Vào nơi làm pháo hoa duy nhất ở Việt Nam
Nhà máy Z121 (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) là nơi duy nhất trong nước sản xuất và cung cấp pháo hoa để phục vụ những ngày đại lễ của dân tộc.
Nhà máy Z121 (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo, sản xuất cung cấp bộ phận trung tâm của đạn, mìn và các loại vũ khí, vật liệu nổ khác.
Công nhân đang hoàn thiện mẻ pháo hoa xuất sang Nhật Bản. Ảnh: M.H.
Mẻ pháo hoa đầu tiên mừng đất nước thống nhất
Đại tá Trần Thế Khanh – Chính ủy Nhà máy Z121 (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) kể lại:”Tôi gắn bó với nhà máy hơn 40 năm rồi, những thăng trầm của nhà máy mình đều chứng kiến cả. Câu chuyện làm pháo hoa bắt đầu từ những năm 1974 – 1975″.
“Ngày đó chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ phải chế tạo thành công mồi lửa cho đạn pháo 155 mà quân ta vừa thu được của địch trên chiến trường nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật vì dù có chuyên gia Trung Quốc giúp ta nhưng họ nhất quyết không giúp chế tạo loại mồi lửa đó”.
“Pháo 155 vốn được tôn là vua chiến trường vì khả năng công phá cực mạnh. Biết được điều đó nên khi địch rút đi đã mang hết mồi lửa (cụm mồi lửa cho đạn nổ), bộ đội ta không thể sử dụng được.
Tôi nhớ Tết năm 1974 từ lãnh đạo đơn vị đến tất cả anh em đều ở lại làm việc, ăn Tết ngay tại nhà máy. Và chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, đơn vị đã sản xuất thành công gần 10.000 mồi lửa cho pháo 155, kịp thời đưa vào chiến trường, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975. Sau này được biết, có nhiều tù binh địch và cả chuyên gia Trung Quốc đều đặt câu hỏi là bộ đội ta lấy đâu ra mồi lửa cho pháo 155 nhanh đến như vậy!?”.
Video đang HOT
Người dân xem bắn pháo hoa .
Tháng 5 – 1975, nhà máy nhận nhiệm vụ sản xuất bằng được pháo hoa để bắn chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc và kỷ niệm 30 năm thành lập nước, khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Nói thật, anh em chúng tôi chỉ quen với việc sản xuất thiết bị nổ, pháo hoa thì chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi có hỏi chuyên gia Trung Quốc giúp, nhưng họ không nói và khuyên chúng tôi là không nên làm vì mất rất nhiều thời gian và hiện tại cũng chưa có đủ nguyên liệu để làm”.
“Trong khi đang không biết tìm lối ra thì có một đơn vị kết nghĩa tặng chúng tôi mấy thùng pháo hoa. Mừng quá, nhưng khi lấy về thì thật buồn vì toàn bộ số pháo hoa đó đã quá lâu ngày nên bị ẩm mốc không thể sử dụng được.
Gần như toàn bộ anh em kỹ thuật giỏi của nhà máy đều được trưng dụng để nghiên cứu, bóc tách từng bộ phận quả pháo. Có đồng chí được phân công vẽ mô tả lại từng vị trí sắp xếp để nghiên cứu và đặt quyết tâm nhất quyết phải hoàn thành nhiệm vụ. Bộ phận kỹ thuật có nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo bù các bộ phận hỏng của quả pháo. Gần 2 tháng sau, chúng tôi đã hoàn thành và bàn giao hơn 1.000 quả pháo hoa về Hà Nội kịp phục vụ ngày Đại lễ của dân tộc”.
Pháo hoa Việt khoe sắc trời Tây
Bí thư Đoàn cơ sở nhà máy, trung úy Nguyễn Tuấn Hà dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà máy. Anh nói rằng xí nghiệp sản xuất pháo hoa hiện có khoảng gần 300 cán bộ công nhân viên, làm việc trên khu đất rộng khoảng 25 hecta.
Trung tá Đặng Quang Toàn, quản đốc phân xưởng – người gần như gắn bó cả cuộc đời với những mẻ pháo hoa, tâm sự: “năm 1984- 1985, để phục vụ cho lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đơn vị được giao nhiệm vụ khôi phục và lập xưởng chế tạo pháo hoa. Biết đây là một việc rất khó khăn, nhưng anh em đều quyết tâm, vì chúng tôi biết nếu thành công thì đây sẽ là hướng đi cho đơn vị trong thời kỳ mới”.
“Chúng tôi đã sưu tầm các mẫu pháo hoa nhập về, bóc tách, thiết kế và mô tả lại tỉ mỉ từng công đoạn, rồi bắt tay vào chế tạo thuốc nổ, các loại viên nén màu, vỏ pháo… Cuối cùng, những quả pháo đầu tiên đã ra lò, chúng tôi tổ chức bắn thử ngay tại nhà máy. Thất bại cũng nhiều, có nhiều quả không nổ, hoặc có nổ thì ở tầm rất thấp, nhưng cũng có nhiều quả đã cho kết quả khả quan…
Trên những quả pháo hoa đầu tiên đó còn ghi cả tên những ca trực, những đồng chí tham gia làm. Nhà máy được Tổng Cục Công nghiệp khen thưởng ghi nhận và chính thức trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất đến nay sản xuất pháo hoa”.
Những năm 1990 trước nhu cầu các tỉnh thành trên cả nước đều tổ chức bắn pháo hoa những ngày lễ lớn, nhà máy đã cử cán bộ sang Nhật Bản học hỏi, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu pháo hoa trong nước và đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Úc, được bạn hàng đánh giá rất cao.
“Chúng tôi đang hoàn thiện nhiều loại sản phẩm để phục vụ cuộc sống như pháo hoa sinh nhật, pháo hoa cho những lễ hội. Nhà máy đang nghiên cứu để hoàn thiện dây chuyền sản xuất – bắn pháo hoa tự động tiên tiến trên nền nhạc đang được một số nước phát triển ứng dụng” – anh Toàn chia sẻ.
Theo soha
Những màn pháo hoa trong đêm giao thừa
Hàng nghìn người dân chen chân ngắm pháo hoa ở bờ hồ Hoàn Kiếm trong thời khắc giao thừa. Từng chùm pháo đủ màu sắc nở bung trong tiếng vỗ tay, reo hò chúc mừng năm mới.
Gần đến thời khắc chuyển giao năm mới, hàng nghìn người dân thủ đô đã tập trung về bờ Hồ Hoàn Kiếm để xem bắn pháo hoa. Các con phố ven hồ không còn chỗ trống.
12h, chùm pháo hoa đầu tiên được bắn lên.
Pháo hoa với đủ loại màu sắc được bắn phía trên mặt hồ, cùng với ánh sáng phía dưới tạo nên một không gian lung linh tuyệt đẹp.
Ở hồ Gươm, pháo hoa được bắn tại hai điểm trước báo Hà Nội mới và trước Bưu điện Hà Nội.
Màn bắn pháo hoa kéo dài 15 phút, giúp người xem mãn nhãn.
Để xem được những chùm pháo hoa này, nhiều người đã phải đặt chỗ ở các quán cà phê có vị trí đẹp với giá khoảng 300.000 đồng.
Nhiều em bé cũng háo hức khi lần đầu tiên được xem pháo hoa.
Theo VNE
Sài Gòn đông nghịt người chờ xem bắn pháo hoa Các con đường đổ về trung tâm trong đêm giao thừa chật kín người chen chân, nhiều người ngồi chờ bắn pháo hoa hàng tiếng đồng hồ. Phần lớn người có mặt trên các cung đường chờ thời khắc giao thừa là giới trẻ. Năm nay, ngoài đường hoa còn nhiều hoạt động văn hóa như triển lãm ảnh, ca nhạc, đường sách...