Vào đại học như ước nguyện của ba, Bé Mi cũng chưa biết mai sẽ ra sao
Tin vui đậu Đại học Sài Gòn đến cũng là lúc cô học trò nhỏ ở quận Bình Tân, TP.HCM vừa mồ côi cha vì COVID-19. Bé Mi bật khóc khi nhắc nhớ tâm nguyện ba: ‘Ba mong con vào đại học lắm, nhưng ngày mai chưa biết ra sao’.
Video: HỮU HẠNH – LÊ VÂN – HUỲNH VY
Ngày Nguyễn Thị Bé Mi nhận kết quả đậu Đại học Sài Gòn, cô chỉ có thể ngồi bên hũ tro cốt của ba và thầm nói: “Ba ơi, con đậu đại học rồi!”.
Cả hẻm trọ ai nấy đều vui giùm Bé Mi, tự hào, và thương cô bé mới mồ côi cha, vì hẻm lao động nghèo suốt mười mấy năm nay mới có “sắp nhỏ vào đại học”.
12 năm nương bóng cha đến trường
Gia đình Bé Mi từ Đồng Tháp lên Sài Gòn sinh sống từ khi cô mới 3 tuổi. Ở một phòng trọ mà cả trệt lẫn gác xép chỉ vỏn vẹn chừng 20m2 trên đường Bùi Tư Toàn, quận Bình Tân, TP.HCM, gia đình Bé Mi đã từng bình yên với hạnh phúc đơn sơ khi ba mẹ con cái quây quần, dù mưu sinh khó nhọc nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.
Cơn lốc COVID-19 ập đến. 12 năm trọ học cùng cha mẹ ở Sài Gòn, Bé Mi luôn nương nhờ bóng dáng người cha hiền lành, tảo tần để được đến trường.
Thuở bé, Bé Mi đã bị bướu máu ở tay phải, di chứng sau đó là tay trái bị yếu hẳn, không vận động mạnh hay mang đồ nặng được. “Ba gắng mua góp tặng mình chiếc điện thoại thông minh, còn ba chỉ xài cái rẻ tiền vài trăm ngàn. Ba nói con gái cần để còn tra cứu mạng mà học tiếng Anh”, Bé Mi kể về món quà ba tặng cho con gái từ năm cô vào lớp 10.
Thương con, lo cho tương lai cô con gái yếu ớt, ông Nguyễn Văn An, 53 tuổi, vì vậy dù ngược xuôi đi làm thuê cũng luôn dành thời gian đưa đón con gái đi học mỗi ngày.
“Có những hôm mưa to, mình thấy ba vội vã chạy đầu trần đến cổng trường không kịp khoác áo mưa. Ba sợ mình đợi lâu rồi lo lắng nên cứ thế đi dưới mưa mà đến đón”, Bé Mi kể lại.
Gia đình từ nay vắng bóng người cha – Ảnh: LÊ VÂN
Bóng dáng người cha hay lam hay làm từ nghề phụ hồ, khoan cắt bêtông rồi vừa chạy ba gác thuê, vừa đi giao từng thùng nước uống hằng ngày chạy cơm cho gia đình đã trở thành động lực lớn lao với Bé Mi.
12 năm liên tục Bé Mi đều là học sinh giỏi dù không hề đi học thêm vì hoàn cảnh khó khăn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua, Bé Mi có điểm bình quân trên 8,0 điểm/môn. Cô cũng đậu vào Trường đại học Sài Gòn ngành tài chính ngân hàng với số điểm 24 khối D.
Bà Lê Kim Phượng, 43 tuổi, mẹ của Bé Mi tâm sự: “Có ngờ đâu cũng 16 năm rồi chúng tôi bấu víu ở Sài Gòn này, con bé hôm nay đã thực hiện được tâm nguyện suốt đời của ba nó là vào đại học”.
Cả hẻm trọ bị phong tỏa vì nhà nào cũng có F0, nhưng rồi lần lượt họ đều may mắn vượt qua những ngày tồi tệ. Ba của Bé Mi chưa từng nghĩ mình sẽ không vượt qua được COVID-19 bởi ông vốn khỏe mạnh. Nhưng chỉ 5 ngày sau khi mắc COVID-19, ba của Bé Mi qua đời vào một đêm cuối tháng 8. Ba mẹ con côi cút ở lại, quạnh quẽ trong phòng trọ vốn từng đầy ắp kỷ niệm với người chồng, người cha thân thương.
Cũng đã ba tháng qua, bà Phượng thất nghiệp vì công ty may mặc nơi bà làm công nhân phải đóng cửa.
Kế hoạch sau COVID-19 của gia đình Bé Mi
Vốn nhút nhát và ít nói – “vì mình giống ba”, Bé Mi chia sẻ về dự định sắp tới khi đi học đại học: “Năm nay dịch nên trường mình chỉ thu học phí 1 học kỳ, mình định sau khi nhập học sẽ xin đi làm thêm ở các cửa hàng tiện lợi ngoài giờ học. Nghe bạn mình nói cũng mười mấy ngàn mỗi giờ làm. Mình cũng đang ráng học chạy xe máy để có thể vừa đi học vừa đi làm. Nhưng vì tay trái yếu nên chưa biết thế nào”.
Bà Phượng chia sẻ, sau giãn cách, ba mẹ con sẽ đưa tro cốt ông An về Đồng Tháp chôn cất.
Trong căn phòng trọ chật chội, bé gái 8 tuổi, em của Bé Mi, bần thần ngồi nhìn mẹ và chị xếp đồ cho ba. Này là chiếc thắt lưng ba yêu thích, ba luôn mang theo mỗi khi đi ra đường. Này là tấm áo sơmi trắng ba mặc gần chục năm vẫn sáng bóng… “Tính ba chỉn chu lắm nên đồ đạc của ba lúc nào cũng mới, ba tiết kiệm nên gần chục năm nay mình không thấy ba mua đồ mới cho bản thân bao giờ”, Bé Mi thổ lộ.
Ba mẹ con Bé Mi dọn dẹp lại những thùng nước trước kia ba cô hay đi giao cho khách – Ảnh: LÊ VÂN
Sau giãn cách, gia đình Bé Mi cũng sẽ trả lại phòng trọ này để về ở góp với nhà bà ngoại. Nhà ngoại Bé Mi cũng thuê trọ tại TP.HCM. Bà Phượng chia sẻ: “Ba mẹ con về đó cho đỡ tốn gần 2 triệu đồng tiền trọ mỗi tháng. Về góp với ngoại chút đỉnh rồi tìm đường xoay xở còn lo cho hai đứa nhỏ đi học”.
Bà Phượng cũng bối rối lắm khi nói về dự định của mình trong tương lai. “Thì tới đâu hay tới đó thôi” – như cách mà xưa giờ những người lao động nhập cư ở Sài Gòn vẫn nương sống ở thành phố hoa lệ bậc nhất cả nước này.
Sau khi chồng mất, bà Phượng gom góp được hơn 3 triệu đồng để chuẩn bị cho con nhập học. Còn may là nhà ngoại Bé Mi vẫn mang cho chút đồ ăn. Cô giáo chủ nhiệm lớp Bé Mi cũng thường gửi đồ ăn qua cho gia đình. Phía trước căn phòng trọ của gia đình Bé Mi là những thùng nước khoáng treo kín mái hiên – những thùng nước còn chưa kịp đổi trả cho khách mà ba Bé Mi để lại.
Bà Phượng tạm thời ngưng việc đi đưa nước vì còn lo cho sắp nhỏ đi học, rồi phải đi làm khi hết giãn cách. Bản thân bà cũng phát hiện bị suy thận mấy tháng nay, cần chữa gấp mà chưa có tiền nên đành ở nhà uống thuốc qua loa khi bệnh phát. Lại thêm bệnh nền cao huyết áp mãn tính nên bà cũng không làm việc nặng được. Trước còn nương nhờ chồng, nay mình bà một vai hai gánh lo cho con thơ nên càng không dám đi khám bệnh.
TP.HCM trao tiền hỗ trợ đến 7 triệu người
Ngay trong chiều tối 30-9, tổ chi hỗ trợ của phường 9, quận Phú Nhuận bắt đầu trao những suất đầu tiên đến người dân.
Người dân phường 12, quận 3 nhận hỗ trợ đợt 3 chiều 30-9 - Ảnh: VŨ THỦY
Hỗ trợ tận nhà
"Đợt 3 này phường có 8.227 người nhận hỗ trợ. Mỗi suất hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Đội chi của phường gồm 60 thành viên chia thành 25 tổ, sẽ tổ chức đi cả buổi tối để cố gắng chi xong trước 3-10" - bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, bí thư Đảng ủy phường 9, cho biết.
Phần lớn người nhận hỗ trợ trong ngày đầu tiên là thành viên của các hộ gia đình khó khăn có đông người và đã mất thu nhập do dịch bệnh. Trong đó có hộ gồm 6 gia đình là anh em với khoảng 20 nhân khẩu và có số người nhận hỗ trợ khoảng 15 người.
Phường 12, quận 3 cũng là một trong những địa phương bắt đầu công tác chi trả rất sớm. Ông Trần Hữu Tài - chủ tịch UBND phường 12, quận 3 - cho biết phường đã bắt đầu chi hỗ trợ ngay trong chiều 29-9. Một đoàn hỗ trợ của phường gồm 3 thành viên mang theo danh sách in sẵn tìm đến từng khu, tổ để chi hỗ trợ đến tay người dân.
Trao tiền hỗ trợ đợt 3 cho người lao động nghèo thất nghiệp tại phường 12, quận 3, TP.HCM chiều 30-9 - Ảnh: TỰ TRUNG
Giám sát qua app
Tại buổi livestream chương trình Dân hỏi - TP trả lời tối 30-9, ông Võ Văn Hoan - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết có khoảng 7 triệu người được nhận hỗ trợ gói 3 (gấp 3,5 lần gói 2). "Với khối lượng lớn như vậy thì để đúng đối tượng, không bỏ sót, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú... cần phải làm sao cho trọn vẹn.
Lần này làm rất kỹ. Toàn bộ danh sách đã được rà soát kỹ, gạn lọc danh sách những người đã được hưởng lương. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát cụ thể ở từng khu phố, thành lập những nhóm đi rà soát, thành lập hội đồng xét duyệt của cơ sở, của quận, huyện, phường xã, thị trấn. Khi các đơn vị này làm xong thì đã chuyển lên hệ thống quản lý an sinh để tiến hành chi trả" - ông Hoan nêu cụ thể.
Về việc chi trả qua app, ông Hoan cho biết mục đích là để từng người dân thuộc diện này có thể trực tiếp điều chỉnh chính xác tất cả thông tin của mình.
"Tuy nhiên còn rất nhiều khâu kỹ thuật mà nếu chúng ta không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc hệ thống, danh sách bị thay đổi nhiều. Do đó hiện nay việc cập nhật thông tin lên app do cán bộ trực tiếp làm, người dân không phải cài app. Đến giờ này 22 quận huyện đã kịp đưa danh sách lên hệ thống, một số phường hiện nay còn dở dang nhưng duyệt được bao nhiêu thì đưa lên bấy nhiêu" - ông Hoan chia sẻ.
Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP, cho biết người được hỗ trợ đợt 3 không chỉ có những người đăng ký cư trú ở TP.
"Hiện nay có khoảng 600.000 người cư trú ở các tỉnh thành khác đang mắc kẹt ở TP.HCM do ảnh hưởng của dịch. TP cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều trường hợp khó khăn thuộc diện lưu trú tạm thời này" - ông Tấn cho biết thêm.
Chính sách nào, đối tượng đó
Về phản ảnh người dân gặp khó khăn nhưng không nhận được tiền hỗ trợ dù đã được lập danh sách, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng chính sách nào thì có đối tượng đó. Khi TP giải quyết xong chính sách đợt 1 thì vẫn còn giãn cách, số người gặp khó khăn sau đó thì không kịp đưa vào chính sách đầu. Do đó, TP phải hỗ trợ đợt thứ 2, thứ 3.
Vừa đậu đại học thì mất mẹ, nam sinh chơi vơi trước ngưỡng cửa vào đời Chưa kịp vui mừng vì nhận được thông báo thi đậu vào Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, một nam sinh phải chịu cú sốc lớn khi hay tin mẹ mất vì Covid-19 trong cùng một ngày 16.9. Duy Quang bên góc học tập - NVCC Sau bao năm đèn sách, nam sinh Nguyễn Duy Quang (18 tuổi) thi đậu vào ngành kỹ...