Vào ổ dịch tai xanh lớn nhất nước
Huyện Xuân Trường, Trực Ninh (Nam Định) được xem là nơi dịch lợn tai xanh hoành hành lớn nhất nước. Khắp đường làng, ngõ xóm, vôi trắng phủ kín mặt đường. Gần 1 tháng nay, người chăn nuôi khốn đốn, cán bộ bám ổ dịch như bám trận địa…
Những ngả đường cấm lợn
Từ ngày dịch được công bố, nhiều chốt kiểm dịch được lập lên tại đầu các xã, thị trấn và giữa các huyện, tỉnh. Tại ngã ba Ngô Đồng (Giao Thủy), địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Giao Thủy-Xuân Trường (vùng tâm dịch), giáp ranh giữa Nam Định-Thái Bình qua đò Ngô Đồng, Cồn Nhất; vôi phủ trắng xóa đường, người gác 24/24 giờ.
Xuân Trường, Nam Định đang là điểm nóng dịch tai xanh. Ảnh: N.T
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng công an Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy, Nam Định) cho biết đã huy động 15 người trực tại 2 bến đò Cồn Nhất, Ngô Đồng sang Thái Bình. Theo đó, các chốt trực yêu cầu chủ đò cam kết không chở lợn, thịt lợn từ Thái Bình sang Nam Định và ngược lại.
“Không biết đến bao giờ, họ mới trở lại mua lợn sau khi nghe tin dịch ở Xuân Trường”.
Anh Trịnh Văn Thức – Người chăn nuôi
Theo ông Thanh, sáng 1/5, xuất hiện 2 con lợn chết trôi trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn thị trấn Ngô Đồng, ngay lập tức, cán bộ có trách nhiệm đã mang đi xử lý. Trong những ngày nghỉ lễ, đoàn kiểm dịch gần như căng hết sức kiểm tra gắt gao do lo ngại nhu cầu thịt lợn tăng cao.
Chị Phạm Thị Cúc, cán bộ trạm thú y xã Xuân Tân và Xuân Trường, cho biết, thời gian làm việc từ sáng sớm cho đến tối muộn; hằng ngày đều phải báo cáo vào lúc 14 giờ, lợn chết trong ngày đều phải mang đi tiêu hủy. “Vừa qua là khoảng thời gian vất vả nhất, số lượng lợn báo ốm, bị chết vì dịch liên tục tăng”, chị Cúc chia sẻ.
Video đang HOT
Chiều 1/5, ông Văn Đăng Kỳ-Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch lợn tai xanh ở các tỉnh, đặc biệt là “điểm nóng” Nam Định đã giảm nhiều so với hơn một tuần trước. Khi có dịch, Cục Thú y đã cử cán bộ Cục và Cơ quan thú y Vùng I xuống trực tiếp “nằm vùng”, cùng chính quyền địa phương chỉ đạo chống dịch. Bộ cũng đã cấp 80 nghìn liều vaccine tai xanh để tiêm bao vây ổ dịch.
Người chăn nuôi điêu đứng
Chị Nguyễn Thị Lành (xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường) chỉ nuôi đàn lợn thịt 3 con, 1 con giống mới đẻ 10 lợn con (một trong những hộ gia đình bị dịch bệnh tấn công đầu tiên). Ngoài việc cấy lúa, đàn gà, đàn lợn là cả gia tài của chị Lành.
Chị chỉ tay vào chuồng lợn đã trống trơn, trắng xóa vôi bột, nói: “Tiền cám vẫn còn nợ, tôi đang định bán 3 con lợn thịt để lấy tiền gửi cho con học đại học ở Hà Nội. Giờ lợn không còn, tiền học con đang giục, tiền cám người ta đòi, không biết xoay xở ở đâu”.
Đoàn trạm thú y huyện Xuân Trường, kiểm tra, tiêm thuốc cho đàn lợn nhà anh Trịnh Văn Chinh. Ảnh: NT
Anh Trịnh Văn Chinh-chủ trang trại hơn 200 con lợn tại xã Xuân Tân (Xuân Trường) cho biết, đã có 60 con lợn chết. Trong đó chủ yếu là lợn giống mới sinh, lợn sữa từ 20-30 kg, sức đề kháng kém. Trận bão cuối năm 2012 khiến kinh tế gia đình anh Chinh mất trắng hàng trăm triệu đồng, vừa bắt đầu hồi phục.
Nay, đến lượt dịch lợn tai xanh khiến thua lỗ lên đến 300 triệu đồng. Anh Chinh thở dài: “Tiền thuốc đã hết hơn 10 triệu đồng, tiền cám còn nợ cũng lên đến 100 triệu. Lợn vẫn nằm trong chuồng, có con đủ cân cũng không được bán vì mọi hoạt động mua, bán lợn đều bị cấm. Sang tháng 7, gia đình tôi phải hoàn vốn ngân hàng”.
Anh Trịnh Văn Thức, người chăn nuôi tại xã Xuân Tân, Xuân Trường cho biết, hiện đã có 1 con lợn giống, 13 con mới đẻ và 2 con cân nặng 30 kg chết vì dịch bệnh và 15 con đang điều trị.
Theo anh Thức, để nuôi 30-40 con lợn phải mất 20 triệu đồng tiền cám/tháng. Nếu vay ngân hàng, lãi phải trả không đáng kể, nhưng nếu nợ tiền mua cám 60 triệu đồng thì phải mất thêm 6 triệu tiền lãi. Trong khi 70% vốn chăn nuôi lợn đều đi vay. Trong khi dịch bệnh hoành hành, giá cám lại tăng 5%. Gia đình anh Thức đang mua chịu 50 triệu đồng tiền cám.
“Trước đó, mỗi con lợn đều ăn 3kg cám/ngày. Từ ngày dịch bùng phát, gia đình tôi chỉ cho ăn 1,5 kg cám do lợn đã đủ cân để bán. Nếu lợn tiếp tục tăng trưởng quá 70 kg, thương lái địa phương không mua, phải chờ thương lái từ Móng Cái, Quảng Ninh về. Không biết đến bao giờ, họ mới trở lại mua lợn sau khi nghe tin dịch ở Xuân Trường”, anh Thức lo lắng nói.
Đài phát thanh xã Xuân Tân nhiều ngày nay thông báo, mỗi hộ có lợn chết được hỗ trợ 26.000 đồng/kg.
Chiều 1/5, Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định Lê Xuân Thủy cho biết, từ khi có dịch tới nay, trên 18.600 con lợn mắc bệnh tai xanh, trong đó, có 8.300 con chết. Theo ông Thủy, Nam Định đã tiêm được 90% số lợn nằm trong diện phải tiêm phòng. Tỉnh cũng bỏ ra 7 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng chống, dập dịch.
Theo 24h
Công khai bán thịt giữa vùng dịch tai xanh
Bất chấp lệnh cấm các hành vi giết mổ, buôn bán, vận chuyển thịt heo trên toàn tỉnh Quảng Nam, tiểu thương vẫn vô tư mua bán loại thịt này.
Theo quan sát của phóng viên, sáng nay (26/2) thịt heo vẫn được bày bán công khai ở chợ Tam Kỳ (Quảng Nam) bất chấp lệnh cấm cũng như thông tin đã có 2 chủ lò mổ chết nghi do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Thịt heo được bày bán công khai bất chấp lệnh cấm
Trước diễn biến phức tạp của dịch heo tai xanh xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngày 19/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định công bố dịch lợn tai xanh trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch, nghiêm cấm các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ và sử dụng các sản phẩm từ lợn trên toàn tỉnh.
Thế nhưng, sáng nay (26/2), phóng viên nhận được phản ánh của người dân cho biết, tại chợ Vườn Lài nằm trên đường Hùng Vương ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, tiểu thương vẫn bày bán thịt heo công khai bất chấp mối nguy hiểm về sức khỏe người tiêu dùng.
Có mặt tại chợ Vườn Lài, trong gian hàng buôn bán thịt bò, tôm, cá, tiểu thương bày bán công khai trên sạp một lượng thịt heo còn tươi. Thấy vậy, người dân đi chợ cũng đứng lại xem rồi bỏ đi chứ không dám mua. Một người dân đi chợ phản ứng: "Tỉnh đã cấm buôn bán, giết mổ, vận chuyển thịt heo trên toàn tỉnh rồi, nhưng sáng nay tại chợ Vườn Lài vẫn còn bày bán thịt heo. Thiếu thịt heo trong bữa ăn cũng khổ, nhưng không dám mua vì sợ dịch heo tai xanh và liên cầu khuẩn gây nguy hiểm cho sức khỏe lắm".
Thấy phóng viên chụp hình, người phụ nữ này đã nhanh tay thu gom thịt heo đem cất
Người bán thịt heo ở chợ Vườn Lài nói: "Đây là thịt heo bỏ tủ lạnh, vẫn còn đông đá, tôi đem ra bán cho hết luôn. Chứ đâu có giết mổ chi. Bán không hết đem về nhà cất lại".
Thấy phóng viên chụp hình, người phụ nữ này nhanh tay thu gom toàn bộ thịt heo bày trên sạp bỏ vào bao đem cất trước ánh mắt hiếu kỳ của người đi chợ.
Dịch heo tai xanh đã xảy ra trên nhiều huyện của Quảng Nam như Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn. Hơn 2.800 con heo mắc bệnh. Ngành nông nghiệp đã cấp phát 19.000 liều vắcxin để tiêm bao vây, khống chế dịch và gần 4.000 lít hoá chất để các địa phương phun tiêu độc khử trùng. Được biết, Quảng Nam có khoảng 500.000 con lợn, trong đó có khoảng 60.000 con lợn giống.
Chợ Vườn Lài nằm trên đường Hùng Vường ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ dù đã có lệnh cấm gần 10 ngày nay nhưng sáng nay vẫn có tiểu thương bán thịt heo công khai
Dịch heo tai xanh bùng phát khiến nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh nợ nần, có nguy cơ phá sản. Trại heo của ông Đặng Xuân Hoài ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) nuôi gần 300 con heo, trong đó có 230 con nuôi được 3 tháng tuổi và 70 con heo gần xuất chuồng. Trước lệnh cấm của tỉnh, đàn heo không bán được, trong khi mỗi ngày, gia đình ông Hoài vẫn phải chi 7 triệu đồng tiền thức ăn, chăm sóc.
Để hỗ trợ khó khăn cho người dân, Quảng Nam đã quy định hỗ trợ heo chết do dịch tai xanh và có tiêm phòng bằng 70% giá thị trường. Như vậy giá heo được hỗ trợ là 27.000 đồng/kg hơi, còn gia cầm là 35.000 đồng/kg.
Để khống chế dịch bệnh, tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ thêm 100.000 liều vắc-xin phòng bệnh tai xanh (chủng JXA1-R) và 20 nghìn lít hóa chất tiêu độc khử trùng.
Theo 24h
Quảng Trị: Bùng phát dịch heo tai xanh Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện 4 ổ dịch heo tại xanh trên đàn lợn tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa với trên 100 con lợn chết, trong tổng số 633 con lợn mắc bệnh. Đưa lợn mắc bệnh đi tiêu hủy Đến ngày 24-2, tại thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện...