Vào tổ hợp tác làm chơi cũng thu tiền tỷ
N hiều nông dân ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) ví Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ cây, con đặc sản như ngôi nhà thứ 2 của mình. THT không chỉ tập hợp được những người cùng sở thích vào sinh hoạt mà còn giúp các thành viên trong tổ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Thêm mối làm ăn, tăng thu nhập
Là một trong những thành viên tham gia THT ngay từ những ngày đầu mới thành lập, chị Trịnh Thị Khiếu, thôn 12 chia sẻ: “Từ năm 2004, tôi bắt đầu nuôi hươu. Ngày ấy, tôi chăn nuôi theo kiểu được chăng hay chớ nên chẳng khá lên được. Từ ngày tham gia THT, tôi được các thành viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật khai thác nhung hươu hiệu quả nên chăn nuôi mát tay hẳn. Giờ làm chơi cũng có thu nhập khá”.
Không chỉ nuôi hươu giỏi mà chị Khiếu còn nuôi con gì cũng mau lớn, khỏe mạnh. Với việc chăn thả 20 con hươu, 20 con lợn rừng, hàng trăm gà chọi… mỗi năm chị có thu nhập cả trăm triệu đồng.
Từ nuôi con đặc sản như hươu, gà chọi, chị Trịnh Thị Khướu có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.H
Cũng theo chị Khiếu, các thành viên trong tổ thường xuyên hỗ trợ đổi công lao động cho nhau khi mỗi hộ gia đình có việc cần huy động nhiều lao động trong một thời điểm, tiết kiệm được 1 khoản tiền lớn thuê nhân công.
Video đang HOT
Đến nay, số lượng thành viên THT đã lên đến 25 người, đang duy trì trên 1.800 con nuôi có giá trị kinh tế cao như hươu, lợn rừng, ngựa, nhím… Thu nhập bình quân mỗi hộ khoảng vài trăm triệu đồng/năm. Có hộ thu nhập cả tỷ đồng/năm” . Ông Trịnh Văn Tiến-Tổ trưởng THT
Còn theo bà Phạm Thị Tâm, cái được nhất khi tham gia THT là các thành viên cùng nhau liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bà Tâm trồng 1ha đào phai, nuôi 200 con lợn rừng… Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị thương lái ép giá.
“Năm 2014, khi tham gia vào THT, không chỉ được tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình mà các thành viên còn chia sẻ, hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ. Chúng tôi giới thiệu các mối làm ăn cho nhau, cùng nhau thống nhất giá bán, chung nhau vận chuyển hàng hóa nên hiệu quả kinh tế cao hẳn. Muốn làm ăn lớn là cứ phải liên kết với nhau” – bà Tâm thổ lộ.
Nông dân phấn khởi
Ông Đinh Văn Sỹ – Chủ tịch Hội ND xã Đông Sơn cho biết, xã có địa hình bán sơn địa rất thích hợp nuôi, trồng các con, cây đặc sản. Trước đây, người dân sản xuất tự phát, không chú trọng đến khoa học kỹ thuật nên hiệu quả không cao. Tháng 7.2014, Hội ND xã thành lập “Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây con đặc sản” với 13 thành viên tham gia ban đầu.
Ông Trịnh Văn Tiến – Tổ trưởng THT cho biết thêm: “Hoạt động chủ yếu của THT là trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng cây, con đặc sản và định hướng, thông tin thị trường đến các thành viên trong tổ”. Đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng của hội viên, ND nên số người tham gia THT ngày càng nhiều.
Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cho hay, năm 2015, Hội ND tỉnh đã chủ trì thành lập 69 THT; củng cố, duy trì hoạt động 142 THT đã có từ trước với hơn 2.300 thành viên. Cùng với việc hỗ trợ thành lập và hướng dẫn hoạt động, Hội ND các cấp đã tạo điều kiện cho các THT vay các nguồn vốn ưu đãi như Ngân hàng CSXH, Quỹ Hỗ trợ nông dân… Hội còn phối hợp các sở, ngành hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn pháp luật, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại cho các THT…
Theo Danviet
Vào tổ hợp tác, xã viên giàu lên từng ngày
Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, ngành nông nghiệp TP.HCM đã có những bước phát triển đáng kể trong các hình thức liên kết sản xuất để giúp nông dân (ND) làm giàu.
Những "nòng cốt" giúp dân làm giàu
Một trong những "nòng cốt" nhằm góp phần giải quyết việc làm cho ND, xóa nghèo, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp... là hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN).
Nhớ lại thời chưa thành lập HTX, ông Đào Thanh Đức - Phó Chủ nhiệm HTX NN Phước An cho biết, lúc đó đời sống bà con xã viên gặp rất nhiều khó khăn khi sản xuất lúa gặp dịch bệnh vàng lùn, xoắn lá, còn chăn nuôi thì bị dịch cúm H5N1, thời tiết thất thường đe dọa. "Chúng tôi không thể ngồi yên nên đã mạnh dạn thành lập mô hình HTX NN kiểu mới với hy vọng đổi đời cho bà con" - ông Đức thổ lộ.
Xã viên THT Muối - tôm xã Lý Nhơn (Cần Giờ) thu hoạch muối. Ảnh: T.Đ
Tính đến tháng 9.2015, tại 56 xã xây dựng nông thôn mới của TP.HCM đã có có 68 HTX (43 HTX NN, 25 HTX phi NN) và 204 THT (160 THT NN, 44 THT phi NN).
Sau 10 năm hoạt động, HTX NN Phước An đã trở thành một HTX NN kiểu mẫu của thành phố, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Giờ đây, các thành viên HTX đều trở nên khá giả, xây được nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi, đến chốn.
Anh Trần Văn Nghĩa - một ND chuyên trồng rau sạch cho HTX NN Phước An cho biết, với 2,7 công đất làm rau sạch, mỗi năm anh thu nhập cả trăm triệu đồng. "Cứ mùa nào tui trồng thức nấy. Tui chỉ trồng nông sản sạch rồi bán cho HTX Phước An cung cấp cho các siêu thị" - anh nói.
Các tổ hợp tác (THT) cũng góp công khá lớn cho việc giải quyết việc làm và xóa nghèo, làm giàu ở nông thôn TP.HCM, trong đó phải kể đến một THT kiểu mẫu là mô hình liên kết nuôi cá trê giống ở ấp Bình Thượng 2 (Thái Mỹ, Củ Chi) do nông dân tự đứng ra thành lập và quản lý, hoạt động khá hiệu quả, với 100 hộ tham gia. Anh Nguyễn Bình Tây - thành viên THT cho biết phương thức hợp tác giữa các hộ với nhau theo kiểu "vần công". Theo đó, người góp giống, người góp thức ăn, hoặc thi công hồ cá, sang cá giống cho đủ số lượng, chủng loại cung cấp cho khách hàng khi có yêu cầu số lượng lớn... Bình quân, mỗi nhà làm từ 2 - 4 hồ, mỗi tháng thu cả tấn cá giống. "Hầu hết những ai tham gia mô hình đều thành công, xây được nhà, mua được xe" - anh Tây nói.
6 "gói" hỗ trợ liên kết
Để cho ra đời những mô hình HTX, THT kiểu mới, phù hợp với thực tiễn, hiện thành phố có 6 "gói" hỗ trợ cho 5 huyện ngoại thành, gồm: Tuyên truyền hướng dẫn, thành lập HTX, THT; hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các HTX, THT; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KHKT và hỗ trợ xúc tiến thương mại. Theo đó, từ tháng 1.2011 - 9.2015, thành phố đã xét cho vay 4.628 đề án với 15.806 hộ, tổng số vốn vay hơn 4.000 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM cho biết, các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước được xem là đòn bẩy, động lực hỗ trợ cho các HTX, THT trong giai đoạn đầu thành lập. Về lâu dài, HTX, THT phải chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này đòi hỏi đội ngũ quản lý phải có trình độ, năng lực phù hợp.
Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM nhận định, rào cản lớn nhất của các HTH, THT là thiếu vốn đầu tư, mở rộng sản xuất; cán bộ quản lý đa số lớn tuổi, làm theo kinh nghiệm là chính nên thiếu nhạy cảm, linh hoạt để đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của cơ chế thị trường.
Theo Danviet
Người lao động được tăng lương từ hôm nay 1/1/2016 Mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động. Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP, từ hôm nay 1/1 sẽ áp dụng mức lương...