Vào kho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Do bị người tiêu dùng quay lưng với hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhiều sản phẩm chuyển sang “phù phép” thành hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng.
Với lợi thế giá rẻ cùng mác hàng Việt, những sản phẩm kém chất lượng này đang len lỏi khắp nơi.
Tem nhãn chổi lau nhà hiệu Vạn Gia bán cùng thùng hàng đóng sẵn tại kho hàng trên đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh (trái). Sản phẩm sau đó được dán nhãn (giữa) và bày bán tại Hội chợ nông nghiệp quốc tế 2012 tổ chức giữa tháng 11/2012 (phải)- Ảnh: L.Sơn – Q.Định
PV Tuổi Trẻ đã thâm nhập kho hàng chuyên nhập từ Trung Quốc, sau đó chuyển đổi xuất xứ hàng hóa và phân phối đi khắp nơi tại TP.HCM.
“Phù phép” nhãn mác!
Trong vai người mua hàng số lượng lớn để bán tại các hội chợ, chợ truyền thống ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây, chúng tôi được giới thiệu đến kho hàng của bà Mai nằm trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) để đặt hàng. Với diện tích khoảng 300m2, hàng hóa được đóng gọn ghẽ thành những thùng lớn chất cao vút. Có khoảng 20 chủng loại sản phẩm được tập kết tại đây với nguyên đai nguyên kiện từ Trung Quốc chuyển về. Chủ yếu là các sản phẩm gia dụng như: chổi lau nhà, đèn sạc, dụng cụ nhà bếp (dao, đá mài, máy xay…).
Ngoài 30 tuổi nhưng với kinh nghiệm gần năm năm chuyên phân phối sỉ hàng Trung Quốc, bà Mai cùng chồng (người Trung Quốc) được xem là nơi cung cấp hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt lớn nhất hiện nay. Hàng được phân phối rộng khắp từ các tỉnh miền Trung trở vào phía Nam. “Hàng của chúng tôi tất cả đều nhập từ Trung Quốc. Các sản phẩm như chổi lau nhà, máy matxa, đèn sạc, dao… chúng tôi “bao” nhãn mác, thương hiệu Việt. Còn nếu các anh muốn dán thương hiệu Việt khác thì tùy!
Tuy nhiên, nếu dán thương hiệu của các anh cũng không cạnh tranh được thương hiệu của chúng tôi đang làm đâu. Chổi lau nhà Vạn Gia, máy matxa Đất Vàng VN, kiềng tiết kiệm gas Đại Bảo, dao thép Thái Nguyên đã có “uy tín” gần hai năm rồi!” – bà Mai tự tin quảng bá.
Tại kho hàng của bà Mai, người mua sau khi xem hàng mẫu nếu đồng ý sẽ phải mua nguyên thùng với số lượng lớn vì bà này chỉ bỏ sỉ. Để chuyển đổi sang hàng Việt, cách thông thường khi khách mua bao nhiêu, bà Mai sẽ cung ứng lượng tem nhãn tương ứng để khách chủ động dán. Đặc biệt, có những sản phẩm như kiềng tiết kiệm gas Đại Bảo, dao thép Thái Nguyên được in sẵn thông tin bằng tiếng Việt trên sản phẩm hoặc bao bì đựng sản phẩm tại Trung Quốc. Những sản phẩm khác như chổi lau nhà, đèn sạc được nhập về theo dạng “không tên tuổi” để khi chuyển đổi sang hàng Việt chỉ cần dán nhãn được bà Mai in sẵn tại VN.
Video đang HOT
Những tem nhãn, hộp đựng sản phẩm đều được ghi bằng tiếng Việt với các thông tin rất thô sơ, vi phạm quy định thông tin tem nhãn như: nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, địa chỉ đơn vị sản xuất, nhập khẩu… Những thương hiệu mang tên gọi rất “kêu” như Vạn Gia, Đại Bảo, dao thép đều không ghi đầy đủ thông tin công ty, mập mờ nguồn gốc xuất xứ.
Bán chạy như tôm tươi
Ngày 21/11, theo chân anh T., người chuyên mua hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để bán lẻ tại các chợ ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), chúng tôi tiếp tục tiếp cận kho hàng của bà Mai. Tuy nhiên, khác với những lần trước, không khí mua bán khá nhộn nhịp tại kho hàng. Điện thoại bà Mai đổ chuông dồn dập từ khắp các tỉnh gọi về đặt hàng tới tấp. Trong khi đó, hai nhân viên tại kho chạy không kịp thở để chở hàng ra bến xe giao cho khách.
Chỉ chưa đầy một giờ, chúng tôi chứng kiến hơn 20 thùng hàng gồm các loại chổi lau nhà, kiềng tiết kiệm gas (30-50 sản phẩm/thùng) được hối hả đưa đi giao về các tỉnh. Những thỏa thuận mua bán hầu hết là “giao tiền, nhận hàng” chứ không có bất cứ chứng từ hóa đơn liên quan.
“Giai đoạn này đang vào vụ làm ăn, vài ngày tới tôi phải kéo thêm mấy thằng em ở quê lên phụ giúp. Tôi có hai xe tải nhưng chỉ ưu tiên phục vụ khách mua hàng số lượng lớn đi các tỉnh ở xa như miền Trung, Tây nguyên, miền Tây. Còn các tỉnh gần như Bình Dương, Đồng Nai… tôi cho mấy đứa chở ra khu vực bến xe miền Đông (Q.Bình Thạnh), bến xe Ngã Tư Ga (Q.12) sau đó khách sẽ tự túc phương tiện vận chuyển” – bà Mai cho hay. Trung bình khoảng một tháng sẽ có chuyến hàng được “đánh” từ Trung Quốc về kho.
Tuy nhiên theo bà Mai, trong thời điểm “mùa vụ” này để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của khách dịp tết, đặc biệt cho hàng loạt hội chợ nở rộ khắp các tỉnh dịp cuối năm, bà Mai nhập hàng thường xuyên 2, 3 lần/tháng tùy theo mặt hàng.
Theo quan sát của chúng tôi, trong kho hàng có cả ngàn tem mác chổi lau nhà hiệu Vạn Gia để thành từng xấp dưới sàn được chia đều và bán kèm theo mỗi thùng hàng. Bên cạnh đó có gần trăm đèn sạc đang được lắp ráp dở dang chuẩn bị đóng hộp nhãn mác tiếng Việt. Trên vỏ hộp làm bằng bìa cactông loại đèn này in hình khá bắt mắt. Tuy nhiên, hoàn toàn không có bất cứ thông tin gì về đơn vị sản xuất cũng như nhập khẩu sản phẩm.
Thổi phồng chất lượng, đội giá
Thực tế trong khoảng hai năm trở lại đây nhiều sản phẩm gia dụng nhập từ Trung Quốc bắt đầu được đầu tư nhãn mác, thương hiệu Việt để qua mặt người tiêu dùng.
Khang, một người chuyên lấy hàng của đầu nậu để bán tại các hội chợ, cho biết khi sản phẩm có tên tiếng Việt, việc bán hàng trở nên rất dễ dàng và tha hồ đội giá. Có những hội chợ kéo dài 5-6 ngày, chỉ riêng sản phẩm dao thép Trung Quốc đội lốt hàng Thái Nguyên bán được 120 triệu đồng, lợi nhuận hơn nửa số đó. Bởi hiện nay, một bộ sản phẩm dao thép dạng này giá mua chỉ 28.000 đồng (gồm ba loại dao lớn nhỏ) nhưng giá bán tại các chợ, hội chợ được đẩy lên gấp gần bốn lần với giá 100.000-110.000 đồng.
Tuy nhiên, thực chất sản phẩm dao chặt được quảng cáo “sản xuất từ loại thép Thái Nguyên lấy trong lòng đất sâu hàng ngàn mét” chỉ sử dụng chưa đầy ba ngày đã gỉ sét nham nhở.
Tương tự, với các sản phẩm chổi lau nhà mua tại kho hàng của đầu nậu có giá khoảng 150.000 đồng nhưng khi gắn mác Việt tên Vạn Gia được bán 280.000-300.000 đồng/cái. Các loại kiềng tiết kiệm gas giá 22.000 đồng cũng được đẩy lên gấp đôi 40.000-50.000 đồng/cái nhờ gắn thương hiệu Đại Bảo và thổi phồng hiệu quả tiết kiệm gas 40% khi sử dụng (thực chất đây chỉ là sản phẩm kiềng để che chắn gió). Các sản phẩm máy matxa, đèn sạc… cũng được bán với giá gấp đôi, gấp ba khi có thương hiệu Việt.
Nhộn nhịp “đánh hàng” Trung Quốc qua mạng
Hiện nay, theo các thương lái, việc đánh hàng Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thời gian này các trang mạng chuyên nhận đánh hàng Trung Quốc như muahangchina, layhang.com, taobao.com… tấp nập người giao dịch, đặt hàng. Tại đây, toàn bộ thông tin về việc đánh hàng như sản phẩm hàng hóa, phương thức vận chuyển, giá thành… đều được cung cấp đầy đủ, chi tiết.
Chủ trang web layhang.com cam kết hàng được đặt trực tiếp từ các shop, xưởng của Trung Quốc không cần qua trung gian với giá thấp nhất. Khách hàng muốn mua sản phẩm loại nào cũng có, từ quần áo, giày dép, hàng nội thất, gia dụng từ bình dân đến cao cấp. Đối với những khách có nhu cầu qua trực tiếp lấy hàng sẽ được bố trí trọn “tour” như phương tiện đi lại, ăn ở tại Trung Quốc, người phiên dịch, dịch vụ chuyển hàng…
Theo Dantri
"Phù phép" quần áo Trung Quốc thành Made in Viet Nam
Không ít loại áo gia công chất lượng kém, áo Trung Quốc được "phù phép" thành hàng "made in Vietnam" thông qua việc gắn những chiếc "mác".
Hàng Việt "nhái" đắt khách
Dọc các con phố Hàng Đậu, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Bạch Mai, Ngọc Lâm, Hai Bà Trưng... đều xuất hiện hàng loạt các cửa hàng treo biển "made in Vietnam", bày bán hàng quần áo Việt Nam xuất khẩu. Đang là thời điểm giao mùa Thu - Đông nên các chủ cửa hàng đã trưng bày nhiều mẫu mã áo sơmi dài tay, áo len, áo khoác phao cho người lớn và quần áo trẻ con ...
So với áo Trung Quốc thì quần áo "made in Vietnam" có giá cao hơn hẳn, một chiếc áo khoác len thường có giá từ 200.000 - 300.000 đồng, áo phao từ 500.000 - 800.000 đồng, áo sơmi dài tay dao động từ 150.000 - 250.000 đồng, những chiếc quần đông xuân, bộ dài tay của trẻ con cũng được bày bán với giá từ 70.000 - 150.000 đồng...
Rất dễ dàng có thể mua các loại nhãn mác Made in Việt Nam gán vào quần áo
Tuy nhiên, người tiêu dùng lại có xu hướng chuộng đồ Việt Nam hơn do tính bền, đẹp về chất lượng. Đặc biệt là những chiếc áo len, váy len, áo khoác phao có chất liệu tốt hơn hàng gia công Trung Quốc. Nhiều chiếc váy len công sở kiểu dáng lịch sự được gắn mác Zara, Mango, H&M, F21 nhưng lại chỉ có giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/chiếc, rẻ hơn hẳn hàng hiệu "xịn" bày bán trong các trung tâm thương mại như Parkson, Vincom.
Chủ một cửa hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu trên phố Chùa Bộc cho biết, những mẫu quần áo này là hàng "xịn" của Zara, Mango được sản xuất tại Việt Nam nhưng được bán rẻ hơn từ một nửa cho đến một phần ba so với giá trên website của hàng xuất sang "bển"... Nguyên nhân là do đây là mặt hàng bị lỗi, do công nhân "tuồn" ra, các chủ cửa hàng có "mối" nên mới lấy về được.
Thử so sánh những chiếc áo "xịn" hàng "made in Vietnam" với những chiếc váy cao cấp của các hãng Mango, Zara, F21, H&M thì đều khá giống nhau. Hàng "xịn" vừa ra mẫu mã nào thì ở các cửa hàng "made in Vietnam" đều cập nhật hết các mẫu "hot". Tuy nhiên, có nhiều chiếc lại được thiết kế khá lạ mà bới trên trang website chính hãng "đỏ mắt" cũng không thấy. Có chiếc thì thiết kế theo kiểu phần trên "copy" Mango, phần dưới lại giống một mẫu váy khác của H&M. Không hiểu là hàng "độc" bị lỗi hay do công nhân các xưởng may của hãng tự "chế" ra ?
Hành trình của những chiếc mác "xịn"
Thực tế, hàng "Made in Vietnam" của các hãng thời trang có tiếng như Zara, Mango, F21, H&M là các loại quần áo đẹp, cao cấp do nước ngoài đặt và Việt Nam sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu. Có nhiều hãng khác nhau tham gia sản xuất mặt hàng này như Công ty may Việt Tiến, Thăng Long, Việt Brothers, chứ không phải của riêng một đơn vị nào đứng ra đăng kí thương hiệu độc quyền. Những mặt hàng lỗi mốt hoặc sai sót về kỹ thuật được trả về hoặc tồn đọng lại mới được xuất bán ở thị trường Việt Nam.
Với qui trình sản xuất nghiêm ngặt của nước ngoài thì không dễ gì để "tuồn" hàng lỗi hay hàng may hỏng ra ngoài bán phá giá tràn lan trên thị trường như vậy. Số lượng các loại hàng "xịn" được bày bán ngoài thị trường còn nhiều hơn hàng hiệu tại showroom chính hãng và các trung tâm thương mại cao cấp. Liệu một dây chuyền sản xuất cao cấp lại có thể tạo ra nhiều hàng may lỗi đến vậy ?
Chị Hoàng Linh (Hàng Bông, Hà Nội) cho biết, chị đã mua một chiếc áo khoác len giá 250.000 đồng tại một cửa hàng bán đồ Việt Nam xuất khẩu trên phố Hàng Điếu. Người bán giải thích đây là hàng Zara lỗi nên chủ sản xuất đã cắt mác mới "thải" ra thị trường, chiếc mác trên áo khoác len đúng là bị cắt nham nhở chữ Zara và "Made in". Thế nhưng, vài hôm sau, chị lại thấy một chiếc áo len y hệt từ chất liệu, kiểu dáng trong một cửa hàng ở chợ Ngã Tư Sở. Chiếc áo này lại có mác Zara nhưng "Made in China" và có giá bán rẻ hơn một nửa.
Áo len bị cắt mác nham nhở phần "made in"
"Mấy năm nay tôi toàn mua quần áo cho cả nhà với mấy đứa trẻ ở các cửa hàng Made in Vietnam vì tin tưởng chất liệu tốt và an toàn hơn hàng Trung Quốc. Nhưng bây giờ ngày càng có nhiều cửa hàng lợi dụng tâm lí khách hàng trà trộn hàng gia công Trung Quốc, cắt và thay nhãn mác. Cứ thế này, muốn "yêu" hàng Việt, dùng hàng Việt cũng khó khăn lắm", chị Linh than thở.
Để có câu trả lời về quá trình "phù phép" quần áo gia công thành "made in Việt Nam", phóng viên Chất lượng Việt Nam đã tìm đến các cửa hàng in nhãn mác tại Hàng Bồ và các cơ sở chuyên sản xuất nhãn mác quảng cáo trên mạng. Trong vai một khách hàng muốn tìm "mối" mua buôn hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu, PV đã được một chủ cửa hàng trên phố Hàng Bồ "bật mí", thực tế hàng Việt Nam xuất khẩu lỗi chủ yếu được đặt hàng từ các khu may gia công ở Cổ Nhuế, Việt Hưng, Ninh Hiệp hoặc đặt tại các xưởng may gia công của Trung Quốc ...
Người bán chỉ việc đặt các mác, tag có logo Zara, Bebe, Mango, F21, H&M đem về khâu, đính lên quần áo là có hàng "made in Vietnam". Các loại nhãn mác này thường được bán với giá 400 - 500 đồng/chiếc. Tuy nhiên, những chiếc mác giấy này thường được cách điệu đi, khác một chút so với các nhãn, mác "xịn" nổi tiếng ngoài thị trường.
Nhiều chủ cơ sở sản xuất nhãn mác tại Hà Đông, Cổ Nhuế cũng nhận đơn đặt hàng từ 200 chiếc trở lên với giá chỉ từ 40.000 - 50.000 đồng/200 chiếc mác. Nếu muốn đặt in mác theo bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, khách hàng chỉ cần đưa mẫu nhãn, mác đó đến cửa hàng, nhìn vào chất liệu giấy, chủ tiệm sẽ báo giá sau. Chỉ khoảng 5 - 7 ngày là có thể hoàn toàn vài trăm chiếc mác các kiểu giống y như thật.
Nhiều cửa hàng bán quần áo xuất khẩu, "Made in Vietnam" đều bị trà trộn rất nhiều mặt hàng gia công trong nước và hàng Trung Quốc rẻ tiền. Khách hàng phải mua theo cảm tính, sờ chất vải tốt, mẫu mã đẹp, chứ chỉ nhìn vào mác, tag thì khó lòng biết được đấy có phải là hàng cao cấp xuất khẩu của các hãng thời trang "xịn" trên thế giới hay không?
Theo Dantri
Chất vấn tại Quốc hội: Vì sao hàng giả, độc hại tràn lan? Các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương ngày 12.11, đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu, đều là "không mới" như điều hành xăng dầu, buôn lậu, tồn kho sản phẩm lớn... Dù trả lời khá chi tiết, nhưng Bộ trưởng vẫn chưa thuyết phục được người hỏi. Dẫn...