Vào Quốc hội không chỉ để vỗ tay
Không phát biểu, phát biểu bài của người khác, nhấn nút biểu quyết hộ, hỏi mồi… thực tế diễn ra tại các kỳ họp Quốc hội đã được lãnh đạo Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nguyên ĐBQH thẳng thắn chỉ ra.
Cảnh báo cần thiết
Đại biểu QH bấm nút biểu quyết (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu thực trạng “có ĐBQH ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, nhưng ra Quốc hội lại không thấy nói gì cả”.
Thậm chí, theo Chủ tịch Quốc hội, trong thảo luận có đại biểu còn lấy bài của người khác để phát biểu.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Nhiều khi đang biểu quyết cùng một dự án luật, nhưng số lượng đại biểu tham gia biểu quyết thay đổi liên tục: lúc thì 480, lúc bốn trăm bảy mấy, lúc cao hơn năm người, lúc tụt xuống ba người… Có nghĩa là người ta biểu quyết hộ người khác nên lúc bấm nút, lúc thì quên”.
Trong khi đó, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đề cập hiện tượng “hỏi mồi” trong các phiên chất vấn tại Quốc hội. Đó là việc đại biểu hỏi câu hỏi dễ, người được “hỏi mồi” không phải toát mồ hôi với những vấn đề gay cấn và thoải mái khi chỉ còn là cung cấp số liệu vô thưởng vô phạt.
Theo ông Vũ Mão những câu hỏi bị liệt vào dạng “hỏi mồi” nhằm nhiều mục đích khác nhau như thể hiện với cử tri mình đã làm tròn nhiệm vụ của một ĐBQH, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ địa phương, đặt quan hệ với người được chất vấn. Thậm chí các câu “hỏi mồi” còn có thể có sự can thiệp của nhóm lợi ích, lợi ích cục bộ nhằm mưu lợi.
GS Nguyễn Minh Thuyết, ĐBQH khóa XI, XII khẳng định đó là một thực tế đáng buồn và cũng được dư luận, báo chí nêu lên từ lâu. Nhưng việc Chủ tịch Quốc hội lần đầu tiên công khai phê bình những hiện tượng như trên lại là dấu hiệu đáng mừng, là cảnh báo cần thiết và đúng lúc.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có thể nhiều ĐBQH nghĩ công việc tại Quốc hội đã có người lo nên chỉ việc ấn nút thông qua, hoặc lo ngại việc trái ý cấp trên, hoặc cho rằng vấn đề đã được quyết định nên không cần phát biểu nữa.
Video đang HOT
Thậm chí có cả tình trạng sợ nói vì sợ lộ điểm yếu, sợ việc “vạch áo cho người xem lưng”. Tuy nhiên, với việc phát biểu bằng bài của người khác, GS Thuyết gay gắt phê phán và cho rằng “không chấp nhận được”.
Vì như vậy đại biểu đó đã không chịu suy nghĩ, không có chính kiến gì mà nói theo lời người khác, hùa theo ý kiến số đông hay nói theo kiểu đón ý cấp trên.
Tăng cường giám sát của cử tri
Khi bàn về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cho rằng, có những thực trạng trên là do một số ĐBQH thiếu một phẩm chất quan trọng là “tư duy phản biện”. Theo đại biểu Nghĩa điều này dẫn tới việc dễ chấp nhận những kết luận, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra.
Nhắc lại quyền và nghĩa vụ của ĐBQH, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ĐBQH các khóa VIII, IX, X gay gắt cho rằng “đại biểu bấm nút hộ, phát biểu bài của người khác là vi phạm nguyên tắc tổ chức, Luật Tổ chức Quốc hội và đặc biệt họ đã phụ lòng tin của nhân dân, khiến người dân mất niềm tin vào Quốc hội”.
Đối với ĐBQH mối quan hệ với trưởng, phó Đoàn đại biểu là mối quan hệ khá nhạy cảm. Các trưởng, phó Đoàn ĐBQH thường là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh.
Đại biểu phản ánh những ý kiến bức xúc của cử tri nhiều khi lại liên quan vấn đề điều hành của chính quyền, lợi ích của người dân. ĐBQH không đứng trên địa vị của người dân thì không dám đưa ra thảo luận, đấu tranh.
“Ba khóa tôi là ĐBQH của tỉnh Nghệ An, có nhiều ý kiến dân rất đồng tình, nhưng với các trưởng đoàn, phó đoàn nhiều lúc lại không bằng lòng”, Tướng Thước chia sẻ.
Trung tướng Thước cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, tăng cường sự giám sát của cử tri, báo chí là cơ hội để ngăn ngừa tận gốc những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng trên.
Trung tướng Thước nhận định hiện nay những mối quan hệ về lợi ích có thể điều khiển nội dung, dẫn dắt và chi phối cách thức phát biểu của nhiều đại biểu. Vì thế họ không nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân mà chỉ nói lên tiếng nói của các nhóm lợi ích.
Theo Báo Tiền Phong
Bốn "món nợ" với cử tri
Bốn "món nợ" được đặt ra tại kỳ họp Quốc hội lần này đang làm "nóng" nghị trường, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm dõi theo.
Đã thành thông lệ từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XI đến nay, vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Cử tri và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài có dịp theo dõi, lắng nghe trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn những ý kiến của mình thông qua các vị Đại biểu Quốc hội. Đây là một trong những tiến trình đổi mới hoạt động của Quốc hội được nhân dân, cử tri rất quan tâm và đánh giá cao.
Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, tại phiên chất vấn, theo cách nói dí dỏm của Chủ tịch Quốc hội thì có bốn "món nợ" mà cử tri gửi tới chất vấn ở Quốc hội.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ bảy Quốc hội Khóa XIII
Một là, vấn đề nợ công
Đầu tư công là việc cần thiết và vô cùng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là đầu tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất, có ý nghĩa nhất. "Cái bánh" ngân sách hàng năm đều được đặt lên bàn nghị sự; đầu tư sao cho đúng, trúng, hiệu quả để tạo ra động lực, sức bật cho phát triển nguồn lực về kinh tế, con người.
Đất nước ta còn nghèo, nguồn lực tài chính còn rất hạn hẹp, bài toán đầu tư cho dài hạn, trung hạn, ngắn hạn đòi hỏi ngành tài chính phải phân bổ một cách khoa học, tránh đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí và tạo mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng nảy sinh. Đã có không ít dự án đầu tư thiếu hiệu quả, lợi nhuận thấp mà ngân sách quốc gia phải trả nợ bù, trả nợ đậy. Đã có không ít vụ tham nhũng lớn, tham nhũng vừa, tham nhũng vặt và cũng không ít những lãng phí gây ra nỗi xót xa, bức xúc cho xã hội. Ngân khố quốc gia bao gồm giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh, và là mồ hôi, công sức, tiền đóng thuế của người dân. Vì vậy, mỗi khi chi một đồng cho đầu tư cũng phải có cái tầm và đặt cái tâm lên trên hết.
Đầu tư công phải vừa mang tính chiến lược, vừa linh hoạt, mềm dẻo trong một nền kinh tế thị trường, nhưng cũng phải phù hợp với đặc điểm hiện tại của nền kinh tế nước ta. Theo số liệu đến ngày 31/12/2013, nợ công ở ta bằng 53,4% GDP, về lý thuyết đây là con số đang nằm trong ngưỡng an toàn; nhưng nợ công đang có xu hướng tăng lên mà giải pháp để trả nợ còn chưa khả thi và tăng trưởng GDP hàng năm của nước ta còn thấp. Nỗi lo lắng của người dân cứ canh cánh trong lòng rằng "món nợ" công ấy đến khi nào mới trả được?
Hai là, nợ việc làm.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Một quốc gia muốn cất cánh phải tăng cường đầu tư cho giáo dục. Những năm qua, giáo dục nước ta "nở rộ" theo xu hướng thị trường, đây là quy luật tất yếu trong sự chuyển dịch từ một nền giáo dục - đào tạo theo "kế hoạch hóa" sang giáo dục - đào tạo theo "đơn đặt hàng" của thị trường. Tuy nhiên, bài toàn đặt ra trong quản lý vĩ mô của ngành giáo dục - đào tạo là cơ cấu ngành nghề để đào tạo sao cho đáp ứng sát thực với nhu cầu của xã hội. Tức là, bài toán giữa cung và cầu nguồn nhân lực. Dẫu là đào tạo công lập hay dân lập, suy cho cùng cũng đều là công sức, tiền của nhà nước, của nhân dân và của xã hội. Sản phẩm tạo ra chính là con người và phải được xã hội chấp nhận.
Cử tri rất băn khoăn bởi chính những "chủ nhân tương lai" của đất nước được đào tạo ra hiện nay có đến hơn 72.000 người không có công ăn việc làm. Đành rằng đã là nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận quy luật cung - cầu; người học phải tự lựa chọn ngành nghề để theo học, việc sử dụng là do nhu cầu của xã hội, của thị trường. Tuy nhiên, cần có sự hoạch định từ "bàn tay vô hình" ở tầm vĩ mô của nhà nước để có chính sách và những khuyến cáo cho cung gần với cầu, tránh sự lãng phí trong đầu tư của nhà nước và của nhân dân.
"Món nợ" việc làm đang đặt ra cho ngành giáo dục - đào tạo nước ta sẽ được giải quyết như thế nào?
Ba là, nợ văn bản.
Một trong ba khâu đột phá để xây dựng phát triển đất nước hiện nay là cải cách thể chế. Lâu nay, ta vẫn hay bị mắc cái bệnh luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, thông tư chờ hướng dẫn... Từ đó dẫn đến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chậm và rất chậm đi vào cuộc sống. Đã có những thống kê một doanh nghiệp ở nước ta muốn đăng ký kinh doanh thì số thời gian phải gấp 7 - 8 lần, thậm chí còn nhiều hơn thế so với các nước phát triển.
Chậm văn bản, đôi khi không nhìn thấy ngay thiệt hại về kinh tế - xã hội nhưng đây là sự trì trệ đáng báo động trong hệ thống quản trị quốc gia. Sự chậm trễ văn bản kéo theo sự trì trệ về một môi trường đầu tư thiếu minh bạch, nhũng nhiễu làm nhà đầu tư ngán ngẩm, đôi khi buông xuôi, bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác. Nợ văn bản, đặc biệt là văn bản cải cách thể chế đang là rào cản vô hình và hữu hình làm tiến trình phát triển đất nước chậm lại. "Món nợ" này cần phải có sự cải cách mạnh mẽ, sâu sát, thiết thực hơn từ phía các cơ quan hữu trách.
Bốn là, nợ khiếu nại, khiếu kiện.
Ở kỳ họp thứ sáu của Quốc hội Khóa XIII có 2195 kiến nghị, thì ở kỳ họp thứ bảy này có 2276 kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Đây đó trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội ở các cấp, các ngành, công tác phòng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng tuy đã được triển khai rộng khắp nhưng xem ra còn nhiều "món nợ" tồn đọng.
Lĩnh vực có nhiều khiếu nại, khiếu kiện nhất là vấn đề đất đai. Trong đó, địa giới, giá cả, lãng phí, tham nhũng đất đai là những tâm điểm nóng. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, khai thác tài nguyên khoáng sản... đã và đang tạo ra nỗi day dứt, nhức nhối khiến lãnh đạo quản lý các cấp còn đang mang nợ với người dân.
Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng tháng 5/2014 đã đề cập những hạn chế, tồn tại cũng như kỳ vọng của nhân dân về công tác này. Đó là, công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng còn chậm; trách nhiệm, năng lực, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn yếu. Vì vậy, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.
Có thể nói, bốn "món nợ" được đặt ra tại kỳ họp Quốc hội lần này đang làm "nóng" nghị trường, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm dõi theo. Hy vọng rằng, với tinh thần đổi mới, với trách nhiệm cao nhất trước nhân dân, các Bộ, Ban, Ngành, đặc biệt là các Tư lệnh ngành sẽ trả các "món nợ" một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất góp phần ổn định để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.
Theo Nam Dũng
Vov.vn
Chốt danh sách 4 bộ trưởng trả lời chất vấn Quốc hội đã chốt danh sách 4 vị trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn gồm Tư pháp, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo và Thanh tra Chính phủ. Hiện chưa chốt là Thủ tướng hay một vị Phó thủ tướng sẽ trả lời chất vấn sau cùng để làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh...