
Vào 1h sáng ngày 31.1.2010, qua nguồn tin báo, các trinh sát đã tiến hành kiểm tra bắt giữ đối tượng Ngô Thị Sang (tức Sương SN - 1974, ở thôn 8, xã Sơ Bai, huyện K' Bang, tỉnh Gia Lai. Trên tay người phụ nữ này có một cháu bé sơ sinh khoảng 10 ngày tuổi. Qua kiểm tra, đối tượng đã không chứng minh được lai lịch, nhân thân của cháu bé.
Qua điều tra, cơ quan công an đã làm rõ như sau: Vào khoảng tháng 2.2009, Nguyễn Văn Hải (SN 1969, anh rể của Ngô Thị Sang, trú quán tại thôn Thanh Vân, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) lên Lạng Sơn buôn bán đã gặp Trần Thị Phượng Loan (SN 1965 - ở Cao Thắng, phường 17, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
Qua câu chuyện, Hải đã đặt vấn đề nhờ Loan nếu có ai bán trẻ em mới sinh thì gọi cho Hải để Hải mua. Sau đó 2 người trao đổi số điện thoại di động cho nhau. Đến ngày 28.1.2010, Loan gọi điện cho Hải thông báo đã tìm được một cháu trai mới sinh, với giá 40 triệu đồng, nếu mua thì chuyển tiền qua tài khoản cho Loan.
Hải đồng ý và trả lời Loan biết sẽ nhờ em vợ là Ngô Thị Sang liên hệ vận chuyển cháu bé ra Bắc. Ngày 29.1.2010, Ngô Thị Sang vào TP HCM hẹn gặp Loan tại Bến xe miền Đông. Loan đã dùng xe máy chở Sang đến một ngôi nhà không rõ địa chỉ gặp người phụ nữ khoảng 30 tuổi có cháu bé 10 ngày tuổi.
Loan đã điện thoại cho Hải bảo đã gặp Sang và cho Sang xem em bé, rồi yêu cầu Hải chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của mình. Hải đồng ý, sau đó lấy tên con trai mình là Nguyễn Văn Mạnh để chuyển tiền vào tài khoản cho Loan. Nhận đủ tiền, Loan giao cháu bé cho Sang. Sang nhận cháu bé rồi đón ô tô khách ra Bắc. Khi đi đến Ninh Bình, Sang gọi điện báo cho Hải hẹn ra đón ở Văn Điển, Hà Nội. Khi Sang đến điểm hẹn, bế cháu bé xuống xe gặp vợ chồng Hải thì bị công an bắt giữ.
Ăn năn hay hành vi gỡ tội
Tại cơ quan điều tra, cũng như khi đứng trước vành móng ngựa, Hải tỏ ra quanh co, chối tội. Bị cáo khai có một cặp vợ chồng ở Thái Nguyên nhờ tìm giúp một cháu bé về làm con nuôi, nên bị cáo tìm giúp. Nhưng khi HĐXX hỏi tên tuổi, địa chỉ của cặp vợ chồng ở Thái Nguyên thì bị cáo Hải lại im lặng.
Trong vụ án này, mở rộng điều tra, cơ quan công an đã làm rõ Hải đã 12 lần chuyển tiền vào tài khoản của Trần Thị Phượng Loan với tổng số tiền là 268 triệu đồng. Tất cả các lần gửi tiền, Hải đều lấy tên con trai là Nguyễn Văn Mạnh. Trong đó có lần chuyển tiền vào ngày 30.1.2010, trước ngày 2 đối tượng Hải và Loan gọi điện thỏa thuận với nhau chuyện mua bán cháu bé và sau 2 ngày đối tượng Sang và Hải bị bắt.
Khi bị HĐXX thẩm vấn bị cáo Hải khai lần chuyển tiền ngày 30.1.2010 là bị cáo trả nợ Loan. Còn những lần chuyển tiền trước đó là do quan hệ làm ăn buôn bán.
Trong vụ án này do đối tượng Trần Thị Phượng Loan bỏ trốn, tiến hành xác minh nhân thân, cơ quan điều tra xác định đối tượng này thường xuyên lang thang, không có nơi ở nhất định mặc dù đã lập gia đình và có hai con. Và theo thông tin mới nhất đối tượng hiện đã trốn sang Trung Quốc. Cơ quan điều tra đã phải tách đối tượng này để khi bắt được sẽ xử lý sau. Chính vì thế cơ quan điều tra cũng không đủ điều kiện làm rõ số lần bị cáo Hải thực hiện việc buôn bán trẻ em.
Khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, cả bị cáo Hải và Sang đều tỏ thái độ ăn ăn và và nói lên nguyện vọng sau khi ra tù muốn nhận cháu bé (tên gọi Quân hiện đang được chăm sóc ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Nội về làm con nuôi (?!)
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, nhận thấy hành vi phạm tội của 2 bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng. HĐXX cho rằng cần phải có bản án nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Xét tính chất phạm tội của từng bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hải 5 năm tù, bị cáo Ngô Thị Sang 4 năm tù về tội "mua bán trẻ em".
Theo Lao Động
Bi kịch bố "dàn trận" bán... con ruột Giữa đêm tối, hung thủ trắng trợn xông vào nhà cướp đi đứa bé còn ngây dại đang nằm trên tay người mẹ, rồi lặng lẽ bỏ đi. Đến khi sự việc bại lộ, tất cả mới té ngửa, toàn bộ vụ cướp được chính bố của đứa bé dàn dựng một cách công phu. Chuyện thật đến nhói lòng đang xảy ra...